Nghiên cứu lý luận

Vẻ đẹp kỷ hà trên các chân đèn gốm thời Mạc

06 Tháng Tư 2011

Quách Thị Ngọc An

 

Nghệ thuật trong quá khứ có phần chỉ đáp ứng cho thời đại của nó rồi cũng bị lãng quên theo thời gian, có những phần còn giá trị đến hôm nay bởi những bài học về nhân văn và ngôn ngữ nghệ thuật. Nghệ thuật gốm thời Mạc với một phong cách thống nhất từ cấu trúc, họa tiết trang trí đến màu sắc… có rất nhiều gợi ý cho nghệ thuật gốm hiện đại hôm nay.

 

Kinh tế hàng hóa đã tạo nên cho xã hội thời Mạc nhiều hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ cao mà tiêu biểu nhất là đồ gốm. Các làng nghề ra đời cùng với sự phát triển của thương nghiệp là những yếu tố thúc đẩy gốm thời này có một bước ngoặt mới. So với các thế kỷ trước, gốm Mạc có số lượng khá lớn, kỹ thuật chế tác tinh tế và loại hình cũng phong phú. Ngoài gốm phục vụ cho kiến trúc thì gốm gia dụng và gốm thờ phát triển mạnh. Trong đó, chân đèn và lư hương được xem là những hiện vật tiêu biểu.

Trước thời Mạc, thể loại chân đèn thờ tìm thấy thường bằng đồng, đất nung dạng sành, còn nếu bằng gốm thì thường có kích thước nhỏ và số lượng tìm thấy là rất ít. Mãi cho tới niên hiệu Sùng Khang của đời vua Mạc Mậu Hợp (1566-1577), mới thấy xuất hiện những chân đèn gốm hoa lam và đặc biệt, có kích thước rất lớn. Giai đoạn này được xem như thời điểm bắt đầu cho một sự bùng nổ các loại đồ gốm phục vụ việc thờ cúng và phát triển cực thịnh trong gần 200 năm. Các sản phẩm lư hương, chân đèn gốm trở thành một bộ đồ thờ tạo nên nét riêng biệt cho diện mạo gốm Mạc của quốc gia Đại Việt. Những sản phẩm này không chỉ được biết đến ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu thông qua con đường hàng hải.

Chân đèn gốm khá phong phú về kiểu dáng, được nghệ nhân tạo tác với hầu hết các ngón nghề, kỹ thuật như chuốt, tạo dáng trên bàn xoay. Sản phẩm được thực hiện trên nhiều công đoạn khác nhau, phức tạp và tỉ mỉ. Chẳng hạn, các bộ phận của chân đèn được chia thành nhiều phần khác nhau, lắp ghép lại, sau đó được gia công thêm bằng cách nặn, đúc, đắp nổi, vẽ các dạng hoa văn, hình tượng. Và đặc biệt, trên loại sản phẩm gốm này còn được thể hiện rất nhiều minh văn, đem lại cho chúng một giá trị lịch sử cũng như giá trị phân định về phong cách tạo hình một cách chính xác.

Sau khi được đắp, vẽ và khắc minh văn, các sản phẩm được tráng một lớp men lam đậm, lam xám hoặc xanh rêu trong veo, khiến mắt thường cũng có thể nhìn thấu cốt gốm. Tuy chỉ sử dụng một màu men nhưng các nghệ nhân thời Mạc đã tạo nên sự đa dạng về các sắc độ. Họ lợi dụng được độ đọng của men trên các mức độ chìm nổi khác nhau của bề mặt gốm khiến cho chỉ cùng một màu men xanh mà có những chi tiết khắc chìm mang màu xanh đậm, trong khi phần nền lại có vẻ xanh dịu, còn những phần đắp nổi lại láng bóng và có màu xanh nhạt gần như trắng ngà. Do những sản phẩm gốm này đều có xương gốm dày, màu trắng xám và thô, độ nung vừa phải nên men chảy và chín đều, tạo nên những nét tinh tế về mặt tạo hình. Ngoài ra, các hình trang trí gắn nổi trên phần thân của chân đèn cũng đã nói lên phần nào tính ngẫu hứng của các nghệ nhân đương thời. Các hình rồng, phượng và các hoa văn luôn thay đổi về mặt hình thức bố cục đồng thời thể hiện cảm xúc một cách tinh tế, sinh động. Ngay cả bố cục của các con chữ khắc chìm hoặc đắp nổi cũng mang một ý thức thẩm mỹ cao. Chúng mềm mại, bay bướm, phóng khoáng mà vẫn dễ đọc, đôi khi lại tạo thành một kiểu thức trang trí lấp vào các khoảng trống để nối liền các chi tiết trang trí chính. Chúng cũng được coi như một thứ hoa văn trang trí thiết yếu, biểu hiện trình độ Nho học và nghệ thuật chắc tay.

