Tin tức – Sự kiện

Phân làn giao thông: Tầm "thường", trí "đoản"?

23 Tháng Mười 2011

...Liệu những người quản lý giao thông nói chung và của TP Hà Nội nói riêng đã thực sự có đủ tầm và trí? Hay là vẫn quanh quẩn với lối suy nghĩ tiểu nông, ngắn ngủn như chính cái đoạn phân làn ấy? Và quan trọng hơn là họ đã thực sự quan tâm đến lợi ích của người dân hay chưa?

 

Vẫn có gì đó bất ổn

Phân làn giao thông tại các đô thị lớn với mật độ xe cộ dày đặc như Hà Nội và TP.HCM là việc làm cần thiết. Việc phân làn hợp lý, có tính toán kỹ lưỡng, được thực hiện một cách khoa học ... sẽ giúp cho giao thông đô thị bớt đi sự lộn xộn, rối rắm. Đồng thời cũng góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc và nhất là hạn chế được tình trạng tai nạn giao thông đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Dẫu biết là vậy nhưng dường như vẫn có cái gì đó bất ổn trong việc tính toán, thực hiện việc phân làn giao thông hiện nay. Điển hình là chuyện phân làn giao thông đang diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khi trả lời phỏng vấn báo VnExpress ngày 12.10 thì việc thực hiện phân làn ở Hà Nội không cần phải dựa vào hội thảo hay cơ sở khoa học nào mà chỉ dựa vào Luật Giao thông đường bộ là đủ. Vì luật đã quy định cụ thể làn nào ra làn ấy, phương tiện nào đi theo dòng phương tiện ấy.

Tuy nhiên, ông Tân lại cho biết thêm là: "Tính toán của chúng tôi cực kỳ khoa học và cũng đã chạy mô hình. Nếu chạy với tốc độ 30 km một giờ, đủ điều kiện để chuyển làn bình thường, không va chạm; đừng đi với 60-70 cây số bởi như thế là đâm".

Không biết là khi "không cần dựa vào hội thảo nào mà chỉ dựa vào Luật Giao thông đường bộ" mà lại được "tính toán cực kỳ khoa học" thì cái yếu tố "khoa học" này là gì và do ai tính toán, nghiên cứu, đề xuất? Là của cá nhân ông Nguyễn Xuân Tân hay là của tập thể Sở GTVT Hà Nội?

Nhưng chỉ biết rằng, mặc dù hệ thống biển báo, dải phân cách đã được sơn phản quang, cột biển đã được dán giấy phản quang nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thì đã có nhiều va quệt. Kết quả là làm xoay lệch 40 biển; hư hỏng phải thay thế 23 cột nghiêng đổ, gãy phải trồng lại 138 cột biển báo.

 

Biển báo phân làn bị ô tô, xe máy đâm nghiêng ngả trên đường Giải Phóng

 

Thậm chí, đến ngày 14.10 đã có bốn trường hợp thanh tra giao thông đang thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn giao thông bị xe máy quệt vào người và một số vụ tai nạn giao thông phải đi cấp cứu....

Cũng xin nói rõ là trước đây Hà Nội cũng đã từng tổ chức thực hiện việc phân làn giao thông, nhưng kết quả thì không mấy khả quan và nhiều người đã rất bức xúc khi việc phân làn đã được thực hiện một cách quá tùy tiện, quá cảm tính, nay gắn chỗ này, mai gắn chỗ kia hay gắn rồi lại gỡ, gỡ rồi lại gắn vào ...

Điều đáng nói là cách làm này cũng đang có dấu hiệu tái diễn.

Đúng như nhận xét của ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong cuộc họp rút kinh nghiệm về tổ chức thực hiện phân làn là: "Có tới 138 vụ va chạm, đâm vào cột phân làn. Như vậy chắc chắn là có bất cập về kỹ thuật chứ không phải chỉ do lỗi không quan sát của người tham gia giao thông".

Để hình thành nên một văn hóa giao thông đích thực phải là sự gắn kết và giao thoa của rất nhiều yếu tố. Trong đó, phần cốt lõi của hệ thống phải là trí tuệ, sáng tạo của quá trình hình thành nên văn hóa ngành nghề. Được thể hiện đầu tiên qua hình ảnh đẹp của ngành, của nhân viên giao thông.

Tầng giữa của hệ thống là tinh thần nhân văn cùng những biểu hiện văn hóa được hình thành trong xã hội và mô hình quản lí giao thông. Điều này được thể hiện qua các tiêu chuẩn thiết kế và qui phạm kĩ thuật cũng như các hình thức dịch vụ, tiêu chuẩn dịch vụ giao thông và các văn bản pháp luật.

