Tin tức – Sự kiện

Một công ty có 700 cử nhân làm… công nhân

06 Tháng Mười Một 2011

Cty TNHH Điện tử Foster (Đà Nẵng) có 7.500 công nhân, trong đó khoảng 700 công nhân lắp ráp thủ công có bằng đại học, cao đẳng, có người sở hữu hai bằng.

 

Một phân xưởng lắp ráp điện tử của Cty Foster.Ảnh H. Văn
Một phân xưởng lắp ráp điện tử của Cty Foster.Ảnh H. Văn.

Nỗi niềm ông bà cử

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng (chuyên ngành Kinh doanh ngoại thương) có chứng chỉ Anh văn, Tin học, nhưng chị Lê Nguyễn Thị Hồng Liên bị nhiều doanh nghiệp từ chối tiếp nhận vì lý do chị chưa có kinh nghiệm. Tháng 9–2010, chị Liên nộp hồ sơ làm công nhân cho Cty Foster với mức lương gần 2 triệu đồng.

“Nhiều lúc nghĩ cũng nản. Bao nhiêu năm đèn sách, tốn không biết bao tiền của và công sức, cuối cùng cũng chỉ làm cái việc mà chỉ cần trình độ… vừa đủ biết chữ” - chị thở dài.

Chồng Liên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hiện làm tự do. Tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ vừa đủ chi tiêu cho hai người. Chị Liên lo lắng vì đứa bé trong bụng lớn dần nhưng chị vẫn chưa dành dụm được ít vốn. “Lo chuyện sinh nở xong, mình lại làm công nhân công ty để chờ một cơ hội khác tốt hơn. Nhưng lúc đó sợ cũng bắt đầu chuyển sang cái tuổi trung niên rồi…”, chị Liên nói.

Chị Nguyễn Thị Phương Linh (25 tuổi, quê Quảng Bình) đang là công nhân tại Cty Foster. Năm 2009, chị tốt nghiệp Đại học Nha Trang với tấm bằng khá, cùng chứng chỉ Anh văn B, tin học văn phòng. Ra trường, chị rời quê vào Đà Nẵng lập nghiệp với mơ ước trở thành nhà quản trị.

Theo BQL các Khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Đà Nẵng, thành phố hiện có 6 KCN với trên 56.000 công nhân, tập trung chủ yếu các nghề điện tử, may mặc dân dụng, yêu cầu trình độ từ THPT trở xuống. Chưa có điều kiện thống kê số công nhân có trình độ ĐH, CĐ.

Xin việc mãi, chị cũng được nhận vào làm nhân viên một công ty tư nhân. Đồng lương rẻ mạt, công ty nhỏ, nhân viên đông hay xích mích, chị chuyển sang làm công nhân lắp ráp thủ công linh kiện điện tử cho Foster. Thu nhập khoảng 3 triệu đồng vừa đủ chi tiêu trong tháng. Chị Linh ở cùng một người bạn để đỡ tiền phòng.

“Tiền lương ít, cuộc sống chật vật cũng không sợ bằng nỗi buồn lúc đêm về. Cầm trên tay tấm bằng đại học mà ứa nước mắt, bao nhiêu năm vất vả học tập, giờ không có cơ hội để vận dụng kiến thức mình học được”, chị tâm sự. Là con út trong gia đình thuần nông, chị được học nhiều hơn các anh chị, được kỳ vọng sau này làm rạng danh gia đình, dòng họ…

“Giờ sức trẻ đang còn, nhưng cứ dậm chân tại chỗ, vài năm nữa có chồng con thì còn đâu cơ hội thăng tiến nữa” - Linh buồn bã.

Lãng phí

Theo ông Lê Duy Lương, Giám đốc phụ trách nhân sự Cty Foster, công việc chủ yếu của công nhân là lắp ráp thủ công các linh kiện điện tử, đòi hỏi tính cần mẫn, chứ không cần bằng cấp, trình độ cao. Công nhân sau khi được nhận vào làm chỉ cần qua một khóa đào tạo khoảng 1 tuần là có thể làm được việc và khoảng một tháng là có thể thành thạo.

“Những năm trước, công ty không tuyển công nhân có bằng cấp vì sợ nhảy việc, hơn nữa tính chất công việc cũng không yêu cầu bằng cấp cao như vậy. Công ty chỉ bắt đầu nhận hồ sơ mấy năm gần đây. Nhưng thực tế trong mỗi lần tuyển dụng, số lượng hồ sơ có trình độ cao đẳng, đại học lớn dần”, ông Lương nói.

Ông Nguyễn Quan Hoàn, Giám đốc Điều hành Cty, cho biết: “Cái chúng tôi cần là năng lực thực sự. Sinh viên ra trường còn thiếu rất nhiều về kỹ năng mềm và những kiến thức thực tế, kiến thức xã hội. Đôi khi những người có bằng cấp chưa chắc đã sớm thích ứng với công việc”. Theo ông Hoàn, việc cử nhân đi làm một công nhân bình thường là lãng phí.

“Để sớm thích ứng với công việc, tốt nhất khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên nên chủ động tham gia các hoạt động xã hội, việc làm bán thời gian và tận dụng tốt khoảng thời gian thực tập. Đối với sinh viên năm cuối, nhà trường nên có những chương trình như kỹ sư tập sự tại các doanh nghiệp”, ông Hoàn nói.

 

Sinh viên phải là người chủ động

Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Chương trình đào tạo trong trường đại học chỉ cung cấp kiến thức chung, cơ bản chứ không thể phù hợp với từng công việc cụ thể của sinh viên khi ra trường. Cho nên, sinh viên phải là người chủ động lĩnh hội và nắm bắt các cơ hội, rèn luyện trong nhà trường và phát huy hiệu quả khoảng thời gian thực tập, thực hành.

Ngoài ra, cần tự trang bị cho mình kỹ năng mềm thông qua các hoạt động xã hội, phong trào đoàn thể… và trau dồi ngoại ngữ để nhanh chóng tiếp cận yêu cầu xã hội hiện đại.

 

                                                                                                                                                                                       Theo tienphong.vn