Tin tức

SỰ KẾ THỪA VÀ BIẾN ĐỔI HÌNH THỨC TRONG NGHỆ THUẬT CHÈO THẾ KỶ XX

09 Tháng Chín 2021

Nguyễn Thúy Hường

Giảng viên Khoa Văn hóa Nghệ thuật - NUAE

Văn hóa là nền tảng tinh thần, thì nghệ thuật sân khấu truyền thống là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên tinh thần của dân tộc. Đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống chúng ta sẽ được biết nghệ thuật sân khấu chèo. Chèo được sinh ra ở vùng đồng bằng Châu thổ Bắc Bộ. Trải qua nhiều thế kỷ qua, nó gắn bó và có ý nghĩa vô cùng  lớn lao trong đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân. Nghệ thuật sân khấu chèo là tiếng nói khát vọng, lạc quan của người dân, nghệ thuật sân khấu chèo còn thể hiện tinh thần đấu tranh xã hội, và trong nghệ thuật truyền thống đó còn đầy ắp tính nhân văn và tư tưởng tiến bộ của cha ông ta khi xưa.

Có thể khẳng định chèo là một di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam, tồn tại và phát triển trong nhiều thế kỷ, nó có sức sống trường tồn trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Việt. Chèo thuộc loại kịch hát dân tộc, một dạng hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp. Không chỉ là một loại hình nghệ thuật thuần túy đơn giản  mà nó hàm chứa nhiều giá trị.

Người xưa đến với sân khấu chèo thật giản dị, chỉ là chiếu chèo sân đình. Trải qua nhiều thế kỉ, chèo bước vào sân khấu hộp, được phát triển thành chèo cải lương tới chèo văn minh. Nhưng đi ngược lại với sự phát triển của chèo, thì thực trạng của sân khấu chèo ngày nay có nhiều điểm cần phải quan tâm. Đó là thực trạng đáng báo động một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống dần dần không còn chỗ đứng.

Những năm đầu thế kỷ XX với sự phát triển không ngừng của mạng thông tin toàn cầu, khoa học, văn hóa, xã hội, nghệ thuật cũng phát triển theo. Cùng với sự phát triển đó sân khấu chèo đã đạt được nhiều thành công trong việc xây dựng hình tượng những con người mới. Trải qua một chặng đường dài, nghệ thuật chèo thời kỳ này có nhiều biến đổi về cấu trúc kịch bản, biến đổi về sân khấu (sàn diễn), biến đổi về âm nhạc, mỹ thuật, ngôn ngữ múa, ngôn ngữ văn chương, sự biến đổi của không gian trình diễn (sân khấu). Đồng thời cũng chỉ ra rằng sự biến đổi một cách thiếu khoa học các thành phần nghệ thuật trên không chỉ là nguyên nhân làm cho nghệ thuật chèo mất dần đi bản sắc vốn có.

Tại các nhà hát chèo từ trung ương tới tỉnh thành đều vắng bóng khán giả. Câu hỏi được đặt ra là “Tại sao chèo lại vắng khán giả như vậy?” Bởi vì chèo ngày nay đã bị biến dạng, Bác Hồ đã có câu: “Chớ gieo vừng ra ngô”. Chèo ngày nay bị cách tân quá mức, đã biến chèo một dạng nguyên hợp gồm ca – múa - nhạc, giờ thành kịch chèo. Các vấn đề về kịch bản, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật cho sân khấu chèo suốt mấy chục năm qua cũng không tránh khỏi những lúng túng, quẩn quanh trong phương pháp làm mất đi tính chất tả ý của chèo. Trang phục của diễn (nhất là những vở mang tính lịch sử, dã sử, thần thoại) nhiều khi cũng được thiết một cách tùy tiện, chỉ cốt trưng bày sự xa hoa lộng lẫy, không lại đem lại hiệu quả nghệ thuật, còn tạo ra sự lãng phí, khi trong đời sống kinh tế của anh chị em các đoàn nghệ thuật còn rất khó khăn.

Trước tình hình như vậy, những người làm chèo cần phải nghiên cứu chèo cổ, đi tìm bản sắc của chèo cổ, hay nói cách khác là đi tìm Thi pháp của chèo cổ (đặc trưng và thủ pháp) để đưa khán giả về với sân khấu chèo.

 Hiện nay, Bộ giáo dục và Đào tạo đang chuyển đổi từ cơ chế đào tạo niên chế sang học tín chỉ. Học viên được tự chọn những môn học yêu thích để học tập. Để có những môn học thu hút, lôi cuốn, cần hướng người học đến các giá trị truyền thống, đặc biệt là các môn sân khấu truyền thống trong đó có nghệ thuật chèo. Nhiệm vụ của nhà trường trong và ngoài nước phải dạy những gì thuộc về cổ điển nhất để giữ gìn truyền thống. Bên cạnh đó, người học phải được thực nghiệm với các loại vai diễn trong mô hình chèo cổ từ đó có cách nhìn sâu sắc về vai trò cũng như những giá trị của múa trong nghệ thuật chèo.

Để chứng minh cho chèo vẫn còn chỗ đứng, tôi chọn vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính phân tích để thấy được giá trị truyền thống của nghệ thuật chèo nói riêng, nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung.

Quan Âm Thị Kính, còn có tên là Quan Âm tân truyện là một truyện thơ Nôm Việt Nam. Truyện thơ lấy bối cảnh là xứ Cao Ly (tức Triều Tiên). Vở được chia thành 7 cảnh:

Cảnh 1: Thị Kính lấy chồng, cảnh được diẽn ra tại nhà Thị Kính.

Thị Kính, người nước Cao Ly, nguyên kiếp trước là đàn ông, tu hành đắc đạo sắp thành Phật; nhưng Phật Thích-ca muốn thử lòng, mới bắt đầu thai xuống làm một cô gái nghèo nhà họ Mãng, chịu nhiều cảnh oan khổ để xem sao. Lớn lên, Thị Kính lấy chồng học trò tên là Sùng Thiện Sĩ.

Cảnh này ca ngợi thiên nhiên, con người. Lớp khai màn đẹp của thiên nhiên với sân khấu trang trí cảnh vườn đào, thông qua màn hát múa vu qui.

Cảnh 2: Thị Kính cắt râu, cảnh được diẽn ra tại nhà Thiện Sĩ.

Một đêm chồng học quá khuya, ngủ thiếp đi, vợ ngồi khâu bên cạnh, thấy một sợi râu mọc ngược, sẵn có dao cầm tay nên toan cắt đi. Chồng giật mình tỉnh dậy, tưởng vợ có bụng hại mình, liền hô hoán lên. Cha mẹ chồng chạy tới, một mực gán cho Thị Kính tội mưu sát chồng.

Cành này phê phán Đạo Khổng. Trong thứ bậc của xã hội ảnh hưởng bởi đạo Khổng thì PHỤ (Cha) đuợc xếp hạng thứ ba chỉ sau QUÂN (là Vua), SƯ (là Thầy). Trong gia đình người cha luôn giử nét mặt nghiêm khắc và ít khi biểu lộ tình cảm hoặc trìu mến đối với vợ và con vì đó là biểu tượng của yếu đuối và không uy quyền. Theo thuyết Âm dương của Nho giáo, muốn có sự vận động phải có sự tụ tán của âm dương. Cương nhu phải thúc đẩy lẫn nhau, muốn phát triển được, dương phải cương và âm phải nhu – như thế mới thuận đạo trời. Đàn ông – biểu tượng cho tính dương cần phải cường (mạnh) và đàn bà – biểu tượng cho tính âm thì cần phải nhu (yếu). Ngược lại biểu tượng Sùng Ông lểu khểu, lảo đảo đã không làm chủ bản thân, bị Sùng Bà chí tay giúi vào đầu, phê phán Sùng Ông là người chồng, người cha nhưng không làm chủ được gia đình, để Sùng Bà làm chủ gia đình “Với chồng mụ, mụ luôn mắng chồng khinh rẻ chồng, cho chồng là kẻ bợm rượu, ăn nói thì lèm bèm”... Bên cạnh đó, phê phán Thiện Sĩ là người chồng không làm chủ được tình yêu, không bảo vệ được hạnh phúc gia đình, thực ra cậu quý tử này là kẻ nhu nhược thậm chí còn đần độn. Một trong những tiêu chuẩn của Đạo Khổng là người ông phải làm chủ gia đình.

Cảnh 3: Thị Kính bị Thị Mầu ghẹo, tại chùa.

Trong vùng có Thị Mầu, con gái phú ông, vốn tính lẳng lơ đa tình. Cô này lên chùa thấy chú tiểu Kính Tâm liền đem lòng say đắm. Bị Thị Mầu nhiều lần trêu ghẹo, nhưng trước sau Kính Tâm vẫn thờ ơ.

Cảnh này phê phán nhà Phật không còn thiêng liêng, không còn giá trị. Trong xã hội phong kiến, Chùa là một nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, những người không còn bước đường cùng không lối thoát muốn ẩn thân, núp bóng nhờ nhà Phật che chở nhưng nhà Phật cũng không che chở được. Nơi linh thiêng, thanh tịnh đã bị Thị Mầu làm cho ô uế, Thị Mầu đến lễ chùa nhưng lại ghẹo sư. Với hình ảnh Thị Mầu ném mõ, ghẹo tiểu.

