Tin tức – Sự kiện

Vấn đề đặt ra cho đào tạo sau đại học ngành VH-NT

15 Tháng Năm 2012
Sáng nay 15/5 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo 20 năm công tác đào tạo sau đại học về văn hóa nghệ thuật các cơ sở trực thuộc Bộ. Tham dự Hội thảo có khoảng 150 đại biểu đến từ  Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ GD&ĐT; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Giám hiệu, Trưởng các phòng (khoa) sau đại học của các cơ sở có đào tạo và một số văn nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

 

Báo cáo của ông Đào Mạnh Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH,TT&DL) cho biết: Trong 20 năm qua, công tác đào tạo sau đại học văn hóa nghệ thuật có những bước tiến dài, đạt được nhiều thành quả, đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa-xã hội của đất nước. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay đang đặt ra cho toàn Ngành trong lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật đòi hỏi phải cung cấp một nguồn nhân lực có trình độ cao cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao về văn hóa nghệ thuật cũng có những thay đổi, phát sinh nhiều vấn đề mới kéo theo nó đòi hỏi lớn hơn đối với công tác đào tạo sau đại học về văn hoá nghệ thuật trong tình hình hiện nay. Để có một cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá công tác đào tạo sau đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong 20 năm đã qua và đề ra phương hướng cho các năm tiếp theo.

 

Công tác đào tạo sau đại học văn hóa nghệ thuật đã đạt được nhiều thành quả
Công tác đào tạo sau đại học văn hóa nghệ thuật đã đạt được nhiều thành quả

 

Trong 20 năm qua công tác đào tạo sau đại học văn hóa nghệ thuật đào tạo được 1. 619 sỹ và 106 tiến sỹ. Quy mô đào tạo sau đại học ngày càng tăng. Năm 2011, các cơ sở đào tạo sau đại học văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ tuyển sinh được 455 cao học viên và 65 nghiên cứu sinh. Tính đến năm 2011, toàn ngành có 56 nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu trong nước; 10 học viên cao học và nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài; 450 học viên cao học đang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo trong nước và khoảng 10 học viên cao học đang tham gia học tập, nghiên cứu theo chương trình Đề án 322 với các nước: Trung Quốc, Anh, Nga, Pháp, NewZealand, Singapore...

Nếu so sánh về số lượng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ sau đại học ở một số ngành trong toàn quốc thì lực lượng cán bộ các nhà khoa học văn hóa nghệ thuật còn quá ít và chiếm tỷ lệ thấp. Hiện nay, tham gia giảng dạy trực tiếp sau đại học văn hóa nghệ thuật chúng ta có 6 Giáo sư, 42 Phó Giáo sư, 4 Nghệ sĩ Nhân dân, 44 Nghệ sĩ Ưu tú, 32 Nhà giáo Nhân dân, 191 Nhà giáo Ưu tú, 80 Tiến sỹ, 5 Chuyên gia và 1 Nghệ nhân tham gia giảng dạy. Nhìn tổng thể đội ngũ giảng viên khối ngành văn hóa nghệ thuật được đào tạo cơ bản, có chất lượng tại các cơ sở đào tạo ở trong nước và hệ thống ở các nước Xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở các cơ sở đào tạo là tình trạng đội ngũ giảng viên cơ hữu. Các cơ sở đang rơi vào tình trạng hẫng hụt về giảng viên có trình độ cao, dẫn đến việc các cơ sở đào tạo phải sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và kiêm nhiệm quá nhiều so với số giảng viên cơ hũu. 

 Tham luận của các đại biểu đã làm rõ nhiều vấn đề, trong đó đánh giá đúng những kết quả, những hạn chế và những cấp cập chưa khắc phục được trong công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong 20 năm qua, chỉ ra được nguyên nhân của thành công và hạn chế, trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ; đồng thời đưa ra các giải pháp, kiến nghị có hiệu quả đẩy mạnh công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong thời gian tới.  

Theo gdtd.vn