Nội san

ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP BLENDED LEARNING VÀO DẠY - HỌC TIẾNG ANH

19 Tháng Chín 2021

                                                                     Phạm Thị Ngọc Bích

                                                              Giảng viên Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ

                                                                                   

          Sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay có những tác động tích cực đến mọi lĩnh vực của đời sống nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Nhờ có công nghệ, hoạt động dạy - học trở nên linh hoạt hơn, người học không bị giới hạn trong các lớp học truyền thống mà hoạt động học tập có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Hình thức dạy học E-learning đã ra đời đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người học về thời gian, địa điểm, nội dung và hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu giáo dục hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng thì hình thức dạy học dựa trên công nghệ này vẫn tồn tại những hạn chế nhất định bên cạnh những lợi ích mà nó đem lại cho hoạt động dạy - học không thể phủ nhận. Chính vì thế, một phương pháp dạy học mới, hiện đại, cần thiết có thể khắc phục những nhược điểm của E-learning phù hợp ngày nay là phương pháp Blended learning - phương pháp kết hợp những ưu điểm của cả hình thức dạy học truyền thống và hình thức dạy học trực tuyến.

  1. Khái niệm Blended learning và các nghiên cứu liên quan

            Theo tác giả Neumeier (2005), Blended learning (phương pháp dạy học kết hợp) là sự kết hợp của hình thức học tập trực tiếp (mặt đối mặt) và hình thức học tập có sự hỗ trợ của máy tính trong môi trường dạy và học riêng lẻ. Davis & Fill (2007)  cho rằng Blending learning là sự tích hợp những phương pháp giảng dạy trực diện (giáp mặt) truyền thống và các hoạt động học tập trực tuyến xác thực được hỗ trợ bởi các nền tảng công nghệ thông tin. Davis & Fill (2007) cũng giải thích rằng học tập kết hợp có khả năng thay đổi trải nghiệm và kết quả học tập của người học.

            Có cùng quan điểm với các tác giả trên, Garrison & Vaughan (2008) cho rằng phương pháp dạy học kết hợp xuất hiện từ sự hiểu biết về những điểm mạnh của cả hai hình thức học tập trực tiếp và trực tuyến. Garrison và Kanuka (2004) cũng đề cập đến sự phân loại Blended learning theo sáu mô hình tùy theo đặc thù học sinh của lớp học. Đó là các mô hình "Face-To-Face Driver" (giảng dạy trực tiếp), Rotation (sự xoay vòng), Flex (linh hoạt), Labs (phòng thực hành), Self-blend (tự học), Online driver (học trực tuyến).

            Blended learning là một mô hình học tập và giảng dạy còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Một số tác giả như Nguyễn Đắc Tâm hay Lưu Thị Quỳnh Hương đã tiến hành nghiên cứu về phương pháp giảng dạy đổi mới này và cho thấy những ảnh hưởng tích cực của nó đến hoạt động học tập của sinh viên. Theo tác giả Nguyễn Đắc Tâm (2017, tr.39), "phương pháp học tập Blended learning được biết đến như là một cách học pha trộn (Hybrid learning) - mô hình dạy và học mặt-đối-mặt (face-to-face) trong lớp kết hợp với bộ phận học trực tuyến (online learning component)". Mô hình giảng dạy này được ứng dụng vào dạy môn ngữ âm (Phonetics) cho sinh viên khoa Ngoại ngữ trường Đại học Văn Lang mang lại hiệu quả và nhiều lợi ích cho sinh viên giúp sinh viên năng động hơn và tự chủ hơn trong học tập. Ngoài ra, tác giả Lưu Thị Quỳnh Hương (2017) có tiến hành nghiên cứu  khảo sát quan điểm của giảng viên về việc ứng dụng phương pháp dạy học kết hợp trong giảng dạy tiếng Anh tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng giảng viên đánh giá cao việc áp dụng phương pháp dạy học kết hợp như: cung cấp môi trường học tập tiên tiến, thu hút sinh viên, tuy nhiên, họ cũng gặp những trở ngại nhất định là trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin của sinh viên, giáo trình và hiểu biết của chính họ về phương pháp này.

