Tin tức – Sự kiện

Một thoáng Roma

24 Tháng Mười 2011

Dọc hai bên đường tàu từ thành phố Florence đến Thủ đô Roma của nước Ý, tôi đã bắt gặp một loài hoa cỏ rất đẹp. Cánh hoa mỏng như cánh bướm, màu đỏ thắm, cuống như que tăm, bầu thuôn hình chén, lay phay trong gió. Trên nền xanh của cỏ, chấm phá đôi ba cụm hoa, lắc thắc dải dọc lối đi của con tàu sắt hiện đại đã tạo nên vẻ tự nhiên hoang dại đầy thi vị.

Xuống tàu ở Roma vào ban đêm. Từ ga chính về nơi nghỉ tôi đi tàu điện nổi. Ngồi trên tàu điện nổi ở Roma, tàu hiện đại, qua rất nhiều phố khiến lòng nhớ tới những chuyến tàu điện mộc mạc xưa của Hà Nội khi có việc đi vào ban đêm. Khung cảnh ở đây, một số nơi, trong tối đầu tiên nhận diện sao nhang nhác như những phố cổ của Hà Nội. Cảm giác phố đêm này đã lại khác khi ban mai thức dậy, tôi lặng người trong rền rền những tiếng chuông tỏa rộng, âm vang. Càng tỏa rộng và âm vang hơn nữa khi dập dìu trên bầu trời là những cánh hải âu trắng bay lượn rồi là là đậu xuống những mái nhà, những tường thành. Ấn tượng đầu tiên của tôi ở Roma là tiếng chuông nhà thờ. Có lẽ không nơi nào trên thế gian này nhiều tiếng chuông nguyện cầu Thiên Chúa đến thế.

Tôi võ đoán vậy bởi cứ đặt chân xuống phố, dạo gót trên những mặt đường lát đá đen cổ, đi qua đâu đó một lát là bắt gặp những khối kiến trúc đồ sộ, cổ kính, hầu hết là mái vòm với nơi cao nhất vút lên là tháp mái tròn hoặc mái nhọn có cây thập giá biểu trưng quyền uy và sự lôi cuốn của đạo Trời. Hòa cùng tiếng chuông là tiếng chim hải âu. Tiếng chim như mang biển về phố. Nghe tiếng chim kêu mãi tít trên trời cao mà cảm giác như biển xanh đâu đó gần kề. Roma không thật sát biển, cũng không hẳn xa biển. Màu xanh sẫm của cây và dòng sông Tibre trong đầy êm đềm chảy hòa vào hơi biển đã quyến rũ loài chim vốn chỉ quen vờn trên sóng mặn mà về đây làm biếc thêm thành phố - nơi được nhiều người từ lâu rồi mệnh danh là "Thành phố Vĩnh Hằng" hay "Kinh thành Muôn Thuở"…

Roma có nhiều giá trị được lưu lại hàng nghìn năm nay. Các nhà cửa đền đài, tháp nhà thờ có khắp nơi. Các cột cao tưởng niệm cổ mang phong cách La Mã, Ai Cập. Các công viên, các khu vườn, hồ nước. Các cây cầu. Trong các cây cầu nổi tiếng có cầu Thiên Thần với những bức tượng Thiên Thần bắc qua sông Tibre mở lối dẫn tới lâu đài các Thiên Thần. Các trước tác nghệ thuật Ý, kiến trúc Ý trong bảo tàng, trong công trình và nhà thờ với nhiều tên tuổi lưu mãi cùng thời gian. Người xem nhắc tới các bức họa của Michelangelo ở nhà nguyện Sistine. Nhiều pho tượng tả thực và giàu truyền cảm với các ý tưởng xã hội khác nhau đặt trước các công trình lớn, trên quảng trường. Tất cả những báu vật ấy được hình thành từ xa xưa, thời trung cổ theo phong cách phục hưng và Baroque đã làm nên Văn hóa Roma. Nơi đây còn được mọi người trân trọng gọi là "Thành phố Bảo tàng" - một mách bảo ý nghĩa cho những ai muốn hiểu biết về Roma…

Một góc thành Roma.

