Tin tức – Sự kiện

“Điều còn mãi” sẽ là thương hiệu quốc gia

27 Tháng Tám 2011
"Yêu thương là ước mơ của tất cả chúng ta. Tôi muốn tạo ra một buổi biểu diễn mà người nghe đến để nghe nhạc, để yêu thương và xúc động" - nhạc sĩ Dương Thụ tâm tình.


Gặp gỡ phóng viên sau chương trình họp báo khá dài chuẩn bị cho buổi hòa nhạc lớn nhân ngày Quốc khánh 2/9 - hòa nhạc "Điều còn mãi" do báo VietNamNet tổ chức, nhạc sĩ Dương Thụ không hề tỏ ra mệt mỏi. Ông điềm đạm chia sẻ những kiến thức, vốn hiểu biết của mình về tổng thể một chương trình hòa nhạc mà ông nhận định là  lịch sử âm nhạc của Việt Nam - lịch sử tâm hồn của người Việt Nam. Ông gọi dân tộc Việt Nam là dân tộc của ca hát, của những bài thơ, là dân tộc của yêu thương.

- Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, là tổng đạo diễn của hòa nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" đã 3 năm kể từ năm 2009, điều gì đã khiến ông có tâm huyết lớn với chương trình như vậy?

- Chúng tôi, những người sáng lập và tổ chức chương trình vốn mong ước có một chương trình âm nhạc nghiêm túc, chất lượng cao ở Việt Nam. Hiện nay có 2 chương trình hòa nhạc thường niên lớn hàng năm là Hennessy Concert và Toyota Classic. Đây là hai chương trình lớn, thường diễn tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển nước ngoài, nếu có Việt Nam thì cũng chỉ là ké vào. Trong sân chơi chung không bình đẳng này, nền âm nhạc của Việt Nam bị lép vế và không được hiểu đúng và có thể bị coi thường. Chúng tôi là những người làm nghệ thuật, là những nhà báo, trí thức, cảm thấy rất mong muốn làm thế nào trong sự phát triển văn hóa chung, chúng ta không coi nhẹ văn hóa đỉnh cao, và không được coi nhẹ. Nên ý tưởng làm thế nào mỗi năm có một chương trình ngang tầm với Hennessy Concert hay Toyota Classic thôi thúc rất mãnh liệt.

Để làm được việc này rất khó khăn, hiện nay Nhà nước không có kinh phí hỗ trợ nên chúng tôi trông vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Đặc biệt năm nay đã có sự kết hợp chặt chẽ hơn của Đài truyền hình Việt Nam - kênh VTV3. Anh Trần Bình Minh đã thống nhất VietNamNet cùng VTV sẽ đầu tư thật tốt để xây dựng chương trình Điều còn mãi trở thành một thương hiệu quốc gia, ở một tầm mới cao hơn. Yếu tố truyền hình là rất quan trọng để đưa buổi hòa nhạc đến đông đảo công chúng khán giả vì đây là chương trình không bán vé và số lượng vé rất hạn chế. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp vào lúc 14h00 ngày Quốc khánh 2/9 trên sóng VTV3.




- Ông có thể cho biết những nét mới của chương trình năm nay?

- Năm nay cấu trúc của chương trình vẫn bao gồm 2 phần khí nhạc và thanh nhạc. Chúng tôi có 1 giao hưởng và tôi chọn giao hưởng thơ "Lệ Chi Viên" của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - một trong những nhà soạn nhạc trẻ hàng đầu Việt Nam được thừa nhận bởi cả những nhà chuyên môn và các nhạc công. Có 1 bản concerto - tôi chọn 1 bản concerto đương đại cũng của một nhà soạn nhạc trẻ như Trần Mạnh Hùng - đó là Nguyễn Mạnh Duy Linh với tác phẩm "Concerto grosso cho violon, piano, bộ gõ và dàn dây". Đây là một tác phẩm độc đáo có ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ.  

Về tác phẩm ngắn viết cho dàn dây, dành cho cello có  "Trở về đất mẹ" của Nguyễn Văn Thương, cho violin có "Hát ru" của nhạc sĩ Hoàng Dương - tác phẩm này rất đằm thắm và mang hồn của người Việt. Như thường lệ chúng tôi sẽ có một tác phẩm chuyển thể dân ca "Bèo dạt mây trôi". Đây sẽ là một vệt xuyên suốt, trở thành truyền thống của "Điều còn mãi" - VietNamNet bởi chúng tôi muốn đưa vào cấu trúc chương trình kho tàng dân ca quý báu của nước ta.

Và cuối cùng là tác phẩm thể nghiệm có tính chất đương đại - trích đoạn tác phẩm "Bóng" do nghệ sĩ piano Phó An My trình diễn. Tác phẩm này nằm trong tổ khúc piano Đối thoại với chầu văn (Hòa nhạc Điều còn mãi 2010 đã giới thiệu trích đoạn Đối thoại với tuồng rất ấn tượng của nghệ sĩ Phó An My - PV).

Như vậy về mặt khí nhạc có các thế hệ, các phong cách, các thể tài. Không phải là đầy đủ hết, nhưng trong chương trình cho 1 năm có thể thấy một điều gì đó vang lên từ những tác phẩm ấy. Là tâm hồn người Việt thông qua ngôn ngữ thuần túy âm nhạc - đó là khí nhạc.

Về âm nhạc năm nay có 2 thể tài: Hợp xướng và ca khúc nghệ thuật. Phần hợp xướng có 3 tác phẩm. Hợp xướng đầu tiên là "Việt Nam muôn năm" của nhạc sĩ Hoàng Vân, sau đó là hợp xướng "Từ thành phố mang tên Người" của nhạc sĩ Cao Việt Bách, cuối cùng là đại hợp xướng "Việt Nam quê hương tôi" - nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Các tác phẩm này mang theo giai đoạn lịch sử huy hoàng và đến tác phẩm hợp xướng cuối có sự tham gia của toàn thể nghệ sĩ, rất mong các khán giả có thể cùng hòa giọng vì đây là 1 ca khúc dễ hát và quen thuộc với toàn thể người Việt chúng ta.

Về phần ca khúc nghệ thuật, chúng tôi đã phối khí lại các ca khúc theo phong cách giao hưởng và biểu diễn toàn bộ cùng dàn nhạc. Đặc biệt năm nay tôi sẽ giới thiệu một nhân tố mới - đó là cô Hà Phạm Thăng Long để mọi người cùng thưởng thức giọng hát và đánh giá trong ca khúc thời kì tiền chiến "Ngọc Lan". Những ánh sao đêm - ca khúc thời kỳ xây dựng CNXH sẽ do Đăng Dương hát. Ca khúc thời kì Cách mạng tôi đưa vào bản "Tình em" của nhạc sĩ Huy Du. Thông thường mọi người hay đưa các ca khúc chiến đấu vào thời kì này, nhưng tôi cho rằng Điều còn mãi trong tâm hồn người Việt Nam là tình yêu thương. Dân tộc chúng ta không phải là dân tộc sinh ra để đánh nhau. Chúng ta chiến đấu vì phải như thế. Tình em là tâm hồn của những người lính ra trận, chính vì điều này họ đã chiến thắng được.

Các ca khúc đương đại như "Trên đỉnh phù vân" - do Mỹ Linh hát, và "Họa mi hót trong mưa" - do Nguyên Thảo hát cũng đều được phối lại theo phong cách giao hưởng.

Có một điều cần lưu ý với các khán giả, đó là Quốc ca Việt Nam sẽ luôn vang lên ở phần mở đầu chương trình. Chúng tôi sẽ cử Quốc ca và cần báo trước để các khán giả hãy đứng dậy.




Nhạc sĩ Dương Thụ trong buổi gặp gỡ phóng viên


- Khi nhìn vào cấu trúc tác phẩm của chương trình năm nay, thì thấy được cả một sự dày dặn, phong phú về nhiều thời kì cũng như đa dạng về thể loại. Việc ông tư duy ra một cấu trúc tổng thể như thế có mất nhiều thời gian không?

- Tôi đã từng làm tổng đạo diễn chương trình Nửa thế kỉ bài hát Việt Nam, và vì thế những điều này nằm trong đời sống của tôi rồi. Tôi không phải là người suy nghĩ nhiều lắm, dựa vào những cái mình sống thì tư duy ra, tự nhiên có sáng kiến chứ không có gì là ghê gớm. Nó phụ thuộc vào sự hiểu biết, trình độ và xúc cảm của mình. Khi có vốn hiểu biết quan trọng về âm nhạc Việt Nam, lại thêm muốn làm điều gì cho nó thì tự nhiên sẽ nghĩ ra.

Cấu trúc mà bạn cho là phức tạp, thực ra nó rất rõ ràng. Thường chúng ta quen với những chương trình kiểu "cúng cụ" hay chương trình phô diễn - nó giống như món lẩu cộng hết cái này cái khác nên chúng ta bị bất mãn với những người làm chương trình. Nên khi gặp chương trình này các bạn ngạc nhiên, nhưng những người như tôi nhiều lắm và họ đều có thể làm như tôi cả.

Nó phong phú, bởi bản thân âm nhạc phong phú. Nó phức tạp bởi bản thân âm nhạc phức tạp. Điều quan trọng nhất là mình sắp xếp như thế nào để cho nó có hiệu quả, phải dễ nghe, minh bạch, rõ ràng. Nếu thực sự có hiểu biết, say mê sẽ thực hiện được hết. Những tính toán cho chương trình đã thuộc về chuyên môn, thuộc về nghề rồi.

- Từ “Điều còn mãi”, ông đã luôn đưa được những yếu tố mới thực sự đẳng cấp trong âm nhạc đến với khán giả đại chúng - như Trần Mạnh Hùng, như Nguyên Thảo. Năm nay ông lại giới thiệu một gương mặt mới là Hà Phạm Thăng Long - giọng soprano được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao, là thí sinh Việt Nam đầu tiên được các chuyên gia Canada lựa chọn tham dự cuộc thi opera quốc tế tại Mỹ năm 2004. Ông đánh giá thế nào về giọng ca này?

Bản thân tôi luôn cố gắng tìm những nhân tố mới - nó mang đến sự hấp dẫn cho chương trình. Năm đầu tiên tôi đã đưa Đức Tuấn hát Ca ngợi Hồ Chủ Tịch đã thành công - một ca sĩ từ Tp Hồ Chí Minh, hát nhạc nhẹ đã làm người ta ngạc nhiên. Như Phó An My chơi piano trong tác phẩm Đối thoại với tuồng - một tác phẩm rất lạ lùng. Có thể bạn không hiểu, nhưng bạn thấy hấp dẫn. Nguyên Thảo năm 2010 cũng là 1 nhân tố mới, cô hát rất xuất sắc tác phẩm Hướng về Hà Nội. Thảo là người chưa bao giờ học nhạc viện, chưa bao giờ hát với dàn nhạc, nhưng tôi là người đào tạo cô ấy nên tôi hiểu. Năm ngoái Nguyên Thảo đã làm cho tôi rất tự hào trước nhiều người trước đó còn lo ngại về phần biểu diễn của cô ấy.

Năm nay, tìm kiếm mãi một gương mặt ca sĩ mới để trình diễn thính phòng tôi kỳ vọng vào Hà Phạm Thăng Long. Bài Ngọc lan của Dương Thiệu Tước viết theo phong cách classic rất hay, vì thế phải có một giọng hát thính phòng hay, hát được tiếng Việt. Ngày xưa có Bích Thủy, hát Aria (khúc ca trong opera - PV) rất hay, nhưng hát tiếng Việt thì không được như vậy. Hà Phạm Thăng Long là một cuộc mạo hiểm mới của 2011. Tôi đánh giá chất giọng cô này tốt, rất thông minh, nhưng chưa biết trên sân khấu Điều còn mãi, tương quan với Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo sẽ ra sao. Nhưng làm gì cũng phải có phiêu lưu (ông cười) chứ chúng ta cứ "ăn chắc mặc bền" thì không có đột phá được. Có thể thành công, có thể chưa thành công ... nhưng đó sẽ là yếu tố mới.

