Tin tức – Sự kiện

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh: Lễ hội là cách nói duy lý dễ gây hiểu nhầm

30 Tháng Tư 2011
Những thứ nhếch nhác chúng ta nhìn thấy tại Hội không phải là mặt trái của Hội mà chỉ là những yếu tố ký sinh. Nó được sinh ra  không phải từ Hội mà do tính vụ lợi của nền kinh tế thị trường. Tính vụ lợi về  mặt vật chất chứ không phải từ  tâm linh.

 

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã nói về bản chất của những Lễ hội truyền thống như vậy. Lễ Hội trong nhiều năm qua đã được tổ chức tràn lan và những điều không hay ở Lễ hội dường như đã trở thành một vấn nạn khó giải quyết.

PV Laodong.com.vn đã có cuộc trò chuyện với GS Tô Ngọc Thanh về những vấn đề xung quanh các Lễ Hội được tổ chức trong vài năm trở lại đây.

Không có Lễ, chỉ có Hội


Thưa GS, đầu xuân là thời điểm các Lễ hội tưng bừng vào mùa. Nên hiểu thế nào cho đúng nhất về Lễ hội, thưa GS?

- Lễ hội là tên gọi mới của một số nhà nghiên cứu nhìn nhận Hội làng theo tư duy duy lý của phương Tây, trong đó theo họ, phần lễ thì nghiêm trang, còn phần hội thì vui vẻ giải trí. Ngày xưa trong tiếng Việt không có từ Lễ, chỉ có từ Hội thôi, người ta thường nói “làng tôi mở Hội”, “làng tôi đóng đám”,”làng tôi vào đám” hay Hội làng tôi mở vào ngày này, tháng này chứ không ai nói Lễ hội. Vì người Việt nhận thức Hội làng như một tổng thể. Cả hai phần mà ngày nay người ta phân tách ra đều mang những đặc trưng chung của hội

GS.TS Tô Ngọc Thanh
GS.TS Tô Ngọc Thanh

Nếu hiểu theo nhãn quan toàn vẹn, tổng thể của người Việt thì bản chất của Hội là gì thưa GS?

- Trong ngày Hội chúng ta “mời” các vị thần linh, anh linh núi sông trời đất, các Cvị thành hoàng làng là vị thần che chở cho làng xóm, mời anh linh các vị anh hùng dân tộc, mời tổ tiên các dòng họ về dự với chúng ta. Như vậy hội làng hội tụ sức mạnh thiêng liêng củả cả  trời đất, non sông, tổ tiên và con cháu.

Có thể nói gọn lại hội là một không gian và thời gian chứa đựng đậm đặc năng lượng thiêng của cả vũ trụ và thời gian. Với người Kinh không gian thiêng ấy được đặt vào  cái sân đình. Với các tộc thiểu số, nó bao quanh cây nêu. Còn thời gian thiêng chung là các thời điểm của mùa xuân. Cho nên, kẻ giàu, người nghèo nô nức đến Hội trước hết để được đắm mình trong không gian thiêng và thời gian thiêng đó, để được tiếp nhận năng lượng thiêng của cả trời đất, quá khứ, hiện tại và để được trải nghiệm sự thăng hoa trong không-thời gian thiêng liêng ấy.

Năng lượng thiêng ấy, niềm thăng hoa ấy đến với mọi người dự hội, không phân biệt giàu nghèo. Đến dự hội, mỗi người đã thoát ra khỏi cái thân phận thường ngày của mình.

 

Sự thiếu hiểu biết đã biến Lễ Hội trở nên nhếch nhác và sai bản chất

Sự thiếu hiểu biết đã biến Lễ Hội trở nên nhếch nhác và sai bản chất

Hội thường được tổ chức vào thời điểm đầu xuân. Ông có thể giải thích tại sao thời điểm này lại là mùa của Hội không, thưa GS?

- Mùa xuân là thời điểm bắt đầu của một năm, một chu kỳ. Thời điểm ấy lại là thời điểm thay da đổi thịt, đâm chồi nảy nụ và để đi đến khai hoa, kết quả của mọi vật. Rõ ràng thời điểm ấy hội tụ những gì thiêng liêng nhất, tốt đẹp nhất của vũ trụ .

Và như trên đã nói, thời điểm ấy còn hội tụ, tích hợp sức mạnh của cả tự nhiên, siêu nhiên và tổ tiên, của các  miền không  gian và các miền thời gian quá khứ và hiện tại. Với hội xuân, chúng ta có sức mạnh của bản thân, của tổ tiên và của cả đất trời tổ quốc.

Niềm tin vào thần thánh của con người theo ông sẽ mất đi hay sẽ tồn tại mãi mãi?

