Tin tức – Sự kiện

Việt Nam sẽ có chuyên ngành âm nhạc dân tộc học

24 Tháng Mười Hai 2011

Một cuộc hội thảo quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ: Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam... bàn về tính cấp thiết cần phải mở một chuyên ngành Âm nhạc Dân tộc học (ÂNDTH) ở Việt Nam đã được tổ chức tại TP Huế (TT- Huế) vào giữa tháng 12 vừa qua.


Sự cấp bách đào tạo ngành ÂNDTH tại Việt Nam

TS Bùi Huyền Nga- Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, sau năm 1950, nhiều trung tâm nghiên cứu và đào tạo ngành ÂNDTH lần lượt ra đời ở các nước trên thế giới, bắt đầu từ Mỹ rồi sang nhiều quốc gia như: Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Canada, Vương quốc Anh... Tại Châu Á cũng có nhiều nước mở ngành đào tạo ÂNDTH như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Philippines... Việt Nam là một quốc gia đa thành phần dân tộc vì thế nền âm nhạc rất phong phú và đa dạng, giàu bản sắc. Việc tìm hiểu, nghiên cứu âm nhạc của các tộc người trên đất nước ta trong thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết, cấp bách. Bởi, những nghiên cứu thuộc lĩnh vực ÂNDTH không chỉ góp phần vào việc khẳng định giá trị âm nhạc của mỗi tộc người, thống kê di sản văn hóa âm nhạc các dân tộc Việt Nam... mà còn giúp cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy nền âm nhạc của các dân tộc trên đất nước ta. Hơn nữa, khi đời sống kinh tế, xã hội đã ổn định và phát triển, vấn đề đào tạo âm nhạc nói chung cần phải có sự chuyển mình để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội.

Theo Th.S Nguyễn Việt Đức (Học viện Âm nhạc Huế), thời gian gần đây, vấn đề di dân, định cư và tái định cư, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên đã gây ra  những xáo trộn đáng kể đối với đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của các dân tộc nơi đây. Các tộc người sống đan xen vào nhau, ảnh hưởng văn hóa của nhau khiến một số nền văn hóa bản địa có nguy cơ mai một và bị đồng hóa... Chính vì thế, rất cần nhiều nỗ lực từ nhiều phía để văn hóa truyền thống, trong đó có ÂNDTH được bảo vệ vì sự đa dạng văn hóa của toàn nhân loại. GS.TS Tokumaru Yosihiko cho rằng, cần phải đặt nền âm nhạc Việt Nam trong bối cảnh rộng lớn hơn. Âm nhạc Việt Nam không nên được xem là "độc lập" và "cô lập" với thế giới bên ngoài. Âm nhạc của các DTTS ở Việt Nam cũng có các kết nối sâu sắc và tương đồng với âm nhạc khu vực Đông Nam Á.

Đến từ Viện nghiên cứu văn hóa (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), TS Đỗ Lan Phương cho rằng, ÂNDTH đã được phôi thai ở Việt Nam cách đây gần nửa thế kỷ và có đóng góp vào việc tìm hiểu văn hóa tộc người. Đó là 2 trường hợp nghiên cứu: dân ca Quan họ và hát Xoan. Các kết quả nghiên cứu này không chỉ đặt nền móng cho ÂNDTH hình thành ở Việt Nam mà còn là những bài học kinh nghiệm cho sự tồn tại và phát triển của chuyên ngành này trong thời gian tới. "Việc phát triển chuyên ngành ÂNDTH ở Việt Nam là một sự cần thiết phải định hình. Với 1 quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, chúng ta vẫn chưa khai thác hết các giá trị nghệ thuật và văn hóa của kho di sản âm nhạc truyền thống các dân tộc, đặc biệt ở xã hội hiện nay"- TS Đỗ Lan Phương nhấn mạnh.


 Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên.


Ngành ÂNDTH sẽ là thế mạnh của Học viện Âm nhạc Huế

Để bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc di sản của dân tộc một cách hoàn chỉnh, quy mô, khoa học trong thời kỳ hội nhập, đã đến lúc bậc đại học cần phải đào tạo chuyên ngành ÂNDTH. Học viện Âm nhạc Huế sẽ là đơn vị duy nhất trên cả nước có nhiều lợi thế để mở ngành đào tạo ÂNDTH trong thời gian tới. Bởi, với vị thế kinh đô một thời, ngoài nhiệm vụ đào tạo âm nhạc nói chung, Học viện Âm nhạc Huế còn có nhiệm vụ bảo tồn nền âm nhạc Cố đô và đào tạo đội ngũ cán bộ âm nhạc cho khu vực miền Trung- Tây Nguyên- nơi có nhiều sắc tộc sinh sống. Ngoài ra, trong 3 Nhạc viện ở Việt Nam chỉ có Học viện Âm nhạc Huế có khoa Âm nhạc di sản. Đây chính là cơ sở nền tảng cho đào tạo ngành ÂNDTH. Ngoài ra, Học viện Âm nhạc Huế nằm ở khu vực miền Trung, nơi có nhiều di sản âm nhạc đặc trưng và độc đáo của nhiều tộc người, trong đó có 2 loại hình đã được UNESCO công nhận là Nhã nhạc Huế và không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là thế mạnh riêng để Học viện Âm nhạc Huế mở chuyên ngành đào tạo ÂNDTH.

TSKH Phạm Lê Hòa nhấn mạnh: Mã ngành đào tạo ÂNDTH chưa từng có ở Việt Nam. Để triển khai mở mã ngành đào tạo này, việc đầu tiên là phải thành lập một Hội đồng biên soạn chương trình đào tạo với đầy đủ các thành tố cần có của một chương trình đào tạo ÂNDTH tại nước CHXHCN Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình hiện nay ở Việt Nam, ngành ÂNDTH  chỉ có thể đào tạo ở trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ bởi những đòi hỏi rất cao của đầu vào khi tiếp cận ngành học này. Đồng thời, chương trình đào tạo phải gắn với thực tiễn công tác nghiên cứu. Chỉ có từ thực tiễn công tác nghiên cứu mới có thể đào tạo được những nhà nghiên cứu ÂNDTH thật sự bởi sự đa dạng và phức tạp của sinh hoạt âm nhạc dân gian.


H.Lan

Theo cand.com.vn