Trong đó, bất cập rõ nhất có thể thấy là dải phân cách quá ngắn, quá thấp, lại được đặt ngay các giao lộ, nơi có mật độ giao thông thường rất cao. Với cách làm này, người tham gia giao thông sẽ bị khuất tầm nhìn và rất bất ngờ khi muốn chuyển hướng. Nếu dải phân cách dài hơn nhiều lần như hiện nay và điểm bắt đầu được đặt nơi thông thoáng, dễ quan sát thì yếu tố bất ngờ sẽ giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, khi dư luận phản ánh một số bất cập trong việc bố trí các dải phân cách, cột biển báo dễ gây tai nạn giao thông thì những người có trách nhiệm đã điều chỉnh những bất cập này, mà cụ thể là các vụ va quệt làm cong, gãy trụ biển báo, bằng cách ... đặt thêm phía trước trụ biển báo một cục bê tông lớn, được đúc theo mẫu thường thấy ở các dải phân cách trên xa lộ.

Đây quả là một "sáng kiến" hết sức khó hiểu và vô trách nhiệm. Có thể gây nguy hiểm hơn cho người đi đường khi lỡ va quệt vào dải phân cách này như đã từng xảy ra trong mấy ngày qua.

Văn hóa giao thông là tổng hợp nhiều yếu tố

Cũng như nhiều lần trước đây, mỗi khi đề cập đến vấn đề giao thông thì người ta hay nhắc đến ý thức và văn hóa giao thông của người dân. Y như  là mọi thành bại của các chính sách giao thông, của thực trạng giao thông hiện nay... tất cả đều do người dân, người tham gia giao thông gây ra. Còn trách nhiệm, tính hợp lý của công tác tổ chức, quản lý của một số người, một số cơ quan chức năng thì dường như ...vô can.

Còn nhớ, tại Hội thảo Quốc gia với chủ đề Văn hóa giao thông do Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức ngày 8.9.2010 tại Hà Nội, cả 32 tham luận trình bày tại hội thảo đều nhằm vào ý thức, văn hóa giao thông của người dân.

Theo đó, bao nhiêu "tội lỗi" của người dân đã được kể ra cho bằng sạch. Đáng chú ý nhất là một công thức được một vị giáo sư đề xuất, theo đó: Trừng phạt + giáo hóa = Văn hóa giao thông (?!).

Tương tự, khi trả lời báo chí, vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã nhiều lần nhắc đến vấn đề này. Và ông quả quyết: "Trước đây đặt biển trên cao nhưng người dân không thực hiện, nên nay không có cách nào khác là cưỡng bức giao thông thì người dân mới quen".

Nhưng ít ai biết rằng, để hình thành nên một văn hóa giao thông đích thực phải là sự gắn kết và giao thoa của rất nhiều yếu tố. Trong đó, phần cốt lõi của hệ thống phải là trí tuệ, sáng tạo của quá trình hình thành nên văn hóa ngành nghề. Được thể hiện đầu tiên qua hình ảnh đẹp của ngành, của nhân viên giao thông.

 

GS Vũ Khiêu phát biểu tại Hội thảo Văn hóa giao thông

 

Tầng giữa của hệ thống là tinh thần nhân văn cùng những biểu hiện văn hóa được hình thành trong xã hội và mô hình quản lí giao thông. Điều này được thể hiện qua các tiêu chuẩn thiết kế và qui phạm kĩ thuật cũng như các hình thức dịch vụ, tiêu chuẩn dịch vụ giao thông và các văn bản pháp luật.

Cuối cùng là sự phô diễn hình ảnh bên ngoài của ngành giao thông, hình thành nên thực thể cơ bản của văn hóa giao thông, là cơ sở vật chất cấu thành văn hóa giao thông.

Tức là, để có một hệ thống và văn hóa giao thông tốt và hợp lòng dân thì nhất định phải cần có trí tuệ. Phải liên tục nghiên cứu sáng tạo và hoàn thiện thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, văn bản pháp luật ... trên nền tảng nhân văn, sau đó mới đem áp dụng ngoài thực tế. Và xin nói rõ là người đóng vai trò chủ động phải là người cung cấp dịch vụ, tức là các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, cái thực tế giao thông ngày nay không thuộc về trách nhiệm của người dân.

Đến đây thì nhiều người tự hỏi, liệu những người quản lý giao thông nói chung và của TP Hà Nội nói riêng đã thực sự có đủ tầm và trí? Hay là vẫn quanh quẩn với lối suy nghĩ tiểu nông, ngắn ngủn như chính cái đoạn phân làn ấy? Và quan trọng hơn là họ đã thực sự quan tâm đến lợi ích của người dân hay chưa?

Nếu cứ mãi luẩn quẩn với những cách giải quyết tạm bợ như đã nói trên thì còn lâu người dân mới được hưởng một dịch vụ giao thông vừa ý như vốn dĩ họ đáng được như thế.

                                                                                                                                                             Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn