Tin tức

Con ra Bắc học đại học, mẹ vào Nam làm "ôsin"

10 Tháng Chín 2011

12 năm ăn học, giờ đây con đường thay đổi cuộc đời hiện dần ra trước mắt khi Hiền nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Tuy nhiên, sau những nụ cười hạnh phúc của mẹ, Hiền biết vẫn có những giọt nước mắt lăn sâu vào đêm tối.

 

Bởi chỉ vài ngày nữa thôi, khi Hiền ra thủ đô trọ học, thì cũng là lúc mẹ chia tay gia đình vào Nam làm ôsin (giúp việc nhà) để kiếm tiền cho con ăn học...

 

Em Hiền cùng mẹ chuẩn bị giấy tờ cho ngày lên đường nhập học.
Em Hiền cùng mẹ chuẩn bị giấy tờ cho ngày lên đường nhập học.

Cô bé câu lươn dày thành tích học tập

Tôi tìm về xóm 2 thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hoà, Quảng Trạch, Quảng Bình tìm gặp em Trương Thị Hiền - người vừa thi đậu vào Học viện Tài chính Hà Nội, ngành kế toán với số điểm 27, nhưng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Men theo con đường đầy cỏ dại giữa vùng đất thấp trũng, trước mặt là ruộng lúa nước lõm bõm, nhà Hiền như lọt thỏm giữa vùng sâu nhất của thôn. Trong căn nhà xập xệ được chắp vá từ nhiều thứ vật liệu, Hiền và gia đình vừa ăn xong bữa cơm trưa để chuẩn bị xuống thị trấn chụp ảnh làm hồ sơ nhập học.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi trong căn nhà ẩm tối là dãy giấy khen đã ố màu có, còn mới nguyên có. Từ lớp 1 đến lớp 12, Hiền đều đạt thành tích học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của trường. Cạnh đó, sau màn phông treo những tấm bằng, trong chiếc màn rủ đã cũ, ông Trương Quốc Khánh - ba Hiền - già sọm đi rất nhiều so với tuổi 50 do bị bệnh thần kinh lâu năm, mắt lờ đờ nhìn khách, thỉnh thoảng lại trở mình mệt mỏi.

Mẹ Hiền - bà Trần Thị Hương - tự hào khoe: “Từ lớp 3 hắn đã biết theo mấy đứa con trai đi câu lươn, đồng ruộng mô cũng có mặt, ao nước mô cũng sục, nhưng được cái năm nào cũng đạt thành tích cao”. Năm 11, Hiền được tham dự thi học sinh giỏi tỉnh và đoạt giải nhì môn hoá, giải ba môn toán. Không ngừng ở đó, Hiền còn đoạt cả hai giải nhì toán và hoá vào năm học lớp 12.

Cũng trong năm học lớp 12, có một chuyện mà cho đến bây giờ, cả mẹ và Hiền đều còn tiếc nuối là năm đó Hiền được chọn vào đội tuyển 6 người của tỉnh dự thi môn hoá của quốc gia. Lúc đó trong nhà chỉ gom được gần 2 triệu đồng, rồi nhà trường trích quỹ cộng vào gần 7 triệu đồng cho Hiền vào thành phố ôn luyện để chuẩn bị cho một tháng sau ra Hà Nội thi. Nhưng ngặt nỗi: “Lúc đó mẹ đi làm thuê dưới thị trấn Ba Đồn, ở nhà còn em trai, ba thì hay bị lên cơn thần kinh nên em đành phải viết đơn xin rút ở nhà chăm gia đình thay mẹ” - Hiền kể.

Gác sự tiếc nuối với cơ hội thử sức mình, cô bé lại quay về nhà lấm lem trên 4 sào ruộng của mẹ. Hết ra đồng lại về nhà chăm bẵm mấy con heo - tài sản giá trị nhất trong nhà - ấy vậy mà Hiền vẫn rất lạc quan và mạnh mẽ. Chính người mẹ tần tảo đã không ít lần phải thốt lên thán phục đứa con gái đầu khi tiếp chuyện với tôi: “Hắn cực rứa nhưng đi ra không ai than phiền một lời nào, khi về nhà lại lo lắng cho ba mẹ hết mức”. Năm Hiền còn học mẫu giáo, ba em lúc đó đang dạy ở Trường Trung cấp Kinh tế Quảng Bình bỗng dưng đổ bệnh thần kinh. Càng lớn tuổi, bệnh ba ngày càng nặng.

Những lúc trời trở, ba lên cơn cả nhà đều phải tránh xa. Có những lúc đang ăn cơm bỗng dưng ba hất cả mâm tung toé. Có những lúc Hiền đang học bài, ba lại đòi xé sách, quăng vở. Không vì thế mà nản chí, cô bé lén lút trốn ba chạy sang nhà bạn hàng xóm học, chờ khi ba tỉnh lại mới chạy về khăn nước, thuốc thang cho ông.

“Đời mạ cực quá rồi”

Hỏi chuyện các thầy - cô giáo Trường THPT Quảng Trạch 2, ai cũng thương và cảm phục cô học trò nghèo học giỏi. Thầy Hải - Bí thư Đoàn trường – nói: “Hiền là một học trò ngoan có năng lực, chỉ tiếc gia đình em quá khó khăn”. Cũng vì thương cho hoàn cảnh của Hiền, thầy Hải đã “châm chước” cho cô bé suốt quãng thời gian đi học vì lỗi không có tiền... may áo dài. Rồi cũng trong cả 12 năm học, toàn bộ sách vở, bút mực của Hiền mẹ không mất đồng nào, bởi các thầy, cô người thì cho mượn sách, người thì tặng cây bút, chỗ sách nào cần thì cô bé lại lên thư viện trường mượn học...

Thầy Phạm Quốc Thành - Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Quảng Trạch - nhận xét: “Em Hiền là một tấm gương sáng về vượt khó học giỏi. Suốt 3 năm học, dù vắng mẹ, chăm sóc cha bị bệnh, nhưng không vì thế mà em nản chí học hành. Em đã làm dày thêm truyền thống ham học của nhà trường”.

Từ khi biết được Hiền đậu đại học, cả nhà dù vui nhưng cũng lo sốt vó vì không biết lấy tiền đâu cho con theo học. “Nhà nuôi được 3 con heo đẻ, hôm trước tui phải bán 2 con được 4,5 triệu đồng cho con đi thi hai trường. Giờ con ra nhập học, còn một con nữa cũng phải bán nốt để lấy tiền cho cháu. Rồi mai mốt tiền ăn ở không biết xoay xở răng đây nữa...” - bà Hương đầy lo lắng khi nghĩ đến chuỗi ngày sắp tới của con mình ở Hà Nội.

Trong hành trang chuẩn bị ra Hà Nội theo học, đáng chú ý nhất là một đôi dép caosu hơi cũ đã được đánh rửa sạch sẽ. Hiền cho biết đôi dép này đã đi được 3 năm cấp THPT rồi, dù hơi cũ nhưng có lẽ còn đi được một vài năm nữa. Lén giấu giọt nước mắt sau góc nhà, cô bé lo lắng: “Ba em đau ốm thường xuyên, em trai lại đang đi học, mạ nói em cứ lo học đi, mạ xoay tiền được, hằng tháng mạ sẽ gửi ra, mà mạ thì có tiền mô nên em phải tiết kiệm. Em sẽ sắp xếp để đi làm thêm, sẽ gắng học thật giỏi để có tiền giúp mạ, đời mạ cực quá rồi”.

 

Hiền và em trai tranh thủ đi câu lươn kiếm thêm tiền trước khi ra Hà Nội nhập học.	Ảnh: L.Đ.Dũng
Hiền và em trai tranh thủ đi câu lươn kiếm thêm tiền trước khi ra Hà Nội nhập học. Ảnh: L.Đ.Dũng

Vài ngày tới, Hiền sẽ lên xe ra Hà Nội. Mẹ Hiền cũng đã sắp xếp công việc đồng áng để vào Nam xin đi ở thuê. Bà Hương kể: “Tui đi làm thuê ở dưới Ba Đồn gần 1 năm nay, trung bình mỗi ngày kiếm được 50.000 đồng. Nhưng giờ con đi học, nghe có người làng ở trong Nam nói làm thuê trả lương cao hơn nên tui đang sắp xếp đi, chứ làm ở đây sợ không đủ”. Những ngày này, vừa chạy vạy cho con gái kiếm tiền trọ học, vừa lo thuốc men cho chồng dưỡng bệnh, vừa kiếm mối để xin đi làm, đôi vai người mẹ nghèo như chùng thêm xuống. Mà trong nhà đâu chỉ mỗi Hiền đi học và cũng không phải mỗi chuyện đó để lo lắng.

Em trai Hiền - em Trương Quốc Hiếu - năm nay chuẩn bị lên lớp 11. Cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào 4 sào ruộng và đồng lương làm thuê ít ỏi của mẹ, nên từ nhỏ Hiếu đã sớm cáng đáng việc gia đình. Hè vừa rồi, lặn lội câu lươn khắp các cánh đồng trong huyện, có khi xuống tận Bố Trạch, Hiếu gom được hơn 2 triệu đồng. Số tiền đó, cậu dành cho việc sắm sửa đi học và mua thuốc cho ba. “Ba em bị bệnh giờ phải nằm một chỗ, mai mốt đây chị và mẹ đều đi xa nên em cũng đang lo...” - Hiếu chia sẻ.

Cuộc sống của gia đình nhỏ vốn khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Những nét âu lo đã hằn rõ trên gương mặt của cậu bé nghèo. Tuy nhiên, ước mơ đổi đời qua sự học của họ thì mạnh mẽ lắm. Thấy chị buồn lo, Hiếu an ủi như một người từng trải: “Ba mạ khổ rồi, chị em mình mà không học thì cứ khổ mãi, chị và mạ cứ đi đi, việc ở nhà em sẽ tự lo được”. Sắp tới ngày nhập học, bạn bè cùng trang lứa đã chuẩn bị sách vở, áo quần, nhưng Hiếu vẫn bì bõm trên những cánh đồng loang nước ven sông Gianh. Cậu dự tính sẽ gom tiền mua cho chị ít vở và bút làm quà đi học, còn sách vở của mình Hiếu sẽ tìm hỏi những anh chị trong xóm để mua lại.

“Hy vọng Hiếu sẽ là một bản sao của Hiền, nhưng chỉ là bản sao về vượt khó trong học tập chứ không phải là sự khó khăn trong cuộc sống như bây giờ...” - là tôi hy vọng thế khi cuối chiều, Hiền phải chủ động chia tay khách để cùng Hiếu xuống thị trấn, cách nhà khoảng 10km để chụp ảnh làm hồ sơ, lúc hai chị em đèo nhau trên chiếc xe đạp nam già nua và cũ kỹ...

 

Theo laodong.com.vn