Thật thú vị và lạ lùng khi ở thủ đô của một nước lại có một nước khác cư trú hàng nghìn năm nay hợp pháp và bền vững với diện tích quốc gia không đến nửa kilômét vuông, dân số trên dưới một nghìn và binh lính bảo vệ với số lượng khá ít, nghe nói khoảng trên một trăm. Lính này lại được tuyển mộ từ nước Thụy Sĩ. Những người lính ấy mặc quân phục cổ xưa, cầm giáo đứng gác như một hình thức lễ nghi trước cửa mỗi công sở. Đây là đất nước của các công dân theo đạo Thiên Chúa có tên là Thành quốc Vatican. Thành quốc Vatican xây dựng trên quả đồi Vatican, nằm trong lòng nước Ý, trong lòng Thủ đô Roma.

Quảng trường mang tên Thánh Phêrô ở trước đền thờ Thánh Phêrô. Tên đầy đủ của đền thờ này là Vương cung thánh đường Tông tòa Thánh Phêrô. Ngoài thành quách là ranh giới của cơ ngơi Thành quốc, Vatican còn có biên giới - được người ta gọi là biên giới vô hình - ở ngay trên sân quảng trường, chỗ khoảng giữa nơi có tháp cao. Nói là vậy nhưng chẳng thấy đồn và lính biên phòng đâu, chỉ thấy người là người nối nhau xếp hàng từ trong đất của Thành quốc lấn vòng sang đất của nước Ý để vào lễ và chiêm ngưỡng Vương cung Thánh đường.

Có tư liệu mách rằng, là đất Thánh vậy nhưng tình hình phạm pháp vẫn có. Những chuyện trộm cắp vặt có lúc xảy ra nhưng chủ yếu là từ chỗ các du khách. Với số lượng trên bốn triệu người vào thăm mỗi năm, không thể không có những đối tượng mang lòng tham vào đất Thánh mà chen lấn để chôm chỉa đồ của người mất cảnh giác. Đến thăm Thành quốc Vatican, lặng lẽ trong tư cách một kẻ ngoại đạo hành hương trong xứ đạo mà thấy ra sức mạnh của tín ngưỡng. Một tín ngưỡng phục thiện trừ tà. Tôn giáo này có tuổi thọ hàng nghìn năm với những giá trị nhân văn mang tính nhân loại.

Đấu trường La Mã hôm nay không còn nguyên vẹn. Sân vận động khổng lồ này xây dựng vào những năm trước công nguyên. Nó có nhiều tầng, nhiều hàng ghế xây quanh với sức chứa khoảng sáu vạn người. Nơi này xưa dành cho sự tỷ thí sức mạnh của các võ sĩ giác đấu. Con người thời ấy đã dùng uy lực của mình để chiến đấu với mãnh thú và tìm cách để chiến thắng nó. Cũng có người cho rằng đó là các cuộc mua vui cho bọn vua chúa quý tộc bằng máu thịt của con người khi phải đối đầu với thú dữ. Hôm nay, ngoài khu đấu trường vẫn có những chàng trai Ý ăn mặc trang phục của các võ sĩ giác đấu xưa nhưng không phải ném mình vào các cuộc đọ tài đọ sức với mãnh thú mà là để kiếm sống nếu ai đó trong số khách du lịch muốn có một bức ảnh kỷ niệm với họ.

Gần đấu trường La Mã là khu hoàng thành xưa của người Ý cổ. Những công trình xây trên lưng đồi, thoải sâu xuống thung lũng hầu hết không còn nguyên vẹn do hoàn cảnh và thời gian xói mòn nhưng ta vẫn nhận ra hình hài của nó nơi các bức tường, khối đá, khối gạch, cột trụ. Tôi đứng rất lâu nhìn ngắm ngôi giếng cổ sâu hút mà nhớ tới ngôi giếng xây cũng tựa tựa như thế này của khu di tích Hoàng thành Thăng Long xưa bên đường Hoàng Diệu, Hà Nội. Thật lạ là ở hai nơi khác xa nhau về địa lý, mà sao hai ngôi giếng cổ lại giống nhau đến vậy. Tôi chợt nhận ra cái kỳ diệu có tính trùng hợp trong trí tuệ con người với những việc làm cùng những sáng tạo cho cuộc sống.

Tôi đã đến chỗ cung điện của thời đại Nero, đã đi trên nền hoang của một ngôi nhà được người xưa kể lại là do vua sai đốt đi để… lấy hứng cho việc làm thơ. Lại cả lời xưa để lại nữa, rằng khi kinh thành Roma gặp hỏa hoạn lớn thì Nero đang ngồi chơi đàn Lia, một thứ đàn cổ của người La Mã. Phải chăng cùng những điều tàn nhẫn khác nữa mà ông vua này được một số nhà sử học gọi là Bạo chúa? Đứng cùng phế tích mà cảm nhận nỗi buồn của một người làm thơ hôm nay trước một người làm thơ có chức tước ngày xưa, khi lấy bạo lực quyền uy của mình để tìm ra thi tứ - nếu lời xưa truyền lại là sự thật. Bài thơ ấy chắc ít người nhớ nhưng chuyện kỳ dị kia thì để đời.

Cũng nơi thành cũ này tôi gặp lại loài hoa cỏ màu đỏ tươi bên những khối đá, khối gạch đổ. Lại gặp nữa một con hải âu có vẻ như cô đơn đậu một mình trên một trụ gạch, xòe cánh che thân. Chim lẳng lặng nhìn mọi người. Mọi người nhìn lại chim, thân tình như cốt nhục. Lại nhớ lúc gặp rất nhiều chim bồ câu sà xuống cuống quýt  bên người ăn bánh mì ở Thành quốc Vatican, trên sân các quảng trường của Roma. Thật hạnh phúc cho những loài chim ở đây, được sống thanh bình và không bị săn đuổi, làm thịt.

Roma còn có tên "Thành phố trên bảy quả đồi". Dựa vào chiều cao thấp của mặt bằng mà thành phố làm nên sự uyển chuyển trong dáng điệu và hình khối của mình. Uyển chuyển nhất là các công trình về nước. Có đài nước mang dáng hình một con thuyền cổ được mệnh danh là con thuyền đưa con người tới thiên đàng. Roma còn có nhiều vòi nước cổ nho nhỏ gắn vào tường nhà, ở bên đường, với miệng vòi phun nhiều chỗ là hình miệng các con thú. Nước sạch và chảy nhè nhẹ như lời tâm sự… Tiêu biểu nhất là giếng phun nước Trevi, còn gọi là Đài phun nước Trevi. Một nhóm tượng tả thực nổi chìm trong đài nước. Từ nhóm tượng có các tia nước được phun ra theo nhiều hình dạng khác nhau. Nước ở đây như chưa bao giờ ngừng chảy và khách muôn phương cũng chưa bao giờ ngừng việc đến thăm. Nhiều người đã khỏa bàn tay mình vào bể nước trong biếc. Có người hứng nước ở vòi rồi xoa nước lên mặt lấy phước, lấy may. Có người cầm đồng tiền euro nhỏ, đứng quay lưng, vung tay ném qua đầu mình xuống bể nước Trevi trước khi tạm biệt. Họ làm thế để mong ước có ngày được gặp lại, trở lại Roma, nơi có những giá trị văn hóa lớn lao của thế giới đã được con người ở đây bảo tồn và gìn giữ một cách chu đáo

 

Phan Quế

Theo cand.com.vn