Nội san

Nghiên cứu và ứng dụng phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát vào dạy học thanh nhạc cho sinh viên sư phạm âm nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

10 Tháng Chín 2021

Phạm Thị Thu Trang

Giảng viên Khoa Piano và Thanh nhạc

Nghệ thuật thanh nhạc và nền giáo dục âm nhạc Việt Nam đang từng bước hoàn thiện, phát triển, góp phần xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong đó, việc nâng cao chất lượng dạy – học thanh nhạc đang là một vấn đề đáng quan tâm đối với từng cơ sở đào tạo chuyên và không chuyên, chính vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng phương pháp giảng dạy của các nhà sư phạm thanh nhạc là một việc làm quan trọng và thiết thực.

Trên thế giới, thanh nhạc gắn liền với kĩ thuật hát Bel canto được bắt nguồn từ nước Ý (châu Âu). Bel canto là lối hát được phổ biến nhất trong lịch sử thanh nhạc, nó có ý nghĩa là “giọng hát đẹp” với yêu cầu âm thanh vang, sáng phù hợp với phát âm tự nhiên của người châu Âu.

Ở Việt Nam, nghệ thuật thanh nhạc đã du nhập và áp dụng lối hát Bel canto từ rất sớm. Tuy nhiên, với cấu tạo phong phú và đa dạng của ngôn ngữ Việt, việc áp dụng kĩ thuật hát Belcanto vào thể hiện các ca khúc Việt Nam đòi hỏi người hát phải biết vận dụng linh hoạt, mềm dẻo mới đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của âm thanh khi hát tiếng Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ hết sức phong phú và đa dạng bởi tính đơn vận đa thanh, các vần đóng nhiều hơn các vần mở. Chính vì vậy, để hát “tròn vành rõ chữ” mà âm thanh vẫn ngân vang, sáng, đẹp, người hát không chỉ nắm vững những kiến thức cơ bản về thanh nhạc mà còn phải tìm hiểu về cách chuyển động đóng mở âm của tiếng Việt. Đây chính là vấn đề khó được đặt ra đối với các nhà sư phạm, việc nghiên cứu tìm ra phương pháp để sinh viên biết vận dụng lối hát đẹp trên thế giới mà vẫn giữ được nét tinh hoa ngôn ngữ Việt mỗi khi thể hiện các ca khúc Việt Nam là rất cần thiết. Vấn đề này đòi hỏi các giáo viên giảng dạy trong lĩnh vực thanh nhạc cần có những công trình nghiên cứu, đồng thời đưa ra các giải pháp ưu việt nhất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học Thanh nhạc trong các môi trường chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Nhận định được tầm quan trọng của vấn đề này, PGS.TS.NSUT Trần Ngọc Lan đã có công trình nghiên cứu rất thiết thực và bổ ích, đó là cuốn sách “Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát”. Qua nghiên cứu về cuốn sách, tôi nhận thấy tác giả Trần Ngọc Lan đã đề cập đến các yếu tố như: cấu tạo, phát âm, nhả chữ của tiếng Việt và đưa ra một số phương pháp để hát tốt tiếng Việt… Đây là các vấn đề phù hợp và cần thiết để áp dụng cho quá trình dạy học thanh nhạc cho sinh viên tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhằm nâng cao chất lượng hát tốt các ca khúc tiếng Việt.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với 50 năm hình thành và phát triển, trường là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhiều giáo viên nghệ thuật cho cả nước nói chung. Được sự quan tâm của Đảng ủy BGH, bộ môn thanh nhạc đang từng bước phát triển và ngày càng được khẳng định. Đội ngũ giảng viên thanh nhạc không ngừng học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhiệm vụ đào tạo môn học. Việc áp dụng phương pháp hát Bel canto vào thể hiện các bài hát Việt Nam phần lớn đều được các giảng viên quan tâm, chú trọng để có được hiệu quả âm thanh như mong muốn. Tuy nhiên, ở một số giảng viên trẻ mới chỉ đạt được ở việc hướng dẫn sinh viên áp dụng lối hát Bel canto vào các thể loại thanh nhạc một cách tương đồng. Họ chưa thực sự đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm của tiếng việt trong quá trình giảng dạy, dẫn đến sinh viên hát ca khúc Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như: hát chưa rõ lời, âm thanh cứng, khẩu hình chưa linh hoạt… Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo môn thanh nhạc cho sinh viên ĐHSP Âm nhạc tại trường trong thời gian tới, cần thiết phải có thêm những nghiên cứu sâu hơn về cấu tạo, ngôn ngữ Việt và các yếu tố khác trong nội hàm nghệ thuật thanh nhạc để ngày càng nâng cao chất lượng cũng như phương pháp giảng dạy môn thanh nhạc.

