Tin tức – Sự kiện

Bài học bằng máu phải học thật kỹ

02 Tháng Giêng 2012

Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử - công trình khảo sát, nghiên cứu, biên soạn của giáo sư Văn Tạo và người bạn đồng nghiệp Nhật Bản - GS Furuta Moto cùng các cộng sự vừa được Nhã Nam và NXB Trí Thức cho ra mắt độc giả.

 

Ảnh: Minh Đức

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với nhà sử học Dương Trung Quốc - phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, người đã đọc rất kỹ công trình này từ khi còn là bản thảo.

* Thưa ông, 2 triệu người chết đói là một con số kinh khủng. Thời gian ngày càng trôi xa, không ít người hôm nay còn hồ nghi đó là sự thống kê mang nhiều cảm tính của các sử gia. Các nhà sử học đã xác minh con số đó như thế nào trong công trình nghiên cứu này?

- Hai triệu người chết đói là một con số có vẻ khó tin. Thời điểm 1944-1945, dân số toàn Việt Nam cũng mới chỉ gần 25 triệu, có nghĩa là 1/10 dân số VN đã chết trong nạn đói đó. Nhưng đó không phải một con số đơn thuần của trí tưởng tượng hay sản phẩm của tuyên truyền. Rất nhiều văn kiện thời đó còn lưu giữ lại con số này, của nhiều bên liên quan: Pháp, Ðồng minh, Nhật, Việt Minh... Và công trình nghiên cứu của tập thể Viện Sử học được tiến hành từ hơn 15 năm trước (1992-1995) thực tế đã là kết quả của cuộc điều tra xã hội học lịch sử đầu tiên ở VN thời điểm đó, với cách tiếp cận tư liệu lịch sử và nhân chứng ngẫu nhiên, trung thực, khách quan.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Ảnh: Việt Dũng
Cuốn sách đã thể hiện rõ phương pháp điều tra và kết quả điều tra mà không một người đọc nào có thể nghi ngờ. Lịch sử cũng phải ghi nhận một vị bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim - bác sĩ Vũ Ngọc Anh - đã hi sinh trong quá trình chỉ huy tiếp vận lương thực Nam - Bắc.

Một trong những nguyên nhân gây chết người là chết vì no. Các nhà nghiên cứu đã dẫn ra lời kể của các nhân chứng và số liệu của thời 1945 cho thấy có nhiều người trong số 2 triệu người đó không chết trực tiếp vì đói mà chết vì bội thực ngay sau khi sống sót qua nạn đói và được ăn những hạt cơm đầu tiên của vụ mùa bội thu sau đó. Còn gì đau đớn hơn khi người ta thoát chết đói để rồi chết no? Liệu đó có phải là hậu quả trực tiếp của nạn đói?

Một nguyên nhân dẫn đến hàng loạt cái chết nữa là bệnh dịch. Sức khỏe suy kiệt vì lao động cực nhọc và thiếu ăn, chiến tranh làm tắc đường tiếp tế thuốc men, dịch bệnh lây lan nhanh chóng không khống chế nổi...

Nếu tiếp cận các nạn nhân của nạn đói 1945 từ nhiều góc độ mới như vậy, có thể thấy con số 2 triệu người là có đầy đủ cơ sở.

* Nhà sử học Nhật Bản Furuta Moto là người đứng tên đồng chủ biên cuốn sách. Vai trò của các nhà sử học thuộc một quốc gia có liên quan nếu không nói là nguyên nhân trực tiếp gây ra nạn đói 1945 có phải thêm một lần minh chứng cho tính chân xác của công trình lịch sử này?

- Với tư cách một nhà sử học, tôi rất kính trọng thái độ sòng phẳng với lịch sử của sử gia Nhật Bản. Chính các nhà sử học Nhật Bản đã chủ động cùng tham gia điều tra, nghiên cứu với các nhà sử học VN. GS Furuta lúc đó là một chuyên gia về lịch sử VN và hiện là chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt. Trước những chứng cứ lịch sử, các nhà sử học nói riêng và người Nhật nói chung luôn có một thái độ nghiêm túc và cầu thị của một dân tộc đầy tự trọng. Chính họ là những người đã tìm đến những khu nghĩa trang của người chết đói 1945 ở Hà Nội trước, và sau đó đã cùng Hội Khoa học lịch sử kiến nghị với UBND TP Hà Nội lập khu tưởng niệm người chết đói. Họ luôn quan niệm đó là những bài học bằng máu và phải học thật kỹ, phải giáo dục cho thế hệ sau được biết để máu không bao giờ còn đổ nữa. Ðúng là sự tham gia của các nhà sử học Nhật trong công trình này khiến cuốn sách có tính xác tín cao hơn, thuyết phục hơn với bạn bè thế giới và những ai muốn tìm hiểu lịch sử VN.

* Không chỉ Nhật Bản, trong lịch sử giữ nước của mình, VN có quá khứ phải đổ máu chung với nhiều quốc gia khác. Liệu trong tương lai, các nhà sử học VN và Pháp, Mỹ, Trung Quốc... có đạt được những sự hợp tác tương tự trong những nhận định lịch sử mà hai bên cùng liên quan hay không?

- Trên thế giới, xu hướng hợp tác giữa giới sử học của các quốc gia có chung mối liên hệ lịch sử đang trở nên phổ biến. Ðây là một xu thế tích cực và tất yếu. Các nhà sử học Pháp và Ðức cũng đã có được tiếng nói chung trong việc viết lại những công trình lịch sử phản ánh những sự kiện lịch sử mà hai bên cùng tham gia trong hai cuộc thế chiến một cách trung thực nhưng không khơi lại hận thù. Chúng tôi cũng đã có nhiều cuộc hội đàm với các sử gia Pháp về vấn đề này và đã đạt được đồng thuận. Gần đây nhất, trong Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung, tôi cũng đã đưa đề xuất này và hi vọng sẽ có những biến chuyển tích cực trong tương lai.

                                                                                                                                           Theo tuoitre.vn