Tin tức – Sự kiện

Nhạc sỹ Văn Ký: Nhiều tiêu cực càng phải hy vọng

23 Tháng Tám 2011

Phóng viên VietNamNet gặp nhạc sĩ của "Bài ca hy vọng" trong một ngày thu – mùa cách mạng bừng lên ánh sáng mới, mùa của những xao xuyến, rung cảm lay động hồn người.


 

Nhạc sĩ Văn Ký - Ảnh: Nguyễn Hoàng

Lịch sử đi chậm lắm

Phóng viên: - Cả xã hội đang kêu ca về các nhạc sĩ trẻ, rằng sáng tác của họ nhạt nhẽo, khó nghe, phản cảm và lúc nào cũng chỉ nói chuyện yêu đương. Quan điểm của ông thế nào trước hiện tượng này?

Nhạc sỹ Văn Ký – Đừng vội giận thế hệ nhạc sĩ trẻ, cũng đừng lên án họ. Tôi cho rằng để xây dựng được một nền âm nhạc đích thực, thì tất yếu phải trải qua đủ mọi giai đoạn của hình thành và phát triển.

Tôi cho rằng sự tích lũy của mỗi thế hệ nhạc sĩ khác nhau. Thế hệ chúng tôi đã biết thế nào là những năm tháng khổ đau, nô lệ, biết những vinh quang khi được tham gia cách mạng và chứng kiến sự đổi thay diệu kỳ của đất nước suốt quãng thời gian gần bốn mươi năm qua.

Nếu chưa trải qua mà chỉ nhìn vào hiện thực rồi phán xét thì thấy mọi thứ thật đơn giản, dễ dàng. Nhưng hãy hiểu rằng từ chỗ chúng tôi ngày xưa khi đi học phải chép cả những quyển sách nhạc dày cả gang tay đến chỗ các cháu bây giờ có thừa mọi phương tiện phục vụ cho học tập và nghiên cứu là cả một quãng đường rất dài.

Ở vào tuổi này, tôi cũng đã được đi rất nhiều nước trên thế giới, để học tập và chiêm ngắm cuộc đời, đủ để nhìn nhận và so sánh vận hội của mình, cho nên niềm tin của chúng tôi không phải là lý thuyết suông. Trước đây, chứng kiến hàng ngàn người dân chết đói dọc mọi nẻo đường, những năm 60-70, sang Nga, nhìn thấy xã hội của  họ mà ước ao không biết khi nào mình được như thế, nhìn thấy hàng hóa của họ tràn ngập đến nỗi cứ ngỡ như đồ giả, đồ chơi được bày trong tủ kính chứ không phải đồ dùng. Thế mà bây giờ, xã hội ta còn vượt lên cao hơn như thế rất nhiều.

Chúng ta đi như thế đã là quá nhanh. Tôi khẳng định lịch sử đi chậm lắm, để xây dựng và phát triển, phải mất hàng trăm năm.

- Trong số các nhạc sĩ trẻ hiện nay, ông thấy ghi nhận và tin tưởng được những ai?

- Tôi nhìn thấy khá nhiều tài năng âm nhạc trong thế hệ trẻ và hoàn toàn tin tưởng vào họ. Biểu diễn thì có Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy. Sáng tác thì có Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Hồ Hoài Anh… Và đặc biệt phải nhắc đến là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Xã hội không bao giờ hết tiêu cực nhưng phải bình tĩnh

- Trong lúc xã hội có nhiều đổi thay chóng mặt, khiến tâm thế con người, đặc biệt là những tâm hồn nghệ sĩ mong mong, đôi khi cũng dao động, thì người nhạc sỹ của “Bài ca hy vọng” vẫn luôn yêu đời, yêu người…

- Âm nhạc với những đặc tính gần với thơ ca, có thế mạnh là tính khái quát rất cao, có thể chỉ bằng một bài ca ngắn nhưng lại lay động tâm can hàng triệu con người.


Nhạc sỹ Văn Ký là một trong những cố vấn nghệ thuật của chương trình hòa nhạc Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức định kỳ hàng năm - Ảnh: Nguyễn Hoàng

 

Người nhạc sĩ có thể trải qua những cuộc chiến đấu cam go, hay hiện thực đau khổ, nhưng phải biết chắt lọc cảm xúc và biến các chi tiết mà anh đã trải nghiệm trở thành lời ca ý nhạc mang tính cô đúc chứ không chỉ dùng âm nhạc để phản ánh vẻ đẹp riêng tư của tâm hồn mỗi người. Nếu không cẩn thận thì sẽ bị các tiểu tiết, chi tiết che mờ mọi thứ, không còn nhìn thấy đại cục, hoặc sa vào dài dòng, kể lể, khi đó sức sống của âm nhạc sẽ kém đi.

