Tin tức

"Phong cảnh và trí tuệ Việt Nam" khởi đầu một giai đoạn giao lưu mỹ thuât Việt - Hàn

27 Tháng Tư 2011

 

TRẦN KHÁNH CHƯƠNG-Thiếu nữ Hà Nội-Tempera trên lụa, 1993, 58x68cm

Phong cảnh và Tinh thần Việt Nam - Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai (Landscape and Mind of Vietnam: Close Past and Proceed to Future) là chủ đề của cuộc triển lãm hội họa Việt Nam với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Hàn Quốc. Cuộc triển lãm này sẽ kéo dài từ 16/12 đến ngày 6/2/2011 tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Gwangju (Quang-chu).

Lễ khai mạc triển lãm đã diễn ra hết sức trang trọng với sự tham dự của Đại sứ quán Việt Nam, Phó Thị trưởng thành phố Gwangju Song Gui-gun, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Gwangju, một số họa sĩ đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đại diện các cơ quan văn hóa, hội họa Hàn Quốc tại Gwangju.

Đây là cuộc triển lãm mỹ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức tại một bảo tàng công của Hàn Quốc. Cuộc triển lãm giới thiệu gần 50 tác phẩm hội họa của các nghệ sỹ tiêu biểu của nền hội họa hiện đại và đương đại Việt Nam, được lựa chọn từ các sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họ bao gồm nhiều thế hệ họa sĩ từ những họa sĩ bậc thầy tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đến lớp họa sĩ đã thành danh kế tiếp và cả thế hệ trẻ hiện nay. Các tác phẩm hội họa có chất liệu phong phú như sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu, khắc kẽm, với các chủ đề được chia theo các giai đoạn lịch sử của Việt Nam, trải dài từ giữa những năm 40 cho tới những năm đầu của thế kỷ 21 như “Phong cảnh và Truyền thống”, “Chiến tranh và Tư tưởng”, “Lớp kế cận hiện đại”. Chủ đề “Phong cảnh và Truyền thống” được minh họa với những tác phẩm về phong cảnh nông thôn, ngày mùa, truyền thuyết và quang cảnh lễ hội, những thiếu nữ mặc trang phục truyền thống, với những tác phẩm đặc sắc như Sợi thời gian (Hùng Khuynh), Ngày hội (Ngô Mạnh Quỳnh); Nhà tranh gốc mít (Nguyễn Văn Tỵ), Về nông thôn sản xuất (Ngô Minh Cầu); Góp thóc vào kho (Tạ Thúc Bình), Văn minh lúa nước (Vũ Thạch Phước); Mùa xuân Tây Nguyên (Trần Hữu Chất), Ký ức mùa lũ (Hoàng Hải Thọ), Thiếu nữ Hà Nội (Trần Khánh Chương)...

Các tác phẩm đã giúp người xem hình dung về phong cảnh, con người, cuộc sống lao động sản xuất, phong tục truyền thống của người dân Việt Nam. Chủ đề “Chiến tranh và Tư tưởng” đã mô tả một giai đoạn lịch sử kéo dài gần 30 năm, trải qua hai cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với những tổn thất đau thương nhưng cũng đầy tinh thần hào hùng, với các tác phẩm mỹ thuật theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa. Một số tác phẩm đặc sắc như: Ngày đầu kháng chiến (Nguyễn Duy Nhi), Tạm biệt thủ đô (ái Thi), Hà Nội Giải phóng (Lê Thanh Đức), Ghi chép tại chiến trường Tây Nguyên (Trần Hữu Chất), Mở đường chiến thắng (Nguyễn Thanh Minh) đã giúp khắc họa những thời khắc lịch sử đáng ghi nhớ của dân tộc.