  1. Vai trò của phương pháp Blended learning đối với đổi mới phương pháp giảng dạy

          Đổi mới phương pháp giảng dạy là một yêu cầu tất yếu trong giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhờ sự đổi mới về phương pháp giảng dạy mà chất lượng dạy - học trong nhà trường được nâng lên. Với phương pháp dạy học Blended learning, người học là trung tâm của quá trình dạy - học thay vì người dạy như trước đây. Người học sẽ tiếp thu kiến thức một cách chủ động từ nhiều nguồn tài liệu với sự hỗ trợ của công nghệ và từ sự định hướng của giáo viên. Vai trò của người dạy cũng thay đổi cho phù hợp với sự đổi mới này. Người dạy không chỉ có vai trò là người truyền thụ kiến thức mà còn đảm nhiệm các vai trò khác như vai trò hướng dẫn, cung cấp thông tin; vai trò giám sát hay vai trò tổ chức các hoạt động. Mô hình Blended learning tăng cường sự tương tác giữa thầy và trò. Người học có được sự hướng dẫn, giải thích cụ thể từ giáo viên tại các lớp học truyền thống và tham gia các hoạt động trên lớp bên cạnh sự tương tác trong các lớp học ảo (trực tuyến). Blended learning tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động học tập tại cơ sở đào tạo (offline) và học online để nâng cao kết quả học tập. Với phương pháp này, người học có những trải nghiệm học tập thú vị, thu hút được sự nhiệt tình tham gia các hoạt động học tập của các em, từ đó các em yêu thích môn học hơn.

          Đối với đổi mới phương pháp giảng dạy ngoại ngữ nói riêng thì học tập kết hợp sẽ nâng cao trải nghiệm của người học về một ngôn ngữ mới và mang lại hiệu quả cao hơn trong việc giao tiếp và thực hành ngôn ngữ đó (Tawil, 2018). Theo nghiên cứu của Banditvilai (2016), phương pháp dạy học kết hợp đóng vai trò quan trọng trong phát triển bốn kỹ năng ngôn ngữ Nghe, Nói, Đọc, Viết của người học đồng thời nâng cao tính tự chủ và động lực cho người học.

  1. Ưu điểm của phương pháp Blended learning

            Mô hình Blended learning "không phải là sự cộng cơ học" giữa hình thức học tập trực tiếp và hình thức học tập trực tuyến (Vũ Thái Giang và Nguyễn Hoài Nam, 2017, tr.167).  Hai hình thức này cần bổ sung cho nhau để phát huy được điểm mạnh của từng hình thức học tập. Ưu điểm lớn nhất của phương thức đào tạo truyền thống,  giao tiếp mặt đối mặt (face to face) là kênh giao tiếp có hiệu quả bởi nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và giao tiếp bằng mắt là những yếu tố quan trọng dễ nhận biết khi tham gia trực tiếp tại lớp học. Nếu không có những biểu hiện này, não bộ sẽ khó nhận tín hiệu giao tiếp và có khả năng cao là việc diễn giải sai có thể xảy ra. Như vậy, các buổi học trực tiếp trên lớp vẫn rất cần thiết mà việc tự học với máy tính không thể thay thế được. Trong khi đó, công nghệ mang đến sự linh hoạt cũng như sự chủ động trong học tập của người học. Hình thức học tập trực tuyến tạo ra những người học tự chủ, phát triển khả năng tự học và năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, người học sẽ dễ dàng mất đi cơ hội học tập nếu như bản thân người học không tự giác, độc lập, đồng thời mất đi sự hứng thú, động lực học khi thiếu tương tác giáp mặt (face to face) với giáo viên và các bạn cùng lớp như trong các lớp học truyền thống. Ngoài ra, với nguồn kiến thức đa dạng, phong phú có thể tìm kiếm nhờ các ứng dụng của công nghệ thì việc chỉ tham gia ở các lớp học truyền thống đã hạn chế khả năng tìm tòi, khám phá, sáng tạo của người học. Do đó, Blended learning là phương thức học tập có thể khắc phục những thiếu sót của cả hai hình thức học tập được đề cập ở trên. Phương pháp này có thể được áp dụng rộng rãi bởi tính ưu việt nổi trội của nó so với từng phương pháp học tập trực tiếp cũng như trực tuyến một cách riêng biệt.

  1. Triển khai ứng dụng Blended learning vào dạy học tiếng Anh

            Tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, công tác giảng dạy tiếng Anh được diễn ra tại các lớp học theo phương pháp giảng dạy truyền thống. Sinh viên đến lớp nghe giảng, thực hành và thảo luận, làm các bài tập trong giáo trình. Trong quá trình học tập, một bộ phận không nhỏ sinh viên còn chưa thực sự chủ động tự học, tự khai thác tài liệu qua mạng internet, còn bị động với các hoạt động học tập của mình nên năng lực ngoại ngữ còn hạn chế. Để phát triển năng lực tự học, tự tìm hiểu tri thức của sinh viên kết hợp với kiến thức bài giảng được truyền thụ trên lớp, phương pháp dạy học mới kết hợp giảng dạy truyền thống dưới sự hướng dẫn, giám sát của giảng viên và công nghệ hiện đại với tính tự giác của sinh viên đã được triển khai và bước đầu đã có những thay đổi tích cực đáng kể. Sinh viên chủ động hơn, tích cực hơn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao với thời hạn quy định cụ thể trên các ứng dụng học tập qua mạng Internet.

            Ngoài thời gian học trực tiếp tại lớp, các buổi học trực tuyến được giảng viên tiếng Anh thực hiện dựa trên một số nền tảng hỗ trợ học tập trực tuyến như Google Classroom, Edmodo, Microsoft team   s để triển khai việc dạy và học. Các buổi học trực tuyến được thực hiện theo các bước sau:

            Bước 1: Giảng viên cung cấp bài giảng, tài liệu giảng dạy, tài liệu hướng dẫn học phần, các bài luyện ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh bằng cách gửi bản mềm lên thư viện trực tuyến chung của lớp, tạo các bài tập, bài kiểm tra trực tuyến.

            Bước 2: Sinh viên đăng nhập, thường xuyên đưa ra các câu hỏi thảo luận, trao đổi trực tuyến trên lớp học ảo, hoàn thành các bài tập với thời hạn được quy định trực tuyến. Việc học trực tuyến của sinh viên được thực hiện ngoài thời gian lên lớp.

            Bước 3: Giảng viên có thể chấm bài hay đưa ra nhận xét trực tiếp trên lớp học ảo được tạo ra hoặc có thể phản hồi với kết quả của sinh viên khi bài tập hay bài kiểm tra của sinh viên được chấm tự động.

Kết luận

            Blended learning không chỉ được hiểu một cách đơn giản là ứng dụng công nghệ vào giảng dạy mà nó cần được coi là một phương pháp giảng dạy mới kết hợp những điểm mạnh của hình thức học tập truyền thống (giáp mặt) và hình thức học tập trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Với khả năng linh hoạt, sáng tạo, tự chủ và hiệu quả, phương pháp dạy học Blended learning góp phần vào công cuộc đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo các môn học nói chung và môn tiếng Anh nói riêng.

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Anh                                                       

1. Banditvilai, C (2016)“Enhancing Students’ Language Skills through Blended Learning”. The Electronic Journal of E-Learning. Volume 14, Issue 3, 2016, pp.220-229 available online at www.ejel.org

2. Davis, H. C., & Fill, K. (2007). Embedding blended learning in a university's teaching culture: Experiences and reflections. British Journal of Educational Technology, 38(5), pp.817-828.

3. Garrison, D. R., & Kanuka, H. (2004). "Blended learning: Uncovering its transformative potential in higher education". The Internet and Higher Education, 7(2), pp.95-105.

4. Garrison, D.R & Vaughan, N.D (2008). Blended learning in Higher education - Framework, Principles, and Guidelines. San Francisco, CA: Jossey-Bass.

5. Neumeier, P. (2005). A closer look at blended learning: Parameters for designing a blended learning environment for language teaching and learning. ReCALL 17(2), pp.163–178.

6. Tawil, H (2018). "The Blended Learning Approach and Its Application in Language Teaching" International Journal of Language and Linguistics. Vol. 5, No. 4, December 2018, pp.47-58 doi:10.30845/ijll.v5n4p6

Tiếng Việt

7. Lưu Thị Quỳnh Hương (2017). "Quan điểm của giảng viên về việc ứng dụng phương pháp học tập kết hợp trong giảng dạy tiếng Anh tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam". Tạp chí Khoa học Công nghệ Hàng hải. Số 49-01/2017, tr.98-102.

8. Nguyễn Đắc Tâm (2017). "Blended learning, mô hình giảng dạy sáng tạo được ứng dụng thành công trong việc giảng dạy môn Ngữ âm (Phonetics) tại trường Đại học Văn Lang". Tạp chí Khoa học Đại học Văn Lang. Số 5/2017, tr.39-44.

9. Vũ Thái Giang & Nguyễn Hoài Nam (2017). Dạy học kết hợp - Một hình thức phù hợp với dạy học đại học ở Việt Nam thời đại kỉ nguyên số. Hnue Jounal of Science. Educational Sciences, 2019, Volume 64, Issue 1, pp. 165-177.