Còn yếu tố người biểu diễn nữa là Xuân Huy - một tài năng ẩn dật. Tôi đã tìm cách đưa cậu ấy lên sân khấu với lời hứa "Chú sẽ giúp cháu vì cháu là người biểu diễn. Nếu cháu không biểu diễn thì những gì tích lũy được sẽ mất hết". Tôi đã giúp và Huy rất xứng đáng với niềm tin ấy. Giờ cậu ấy mạnh dạn đi biểu diễn chứ không ẩn dật như xưa. Năm ngoái Huy chơi Chương 2, Sonata số 8 Tâm hồn người Hà Nội của bác Tùy nhiều người rất thích. Bên cạnh một người rất nổi tiếng như Bùi Công Duy, Huy cũng không bị lép vế. Tất nhiên Huy cũng là dân học Tchaikovski ở Nga về.





- Trong "Điều còn mãi", có rất nhiều các tác phẩm thanh nhạc được phối khí theo phong cách giao hưởng ngoài ra còn có tác phẩm chuyển thể dân ca "Bèo dạt mây trôi". Vậy ai là người phụ trách phần phối khí và chuyển thể này?

- Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là người phối khí các ca khúc theo phong cách thính phòng. Khả năng viết cho nhạc cụ, khả năng phối hợp, tổ chức âm thanh của cậu ấy rất tốt. Hùng được các bậc đàn anh, các nhạc công đánh giá cao và xem là một tài năng.

Còn về tác phẩm chuyển thể, có lần tôi xem concert tại Thành phố Hồ Chí Minh, thấy rằng anh Ngô Hoàng Quân chuyển thể cho dân ca khiến tôi rất thích. Tôi giao cho Quân việc này, nói với Quân "Dân ca trong chương trình này không có chỗ đứng vì đây là nhạc thính phòng giao hưởng, nhưng giai điệu của nó rất xứng tầm để mình chuyển thể cho giao hưởng được". Tôi đã đi rất nhiều nước, nghe nhiều dân ca, thấy giai điệu của mình "oách" lắm. Giai điệu ấy mà được chơi với dàn nhạc giao hưởng nó sẽ ở tầm vóc rất khác. Ý nguyện của tôi là mỗi năm anh Quân sẽ chuyển thể sang giao hưởng 1 bài dân ca.

- Dường như chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" có ý nghĩa rất lớn trong trái tim ông?

- Năm nay, như mọi năm, tôi là người tuyển chọn nghệ thuật, là tổng đạo diễn của chương trình, do mối quan hệ làm việc của cá nhân, do quá trình tích lũy của bản thân tôi thấy kho tàng âm nhạc Việt Nam thật sự có giá trị về mặt nghệ thuật, và nội dung cũng không phải ít. Chúng ta có thể làm đến 10 năm nữa chương trình này cũng không khai thác hết được. Nhưng không phải là bày hết ra mà phải dần lựa chọn đưa ra để năm nào cũng hấp dẫn, cái này xen cái kia... làm sao để lịch sử âm nhạc của Việt Nam - lịch sử tâm hồn của người Việt sẽ sống lại, được nghe lại tình yêu đối với đất nước, những xúc cảm của cả một thời đã có.

Tôi muốn tạo ra một buổi biểu diễn mà người nghe đến để nghe nhạc, chứ không phải làm điều gì khác, và để xúc động. Còn xúc động như thế nào thì thuộc về người tổ chức. Tôi đã viết 1 bài trên VietNamNet, "Viết nhạc để yêu thương". Yêu thương là ước mơ của tất cả chúng ta. Cho nên tôi nghĩ bây giờ tôi phải làm việc đó, phải khơi dậy tình cảm yêu thương, lòng yêu nước. Đó là tình yêu nước đẹp, sự thanh sạch, tình yêu rất nhân văn với con người.

- Cảm ơn nhạc sĩ Dương Thụ, xin chúc ông nhiều sức khỏe để sáng tạo và tiếp tục làm việc với xúc cảm âm nhạc và trí lực của mình!

Theo vietnamnet.vn