Tin tức – Sự kiện

“Người tiền sử” - từ hang đá về… thủ đô!

06 Tháng Mười Một 2011

Khi leo núi rã rời để viết phóng sự “Gặp “người tiền sử” trong hang đá Mông Ân” (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) - quả là tôi đã rất sửng sốt, có cái gì đó hoang mang trước thảm cảnh.

 

Sao đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI rồi, mà một người già cô đơn, hai đứa trẻ tận khổ gầy sọm và trần truồng kia vẫn phải ở trong lỗ đá như người nguyên thuỷ, không hộ khẩu, không được hưởng bất cứ sự quan tâm nào của xã hội nhân ái? Tôi viết và tự hứa trên báo rằng sẽ sớm trở lại, xây nhà cho họ trước khi những cơn gió buốt óc của miền đá tai mèo năm 2011 ập đến. Bấy giờ, tôi hạ quyết tâm hứa thế, cũng chỉ vì quá xúc động mà thôi, chứ chưa thể hình dung được, tiền ấy sẽ lấy ở đâu…

Đến cuối tháng 10.2011, thật bất ngờ, Sùng A Páo và đàn con đã được một tổ chức nhân đạo đón về Hà Nội nuôi dưỡng, dăm bảy chục triệu đang xúc tiến đưa vào sổ tiết kiệm tặng người về từ mái đá hoang vu.

 

Một bữa cơm của bố con ông Páo khi còn ở hang đá Mông Ân.
Một bữa cơm của bố con ông Páo khi còn ở hang đá Mông Ân.

Giấc mơ được là… công dân

Nhớ mãi buổi chiều lộng nắng và những dốc núi mà mỗi lần ngước lên tôi đều bị rơi mất phom mũ đang đội trên đầu ấy. Bà Hoàng Thị Bình - Đại biểu Quốc hội khoá XII, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng - chợt trầm buồn chỉ tay về cái màu đen hun hút giữa rừng xanh của đỉnh trời xã Mông Ân. Mắt tôi bị hút mãi vào cái vùng thăm thẳm tăm tối ấy. Có cảm giác như nó là một cái hang không đáy trong “Tây du ký” thì đúng hơn. Anh cán bộ huyện thở dài: “Ta có cảm giác “lỗ đen”, là bởi vì gia đình ông Sùng A Páo ở trong mái đá quá lâu, khói bếp họ đun đã ám tầng tầng lớp lớp vào màu đá xám. Nó đen nhóng nhánh như nhựa đường (hắc ín) khắp cả một vách núi lớn”.

Gần 60 tuổi, ông Páo và bà vợ thiểu năng trí tuệ với 3 đứa con cứ sống như “người tiền sử” trong mái đá tự nhiên, biệt lập giữa núi rừng. Ngôi nhà cũ sập, họ phải dời vào mái đá tá túc qua ngày. Đứa con thứ hai ăn mấy con cá khô rẻ tiền mua ở chợ huyện, rồi bị nhiễm độc, phát bệnh kiết lỵ mà chết. Vợ trước của ông theo trai, rồi buồn tình ăn lá ngón tự tử. Vợ sau dù ngớ ngẩn nhưng được cái trẻ trung (chưa đầy 30 tuổi), nên bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc đã vài năm.

Đúng là tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn cái thằng bé Sùng A Đại ba - bốn tuổi đầu ở trong hang núi trần truồng như... hoang thú. Rồi cảnh Sùng A Lự men theo bờ suối, ngược các triền núi hoang trọc, cố sức cõng bó củi khổng lồ dài thượt đi đổi lấy hai cuộn mì khô trắng ởn trị giá 10 nghìn đồng. Con đường lên vách núi nương thân của bố con A Páo ấy, tôi xắn quần, chống gậy trèo cạn một buổi chiều mới đi hết, thế mà cậu bé 7 tuổi thất học A Lự ngày nào cũng phải cõng bó củi to bằng... bố nó, đi đổi lấy cái ăn, nuôi bố già, nuôi mình và em trai.