Đặc biệt, Triển lãm đã dành một vị trí trang trọng cho các tác phẩm hội họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh như Tranh cổ động Bác ơi tim Bác mênh mông thế, ôm cả non sông mọi kiếp người (Hà Huy Chương), tranh ghép gốm Một đời thanh bạch chẳng vàng son (Đỗ Như Điềm), tranh cổ động Theo con đường Bác Hồ đã chọn (Lương Xuân Hiệp), Tranh cổ động Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn... (Trần Mai), Noi gương Bác: Gần dân, thương dân, vì dân (Vũ Huyên). Gian trưng bày tác phẩm của các họa sĩ lớp kế cận hiện đại trưng bày một số tác phẩm của các họa sĩ sáng tác sau thời kỳ Đổi mới, với những chủ đề đa dạng của cuộc sống và chú trọng nhiều tới khát vọng cá nhân, như Không gian sống (Lê Thánh Thư), Hạnh phúc (Nguyễn Thành Chương), Chăn trâu (Nguyễn Văn Cường), Nhịp sống Vùng cao (Trần Văn Đức), Thời gian 13 (Vũ Hồng Nguyên)... Mặc dù phong cách, thủ pháp nghệ thuật của các nghệ sỹ khác nhau nhưng các tác phẩm đều mang đậm tính nhân văn sâu sắc và bản sắc nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Đại sứ Trần Trọng Toàn nhấn mạnh các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ Việt Nam được trưng bày tại Triển lãm này phần nào phản ánh được truyền thống lịch sử và văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần, cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ đất nước cũng như công cuộc Đổi mới xây dựng lại đất nước của nhân dân Việt Nam. Vượt lên trên sự mô tả đơn thuần về con người và phong cảnh, những tác phẩm hội họa này đã góp phần khắc họa một giai đoạn lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam. Mỹ thuật hiện đại Việt Nam là niềm tự hào của người dân Việt Nam, thể hiện sinh động sự phát triển và kết hợp biện chứng giữa tính truyền thống và hiện đại trong giao lưu văn hóa. Vừa tiếp nhận ảnh hưởng tích cực từ mỹ thuật hiện đại Phương Tây vừa phát huy được truyền thống nghệ thuật lâu đời, mỹ thuật hiện đại của Việt Nam có một vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển mỹ thuật của khu vực. Các tác phẩm nghệ thuật được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, cả về chất liệu cũng như thủ pháp nghệ thuật. Trong quá khứ chiến tranh, các họa sĩ Việt Nam cũng là những người chiến sỹ đồng hành cùng dân tộc, phản ánh chân thực những thời khắc lịch sử bi hùng của đất nước qua ngôn ngữ hội họa. Trong giai đoạn hòa bình và hội nhập quốc tế, người họa sĩ cũng đã góp phần thể hiện cuộc sống tinh thần phong phú của con người và bản sắc dân tộc Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống. Chủ đề của cuộc triển lãm “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” thực sự là một chủ đề có ý nghĩa, phản ánh được truyền thống khoan hòa cũng như bản lĩnh và thiện chí của nhân dân Việt Nam phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tất cả các dân tộc vì hòa bình, độc lập và thịnh vượng chung.

Đại sứ Trần Trọng Toàn cũng bày tỏ tin tưởng rằng triển lãm sẽ giúp người dân Hàn Quốc nói chung, người dân Gwangju nói riêng, hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước, con người Việt Nam. Những hoạt động giao lưu văn hóa có ý nghĩa như thế này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chiến lược giữa hai nước. Ngoài mối quan hệ giao lưu nhân dân thông thường, cộng đồng gia đình đa văn hóa Việt - Hàn đã gắn kết hai nước Việt Nam - Hàn Quốc vào mối quan hệ gia đình dân tộc; do vậy, cuộc triển lãm hội họa Việt Nam sẽ giúp những gia đình đa văn hóa Việt - Hàn có thêm sự hiểu biết và tự hào về những giá trị tinh thần, văn hóa của “quê ngoại” Việt Nam.

Cũng tại lễ khai mạc triển lãm, Phó Thị trưởng thành phố Gwangju đã nhấn mạnh những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, trong đó có hơn 37.000 gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Ông hy vọng rằng cuộc Triển lãm sẽ là bước ngoặt trong các hoạt động giao lưu văn hóa, thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết văn hóa,nghệ thuật giữa nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc. Việc tổ chức cuộc Triển lãm hội họa Việt Nam cũng trùng hợp với nỗ lực của thành phố Gwangju đang có kế hoạch trở thành thành phố trung tâm giao lưu văn hóa của châu á.

 

Theo vietnamfineart.com.vn