Tin tức

“Hẹn hò thú vị”, đón đợi tài năng

10 Tháng Chín 2011

Nhận định về văn trẻ trong những năm gần đây, nhà thơ Hữu Thỉnh tổng kết trong ba câu hết sức cô đọng: “Nhiều đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng. Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa. Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công”.

 Chính thức khai mạc sáng nay 9-9 tại Hội trường UBND tỉnh Tuyên Quang, Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc đã có một ngày làm việc “đầy tinh thần tuổi trẻ”: hàng chục bản diễn từ, tham luận đã được đọc mà không hề nghỉ giải lao.

 112 đại biểu chính thức là các tác giả trẻ từ khắp cả nước đã có mặt tại hội nghị. Có những gương mặt rất trẻ, như Phạm Nguyễn Ca Dao (17 tuổi), Meggie Phạm (20 tuổi), lần đầu đến hội nghị, cũng có những gương mặt khách mời đã quá quen thuộc như Vi Thuỳ Linh, Di Li, Nguyễn Ngọc Tư...Trong các vị khách mời, có các nhà văn lão thành Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà thơ Giang Nam từ miền nam, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Hoàng Quốc Hải, GS Trần Đình Sử từ miền bắc. Hội nghị cũng được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

 Sau diễn văn khai mạc Hội nghị của nhà thơ Hữu Thỉnh, bài phát biểu chào mừng của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, các cây bút trẻ đã nghe những chia sẻ chân thành, những ý kiến thẳng thắn từ phía những nhà văn, nhà thơ thế hệ đi trước.

 Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể những câu chuyện giản dị, trong đó ông nhấn mạnh chi tiết làm nên tác phẩm, để đưa đến cho những bút trẻ lời khuyên hãy sống, lắng nghe và quan sát.

GS Nguyễn Văn Hạnh thì thì cho rằng, muốn có được một tác phẩm hay, nhà văn cần phải có tài năng và bản lĩnh. Tuy nhiên, một không khí xã hội để nuôi dưỡng tài năng, chính là tự do sáng tạo cần được tôn trọng.

 Về phần mình, các cây bút trẻ từ khắp cả nước đã mang về hội nghị hàng chục bản tham luận. Liền một mạch trong buổi sáng và cả buổi chiều, gần hai chục bản tham luận của họ đã được trình bày trước hội nghị. Ngoài một vài ý kiến thể hiện rằng, họ đến với văn chương tình cờ như một cuộc chơi, nghĩ gì viết nấy, và cái danh xưng “nhà văn trẻ” đối với họ vẫn còn “ngồ ngộ” (tác giả Meggie Phạm - Huế) còn phần lớn các nhà văn trẻ đã ý thức rõ ràng văn chương và thế hệ mình.

 Nhà văn trẻ quân đội Nguyễn Xuân Thuỷ, tác giả của “Sát thủ online” và những tập sách về Trường Sa kêu gọi “mỗi người viết hãy làm một thợ lặn”.

 Trong khi đó, thì nhà văn trẻ Gia Lai Miên Di có bản tham luận tự của một người trong cuộc tự nhận mình “một nền văn học dậy thì” và đặt ra cho mình những trách nhiệm xã hội.

 Tác giả Lý Hữu Lương (dân tộc Dao) đưa ra một bản tham luận dài với rất nhiều kiến nghị một là hai là ba là, nêu ra vấn đề làm thế nào để phát triển đội ngũ viết văn người dân tộc thiểu số.

 Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng lại nói về vai trò “thắp lửa” của Hội Nhà văn và Ban công tác văn trẻ.

 Nhà văn và trách nhiệm xã hội

 Nhà văn trẻ quân đội Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, mỗi người viết cần “lặn” vào đời sống, sống hết mình, sống mạnh mẽ, tận cùng, dấn thân vào đời sống để có thể dấn thân trong nghệ thuật”. Việc Hội Nhà văn thường tổ chức các đợt đi thực tế sáng tác là rất cần thiết. Tuy nhiên, đó chỉ mới là hoạt động bề nổi. Cá nhân mỗi người viết cần có những “chuyến đi của riêng mình”, không theo tính chất hội đoàn, không “trống dong cờ mở”.