  1. Thực trạng dạy học Thanh nhạc cho hệ ĐHSP Âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Đội ngũ giảng viên dạy thanh nhạc tại Khoa Piano & Thanh nhạc trường ĐHSP Nghệ thuật TW được đào tạo chính quy tại các Viện nghiên cứu, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với trình độ chuyên môn tốt, 100% các giảng viên đều có trình độ Thạc sĩ. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngành thanh nhạc của nhà trường ngaỳ một phát triển hơn. Các giảng viên luôn tìm tòi và học hỏi phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với sinh viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn. Phần lớn, các giảng viên đã áp dụng những chương trình, giáo trình thanh nhạc phù hợp cho đối tượng sinh viên mình dạy, biết cách chọn bài phù hợp với khả năng cũng như trình độ của sinh viên. Các thế hệ học sinh được đào tạo thanh nhạc của nhà trường đạt được nhiều thanh tích cao trong học tập, được sang nước ngoài học tập tiếp, hoặc có những em đạt được nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi hát trong và ngoài nước. Đó là những thành quả không thể không nhắc tới của cả thầy trò khoa Piano & Thanh nhạc nói riêng, trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói chung.

            Sinh viên hệ ĐHSP Âm nhạc tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW được tuyển chọn qua kỳ thi năng khiếu rất kỹ lưỡng và công tâm. Các em đều có khả năng âm nhạc nhất định. Nhìn chung, SV đều yêu thích học thanh nhạc, trong giờ học đều có thái độ tích cực, ham học hỏi và ý thức rèn luyện kĩ năng thanh nhạc cho bản thân.

             Trong những năm gần đây, các em sinh viên SPAN đã có những thay đổi đáng kể về sự năng động trong học tập và các hoạt động biểu diễn trong và ngoài trường. Nhà trường đã luôn tạo điều kiện để tổ chức những chương trình biểu diễn, các cuộc thi hát giúp các em có một sân chơi, một trải nghiệm thực tiễn về năng lực biểu diễn nhằm khơi dậy niềm đam mê cho SV. Từ đó, các em được thỏa sức khám phá, khẳng định năng lực bản thân trước thầy cô, bàn bè, gia đình và xã hội. Và thực tế cho thấy, trong những cuộc thi giọng hát hay sinh viên gần đây, những giải thưởng cao quý trong vòng Chung kết luôn có sự góp mặt của sinh viên ngành SPAN. Một số em còn rất tích cực tham gia các cuộc thi tiếng hát truyền hình, giọng hát hay ở các tỉnh thành trong cả nước và đem lại nhiều giải thưởng, huy chương. Đó là không chỉ là niềm vui đối với những bậc thầy cô giảng dạy, mà còn là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các em trên con đường chinh phục nghệ thuật thanh nhạc.

            Thực trạng dạy học thanh nhạc cho sinh viên hệ ĐHSP Âm nhạc tại trường ngoài những thành tích kể trên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế trong công tác giảng dạy. vẫn còn một số giảng viên ít có kinh nghiệm khi giao bài phù hợp với trình độ của sinh viên, giảng viên chưa sát sao trong việc yêu cầu sinh viên phải tự luyện tập môn thanh nhạc hàng ngày sau giờ lên lớp… Đối với sinh viên, một số em vẫn còn thiếu tích cực trong vấn đề tự học ở nhà, hoặc chưa biết cách sắp xếp thời gian luyện tập hợp lý.

