Nghiên cứu lý luận

Vài nét về nhà mồ cổ của người Gia Rai

16 Tháng Ba 2011

Tham luận Hội thảo Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

Trần Thị Nguyệt Đán

Khoa GDĐC

1.      Người Gia-rai và lễ bỏ mả.

Dân tộc Gia-rai có hơn 24 vạn người, cư trú tập trung ở tỉnh Gia Lai, một bộ phận ở tỉnh Kon Tum và phía Bắc tỉnh Đắc Lắc. Người Gia-rai có tên gọi Giơ-rai và gồm các nhóm địa phương: Tơ-buăn, Mthur, Hdrung, Chor, A ráp. Người Gia-rai có tiếng nói gần gũi với tiếng Ê-đê, Chăm, Raglai, Chu-ru, thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo.

Không chỉ người Gia-rai mà còn cả người Ê đê, Bahnar và nhiều tộc người thiểu số khác ở Trường Sơn, Tây Nguyên, làm nhà mồ có nghĩa là tổ chức lễ hội bỏ mả (hay bỏ ma). Do đó, không phải ngẫu nhiên lễ hội bỏ mả lại là lễ hội lớn nhất, tưng bừng nhất, vui nhất, mang tính văn hóa nhất và cũng mang tính cộng đồng nhất của đồng bào Tây Nguyên. Nhà mồ, tượng mồ - những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo của Tây Nguyên được ra đời vào dịp lễ hội thường niên này.

Người Gia-rai rất coi trọng những người đã khuất, vì thế khi những người thân trong gia đình hay họ tộc mất đi họ làm những ngôi nhà mồ rất cầu kỳ và hoành tráng để thờ cúng. Theo thời gian, nhà mồ của người Gia-rai có nhiều thay đổi nhưng những ngôi nhà mồ cổ còn lại vẫn được coi là mẫu mực trong kiến trúc văn hóa của người Gia-rai. Ngôi nhà mồ cổ của người Gia-rai ở Bảo tàng Dân tộc học là một minh chứng.

Người Tây Nguyên nói chung và người Gia-rai nói riêng quan niệm: chết nghĩa là bắt đầu một cuộc sống mới ở một thế giới khác – thế giới bên kia, thế giới của hồn ma. Bởi vậy, khi người chết ra đi là ra đi vĩnh viễn, là để sống một cuộc sống khác.

 

Lễ bỏ mả của người Gia-rai (ST)

 

Ngôi nhà mồ, những pho tượng mồ làm ra là để phục vụ cho lễ bỏ mả, để đưa tiễn người chết sang thế giới bên kia xa xăm hay chia tay, hay cuộc vui cuối cùng giữa người sống và người chết, hay giữa người ra đi và người ở lại. Bởi vậy, khi sống cuộc đời ra sao thì sau khi chết đi, con người chỉ đi xa nhưng cuộc sống cũng không khác gì thế giới trần tục. Họ có kiếp sống của sinh thành, giao hoan, có giải trí… Vì vậy, hôm làm lễ bỏ mả, người sống không chỉ làm nghi thức sinh thành cho người chết mà còn chia một phần của cải cho người chết mang đi.

2.      Giá trị nghệ thuật nhà mồ cổ của người Gia-rai.

Nhà mồ của người Gia-rai thường có nhiều hoa văn trang trí trên mái và có nhiều hình tượng. Nhà mồ được dựng theo kết cấu, hai mái lớn (hai mái chính) hình thang cân, hai mái nhỏ (hai chái) ở hai đầu hồi đều hình tam giác cân, vách được ghép kín bằng những thân cây gỗ dựng sát vào nhau, có hai cửa nhỏ mở về hướng đông. Thường thì nhà mồ có tám cột gỗ đỡ bộ mái, tạo thành hai hàng cột theo chiều dọc nền nhà.

Kết cấu mái nhà mồ khá đơn giản, gồm một hệ thống các xà đơn và xà ngang, trên đó lợp bằng những tấm gỗ ván dày khoảng 3 cm, cạnh bên có đẽo gờ để lấp chồng khít với nhau. Trên hai mái chính đều lợp một tấm đan bằng nan tre lồ ô với nhiều hoa văn trang trí. Hoa văn trên mái nhà mồ được trang trí công phu thường vẽ theo lối dân gian, thường là hình cây “rau dớn, “cây đót”, “hoa bát canh”, ‘hoa hạt đa”, “hoa sao”, “hoa chàm”… đặc sắc nhất và nổi bật nhất là”hoa cây đoái”.

Chiếm vị trí trung tâm ở mỗi mái là hình 5 thân cây có cành lá hoa quả và có những con chim bay lượn phía trên; dưới gốc cây có người dùng nỏ bắn chim, phụ nữ đeo gùi, những người uống rượu cần… Trên mái nhà mồ, ngoài các đồ án hoa văn vẽ, cũng có mô típ hoa văn hình quả trám được tạo bởi kỹ thuật đan nam, tất cả như tạo thành một bức tranh lớn, đẹp và hấp dẫn.