 Anh đưa ra thí dụ, không thể phủ nhận tài năng của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ông đã thoát ra khỏi “góc sân và khoảng trời” của một thần đồng thơ nhỏ tuổi, vượt trùng khơi đối mặt với hiểm nguy giữa mênh mông sóng nước, thực sự sống cuộc sống người lính ở Trường Sa để từ đó mà có chất liệt làm nên một “Đảo chìm”. Tuy nhiên, anh nói, không phải cứ lặn thật sâu vào đời sống thì sẽ cho ra đời được một tác phẩm hay. Nhưng theo anh, một nhà văn có tài sẽ đồng nghĩa với việc nhà văn ấy là một thợ lặn giỏi.

 Cũng tự đặt trách nhiệm xã hội lên chính đôi vai của mình, nhà văn Miên Di (Lê Xuân Hoà) đến từ Gia Lai đã có một bản “tự phê phán” chính thế hệ mình. Anh cho rằng, dù sách của các cây bút trẻ vẫn ra đời “hoánh tráng”, nhưng kể từ “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, chưa có một “vụ nổ” nào xảy ra. Chưa có tác phẩm nào nói tiếng nói thống thiết cất lên từ đáy xã hôi, nói thay cho nỗi niềm cả xã hội. Trong khi, những vụ văn tặc, văn sex... vẫn cứ nổ ra ầm ầm.

 Theo anh, văn trẻ đang làm cho người đọc bị ngộ độc bởi những ngông nghênh tật nguyền của văn chương chửi đổng, hoặc ngược lại, thứ văn chương “tu từ chính kiến”, ẩn nấp dưới những ngôn từ đỏm dáng hoặc hùng hổ, nhưng là để che đậy một sự sợ hãi, sợ hãi một điều gì đó... Một thứ mà anh coi là “vấn nạn văn chương” khác: đó chính là thay vì làm chủ kỹ thuật viết thì xem nó như một công cụ biểu diễn. Làm cho người đọc thường xuyên bị “ngộ độc” như thế, nhà văn trẻ phải gánh trên đôi vai trách nhiệm của mình. Người trẻ cần xác định, làm văn chương không phải để trả lời cho câu hỏi: “Tôi sẽ được cái gì?” mà hãy trả lời cho việc: sẽ để lại gì cho xã hội, cho Tổ quốc, cho con người?

 Chờ đợi những tài năng?

 Trong bài diễn từ khai mạc hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh gọi đây là một “cuộc hẹn hò thú vị”. Và trong lần gặp gỡ tại cuộc hẹn hò này, vị Chủ tịch Hội Nhà văn đặt ra câu hỏi “làm quen”: “Những người viết văn trẻ, bạn từ đâu đến?”

 Và để kiểm kê lại đội ngũ viết văn trẻ của mình, ông khẳng định: “Nếu như các hội nghị lần trước, phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, vài truyện ngắn, thì hội nghị lần này, một phần ba số đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều bạn có 2, 3 đầu sách. Số giải thưởng văn học mà các bạn đem về hội nghị này nhiều hơn bất cứ hội nghị nào trước đó”. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn là để trả lời câu hỏi của ông: “Những nhà văn trẻ, chúng tôi đến từ miền của tài năng”.

 Nhận định về văn trẻ trong những năm gần đây, nhà thơ Hữu Thỉnh tổng kết trong ba câu hết sức cô đọng: “Nhiều đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng. Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa. Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công”.

 Đó là những đặc điểm thường thấy trong giai đoạn xuất phát. Còn bây giờ, văn trẻ đang đứng trước giai đoạn định hình, khẳng định. Năng khiếu phải trở thành tài năng. Mỗi người viết phải biết sớm tách ra khỏi “dàn đồng ca vui vẻ” và trở thành một chủ thể độc đáo, duy nhất, mỗi lĩnh xướng tài hoa mang dấu ấn cá nhân. Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định “đây là một câu chuyện nghiêm túc và vô cùng cấp bách, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học nước nhà”.

Ông cho rằng, văn chương là cái biển chứa tài năng không biết đến thế nào cho đủ. Một nền văn học trưởng thành là một nền văn học cộng sinh những tài năng khác nhau. Và đó chính là mục đích của cuộc hội nghị này: tìm kiếm, hội tụ những tài năng.

 

Theo nhandan.org.vn