Tin tức – Sự kiện

Bộ GD&ĐT trả lời băn khoăn việc “nói không” với tại chức, từ xa

29 Tháng Mười Một 2011

Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn của Đồng chí Nguyễn Hoàng Việt - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nội dung chất vấn:

Theo Luật Giáo dục hiện hành, bậc đại học ở nước ta có nhiều loại hình đào tạo: chính quy, tại chức, từ xa nhưng do chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường thấp, không đồng nhất, nhất là ở loại hình đào tạo tại chức, từ xa, trình độ, năng lực người học chưa thể hiện đúng theo bằng cấp, trình độ được công nhận. Do đó, trong thời gian gần đây, một số địa phương công khai tuyên bố không xét tuyển cán bộ, công chức đối với sinh viên tốt nghiệp loại hình tại chức, từ xa, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Vậy :

Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào ?

Trong thời gian tới, Bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy và học ở tất cả các loại hình đào tạo đại học, đảm bảo sinh viên sau khi ra trường không bị phân biệt đối xử như hiện nay ?


Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Luật giáo dục và các quy định về quản lý văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân không phân biệt giá trị sử dụng của văn bằng thuộc các hình thức đào tạo khác nhau do các cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập cấp. Giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên với 3 hình thức: vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn chỉ là cách thức, phương pháp để thực hiện chương trình giáo dục đối với mỗi cấp học và trình độ đào tạo nhằm tăng cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn cho các đối tượng người học. 

Trên thực tế, chất lượng đào tạo tại mỗi cơ sở đào tạo, mỗi hình thức đào tạo là khác nhau, phụ thuộc vào trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác.

Về vấn đề một số địa phương gần đây tuyên bố không xét tuyển cán bộ, công chức đối với sinh viên tốt nghiệp loại hình vừa làm vừa học (tại chức), từ xa, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau :

1) Việc tuyển dụng cán bộ công chức phải tuân theo Luật Giáo dục, Luật Cán bộ công chức và các quy định hiện hành của Nhà nước. Không được có sự phân biệt bằng đại học công lập-ngoài công lập, chính quy-phi chính quy.

2) Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục phải quan tâm hơn nữa tới vấn đề chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng của các trường ngoài công lập, ở hình thức giáo dục phi chính quy nói riêng.

Để nâng cao chất lượng ở tất cả các loại hình đào tạo đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý hệ thống giáo dục đại học, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển.

- Xây dựng đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

- Đổi mới mạnh mẽ quản lý Nhà nước về giáo dục đại học, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học.

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chú trọng công tác kiểm định chất lượng các trường đại học, cao đẳng.

- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học.

- Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, thi kiểm tra, đánh giá; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục.

- Tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học. Thực hiện tốt các chính sách miễn giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên và việc cấp bù học phí được miễn giảm cho các trường.

- Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và với sử dụng; đẩy mạnh đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục đại học.

Theo gdtd.vn