Tin tức

Teen hào hứng đi leo núi trong nhà

25 Tháng Sáu 2011

Nhóm thanh niên đứng dưới chăm chú dõi theo và 'chỉ đạo' cô gái đang giang tay, chân đặt vào một mấu vàng trên bức tường nhân tạo chi chít các điểm sặc sỡ. Sau một lúc luống cuống đặt chân tay nhầm lẫn, mắt dáo dác tìm kiếm, cô bé hét lớn: 'Tránh ra, em nhảy xuống đây'. Kim sợ hãi khi nhìn xuống bên dưới.

Leo núi trong nhà, môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam vài năm gần đây đang dần được giới trẻ biết tới rộng rãi. Những bức tường ghép bằng miếng gỗ dán được thiết kế với nhiều khối hình lồi lõm khác nhau. Bên trên là vô số mấu đủ màu sắc ghim trên "vách đá" dựng đứng thách thức người leo núi. Mỗi màu tượng trưng cho độ khó tăng dần, màu càng tối, càng khó. Người mới học leo sẽ bắt đầu với màu vàng, sau đến là da cam, rồi màu xanh và cuối cùng là đen. Dưới chân những "vách đá" hiểm trở luôn là những tấm nệm dầy và êm để đỡ người chơi mỗi khi sảy chân rơi xuống. Lên cao một chút, họ sẽ có đai bảo hiểm để an toàn hơn.

Nghỉ hè, Hoàng Kim (trường Yên Hòa) cùng cậu em họ tò mò tới phòng tập của câu lạc bộ leo núi trong nhà đầu tiên ở Hà Nội. Nhìn bức tường cao với những "nốt" màu, cô nàng ngập ngừng một lúc trước khi quyết định thử. Vốn sợ độ cao, Kim rón rén đặt mũi dày vào mấu vàng theo sự chỉ dẫn của các nhân viên kỹ thuật ở dưới. Cậu em liên tục động viên chị đừng sợ và không quên nhắc Kim đặt tay, chân đúng chỗ. Trước khi leo, cô được hướng dẫn kỹ thuật cơ bản nhưng khi thực hành, Kim trở nên luống cuống và liên tục ngoái nhìn xuống bên dưới với vẻ mặt sợ hãi. Sau tiếng hét "giúp em với", nữ sinh nhảy bụp xuống nệm kết thúc lần tập đầu tiên.

Vẻ mặt vẫn chưa hết sợ, Kim cố cười thật tươi như vừa... thoát nạn. Cô cho biết: "Những mấu bám đầy màu sắc rất bắt mắt. Em không sợ bị tay to hay cơ bắp mà đi tập vì rất tò mò muốn biết nó ra sao".

Ngồi nhìn cậu em leo thoăn thoắt, Kim buộc lại dây giày và nhẩm tính đường đi cho mình. Khác với giày vải hay thể thao bình thường, giày dùng cho leo núi được thiết kế có phần mũi quặp xuống dưới để giúp người chơi bám chắc vào mấu. Phần đế được uốn cong và hẹp. Khi leo, các học viên chỉ dùng đầu ngón chân đặt lên mấu thay vì dùng lực của cả bàn chân. Người leo luôn được lưu ý phải có sự phối hợp tay chân, chân mầu nào, tay phải mầu ấy đồng thời phải dồn lực để đẩy cơ thể lên với lấy điểm màu phía trên. Tay căng ra hoặc đu người ngả ra sau mỗi khi tìm điểm đi tiếp. Nếu leo trong tư thế co tay, người chơi sẽ dễ bị mỏi và mất sức. Sau khi được vạch đường đi nước bước cẩn thận, Kim thử lần thứ hai. Quen dần, cô nàng bắt đầu khám phá vách tường kế bên.

Được đánh giá là người leo giỏi, cậu học sinh đeo cặp kính cận trắng tên Sơn (trường Marie) đã theo được 20 buổi. Ngoài bơi, cậu thường cùng anh trai tới phòng tập leo núi. Mồ hôi ướt đẫm áo và mặt, Sơn hào hứng khoe: "Em chinh phục gần hết màu vàng rồi. Anh trai em còn sang màu da cam rồi cơ. Mới đầu khó nhất là cách bám và di chuyển nhưng dần dần em thấy thích môn này vì nó giúp em giảm được 13 kg rồi đấy. Em mua vé tháng, 4 triệu/6 tháng, nên có thể đến leo thường xuyên".

Sơn cho hay, sau hôm tập đầu tiên, toàn thân cậu đau nhức và phải nghỉ hai hôm mới tiếp tục được. Theo cậu, trước khi chinh phục núi, người chơi nên đứng dưới tính toán nên bám vào đâu bởi lúc ở trên tường rất khó để quan sát được điểm màu. Sơn từng bị trầy xước và vài vết thương nhỏ do tuột tay.

"Nếu chẳng may bị ngã, các bạn nên dùng tay hoặc chân đạp vào tường để đẩy mình ra xa tránh đập mặt vào các mấu khi rơi", nam sinh chia sẻ kinh nghiệm.

"Trình" cao hơn, anh Quyền (anh trai của Sơn) đã bắt đầu chuyển sang màu khó. Một tuần ba buổi, hết giờ làm, anh lại tới leo núi để giải tỏa stress và rèn luyện sức khỏe. Mỗi lần, anh em Sơn tập khoảng hai tiếng.

Theo anh Jean Verly, chủ câu lạc bộ Vietclimb, môn thể thao này giúp tăng cường sức khỏe, vóc dáng khỏe khoắn và trí tuệ phát triển bởi khi leo, bạn luôn phải suy nghĩ xem bám vào đâu, di chuyển thế nào. Phòng tập của ông chủ trẻ người Pháp gốc Việt này mới khai trương tháng 4 năm nay đã thu hút rất đông người nước ngoài và cả giới trẻ Hà Thành tới tham gia.

Từng là vận động viên leo núi chuyên nghiệp, Jean phải bỏ cuộc sau một tai nạn khi chinh phục đỉnh Mont Blanc (cao hơn 4.800 m). Sang Việt Nam năm 2005, anh có thời gian làm việc ở Đại sứ quán Pháp và một công ty tư nhân về kiến trúc trước khi quyết định mở phòng tập riêng.

Jean chia sẻ: "Tôi khai trương phòng tập này với mục đích giới thiệu cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ môn leo núi. Bạn biết đấy, môn thể thao mới này sẽ có trong SEA Games tổ chức tại Indonesia năm nay, vì vậy, mọi người sẽ có nhiều cơ hội luyện tập hơn khi tới đây".

Hiện tại, trong phòng tập của Jean có khoảng hơn 1.500 mấu đầy màu sắc và vẫn còn một lượng lớn chưa gắn lên tường. Những điểm màu này được mua từ Mỹ, còn giày tập được một hãng ở Italy tài trợ. Ông chủ trẻ cho biết thêm, câu lạc bộ đông nhất vào những ngày cuối tuần, có khoảng hơn 20 người cùng tập một lúc. Nhiều khi một nhân viên kỹ thuật phải hướng dẫn từ bốn đến năm người. Phòng tập được chia làm hai khu vực, một dành cho người lớn với những bức tường cao và nhiều điểm màu khó trong khi các em nhỏ chỉ được phép thử sức với mức độ dễ hơn.

"Bạn có thể mặc những gì bạn muốn nhưng nên mặc quần áo thoải mái và tránh mặc váy", vận động viên leo núi gốc Việt hóm hỉnh trêu. Jean nói rằng các cô gái tới đây bởi họ xem leo núi cũng giống như dancesport hay breakdance, một môn thể thao rèn luyện sức khỏe bình thường khác.

Phòng tập của Jean mở cửa vào 14h đến 22h. Giá vé thay đổi theo giờ, từ 14h đến 17h (giờ vắng) là 160.000 đồng và sau đó sẽ là 200.000 đồng. Với trẻ em từ 4 đến 11 tuổi, giá vé chỉ 150.000 đồng, trên 12 tuổi sẽ tính như người lớn. Các hướng dẫn viên ở đây gồm cả người nước ngoài và người Việt trong đó có không ít các sinh viên. Đam mê với môn leo núi nên sau khi đã thuần thục, họ ở lại để giúp đỡ những người sau.

Bài và ảnh: Bình Minh

Theo vn.news.yahoo.com