Tin tức – Sự kiện

Làng tranh Đông Hồ biến thành làng vàng, mã?

01 Tháng Tư 2012

Khách đến với tranh Đông Hồ thì có nhưng người mua không nhiều. (Ảnh: Thiên Linh/ Vietnam+)
Phóng viên Vietnam+ tìm đến làng Đông Khê (hợp bởi làng Đông Hồ cũ và làng Tú Khê), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 45 kilômét về phía Bắc. Nơi đây vốn nổi tiếng với dòng tranh dân gian Đông Hồ, một dòng tranh có giá trị văn hóa và nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.

Đâu rồi sự rộn ràng “Đì đoẹt ngoài sân chàng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà” (thơ Tú Xương), khách đến thăm không khỏi băn khoăn về sự vắng vẻ của các sân tranh Đông Hồ.

Làng Đông Khê giờ đây, nhà nhà chất đầy và trưng bày những kệ hàng mã đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng của nón, mũ, áo, quần và ngựa giấy… 

Giải thích về việc này, ông Lê Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết, làng tranh dân gian Đông Hồ đã tồn tại từ lâu đời nhưng đến nay, cả làng chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam giữ được nghề làm tranh, còn lại, hầu hết người dân đã chuyển sang làm nghề hàng mã.

Có lẽ vì vậy nên ngôi nhà treo tấm biển tranh dân gian Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam nằm sâu trong làng bỗng như lạc lõng giữa vùng quê mà một thuở tranh đã từng hưng thịnh.

Ông Sam tiếp chúng tôi trong phòng khách, nơi treo những sản phẩm tranh Đông Hồ quý giá của gia đình ông. Dù rất nhiệt tình song do tuổi đã ngoại bát thập nên những câu chuyện về nghề ông Sam kể cho chúng tôi nghe thường bị gián đoạn.

Trong suốt cuộc trò chuyện, đôi mắt ông Sam luôn nhìn xa xăm như nhớ về cái thuở cách đây đã lâu lắm rồi, khi ông còn để tóc trái đào, lúc đó, cả làng Đông Hồ nhà nhà làm tranh, đâu đâu cũng có kẻ mua, người bán, tưng bừng lắm. Nhất là những ngày Tết, gần xa ai cũng tìm đến làng Đông Hồ mua tranh về treo trong nhà để đón mừng năm mới.

Ông Sam cho biết, thuở xưa, người ta chuộng tranh Đông Hồ không chỉ vì đây là một trong những dòng tranh hiếm mà còn bởi tranh phản ánh đậm chất cuộc sống gắn liền với văn hóa người Việt như trò chơi dân gian đánh vật, múa sư tử, rước rồng, hay tấn công trực diện vào những thói hư, tật xấu, các điều ngang trái, bất công trong xã hội như đánh ghen, đám cưới chuột… 

Bên cạnh đó, loại tranh dân gian này còn hấp dẫn bởi tính độc đáo như cách nói của ông: "Phải hội đủ cả hoa, lá, cỏ cây… từ trên rừng xuống biển mới tạo nên được bức tranh Đông Hồ."

Ông Sam kể, người làm tranh phải lấy cây dó trên rừng mang về chế thành tờ giấy dó, rồi lấy mai con điệp dưới biển giã nhỏ quét lên để thành giấy điệp. Các màu trong tranh Đông Hồ cũng hoàn toàn lấy từ tự nhiên như: Màu đỏ lấy từ hòn sỏi son trên núi, màu xanh được làm từ lá chàm hoặc lá cây thân mềm nghiền ra, màu đen làm từ tro của lá tre hoặc cây lúa, màu vàng nấu từ nụ hoa hòe, màu trắng lấy từ mai con điệp…

Để hoàn thành một bức tranh, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng công đoạn. Trước hết, người thợ phải quét điệp lên giấy, tùy vào việc chọn nền tranh mà họ có thể quét thêm màu nền. Không chỉ vậy, một bức tranh có bao nhiêu màu thì ứng với ngần ấy bản in, trong đó, cứ in hết một màu, đem phơi khô rồi mới in tiếp màu khác…

Khi nói về kỹ thuật làm tranh Đông Hồ, gương mặt ông Sam bừng lên vẻ tự hào nhưng bỗng chốc ông lại thẫn thờ trước hiện thực về sự mai một của dòng tranh quý. Ông than thở: "Tranh Đông Hồ ngày nay vẫn giữ nội dung và thực hiện những thao tác thủ công truyền thống ấy nhưng do sự cạnh tranh của nhiều loại hình văn hóa giải trí khác nên người ta không còn mặn mà với tranh như trước kia."

Trước thực trạng đau lòng này và với quyết tâm không chịu để mất dòng tranh dân gian vốn đã tồn tại, ăn sâu vào máu thịt của bao thế hệ những người con Đông Hồ, hai nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế không hẹn mà cùng nhau thuyết phục con cháu bám trụ với nghề dù hoàn cảnh có biến đổi thế nào.

Không chỉ vậy, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn mạnh dạn lập công ty gia đình với mười thành viên là các con, cháu. Ngoài ra, để tăng sức hấp dẫn của tranh, ông Chế còn làm khung cho tranh, dán tranh lên mành tre, trúc hay làm những cuốn sổ ghi chép nhỏ bằng giấy điệp và in tranh với đủ các mệnh giá từ mười nghìn đồng đến hàng triệu đồng... 

Tuy tâm huyết với nghề nhưng cả hai nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế đều phải thừa nhận, tìm đầu ra cho dòng tranh này là khó, du khách đến với tranh Đông Hồ thì có nhưng người mua không nhiều. Thường chỉ dịp đầu năm hay ngày cuối tuần là có khách đến thăm.

Hơn nữa, để khôi phục được làng tranh Đông Hồ thì công việc của hai nghệ nhân này vẫn chỉ mang tính nhỏ lẻ, như sự lo lắng của ông Lê Xuân Bắc, một vài năm nữa, nếu không có biện pháp để bảo tồn và phát huy thì tranh dân gian Đồng Hồ sẽ thêm mai một và biết đi về nơi đâu?

Cùng chung nỗi trăn trở này, giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn hóa Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, nghệ thuật tranh Đông Hồ bị mai một là do thị hiếu của người dân ngày nay khác trước nên những tranh mang tính biểu tượng như tranh Đông Hồ ít có chỗ đứng.

Bởi vậy, ông Thanh đưa ra giải pháp là đưa nghệ thuật tranh Đông Hồ vào một trong những môn học của đồ họa để sinh viên và các họa sỹ có thể tìm hiểu, tham khảo.

Bên cạnh đó, đã đến lúc nhà nước phải vào cuộc, các ngành, các cấp cần có sự đầu tư, hỗ trợ cho những nghệ nhân làm loại tranh này, trước hết để họ đảm bảo đời sống, tận tâm với nghề, sau nữa là tạo điều kiện cho họ có thể mở lớp truyền dạy nghề./.
                                                                                                                                                                 Theo http://www.vietnamplus.vn