Như vậy, mái nhà lợp gỗ ván và được phủ bởi một lớp phiên nan tre lồ ô, trên đó trang trí nhiều hình vẽ bằng phẩm màu tự chế tác theo lối cổ truyền. Những hoa văn và hình tạc trên nóc nhà chủ yếu mô tả cảnh sinh hoạt trong dịp lễ bỏ mả.

Điều quan trọng và đặc sắc nhất của nhà mồ Gia-rai còn là hình ảnh ở các tượng gỗ. Thường quanh mỗi nhà mồ là 27 tượng gỗ nhô lên nối tiếp liền với những cột chính để liên kết với hàng trăm khúc gỗ tròn nhỏ dựng thành hàng rào. Tính cả hàng rào bao quanh, ngôi nhà mồ có diện tích khoảng 45 m2. So với nhà mồ của các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên thì nhà mồ của người Gia-rai là to hơn cả. Người Gia-rai có tục chôn chung, những người thân trong gia đình có thể lần lượt được chôn chung vào một quan tài. Trong cùng một mộ lại có thể có nhiều quan tài của những người họ tộc thân thuộc với nhau.

 

Nhà mồ người Giarai (ST)

 

Mặt tượng ở dạng cổ truyền có đặc điểm là dẹt, phẳng; mắt, miệng, mũi, tay… đều được thể hiện một cách đơn giản. Nhưng ngôi tượng này được làm với rất nhiều hình dáng khác nhau (như: Tượng người ôm mặt). Thường thì nhà mồ có 5 tượng loại này, trong đó 4 tượng dựng ở 4 góc bờ rào, còn một tượng dựng ở chính giữa hàng rào phía đông. Có rất nhiều quan niệm về những tượng gỗ này, có quan niệm cho rằng: xưa kia những người giàu chết thường chôn theo các nô lệ để hầu hạ dưới cõi âm. Vì vậy, bây giờ khi xây nhà mồ họ làm những tượng gỗ với ý nghĩa là kẻ phục vụ, hầu hạ người chết. Lại có quan niệm cho rằng, người Gia-rai có tục bỏ mả, trong ngày tang ma phải mang cơm với thức ăn đồ uống ra mộ để “nuôi” người chết. Mỗi lần như vậy, họ ngồi khóc lóc và kể tâm tình với người chết. Họ ngồi xổm trên mộ, hai tay chống lên đầu gối, bàn tay ôm má. Thời gian tang chế kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm, vì vậy hình tượng gỗ ôm mặt gợi lại cảnh thân nhân của người dưới mộ hằng ngày vẫn đến thăm nuôi người đã khuất và buồn rầu tưởng nhớ người chết.

Một điều đáng chú ý và khá đặc biệt là những tượng người trai gái đang giao hoan và phụ nữ mang thai. Đó là thế giới sinh thành của con người: có bào thai trong bụng mẹ, có giao phối âm dương, có bụng mang dạ chửa. Con người thuở nguyên sơ được thể hiện khoả thân, minh chứng sức mạnh truyền đời của loài người, với những nét đẽo khô ráp nhưng lại cường điệu những bộ phận cần được phô trương, tạo ấn tượng mạnh mẽ.

Những bức tranh tái hiện cuộc sống sinh động đó đều nhằm phục vụ cho người chết. Người Tây Nguyên nói chung, người Gia-rai nói riêng, quan niệm, những tượng mồ được tạc chỉ với mục đích là làm người hầu cho những người ở thế giới bên kia, được người Gia-rai gọi chung là hlun.

Ngoài ra còn có các tượng mặt dài chỉ bao gồm đầu và khuôn mặt tượng trưng cho hình ảnh của bram (người hoá trang trong nghi thức cuối cùng trong lễ bỏ mả của người Gia rai). Hay tượng những phụ nữ ôm những ống cơm lam, tượng người đánh trống, tượng chim ó, tượng chó cõng khỉ… cũng được người dân sử dụng khi làm nhà mồ.

 

Thanh niên đeo mặt nạ mang hình nộm trong lễ bỏ mả của người Gia-rai (ST)

 

Nghệ nhân đẽo tượng bằng những chiếc rìu cứng cáp. Chỉ trên một khúc gỗ, không phải phác thảo mà ngày này qua ngày khác, những cây gỗ to, xù xì cứ hiện dần lên thành những hình người, hình chim, động vật… với những tư thế, chi tiết rất đa dạng. Tất cả dường như tất cả đã nằm trong đầu nghệ nhân. Những bức tượng đó cũng như hư hư huyền huyền đó như chính cõi “tối tăm” âm thế. Bởi thế mà trong ngôn ngữ của người Gia-rai các tượng mồ được gọi là “Rup” nghĩa là hình tượng, chứ không phải là hình ảnh, hay cũng không gọi là tượng.

Tóm lại, nhà mồ là một công trình nghệ thuật tổng hợp, gồm nghệ thuật điêu khắc, hội hoạ, kiến trúc và trang trí mỹ thuật. Theo phong tục của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, dân tộc Gia-rai nói riêng, nhà mồ, tượng mồ chính là biểu hiện lòng kính trọng, tiếc thương của người còn sống đối với những người đã chết. Đó cũng chính là một phong tục rất đáng được bảo tồn và gìn giữ trong xã hội hiện nay./.