 

  1. Vận dụng một số phương pháp hát tốt tiếng Việt vào giảng dạy thanh nhạc

Một là, phát thanh phụ âm, nguyên âm trong tiếng Việt khi hát

Phụ âm là các âm đầu hoặc âm cuối trong âm tiết tiếng Việt, là thành phần đầu tiên nhưng cũng có thể là âm kết của tiếng Việt ví dụ như: b, c, d, đ, k, l, m, n... Cách phát âm những phụ âm trong ca hát cũng giống như trong tiếng nói hằng ngày. Cần phát âm chính xác bằng cách: môi bật môi, răng đụng môi, lưỡi đánh lên răng, chân răng, hàm ếch...để các âm đầu nối kết với vần rõ ràng hơn. Tuy nhiên, khi phát âm phụ âm cần bật một cách nhẹ nhàng và linh hoạt hết sức tự nhiên.

Nguyên âm được chia thành 3 loại nguyên âm đơn, nguyên âm phức (gồm cả nguyên âm đôi và nguyên âm ba) ví dụ như: a, o. u, ai, uê, oải, uây... Nguyên âm được coi như phần âm thanh của ngôn ngữ luôn đứng ở vị trí trung tâm trong âm tiết tiếng Việt. Nguyên âm có vai trò quan trọng là tạo độ vang, khuếch đại cho âm thanh tự nhiên, các hộp cộng hưởng, những  khoang rỗng trên cơ thể (khoang họng, khoang miệng), xoang trên mặt (xoang mũi, xoang vòm mặt, xoang trán...) để tạo thành kĩ thuật cộng minh trong thanh nhạc.

Hai là, cách phát âm về vần mở và vần đóng khi hát

Vần trong tiếng Việt sẽ bao gồm các thành phần: âm đệm, âm chính (đỉnh âm), và âm cuối (kết âm) theo sơ đồ sau:

Đối với vần mở, cách phát âm tương đối thuận lợi, Những vần đóng nguyên âm, phụ âm đều mang lại sự không thuận lợi cho âm thanh. Phần lớn, âm thanh vang của nguyên âm và làn hơi sẽ bị cản lại ở môi hoặc lưỡi. Vì vậy, khi phát âm hoặc hát muốn mở rộng âm thanh thì phải tạo khoảng vang ở xoang mũi. Người hát phải chủ động tạo trường độ thích hợp cho câu phát âm để đạt hiệu quả cao nhất.

Ba là, về thanh điệu

Về các thanh ngang, thanh huyền, thanh sắc và thanh nặng đều là các thanh diễn ra đồng thời và gắn liền với các nguyên âm. Thông thường, độ cao của các thanh cũng chính là độ cao của nguyên âm, âm tiết.Còn lại những từ có thanh hỏi, ngã, nặng ta cần thêm nốt luyến vào trước từ hát, có thể là luyến lên quãng 2, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo trường độ nhanh chậm của tiết tấu trong câu hát.

Một số lưu ý khi hát tiếng Việt

Thứ nhất,  xử lý từ đóng âm: thêm các  nguyên âm hoặc âm đệm sau khi đã khép, đã đóng chữ rồi đưa lên ngạc cứng, khoang mũi tạo thành âm ngậm.

Thứ hai, xử lý những từ trái dấu: thêm nốt nhỏ đặt trước nốt làm sai dấu giọng, luyến láy lên nốt chính, khi đó câu hát sẽ vừa rõ lời vì đúng thanh dấu, câu hát cũng mềm mại tự nhiên hơn.

Thứ ba, xử lý những từ điệp, câu điệp: nên hát nhấn vào cụm từ điệp thứ nhất và tiếp tục nhấn mạnh hơn, đẩy hơi và bật ngân thanh âm mạnh hơn ở cụm từ thứ hai nhằm tạo sự khác biệt về âm thanh cúng như sắc thái câu hát

Thứ tư, xử lý những từ khó ở nốt cao: có thể kết hợp kĩ thuật hát Bel canto và từ khó nhằm tạo độ mở âm thanh khi hát. Cụ thể, người hát cần mở rộng nguyên âm (đỉnh chữ), sau đó đóng phụ âm. rồi đưa về âm ngậm, âm thanh sẽ có độ vang và rõ chữ hơn.

            Như vậy, để giảng viên có thể vận dụng cụ thể vào xử lý trong những tác phẩm thanh nhạc Việt Nam thì những phương pháp nêu trên rất quan trọng mà căn cứ vào đó, giảng viên sẽ hướng dẫn sinh viên luyện tập theo các phương pháp trên nhằm xử lý tốt ngôn ngữ tiếng Việt trong các ca khúc Việt, góp phần nâng cao chất lượng hát tốt tiếng Việt cho sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW.