Tin tức – Sự kiện

Ra đường có khi phải dùng xe bọc thép!

23 Tháng Mười 2011

Hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên tiếp giữa phố xá đông đúc gần đây, theo cùng một kịch bản: xe mất lái lao thẳng vào dòng xe đang chạy cùng chiều và đâm va hàng loạt.

 

Sự tiếp liền của hai vụ tai nạn có thể chỉ là do ngẫu nhiên; nhưng nếu đặt sự việc trong khung cảnh chung về trật tự giao thông, thì sẽ có lý do để quan ngại sự gia tăng rủi ro trong giao thông công cộng, bất chấp các nỗ lực của nhà chức trách nhằm bảo đảm sự an toàn cho con người khi đi lại trên đường.

Trật tự giao thông công cộng ở nước ta thuộc loại kém nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chính là sự non yếu phổ biến trong nhận thức về quyền đi lại, giao tiếp  ở nơi công cộng. Mỗi khi ra đường, dù bằng phương tiện nào, thì cứ băng băng đi tới bằng cách chiếm lĩnh bất kỳ khoảng trống nào đang tồn tại trước mặt. Người đi xe máy có thể đi vào làn dành riêng cho xe hơi và ngược lại; khi tắc đường trầm trọng, thì cả xe máy và xe hơi còn leo luôn  lên lề đườmg dành cho người đi bộ để thoát thân.

Trong trường hợp có hai người cùng một lúc đi  vào một khoảng trống, thì người nào mạnh hơn, đặc biệt là có phương tiện có sức mạnh áp đảo hơn, sẽ có ưu thế trong việc khai thác khoảng trống ấy để đi qua. Bởi vậy, nếu người đi bộ băng qua đường theo vạch dành riêng cho mình trong lúc một chiếc xe hơi khác đang đi tới, thì tốt nhất, người đi bộ nên dừng lại nhường cho xe hơi chạy qua trước; nếu giành đường thì nguy cơ người đi bộ bị xe cán là rất cao.

Ở xứ người, công dân được dạy dỗ rất kỹ từ tuổi nhỏ để hiểu rằng tự do đi lại trong không gian công cộng là tự do có tổ chức. Tư tưởng chủ đạo là một mặt, mỗi người có quyền đi lại theo ý mình; mặt khác, mỗi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền đí lại của người khác. Trong trường hợp có sự xung đột giữa hai bên trong việc thực hiện quyền đi lại, thì việc giải quyết xung đột được thực hiện dựa vào các chuẩn mực được xã hội thừa nhận. Phần lớn chuẩn mực được luật hoá và được bảo đảm thực hiện bằng những chế tài rất nghiêm khắc, khiến người ta phải sợ mà không dám vi phạm. Chẳng hạn chỉ một lần vượt đèn đỏ hoặc lái xe trong tình trạng say rượu, người ta có thể bị phạt bằng nhiều tháng lương và treo giấy phép lái xe trong nhiều năm.

 

 

Hiện trường một vụ tai nạn liên hoàn. Ảnh: Ngoisao.

Thực ra chẳng có luật pháp nào can thiệp vào dến từng chi tiết của đời sống xã hội; bởi vậy, tự xã hội phải đặt ra những chuẩn mực mang tính quy ước nhằm bù đắp những lỗ hổng của luật pháp hoặc giải quyết những vấn đề mà luật pháp không chú ý đến. Các quy ước ấy hiện hữu trong đời sống cộng đồng, được ghi nhớ trong đầu và được truyền bá thông qua sự giáo dục tại nhà trường và bằng hành vi ứng xử mang tính khuôn mẫu của thành viên xã hội.

Ví dụ, chẳng ở đâu luật pháp quy định rằng khi đi mua bánh mì, mua vé hát mà có đông người, thì phải xếp hàng; nhưng nhờ thấm nhuần quy ước xã hội, người đến sau tự giác tôn trọng quyền ưu tiên của người đến trước và tự động xếp hàng chờ đến lượt minh.

Quy ước xã hội được bảo đảm thực hiện không phải bằng sức mạnh của công lực mà bằng sự phê phán của dư luận: người mua vé chen ngang, không chịu xếp hàng thường bị mọi người chung quanh nhìn với ánh mắt khinh bỉ, theo cách người ta đối xử với một người bị cho là bất lịch sự, kém văn minh.

Có thể từ đó hiểu tại sao nhận thức non yếu về quyền tự do đi lại, một trong những nguyên nhân của tình trạng hỗn loạn thường xuyên trong giao thông công cộng, cứ phổ biến ở Việt Nam như một thách thức ngang bướng. Luật pháp của chúng ta rườm rà, phức tạp, nhưng không chặt chẽ; chế tài trong hầu hết trường hợp còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe; bộ máy công lực chưa thực thi phận sự một cách mẫn cán, hữu hiệu, dứt khoát, đôi lúc còn tỏ ra lép vế trước phản ứng của người vi phạm, chưa kể một bộ phận bị mua chuộc và hư hỏng. Nhiều người dân, về phần mình, không bận tâm đến việc xây dựng nếp sống cộng đồng văn minh trên một nền tảng vững chắc hình thành từ pháp luật và quy ước xã hội, thông qua hành vi của mình và bằng cách phê phán hành vi phi chuẩn mực của người khác: đơn giản, người ta chỉ muốn yên thân.

Đà này mà  cứ tiếp diễn, thì đến lúc nào dó, phải dùng đến xe bọc thép mới bảo đảm được sự an toàn cho bản thân khi đi lại trên đường công cộng.

                                                                                                                                                         Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn