Tin tức – Sự kiện

NỖI BUỒN NHẠC SĨ - CHUYỆN KHÓ NÓI

01 Tháng Tư 2012

Trần Đức Lâm

noteTrong thời buổi mà cái gì cũng đang lao vào quá trình hội nhập một cách mãnh liệt, hoành tráng như bây giờ, có nhiều cái đã “hội” lại và “nhập” vào một cách thật cẩu thả.

Không biết cách nghĩ này có cực đoan và sai hay không? Nhưng chuyện thì có thể kể (vui hay buồn đành tùy theo hứng khởi của người đọc vậy).

Cách đây không lâu, trong một chuyến công tác về một huyện nhỏ, tôi được sung sướng gặp lại nhiều bạn bè, nhiều phụ huynh và học trò cũ. Trong cái cơn sung sướng và vui vẻ của bàn nhậu, tiếng hát bắt đầu. Có lẽ cuộc đời khi nào cũng cần âm nhạc là sự thật! Chúng tôi hát, hát và cả hò nữa. Hát và hò cật lực. Và, xin chân thành cám ơn thế hệ ông cha đã để lại câu nói bất hủ để giáo dục con cái: cái gì thái quá cũng không tốt. Đúng thật! Không khí hào hùng ấy đã dẫn đến một vị khách đặc biệt. Trong âm thanh hỗn độn của cuộc hát hò, đột nhiên một tiếng hét đầy vẻ trân trọng: “Im lặng! Có nhạc sĩ ABC tới”. Giật mình, mọi người im lặng và hướng những con mắt đã đờ đẫn vì rượu ra ngoài cửa - cũng có thể là đờ đẫn vì… ngưỡng mộ quá! Tôi cũng nhìn ra cho “hòa đồng với anh em”, bất chợt nhận ra nhà thơ của hội VHNT tỉnh nhà đang tươi tỉnh bước vào. Đó là một nhà thơ nữ - cũng nên nói thêm là nhà cô ấy có rất nhiều bài thơ! Mọi người vỗ tay rất to - to hơn cả hát. Thế mới thấy con người ở đây họ trân trọng nghệ thuật đến mức nào. Để đáp lại tình cảm ấy, cô nhạc sĩ kiêm nhà thơ từ tốn: “Vâng! Xin cảm ơn!”.

May mắn thay cho cái cuộc đời nhỏ bé của tôi. Tôi đã được cô ấy phát hiện ra ngay trong cái nhìn đầu tiên. Cũng tội nghiệp thay cho cuộc đời nhỏ bé của tôi. Cô ấy lao đến, vồn vã bắt tay. Câu chuyện lại tiếp tục như chén rượu nhạt vùng sâu. Cô ấy bảo: “Em sáng tác được 2 bài hát rồi đấy!”. Lại giật mình, tôi nhớ ra là cô không biết nốt nhạc nằm nghiêng hay ngữa, sao lại sáng tác hay thế! Hỏi ra mới biết là cô ấy viết thơ, nhìn thơ rồi hát, hát, hát đến thuộc theo ý mình. Sau đó lại nhờ một anh bạn của tôi - một nhạc sĩ chuyên nghiệp - kí âm lại (tính anh bạn tôi lại rất hay thương người). Và từ ngày bài hát thơ ấy được viết trên phần mềm Encore, in ra, là ngày cô ấy trở thành nhạc sĩ của địa phương quê hương cô - nơi mà bây giờ ai cũng được cô cho biết cô là nhạc sĩ. Bài hát thơ ấy tôi cũng đã được chiêm ngưỡng. Thật đúng là một bức tranh quen thuộc làm tôi tưởng mình trong một lúc được gặp rất nhiều tác giả nổi tiếng! Nếu khóc được hãy khóc cho thật thoải mái. Tôi đã khóc. Khóc cho cái tài của nhà… nhiều thơ. Khóc cho những nốt nhạc đã bị vứt bừa bãi trên tờ giấy phàm tục ấy (xin phép nhà văn Tô Hoài về ý của câu này).

Bây giờ cô ấy đã là nhạc sĩ của chính cô ấy rồi. Tài thật, tài thật, tài đến thế là cùng... Nếu như cái anh Hoàng trong “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao mà có mặt chắc sẽ lại vỗ đùi mà nói vậy!

Lại một lần nữa. Đó là một buổi trưa nắng gắt, một anh làm ở công ty tiếp thị hàng hóa đến gặp tôi. Tôi nghĩ khách hàng đúng là thượng đế thật, hóa ra lại không phải: “Em xin giới thiệu: em là nhạc sĩ, em có sáng tác bài hát, nghe anh biết kí âm giờ nhờ anh kí âm giúp!”. Trời ơi! Có vinh dự nào bằng khi được…kí âm cho một nhạc - sĩ - tiếp - thị (!).

Nhìn vào bài thơ hát ấy, tôi không dám thở nữa vì nó dài gần 2 trang A4 nên tôi tưởng anh ta viết phác thảo nhạc kịch hoặc thanh xướng kịch. Và, thế là cậu ấy bắt đầu trình bày tác phẩm của mình thật say sưa (hình như là hát hay nói vè gì đấy). Nghe xong, tôi lại lòi cái dốt của tôi ra khi hỏi: “Đó là bài hát à?”. Anh bạn ấy mới thuyết một hồi về âm nhạc, về ca khúc... Đúng là “học thầy không tày học bạn”(!). May mắn thay, có cuộc điện thoại của cơ quan nên tôi đành chia tay với lời hẹn không biết bao giờ gặp lại.

Chuyện thế thôi. Thật nhạt phèo nếu quý vị không cho tôi được phép thêm một vài suy nghĩ. Lịch sử âm nhạc thế giới và Việt Nam đã ghi nhận nhiều nhạc sĩ không qua trường lớp đào tạo âm nhạc chính quy nào nhưng vẫn có những tác phẩm rất hay. Nhưng ít ra họ là những người có kiến thức về âm nhạc, văn học và nhiều lĩnh vực khác. Vấn đề quan trọng là họ biết họ viết cái gì và họ rất hiểu về điều họ đang làm. Tác phẩm của họ là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, họ chính là những nhạc sĩ thực thụ trong lòng người yêu âm nhạc.

Bây giờ thì khác rồi. Hai từ nhạc sĩ thật dễ gán ghép cho bất kì ai (có thể là chỉ ở quê tôi thôi), miễn là anh ta (hoặc chị ta, hoặc ông ta, bà ta…) có  một cái tờ giấy, trên đó có các nốt nhạc, ghi rõ tên tác giả của sản phẩm là đã có thể tự xưng mình là nhạc sĩ rồi (!).

Hiện nay, trong phong trào hoạt động nghệ thuật cả nước đang phát triển mạnh, ở lĩnh vực sáng tác cũng như biểu diễn, có những người chưa có điều kiện để học ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp nhưng vẫn là những nhạc sĩ thực sự với những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao (trong lĩnh vực ca khúc), hay vẫn trở thành những ca sĩ chuyên nghiệp có tiếng trong nước, trong địa phương, khẳng định được chính mình bắng những đóng góp trong hoạt động ca hát. Đây là điều đáng trân trọng và động viên phát huy. Bên cạnh đó, mặt trái của sự ứng dụng khoa học công nghệ, của sự buông lỏng trong quản lí đánh giá chất lượng là những thành phẩm không có tính nghệ thuật, những con người tự huyễn hoặc bản thân vẫn còn.

Bản thân tôi cũng chưa có những tác phẩm hay, nhưng hi vọng rằng một ngày nào đó sẽ có - cũng có thể cho đến hết đời vẫn không có được. Đành chịu thôi, vì mình kém cỏi. Ông cha mình nói: một nghề cho chín còn hơn chín nghề không chuyên.. Những con người như Aristoteles, Pythagoras, Leonardo da Vinci … không phải dễ xuất hiện trên thế giới. Những người đa tài như Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Trịnh Công Sơn không phải dễ xuất hiện trong nước. Thơ là thế mạnh cho những nhạc sĩ sáng tác ca khúc. Nhà thơ trở thành nhạc sĩ nổi tiếng hay nhạc sĩ đồng thời là nhà thơ nổi tiếng ở nước ta cũng đã có và đang có với những tác phẩm để đời của họ. Điều đó không có nghĩa là bất kì người viết thơ nào cũng sẽ trở thành nhạc sĩ được, chưa nói những người đến nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết.

Nhận thức được năng lực, sở trường của bản thân mình là cơ sở để vươn đến thành công. Sự ôm đồm và háo danh là một tật xấu cần xóa bỏ. Để phát triển được nghệ thuật, để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật, phải chăng ta nên mạnh dạn hơn, thẳng thắn hơn nữa trong đánh giá.

Ai cũng biết là cái gì cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Hiện tượng tôi kể trên đang trở thành phong trào cũng sẽ mang đủ hai mặt như thế.

“Lời quê góp nhặt dông dài…”. Rất mong quý độc giả, quý đồng nghiệp và các bậc tiền bối góp ý cho.

 

Theo http://vnmusic.com.vn