Sống tới tuổi này rồi, những người nghệ sĩ như chúng tôi đã trải qua đủ thứ trên đời, đã chứng kiến nhiều đổi thay của xã hội, đã biết tất cả các hiện thực xã hội, mặt phải và mặt trái của hiện thực đó, nhưng tôi không tự cho phép mình dễ dãi khổ đau, lãng mạn mềm yếu.

Xã hội thì không bao giờ hết những điều tiêu cực, và những điều không thể chấp nhận được, như nạn tham những, cách làm ăn dối trá rất phổ biến, những mặt trái của xã hội hiện đại… chúng tôi đều nhìn thấy hết. Nhưng hãy hiểu rằng xã hội cũng không bao giờ hết những điều tốt, cho nên hãy bình tĩnh mà nhìn cuộc đời. Càng nhiều tiêu cực càng phải hy vọng, vững tin, nhiều người tin cậy thì niềm tin sẽ nhân lên gấp bội. Và tôi luôn tin rằng điều tốt sẽ lấn át cái xấu.

Hiện tại rất tạm thời

- “Bài ca hy vọng”được ông viết năm 1958, khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, nhưng trong đó, đã nhìn thấy tình yêu lớn lao và hy vọng sáng ngời về một ngày chiến thắng chói lòa?

 

                                  

Ca khúc “Bài ca hy vọng” – Sáng tác: Văn Ký, Trình bày: cố NSND Lê Dung

 

- Đúng là khi viết “Bài ca hy vọng”, trong lòng tôi tràn ngập niềm vui và tin tưởng tuyệt đối vào chiến thắng của cách mạng. Tôi thấy hiện thực chiến tranh là rất tạm thời, đến nỗi như một sự lãng mạn.

“…Để tương lai, đàn chim ơi cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu. Bốn phương, gió mưa buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan.

Có một lần, tôi đang đạp xe trên chiến địa Vĩnh Linh lúc đó vừa mới bom đạn tan hoang, đi qua một ngôi làng, tôi nghe trên đài phát thanh đọc câu chuyện “Sống như anh” của Trần Đình Vân, đến đúng đoạn kể rằng các chiến sĩ cách mạng ở nơi gian khổ, ác liệt nhất, trong chốn lao tù, đã hát “Bài ca hy vọng”, để truyền lửa cho nhau, cùng kết nối sức mạnh bão giông của cách mạng trong hàng chục năm trời.

 

Nghe đến đoạn đó, tôi đã ngồi bệt xuống vệ đường, không thể đi tiếp được nữa.

 

Niềm tin trong tôi khi đó mạnh đến nỗi câu cuối cùng thậm chí không cần nói to mà chỉ như một lời thì thầm rất nhỏ, rất dịu dàng nhưng tràn ngập một niềm hy vọng mãnh liệt tới tương lai tươi đẹp. Và cuối cùng thì niềm tin đó đã đúng. Chúng ta đã chiến thắng, đã đi lên và dần trưởng thành trong hòa bình.

Còn nhiều điển hình đẹp trong xã hội hiện đại

- Trong các ca khúc hiện đại, thì sáng tác “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” của ông dường như thể hiện rõ nhất tư tưởng dựng xây và vươn tới trong hòa bình?

- Vẫn là hình ảnh về một cô giáo hiện thực, có nguyên mẫu hẳn hoi, đó là cô giáo Tô Thị Rỉnh. Cô ấy đã “sống mãi” trong lời truyền tụng của bao nhiêu người, là cảm xúc ngây ngất khiến tôi thức trắng đêm viết nên những lời ca đẹp đẽ:

“Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi. Tính tình tang… Cô đi tìm đàn em nhỏ chưa biết chữ trên đỉnh núi cao… Từ bàn tay cô dựng lên ngôi trường mới… Nghe cô giáo đàn vui các em đến trường… Chim én về gọi rừng lên ngày mới… Cô giáo Tày như mùa xuân…”

                                  

Ca khúc “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” – Sáng tác: Nhạc sỹ Văn Ký, trình bày: Tốp ca

Thế nhưng không phải là một cô giáo Tô Thị Rỉnh cụ thể. Hình ảnh cô giáo đã được nâng lên thành hình tượng về người phụ nữ mới, rộng hơn nữa là lớp người mới trong xã hội mới của nước Việt, với cái đẹp tỏa sáng khi được cống hiến, làm việc nặng nhọc mà lòng vui phơi phới, vừa ca hát vừa đi lên những đỉnh cao của cuộc sống.

Đừng lạc quan quá mức nhưng cũng đừng bi quan vô lối. Có thể, trong một lúc nào đó, công chúng và ngay cả những người làm nghệ thuật cũng có thể bị nhầm lẫn, lạc hướng một chút nhưng tôi luôn tin số đông sẽ nhận ra. Và, sẽ chỉ có những điều tốt đẹp luôn được nhớ đến, còn những cái xấu xa thì người ta sẽ nhanh chóng quên đi.

                                                                                                                                                                     Theo vietnamnet.vn