Tin tức – Sự kiện

Sinh viên chi vài chục triệu đồng làm phim tốt nghiệp

10 Tháng Tư 2012

Trước khi ra trường, mỗi sinh viên sân khấu điện ảnh mất ít nhất 30 triệu đồng để làm phim tốt nghiệp. Nhưng đổi lại, họ lại có thêm được những kỷ niệm, kinh nghiệm đáng nhớ.

Suốt 4 ngày vật vã từ sáng đến đêm, Xuân Trường và Mạnh Hùng, sinh viên năm cuối ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cùng ê kíp 30 người mới quay xong bộ phim tốt nghiệp Những đứa trẻ dài 17 phút. Tính riêng 4 ngày quay bộ phim ngắn này, hai người đã mất sơ sơ 70 triệu đồng.

Quay phim Mạnh Hùng (trái) và đạo diễn trẻ Xuân Trường vừa hoàn thành bộ phim tốt nghiệp.

Để tiết kiệm tối đa chi phí, Hùng huy động cả bố mẹ tham gia. Bố Hùng được "tuyển" vào vai chính còn mẹ cậu nhận nhiệm vụ nấu ăn cho cả đoàn. Không chỉ ủng hộ con về mặt nhân lực, bố mẹ Hùng còn "bao" luôn cả chi phí cho cậu. Còn bố mẹ Trường dù không có mặt ở trường quay nhưng vẫn thường xuyên điện thoại động viên con trai làm phim và "không lo thiếu tiền" bởi ngay từ khi cậu vào trường, "nhà tài trợ" đã chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ tốn kém.

Theo Hùng, số tiền 70 triệu đồng cho một bộ phim chưa phải là nhiều bởi một đàn chị khóa trên còn mạnh tay chi tới 120 triệu để làm phim tốt nghiệp. Cậu tiết lộ, tốn kém nhất là chi phí cho diễn viên, trang phục và bối cảnh. Hơn nữa, làm phim truyện dễ được điểm cao nên cả hai càng thích thú.

Ban đầu, Trường (khoa Đạo diễn) định dùng kịch bản mình viết nhưng sau khi hạch toán thấy chi phí quá lớn, cậu đành từ bỏ. Đầu năm thứ 4, sau 3 tháng lựa chọn, Trường và Hùng đã lấy tác phẩm của bạn học lớp đạo diễn truyền hình làm kịch bản cho bộ phim tốt nghiệp.

Nhiều cảnh đang quay, diễn viên nhí bỗng dưng òa khóc khiến cả đoàn phải tạm dừng.

Những đứa trẻ xoay quanh diễn biến tâm lý của hai chị em (17 và 3 tuổi) luôn lo sợ một ngày nào đó người cha phạm tội giết người sẽ bị bắt. Do không đủ tiền thuê diễn viên chuyên nghiệp nên cả hai đành chọn những người chưa từng đứng trước ống kính. Hùng buộc phải nhờ đứa cháu vào vai cô bé 3 tuổi. Còn cô chị 17 tuổi được giao cho một cô gái có hoàn cảnh tương tự.

Trong 4 ngày quay, bé 3 tuổi luôn có mẹ theo cùng. Thỉnh thoảng đang ghi hình, bé thích thú giơ 2 ngón tay nhí nhảnh đòi chụp ảnh hoặc bỗng òa khóc đòi về. Nhớ lại lần quay ấy, Hùng hài hước chia sẻ: "Nhiều khi diễn viên nhí lăn ra ngủ. Lúc bé khóc, cảnh quay bị gián đoạn, phải mua kẹo, bim bim để nịnh bé tiếp tục diễn".

Dù vất vả, căng thẳng nhưng Hùng cho biết, không bao giờ dám cáu với diễn viên bởi nếu họ dỗi bỏ về coi như hỏng phim. Sau khi quay xong, phim sẽ được dựng hậu kỳ, dựng cảnh, thu âm và lồng tiếng. Nếu thiếu cảnh hoặc chưa ưng ý thì sẽ buộc phải quay lại.

Hùng kể trước khi vào ĐH Sân khấu Điện ảnh đã được người nhà dẫn đi quay suốt một năm. Sau lần thấy diễn viên nữ mặc bikini xinh xắn, Hùng quyết tâm thi vào trường để... làm đẹp cho người khác bằng khuôn hình. Ngay năm đầu, Hùng đã đạt giải "Quay phim triển vọng" với phim Tiếng rao khi tham dự cuộc thi tài năng trẻ sinh viên của trường. Sau 4 năm, cậu đã có trong tay hơn 10 bộ phim ngắn.

Toàn bộ thiết bị, máy quay, ê kíp của Hùng đều phải đi thuê.

Không phải sinh viên nào làm phim tốt nghiệp cũng gặp suôn sẻ như Trường và Hùng. Cách ngày trả bài không xa, Cường buộc phải chuyển hướng khác sau khi bộ phim ca nhạc bị "đổ" sau khi đã tốn mất 30 triệu đồng.

Cường cho biết, kịch bản của cậu và một sinh viên khoa Đạo diễn đã được thầy đồng ý cho sản xuất. Nhân vật chính trong MV ca nhạc của Cường là ca sĩ có tiếng nhưng lấy mức cát xê "hữu nghị" để hỗ trợ sinh viên. Do trời mưa phùn, quay vội nên hình ảnh không đẹp, phần dựng khác kịch bản ban đầu. Phim dựng xong, thầy giáo đã đổi ý khiến cả hai "vắt chân lên cổ" thay đổi.

Dù được nhiều bạn bè làm giúp không công nhưng số tiền Cường bỏ ra cho MV bị "đổ" cũng không dưới 30 triệu đồng cho khâu thuê diễn viên, máy móc và dựng bối cảnh. Dù phim tốt nghiệp "chạy vội" sau đó được 10 điểm nhưng Cường vẫn không quên kỷ niệm này.

Theo Cường, sinh viên điện ảnh được tự do lựa chọn thể loại phim yêu thích như tài liệu, phim truyện hay MV ca nhạc. Phim tài liệu thường ít tốn kém hơn do chủ động được thời gian, không gian. Dù vậy, phần lớn sinh viên thích sản xuất phim truyện hơn, một mặt vì thầy thích, mặt khác vì muốn làm phim một lần trong đời.

Bình Minh

Theo vnexpress.net