Cảnh 4: Thị Mầu ngủ với Nô

 Phú Ông đi vắng, Thị Mầu ở nhà không nén được lòng ham muốn, Thị Mầu ngủ với Nô

Phê phán gia đình thứ 2 nhà Phú Ông, một lần nữa phê phán Đạo Khổng. Thời phong kiến gia đình môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nhưng Thị Mầu lại ăn ngủ với người ở. Gia đình giàu có như nhà Phú Ông mà con gái lại ăn nằm với người ở. Như vậy, một lần nữa vở chèo lại phê phán Đạo Khổng.

Cảnh 5: Thị Kính – việc làng (Xã trưởng, Hương câm, Đồ điếc, Mẹ Đốp)

Thị Mầu có mang với người đầy tớ. Bị hào lý trong làng đến bắt vạ. Thị Mầu bèn vu vạ cho Kính Tâm ăn nằm với thị. Vì thế Kính Tâm bị làng đòi đến tra khảo, không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này.

Nhân việc bắt vạ nhà Phú Ông, với inhững thành phần trong xã hội ”mù, câm, điếc” lại được no nê. Phê phán xã hội lúc bấy giờ  thối nát, mua quan bán tước, “đục nước béo cò”. Người to nhất trong làng là Xã trưởng lại tòm tem với Mẹ Đốp (người đại diện cho tầng lớp thấp nhất trong làng). Hình ảnh từng lời nói của Xã trưởng bị Mẹ Đốp bốc mồm cho vào váy. Cho vào váy chưa đủ, sợ khán giả không hiểu Xã trưởng bào Mẹ Đốp nâng dải yếm cao hơn. Hình ảnh đối lập một người đứng đầu  làng với một người thấp hèn, cái mồm chỉ mang ra sánh với cái váy đụp của người phụ nữ. Người xưa rất thâm thúy, họ ám chỉ rắng tất cả đàn ông dù làm to hay nhỏ thì cũng đều từ “chỗ ấy” mà ra.

Cảnh 6: Thị Kính nuôi con Thị Mầu, ra ngoài Tam quan ở

Sau một thời gian giả nam tu ở nhà chùa, bị Thị Màu đổ oan là tư thông làm ả có mang, Thị Kính phải chịu cảnh đánh đập. Để không làm ô danh chốn thiền môn, Thị Kính phải ra ở mái tam quan. Để một mình nuôi được đứa con của Thị Màu bị mẹ bỏ, Thị Kính đã phải bế con đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm, trong sự khinh rẻ của dân làng.

Phê phán xã hội phong kiến lan tới cả nhân dân, Con người với con người nhưng họ sống không có tình người, ngay cả với đứa trẻ còn đang bế ẵm, nhưng họ hắt hủi không cho sữa.

Cảnh 7: Thị Kính rửa sạch tiếng oan và thành Phật

Được ba năm đứa bé đã khôn lớn, thì Kính Tâm mắc bệnh nặng rồi mất. Trước khi qua đời, Kính Tâm có viết một bức thư để lại cho Cha mẹ và đứa bé con của Thị mầu. Xem thư tuyệt mệnh của tiểu Kính Tâm, người nhà mới biết tội mưu giết chồng là oan ức. Khi liệm thi hài, sư, vãi trong chùa mới rõ Kính Tâm là phụ nữ. Vậy là cả hai nỗi oan đều được tháo gỡ. Sau đức Phật Thích-ca xét Kính Tâm quả là người tu hành đắc đạo, cho bà được siêu thăng làm Phật Quan Âm.

Một lần nữa phê phán nhà Phật không còn tôn nghiêm, với hình ảnh ông Phật ngồi trên bệ và Thị Kính hóa Phật. Trong khi cảnh đang múa Chạy đàn thì hình ảnh ông Phật mắt thì liếc ngang, tay cấu véo.

Chủ đề tư tưởng của vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính là Phản phongPhản giáo. Xung đột của vở là xung đột giữa Thị Kính với hoàn cảnh xã hội phong kiến (đạo Khổng và đạo Phật). 

Phản phong là kêu gọi mọi người chống đối với đạo Khổng vì xã hội lúc bấy giờ không còn ý nghĩa, không còn giá trị. Người đàn ông không làm chủ gia đình, người phụ nữ thì điều hành gia đình. Xã hội với việc mua quan bán tước, tri thức không được trọng dụng. Phản giáo là kêu gọi mọi người chống đối với đạo Phật. Cửa Phật là nơi con người muốn gửi gắm những u uất, đau khổ của cuộc đời nhưng Phật lại  không che chở được. Hình ảnh đập chuông, đập mõ, trêu ghẹo tiểu trước tam bảo, đã làm cho của Phật không còn tôn nghiêm.