- Qua bao nhiêu thế hệ, con người vẫn tin vào những sự giúp đỡ của các vị thần thánh và tôi tin rằng niềm tin này là mãi mãi. Con người bé lắm, vẫn luôn đi tìm những sức mạnh mà họ tưởng tượng ra, mà thậm chí là có thể có thật.

Người ta đang lạm dụng Hội thái quá!

Ông có nói rằng người ta đang lạm dụng Hội một cách quá đáng. Sự lạm dụng ấy có phải chính là là các yếu tố ký sinh không xuất phát từ Hội?

- Người ta đã dung tục hóa và lạm dụng từ Lễ Hội và vì thế khi dịch sang tiếng Anh, Hội là Festival, là liên hoan, là vui chơi. Trong khi, đúng ra phải được dịch là Ceremony vì tính thiêng là đặc trưng cơ bản nhất của hội làng xưa. Vì thế, Hội làng là một tinh hoa văn hóa, được kết tinh qua sáng tạo hằng ngàn năm kết tinh lại và là biểu tượng của mỗi làng.Đó là niềm tự hào và lòng thành kính của mỗi làng và mỗi người dân làng.

Ngày nay những người tổ chức, những lớp trẻ tham gia hội không hiểu chiều sâu tâm linh, không hiểu ý nghĩa cao cả của hội và nhất là quan niệm “phần hội thì vui vẻ”nên đã vô tình làm sai lệch cả hình thức và nội dung của tinh hoa – những viên ngọc văn hóa,  bằng những “cải tiến” theo ý riêng, 

 

Con trâu được vẽ lên mình trong Lễ hội Tịch điền 2010
Con trâu được vẽ lên mình trong Lễ hội Tịch điền 2010

Theo ông, nguyên nhân của sự lạm dụng là do người làm quản lý hay người tham gia Hội?

- Cái quan trọng nhất là các cơ quan quản lý đã không hiểu bản chất tốt đẹp của Hội và giải thích Hội theo phương pháp phân tích tính. Nguyên nhân đầu tiên có tính chất xã hội chứ không phải chỉ do thanh niên hay người xem Hội bây giờ đâu.

Thứ hai nữa là do thói vụ lợi vật chất của ứng xử theo tư duy kiểu “kinh tế thị trường”.  Có lẽ người dự hội nghĩ rằng mình cúng thần thánh bao nhiêu thì sẽ được nhận lại ít nhất là bằng hoặc hơn. Thứ nữa là trong nền giáo dục của ta không dạy hành vi chuẩn. Vì thế, các hiện tượng khó coi trong ngày Hội là điều dễ hiểu.Thực ra, những hành vi không đẹp ta thấy ở mọi nơi trong cuộc sống chứ chẳng riêng gì trong ngày Hội, nhưng hội là nơi tập trung tương đối lớn những cái khó coi thôi.

Sự thiếu hiểu biết của những người tham gia Hội cũng là do đã không được giáo dục đúng về Hội. Trách nhiệm không thể đổ hết lên đầu của những người quản lý?

- Những người dự Hội thậm chí không hiểu Hội thờ ai, tại sao lại có Hội đó và ứng xử thế nào với Hội. Họ không hiểu được chiều sâu văn hóa, tính thiêng liêng của ngày Hội nên chỉ coi như 1 cuộc picnic, đến chơi đùa ầm ĩ và không điều chỉnh được hành vi của mình. Vì họ không hiểu nên sẽ hành động theo cách của họ và không ai quy định các hành động đó cả. Người dự Hội cũng không hiểu giao tiếp của người đi Hội với thần thánh là giao tiếp tâm linh chứ không phải giao tiếp của cải. Tất cả chỉ là do không hiểu, không được giáo dục

Nhà nước không có trọng tài nên hiểu thế nào thưa GS?

- Như tôi đã nói, năm ngoái ở Hội Tịch Điền, người ta đã để cho một anh Tây vẽ nhăng nhít lên mình con trâu cày luống cày đầu tiên; hay ở Hội Lim, đồi Lim biến thành nơi bán hàng, quan họ thì hát bằng loa máy và xin tiền, hay có những Hội cho Tây vào mặc quần đùi, áo hai dây…Tất cả những điều đó không có ai nói, không có ai bảo phải làm thế này hay thế kia là đúng hay sai.  Mỗi Hội đều bị phá 1 cách vô tội vạ theo ý riêng của mỗi nhà quản lý thiếu hiểu biết.

Vậy theo GS, có thể có giải pháp nào để giảm thiểu tối đa sự lạm dụng Hội?

- Đó là chuyện của nhiều thế hệ bởi một tập tục không thể hình thành trong một thế hệ được. Điều quan trọng nhất là các cơ quan chủ trương và các cơ quan quản lý phải nhận thức lại Hội và  nêu cao tính triết học cũng như tính thiêng của Hội để đưa nó trở lại thực sự là những Hội truyền thống!

Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!

Theo laodong.com.vn