Tin tức – Sự kiện

SỬ DỤNG ÂM NHẠC BỪA BÃI TRÊN TRUYỀN HÌNH

05 Tháng Năm 2012

Nguyễn Bách

Phim nói về kênh Nhiêu Lộc với dòng nước đen ngòm, rác thải nổi lềnh bềnh nhưng lại được lồng vào giai điệu lãng mạn của bản Sonate Ánh trăng.

Trong phim ảnh và các chương trình phát trên truyền hình, nhạc nền đóng vai trò quan trọng. Nó quyết định tiết tấu của phim, đồng thời dẫn mạch cảm xúc cho người xem. Riêng đối với một phóng sự, nhạc nền mang tính quyết định cảm xúc cao hơn bởi xuyên suốt nội dung chuyển tải, giai điệu là thứ âm thanh được người xem cảm thụ nhiều hơn cả lời thoại. Thế nhưng gần đây các chương trình trên truyền hình đang có tình trạng hình ảnh một đằng, nhạc nền một nẻo.

Cứ giai điệu bất hủ là dùng

Nhân lễ Giỗ tổ Vua Hùng vừa qua, HTV đã phát một chương trình với những hình ảnh tại đền thờ Vua Hùng nhưng nhạc nền lại là bài Wujin De Ai, nhạc chủ đề trong phim Thần thoại (The Myth) của Hong Kong. Những bản nhạc truyền thống, những bản sử ca của chúng ta đâu phải thiếu đến mức nhà đài phải mượn một bản nhạc... Hong Kong như vậy.

Cách đây không lâu, trong một chương trình của VTV giới thiệu về kiến trúc đẹp, độc đáo của những căn nhà được xây dựng tại Hà Nội, MC Quyền Linh giới thiệu căn nhà mới của một đạo diễn có tên tuổi trên nền nhạc của ca khúc My heart will go on, nhạc chính trong phim Titanic, một con tàu đắm trong chuyến hải trình đầu tiên. Với những người kỹ tính, bản nhạc này thậm chí còn phải kiêng kỵ trong một số trường hợp vì câu chuyện nó chuyển tải không được may mắn cho lắm!

Cũng vậy, trong phần mở đầu một phóng sự của HTV về kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM), hình ảnh sóng lăn tăn, phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp lánh nhưng làn nước đen ngòm cùng với tất cả những thứ có thể lềnh bềnh trôi được "tôn" lên bằng giai điệu của chương I trong bản Sonate Ánh trăng của Beethoven!

Âm thanh và hình ảnh có hài hòa hay không là do những biên tập viên chương trình.

Trong ảnh: Sinh viên đang thực tập quay và dựng phim

Không chỉ các phóng sự, nhiều chương trình biểu diễn thời trang hay các buổi lễ trao giải về điện ảnh, âm nhạc... được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, phần nhạc đệm cũng được sử dụng hoặc đánh "live" một cách thiếu cân nhắc. Vài năm trước, khi còn cuộc thi Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh, trong đêm chung kết, 20 đôi trai thanh gái lịch bước ra chào khán giả dưới nền nhạc hòa tấu (live) của bài Hòn Vọng phu II của nhạc sĩ Lê Thương! Khán giả chắc chắn sẽ bị giai điệu u buồn đó làm ảnh hưởng đến tâm trạng, đồng thời sự tươi trẻ vốn có của những người biểu diễn cũng mất đi, trông họ chẳng khác đang đóng hoạt cảnh cho bài hát mang hình ảnh một góa phụ u buồn.

Chưa đầu tư

Kiến thức chọn nhạc của những người làm chương trình còn gây ngạc nhiên hơn khi các giai điệu quen thuộc như Going home, Love Story, Candle of the wind, Yesterday... luôn được bắt gặp ở đâu đó trong các phim tự giới thiệu, các chương trình mua sắm trên TV.

Nhạc nền còn được gọi là underscore (nhạc đi kèm), là những sáng tác âm nhạc được sử dụng để và làm nổi bật hành động, lời dẫn hay ý tưởng chủ đạo của hình ảnh. Muốn chọn nhạc phù hợp cần phải cân nhắc tiết tấu, nội dung và cả "liều lượng" khi đưa một bản nhạc vào làm nhạc nền. Bất kỳ tác phẩm nào, dù là phim ảnh, phóng sự hay các chương trình như gameshow, phim tự giới thiệu... khi chọn nhạc đều lệ thuộc vào kiến thức của đạo diễn hay người biên tập. Tuy nhiên, nhạc phim không phải là một thể loại nhạc độc lập, vì thế không có trường lớp nào đào tạo đạo diễn chọn nhạc cả. Có chăng là sự cảm thụ của từng đạo diễn hoặc từng người biên tập phóng sự dựa trên nội dung tác phẩm của mình.

Ở Việt Nam hiện chưa có tiền lệ viết nhạc cho phóng sự, hơn nữa phóng sự thường ngắn, âm nhạc muốn chuyển tải tính thời sự của nó là rất khó. Điều đó dẫn đến tình trạng người thực hiện phóng sự thường chọn những giai điệu bất hủ của nước ngoài vì nó quen thuộc, dễ sử dụng và... không phải trả tiền bản quyền.

Anh Nguyễn Thanh Phong, kỹ sư âm thanh Moxie Production: Muốn nhạc hay thì phải mua

Muốn có nhạc hay, tiếng động "độc" thì nhà đài phải đầu tư mua. Hiện nay không thiếu những thư viện âm thanh cung cấp tiếng động, nhạc cho các chương trình truyền hình, phim... Trong đó có thể kể đến sounddog.com, soundideas.com, smartsound.com... Tại các thư viện này, các file âm thanh và file nhạc được chia rõ theo các chủ đề như thể thao, phim tài liệu, phim kinh dị, lãng mạn... Ngoài ra, các thư viện này còn phân loại sản phẩm theo khu vực như âm nhạc châu Á, châu Phi, nhạc truyền thống dân tộc để khách hàng dễ dàng chọn mua.

Các kênh truyền thường đặt mua theo hai hình thức: mua đại trà hoặc mua độc quyền. Nhạc hiệu chương trình của các đài truyền hình ở nước ngoài thường được mua độc quyền từ những thư viện này. Do vậy, chẳng lạ gì khi bật các kênh như Discovery, Star World lên chúng ta thấy chương trình của họ nhạc ra nhạc, âm thanh ra âm thanh

Theo vnmusic.com.vn