Vở chèo kết cấu theo hình thức tự sự luận đề. Tự sự được tồn tại và phát triển theo số phận của một nhân vật nào đó trong qua trình va đập với các sự kiện ở cuộc sống. Sự kiện, nhân vật chính, thái độ thẩm mĩ của nghệ sĩ là nguyên tắc thể hiện cho từng cảnh (mỗi cảnh có một không gian, một thời gian, một sự kiện cho nhân vật chính hoặc cho nhân vật liên quan tới nhân vật chính ứng xử và hành động).

Tích Quan Âm được biểu diễn trên sân khấu tạo ra trò Quan Âm. Tích Quan được kết cấu 30 đoạn có nhiều không gian, nhưng vở Quan Âm là trò có 18 đoạn và chia thành 7 không gian, mỗi không gian là một sự kiện khác nhau và mang thái độ thẩm mĩ khác nhau. Tích và trò không giống nhau. Trò chèo đã bỏ qua nhiều đoạn, như: vào trò cha mẹ chia tay Thị Kính về nhà chồng, hay cảnh Thị Mầu chết sa vào ngục... Nhưng trong trò có 7 sự kiện trên mà tích không có. Đặc biệt ở trò có lớp vu qui, Sùng ông, Sùng bà, thầy mù, hương câm, Mẹ Đốp diễn trò với Xã trưởng, hay cảnh Kính Tâm bế con đi xin sữa...

Trò ở chèo không tả thực mà tả ý, dựa trên tích có, thực để tả ý. Chèo cổ không có sáng tác của một tác giả nào đó, vì vậy phải đi tìm tích, vở Quan Âm Thị Kính, Chu Mãi Thần, Trương Viên, Từ Thức gặp tiên, Lưu Bình – Dương Lễ, Trinh Nguyên, Kim Nham. Tại sao không có nhiều vở chèo tiêu biểu bơỉ chèo chỉ tả ý.

Như vậy, trong hai tác phẩm tích và trò Quan Âm Thị Kính, ngoài các vấn đề được nêu lên để phê phán đạo Khổng, đạo Phật, phê phán xã hội phong kiến đầy hủ tục, thối nát. Tác phẩm còn là hạnh trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục thuộc lục độ Ba la mật của Phật giáo còn nổi bật một vấn đề khác đó là chữ hiếu, nhưng hiếu ở đây đã vượt xa chữ hiếu của nhà Nho, không chỉ gói gọn trong việc đối xử chăm sóc cha mẹ, mà phải tìm mọi cách để độ thoát cho cha mẹ khỏi vòng sinh tử luân hồi. Các chi tiết được hư cấu trong truyện Quan Âm Thị Kính tuy có nhiều chỗ hoang đường không phù hợp với Phật giáo, nhưng lại rất hợp với tinh thần tha nhân của tôn giáo này.

Tư tưởng trong Quan Âm Thị Kính là tư tưởng Phật giáo. Đời là một bể khổ mà mỗi người là một con thuyền vô trạo, một cánh bèo trôi giạt ở bến mê. Đời Thị Kính là một thí dụ. Đời buồn là thế, chúng sinh muốn hết khổ thì phải tìm đến con đường tu hành. Do vậy, luân lý của truyện có thể tóm lại ở câu:

Nhân sinh thành Phật dễ đâu,

Tu thân, cứu khổ, rồi sau mới thành.

Kết luận: Sự kế thừa và biến đổi hình thức nghệ thuật chèo diễn ra trong suốt thế kỉ XX thực chất là sự thể nghiệm, tìm tòi, khám phá của nhiều thế hệ các nhà làm sân khấu với hy vọng làm cho hình thức chèo luôn phù hợp với nội dung được phản ánh qua vở diễn là hiện thực cuộc sống của thời đại mới.

Cũng phải khẳng định rằng, quá trình kế thừa và biến đổi hình thức đã đem lại cho nghệ thuật chèo có những thay đổi lớn về diện mạo. Đặc biệt là âm nhạc, mĩ thuật, kịch bản... Sự biến đổi này đã góp phần làm cho chèo phản ánh nhiều khía cạnh đời sống.

Sự biến đổi về mặt nội dung cũng như hình thức còn nhiều bất cập đã từng mắc phải sai lầm có khi tới mức nghiêm trọng làm mất đi bản sắc chèo. Những bất cập và sai lầm này đều bắt nguồn từ nguyên nhân chưa nắm vững những đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của ngôn ngữ chèo từ thủ pháp đến nghệ thuật. Sự biến đổi về mặt hình thức đôi khi đã không xuất phát do yêu cầu của sự biến đổi về nội dung, mà tự ý muốn chủ quan của đạo diễn muốn thỏa mãn yêu cầu của thị hiếu khán giả trong  trào lưu chung của các hình thức nghệ thuật đương đại, tạo nên sự khiên cưỡng, mất bản chất của chèo. Đôi khi không lôi kéo khán giả mà còn làm cho khán giả ngày càng xa dần với chèo.