Bà Hoàng Thị Bình thì buồn bã hơn sau khi cùng tôi vào diện kiến UBND xã Mông Ân. Ông Páo không có hộ khẩu, ở trong hang đá cùng vợ và đàn con, không được đi bầu cử, cũng không được hưởng bất cứ sự đối đãi nhân ái nào như một công dân chân chính. Xã đùn trách nhiệm cho thị trấn Pác Miều, thị trấn lại đẩy cho xã. Ông Páo thì bảo, sống làm người ở hang đá đã hết cỡ khổ rồi, làm sao ông biết mình sẽ làm thế nào được công nhận là người của xã hay thị trấn. Sau khi phóng sự “Gặp “người tiền sử” trong hang đá Mông Ân” đăng tải, chính quyền cơ sở đã sốt sắng đi “khắc phục hậu quả”, rồi trao cho ông Páo một cái hộ khẩu đỏ chót.

Vài chục triệu được các nhà hảo tâm gửi về. Các đoàn từ thiện leo núi tơi tới. Huyện có vẻ cũng lăn tăn xem lại mình, cho nên mới quyết định đưa ra thêm 15 triệu đồng nữa ủng hộ cha con A Páo, coi như “vốn đối ứng” để cứu độ gia đình “người tiền sử”. Đặc biệt, ông Trần Duyên Hải - Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo ở Khâm Thiên, Hà Nội - đã lên Cao Bằng đón ông Páo và 2 người con về chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề.

 

Ba bố con ông Páo được chăm sóc và học nghề tại Hà Nội.	Ảnh: Đ.D.H
Ba bố con ông Páo được chăm sóc và học nghề tại Hà Nội. Ảnh: Đ.D.H

“Người rừng” đi xem Hà Nội và ngủ ở đồn công an

Mất vợ, lại thấy đồn cô vợ trẻ của mình bị người ta dắt đi ăn phở ngoài chợ huyện rồi chở bằng xe máy đi làm gái bán dâm ở nước ngoài, nên giờ ông Páo đề phòng lắm. Sau hơn 2 ngày thuê ôtô chạy ròng rã từ Hà Nội, vượt đèo dốc vào Mông Ân, cán bộ trung tâm sững sờ khi hay tin ông Páo kiên quyết không đi theo những người muốn cứu giúp cuộc đời mình.

Đại diện trung tâm thật không thể ngờ đến tình huống khó tin này. Lãnh đạo huyện Bảo Lâm và xã Mông Ân phải vào tận đỉnh núi ám khói “người rừng” để thuyết phục. Vừa rồi, rời hang núi với mỗi người một bộ quần áo của nhà hảo tâm, ngoái đầu lại, ông Páo lẩm bẩm, “hoá ra chẳng có gì để mang theo, lúc đi khỏi hang rồi mới biết mình quá nghèo, chỉ có hai con gà đang nuôi, một con vừa biết gáy...”. A Đại nhìn thấy ôtô, cứ khóc ngằn ngặt, nó bảo “con trâu to quá” không dám đến gần. Cả nhà A Páo, chưa ai ra khỏi huyện Bảo Lâm một lần nào.

Xe đi từ sáng hôm trước đến 2h hôm sau thì về đến trung tâm nhân đạo của ông Hải ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Thủ đô đón chào gia đình ông Páo bằng một bữa cơm no nê, họ ăn như chưa bao giờ được ăn. Ông Páo bước đi thập thễnh, bồng bềnh, bởi như ông nói: Ông leo núi quen rồi, chân đi thì tay phải vịn vào cây mới dễ đi. Hà Nội không có cây để vịn. Đứng nhìn đường một lúc thì kêu mỏi cổ, bởi xe nào cũng lạ, cứ nhìn theo từng cái xe, nhìn kỹ theo một cái xe hay một người “lạ hoắc” thì phải ngoái đầu từ trái sang phải hoặc từ phải sang trái một lần, thế là mỏi sái cổ.

Ông Páo thử đi ra phố. Bà Bình, các phóng viên tốt bụng của đài Cao Bằng là Hoài Phương - Đàm Trình phải tá hoả kinh hãi khi chợt thấy Sùng A Páo biến mất. Hai đứa trẻ đứng khóc ngao ngao. Người ta bủa nhau ra để tìm. Mấy tiếng sau, bà Bình đến một khu bùng binh lớn chỗ Cầu Giấy thì thấy một người đen đúa, lơ ngơ, quần áo xộc xệch đang dò dẫm, giật cục cắt ngang hàng xe cộ nườm nượp mà... lượn. Họ chặn lại, bà Bình hỏi bằng tiếng Mông, “đi đâu thế hả ông anh?”, “ta đi xem Hà Nội, nó lắm người quá. Đường về không dễ tìm như ở Mông Ân, Pác Miều quê ta”.

Xe máy của trung tâm đến đón. Chưa ngồi xe bao giờ, nên ông nhảy phắt một cái như leo lên lưng trâu, cu cậu đón “người rừng” loạng choạng ngã nhào. Về lại trung tâm được vài hôm, Sùng A Páo biến mất. Dù quản lý “người trong mái đá” rất chặt, nhưng hôm ấy ông Páo xin “ưu tiên” một chút, bởi ông cảm thấy mình đã thuộc đường quanh trung tâm lắm rồi. Ông Páo muốn làm gì đó cho đỡ buồn bực, “ta xin đi đổ rác cho các người”.

Ông Páo đi đổ rác nửa ngày chưa về. Giám đốc Hải có vẻ điềm đạm: “Tôi đã tính kỹ, để trong ngực túi áo của ông cái cạcvidít của tôi và của trung tâm, mặt sau có sơ đồ chỉ dẫn đường hẳn hoi. Nếu ông lạc thì kiểu gì cũng tìm hoặc nhờ người tìm cho được đường về”. Chờ mãi, nóng ruột quá. Lên phòng ông Páo kiểm tra, thì thấy cái áo có nhét hai tờ cạcvidít thể hiện sự cao kiến của ông Hải nằm tơi bời dưới sàn nhà. Ông Páo đi đổ rác đã 1 ngày chưa về.

Ông Hải cho người in ảnh chân dung ông Páo đi dán và phát ở các nơi để nhờ tìm kiếm người già lạc lối. Học viên ở trung tâm thì toàn người khuyết tật, cũng phải huy động đi tìm. Giáo viên thì bắt đi... xe ôm cho nó cơ động, hang cùng ngõ hẻm cứ lượn, ông nào lơ ngơ là sáp đến nhòm. Một ngày, rồi một đêm, rồi một ngày nữa lại đang trôi qua.

Tất cả căng như dây đàn. Chợt có học viên là người câm đi xe buýt tìm kiếm phát hiện một ông nhẩn nha lượn qua đầu xe buýt ở địa phận quận Thanh Xuân, dọc đường Nguyễn Trãi. Cậu này nhảy xuống, kéo ông già Páo về. Ông Páo vốn có tinh thần cảnh giác cao với bọn đi xe máy, đi ôtô (giống bọn đã bắt vợ ông!), nên ông bỏ chạy rồi ú ớ kêu cứu. Học viên câm cứ ú ớ, ông Páo càng ú ớ phát “sóng ngắn” tiếng Mông. Tất cả náo loạn.

Phải bám theo ông Páo, phải bút đàm nhờ liên lạc và cầu cứu, khó khăn lắm họ mới triệu tập được ông Páo về đoàn tụ với các con. Thật không ai ngờ A Páo đi đổ rác rồi thấy ngõ phố nào cũng giống nhau, rồi đi tìm con ngõ có hai đứa con mình đang ở... lại mất mấy ngày. Ông cứ đi, cứ tìm những cái ngõ nhỏ hun hút cong cong, xuyên từ quận Đống Đa, sang quận Cầu Giấy, sang cả quận Thanh Xuân; thấy ngõ nào cũng bé xíu, cong cong hun hút và nhô nhúc những người.

Rồi ông lọ mọ lạc vào... một đồn công an, ông bảo mình là Páo, nhưng không biết mình đang tìm phố nào ngõ nào, không biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Rồi ông ngủ nhờ ở đồn công an một đêm dài dằng dặc. “Công an nó cho ta 20 nghìn đồng, ta mua bánh mì ăn. Cơm và bánh mì ở Hà Nội đắt lắm. Nhưng ta vẫn mua được 2 cái bánh mì, còn hai cái phần thằng A Đại và A Lự đây” - A Páo tự hào thò hai chiếc bánh mì bột nở vẫn nằm bẹp gí trong túi quần ra, cười hể hả. Anh chị em ở trung tâm nhân đạo được trận hú hồn.

Gặp lại PV Lao Động đến trao tiền Tấm lòng vàng, ông Páo nắm tay lắc lắc, xúc động, nức nở: “Ta nhớ con lắm, nhớ Mông Ân lắm. Xuống Hà Nội ta có tất cả. Thằng Lự, thằng Đại sẽ lấy vợ ở đây, ta sẽ sống mãi cho đến khi già và chết ở những chỗ như thế này thôi. Không về hang đá nữa đâu”. Bây giờ, “người tiền sử” nói tiếng Kinh đã sõi hơn.

Đỗ Doãn Hoàng

Theo laodong.com.vn