Sự phức tạp và đa dạng này của gốm thời Mạc có lẽ cũng do điều kiện lịch sử. Các biến động không nhỏ trong lịch sử của một thế kỷ nhà Mạc trị vì và dư âm kéo dài ra cả ở những thế kỷ sau, đã tạo nên những chuyển biến đáng kể cho sự phát triển mỹ thuật và văn hóa dân gian nói chung. Mỹ thuật thời Mạc dường như được tiếp thu từ rất nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau và chịu chi phối bởi nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố thương mại đóng một vai trò không nhỏ trong việc  quyết định sự phát triển của các sản phẩm. Để đáp ứng sự đa dạng của thị trường, gốm Mạc đã được tạo tác với nhiều kiểu dáng mang phong cách vừa điêu luyện, vừa phóng khoáng. Sự phức tạp trong cách thức tạo hình gián tiếp thể hiện tính không thuần nhất của xã hội, khác xa với giai đoạn Lý-Trần trước đó. Tuy nhiên, không phải là sự đột biến, hình thành từ một con số không mà trên các sản phẩm này người ta vẫn nhìn thấy ít nhiều sự kế thừa truyền thống gốm Lý. Chất sang quý cùng đi với chất bình dân, vẻ trang nghiêm đi cùng nét phóng túng khiến mỹ thuật gốm Mạc vô cùng đa dạng.

Nối tiếp cách trang trí dày đặc khắc chìm của các họa tiết hoa văn cầu kỳ thời Lý, trên chân đèn gốm thời Mạc, các hình tượng lại được đắp nổi với đề tài tứ linh, tứ quý, phủ đầy mây lửa. Đây được xem như một nét đột phá, tạo nên tinh thần mới. Tiếp thu kinh nghiệm của gốm men ngọc thời Lý, lớp men trong phủ lên họa tiết khắc chìm, đắp nổi sẽ tạo ra độ chênh lệch cao khiến cho màu sắc của gốm mang nhiều sắc thái khác nhau. Bên cạnh đó, người xem còn có thể thấy những kỹ thuật khác, những tinh thần khác của gốm Trần và gốm Lê sơ ở gốm giai đoạn này. Gốm hoa nâu Lý-Trần đặc trưng với phong cách khối để nguyên chất thô của gốm, chất mộc khi đắp nổi hoặc khắc chìm và tô màu trên họa tiết. Gốm hoa lam Lê sơ nổi tiếng với sự tinh tế khi được các nghệ nhân xưa vẽ bằng bút lông, nửa phóng bút, nửa công bút thật linh hoạt… Còn chân đèn gốm Mạc lại được kết hợp rất khéo léo cả hai thứ tinhthô ấy. Chân đèn có cấu trúc thô mộc bao nhiêu thì trang trí trên cấu trúc ấy khiến nó lại mỹ miều bấy nhiêu, nó mang đúng dáng dấp và những đặc điểm đặc trưng của đồ thờ với kiểu dáng phức tạp, hoa văn cầu kỳ. Cấu trúc thì thô nhưng kỹ xảo thì tinh, hai yếu tố ngược nhau, trái nhau đó không những không vênh với nhau mà lại phối hợp rất ăn ý, kỹ thuật cầu kỳ nhưng dáng dấp chung thì rất đơn giản khiến cho chân đèn gốm có một vẻ đẹp khác lạ. 

Nhìn hình dáng bề ngoài thì chân đèn gốm giống như những chiếc bình cắm hoa nhưng thực tế lại dùng để đặt đĩa đèn dầu lạc hay đĩa hoa trên miệng bình phục vụ cho cúng lễ. Do đó, chân đèn gốm thời Mạc thường có kích thước lớn, dáng cao, bề thế, thớt trên xòe rộng, thân giữa phình to, bụng tròn dẹt, chân đế cao, toàn thân phủ men trắng ngà, thân, chân và cổ vẽ hoa lam với các vành hoa lá chuối, cúc dây… Các chân đèn gốm được tạo dáng chung theo hình con tiện, cân đối, vững chắc, nhưng riêng thể thức trang trí thì mỗi chân đèn lại có sự khác biệt. Những chi tiết khác nhau không chỉ trên một chủng loại mà luôn thay đổi với mỗi chân đèn cho thấy cả một sự công phu, tỉ mỉ trong quá trình thể hiện. Nếu trước đó, nghệ thuật gốm cổ Việt Nam thường chú trọng đến những đường cong, sự chuyển khối không đột ngột, thì các chân đèn - sản phẩm gốm tiêu biểu thời Mạc - lại được quy về các dạng hình kỷ hà. Điều này phù hợp với phương pháp sản xuất gốm của giai đoạn này như đã được đề cập ở trên. Do vậy, chân đèn gốm thời Mạc đã xác định một phong cách nghệ thuật rất độc đáo, dễ phân biệt trong sự phát triển của nghệ thuật gốm truyền thống.

Mỗi chân đèn gốm khi tạo hình thường chia thành nhiều khúc, đoạn, thường gồm hai phần có thể tháo dời ra được: phần thân bên dưới và phần cổ bên trên. Cổ bình gốm đứng vững được là nhờ các ngõng nhô lên ở phần thân bình. Phần cổ chân đèn có dáng hình trụ, miệng loe rộng, tạo thành dạng đài hoa để đặt đĩa đèn dầu lạc. Phần dưới có vai, thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi, mỗi phần được phân chia các đoạn bằng gờ nổi để mộc hoặc tô men. Đây cũng chính là một điều rất mới mẻ, sáng tạo trong kỹ thuật chế tạo gốm, bởi trước thời Mạc chỉ có gốm liền thân, nhưng đến thời này thì mỗi sản phẩm gốm được chia nhiều mảng, nhiều khối sau đó lắp ghép vào với nhau. Điều này cho thấy rõ ràng thời Mạc có một xu hướng công nghệ hóa trong chế tác, sản phẩm gốm làm nhiều phần để mỗi người chuyên làm từng bộ phận với trình độ được đẩy cao.

Từ hình thức cấu trúc dạng lắp ghép mạch lạc như vậy, gốm Mạc có một vẻ đẹp thô mộc nhưng không kém phần tinh tế. Các chân đèn Mạc đẹp không nhờ những đường chuyển tinh tế như xu hướng gốm Việt cổ nói chung mà hướng tới những đường gẫy khúc hơn những đường cong tuyệt đối. Ta có thể thấy điều này ở những phần chuyển giữa những khối lớn trên sản phẩm, giữa miệng và cổ, giữa cổ xuống phần thân của chân đèn, nếu có gia công thêm đường cong thì cũng chỉ là những độ chuyển vừa phải. Các đường cong, thẳng được hòa quyện với nhau nhưng nhấn mạnh nhiều hơn vào các đường thẳng, các khối vuông, chữ nhật. Các khối tròn, khối cầu được giữ lại như một thành phần tất yếu không thể giản lược hơn được nữa. Do vậy, chúng tạo nên tính uyển chuyển mà người ta thấy ở đó ít nhiều sự tiếp thu các dạng thức gốm của giai đoạn trước. Cấu trúc gốm chân đèn gốm tự thân nó ổn định là nhờ mối quan hệ về tỷ lệ giữa các phần. Sự không lặp lại về chiều cao, chiều ngang của các khối trên cả chân đèn tạo ra nhịp điệu đặc trưng thay đổi liên tục với các khoảng dài, ngắn không bằng nhau, tạo nên một nhịp chuyển tiếp. Sự thay đổi tỷ lệ đã tạo nên vẻ đẹp đặc biệt cho các tác phẩm mỹ thuật thời Mạc. Chân đèn gốm thời Mạc đẹp hơn các thời khác chính bởi điều đó, nó trở thành thước chuẩn để đánh giá phần nào phong cách của mỹ thuật thời Mạc. Kiểu thức cấu trúc mang nhiều yếu tố kỷ hà học này có thể được minh họa bằng một sơ đồ dưới đây, mà nhìn vào đó người ta cũng có thể hình dung hay mường tượng đến một sự khái quát hóa ở các loại hình gốm thờ khác cùng giai đoạn này:

 

Chân đèn được trang trí nhiều nhất là hình rồng với sự tinh tế và gần gũi  về hình thức hoa mỹ cũng như tinh thần bình lặng của rồng Lý. Nhưng nó thoát ly khỏi biểu tượng vương quyền để trở về với thẩm mỹ dân gian, đặc biệt là các con rồng hình yên ngựa. Rồng được diễn tả ở nhiều tư thế và được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trên chân đèn gốm. Chúng kết hợp lẫn nhau bằng cả hình thức phù điêu nổi, khắc vẽ chìm và dạng điêu khắc khối, tạo nên những biến điệu liên tiếp. Rồng uốn theo hình sóng nước được đúc rời và ghép ở hai tai chân đèn, tiếp nối với mạch của những con rồng ghép theo lối phù nằm gọn trong hình ô van đắp nổi trên thân của chân đèn, rồi rồng được chạm sâu trên những thanh miệng của chân đèn. Kết hợp cùng các kiểu thức rồng là mây và các chạm khắc những cánh sen gần giống với dạng gốm thời Lý, tạo thành các đường trang trí hợp lý ở các mạch nối giữa các khúc phân khoảng của chân đèn. Các hình rồng yên ngựa này là chiếc chìa khóa khám phá ra mỹ thuật thời Mạc bởi đó là môtip đặc trưng. Chúng là một bước tiếp nối đặc biệt từ các con rồng yên ngựa thời Lê sơ, nhưng được phát triển thêm nhiều hình thức phong phú và hầu hết đều có niên đại. Việc ghi niên đại trên những chân đèn gốm thời Mạc là điểm đặc biệt hiếm thấy trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nhất là khi còn có ghi cả tên người sáng tác hoặc người tiến cúng, vốn không có trong tiền lệ (trước đó còn bị cấm). Điều này chứng tỏ tinh thần tự do của tác giả cũng như của xã hội hàng hóa lúc bấy giờ.

Theo quan điểm phong kiến đương thời, nhà Mạc lên ngôi vua với những lý do không chính đáng, do đó bị các sử gia phong kiến lên án, coi như ngụy triều, nên không có nhiều ghi chép được lưu truyền vào chính sử. Các chính quyền Lê Trịnh về sau cũng tìm cách xóa bỏ mọi cơ sở văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần mà nhà Mạc đã tạo dựng, kể từ việc đục bỏ một niên hiệu vua Mạc trên một tấm bia nhỏ cho đến việc đốt phá sách vở ra đời trong thời Mạc. Phần khác, do khí hậu và thiên tai khiến những công trình kiến trúc còn sót lại sau sự hủy hoại của con người cũng bị đổ vỡ, hỏng hóc theo năm tháng. Tuy vậy, những dòng chữ khắc trên chân đèn gốm đã để lại thông tin cho thế hệ sau về những vùng đất làm nên sản phẩm này với sự chính xác về niên đại dưới các triều vua Mạc: Sùng Khang (1566-1577), Diên Thành (1578-1585), Đoan Thái (1586-1587), Hưng Trị (1588-1589),… Nơi sản xuất chủ yếu là Bát Tràng (Hà Nội) và Thanh Lâm (Hải Dương)… Rất nhiều đồ gốm khác bên cạnh những chân đèn gốm đẹp thường là hàng đặt đơn chiếc hoặc đi theo bộ. Mỗi sản phẩm của một hoặc một nhóm tác giả cụ thể. Vì thế, những hình rồng cùng những minh văn trên chân đèn gốm đã trở thành một trong những tín hiệu giúp giới nghiên cứu tìm được những công trình nghệ thuật khác chứ không chỉ là gốm có niên đại thời Mạc.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đình Chiến (1999), Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn thế kỷ XV-XIX, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

2. Nhiều tác giả (1993), Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật, Hà Nội.

3. Tăng Bá Hoành (1993), Gốm Chu Đậu, Bảo tàng Lịch sử Hải Dương.

4. John Stevenson, John Guys (1997), Vietnamese Ceramics, a separate tradiction, Nxb Art Media Resources with Avery Press