Tin tức – Sự kiện

Thầy thuốc "đắt sô", thầy đồ ế ẩm

12 Tháng Bảy 2012
2 đợt thi đại học năm 2012 đã qua đi. Điều khác biệt rất rõ là tỉ lệ TS thi vào các trường ngành y rất cao trong khi đó, các trường khối sư phạm thì đìu hiủ. Phải chăng chọn trường là bởi yêu nghề hay là sự tính toán đầu ra?

Thầy thuốc

Thi tuyển sinh năm 2012. Ảnh: GIANG HUY

Thi vào trường y: Yêu nghề hay bị hút bởi... tiền?

Trong 2 đợt thi vừa qua có sự góp mặt của tất cả các trường ĐH đào tạo ngành y với tỉ lệ chọi cao. Một câu hỏi đặt ra là học sinh giỏi thi vào trường y vì yêu nghề hay... vì tiền?

Tỉ lệ thí sinh (TS) đến làm thủ tục dự thi trong ngày 8.7 của các trường y rất cao như Trường ĐH Y Hà Nội có số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi năm nay là 10.509 TS trên tổng số 14.535 hồ sơ ĐKDT, đạt trên 72%.  Với chỉ tiêu là 1.000, như vậy, tỉ lệ “chọi” vào ĐH Y Hà Nội là 1/10. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, đạt tỉ lệ 82,9%, trong tổng số 10.761 hồ sơ ĐKDT. Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch đạt tỉ lệ 79,14% với 2.937 TS/ 3.711 hồ sơ ĐKDT...

Ngành y dược từ bao lâu nay vẫn là ngành nằm trong nhóm “top 3” của các trường chuyên, lớp chọn của rất nhiều học sinh giỏi. Tuy nhiên, việc chọn ngành của những học sinh này, những năm gần đây xét theo “cảm quan” của một số thầy cô ở các trường phổ thông, lại là một hình ảnh không mấy lạc quan: Nguyên nhân, sức hấp dẫn của ngành học này với một số đông học sinh lại phần nào mang màu sắc “kinh tế”. Bởi, ngành học này không chỉ mang lại cái “oai” cho người học mà còn đảm bảo được cuộc sống một cách khá ổn cho người hành nghề. 

Phải chăng vì vậy mà “y đức” có phần bị xem nhẹ?  Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch Hội đồng thi Trường ĐH Y Hà Nội - cho biết, sắp tới trường có thể sẽ làm một khảo sát với sinh viên, xem bao nhiêu phần trăm là vào trường do yêu nghề, bao nhiêu phần trăm là do bác sĩ hiện nay được cho là một nghề có thu nhập cao. Tuy nhiên, theo ông Tú đánh giá, đa số các em thi và chọn vào trường y là đã suy nghĩ, lựa chọn kỹ. Đây là một môi trường học hành vất vả, tốn kém, lại thời gian kéo dài nên phải thực sự yêu nghề mới theo học. Ông Tú cũng cho biết, để vào học trường y, các TS cần có những phẩm chất đặc biệt khác như lòng nhân ái, tính kiên nhẫn, sự tỉ mỉ, cẩn thận... Vấn đề y đức, vẫn luôn được lồng ghép trong tất cả các môn học khác được giảng dạy xuyên suốt trong quá trình học tập. 

Đề cập đến vấn đề này, thầy Nguyễn Trung Kiên – Trưởng phòng Đào tạo  Trường ĐH Y Dược Cần Thơ - đưa ra quan điểm: Nhìn chung, đạo đức của gần như tuyệt đại đa số TS dự thi vào trường y đều từ tốt đến rất tốt (theo đánh giá của cấp học phổ thông), và trong quá trình học tại trường y thì cũng có những SV điểm số môn học về y đức rất cao, nhưng khi ra ngoài cuộc sống thì không còn “đẹp” như vậy nữa. Không ít trường hợp đã bị tác động từ cuộc sống, kể cả tác động “cơm áo gạo tiền” mà các em đã không còn giữ vững và hành xử như những gì mình đã được thầy cô dạy dỗ. 

Sư phạm: Đầu vào khó khăn, đầu ra  mông lung!

Đã qua 2 đợt thi, đa số các trường đại học sư phạm trải qua một kỳ tuyển sinh với chất lượng đầu vào không như kỳ vọng. Trường ĐH Sư phạm TPHCM có tỉ lệ đến làm thủ tục dự thi trong ngày 8.7 đạt 73,5% trong tổng số 11.419 hồ sơ ĐKDT. Mặc dù tỉ lệ TS thực tế dự thi khá cao, nhưng theo Trưởng phòng Đào tạo Tạ Quang Lâm, mùa thi này có những ngành sư phạm “vắng” TS đến nỗi tỉ lệ chọi của ngành này chỉ  là 0,2. Vị trưởng phòng này “tếu táo” rằng: Nếu so sánh tỉ lệ TS dự thi với chỉ tiêu tuyển thì một TS chỉ cần phải “chọi” với 1/4 người (!). 

Điều này phần nào nói lên tình trạng rất khó tuyển của một số ngành sư phạm. Và hệ lụy của nó là những “kỹ sư tâm hồn” ở tương lai cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến mối tương quan chất lượng đầu vào cũng như đầu ra. Ông Tôn Thất Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế - cho biết, gần đây đầu vào của trường so với trước không tốt bằng. Lý do là khi ra trường sinh viên tìm việc rất khó khăn, vì vậy những sinh viên xuất sắc hầu như không vào trường. Trường có 3 ngành đặc biệt khó tuyển là ngành tâm lý giáo dục, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp và sư phạm kỹ thuật công nghiệp. Với ba ngành này, chắc chắn trường sẽ phải lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn và xét tuyển nhiều lần chứ không thể kết thúc chỉ bằng nguyện vọng 1.

Việc thiếu SV ngành sư phạm “chất lượng cao” còn thể hiện ở thực tế ngay từ khâu chọn ngành thi của các học sinh giỏi ở các trường top trên, trường chuyên... Theo thống kê của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) thì trong hơn 1.100 bộ hồ sơ mà HS trường đăng ký chỉ có chưa đầy 50 bộ hồ sơ thi vào ngành sư phạm. Mà những hồ sơ này thì việc chọn thi cũng “nhắm” vào những ngành có nhiều chọn lựa khác chứ không phải nhất thiết là đi theo nghề “gõ đầu trẻ”. Từ những số liệu của kỳ thi năm nay cho thấy, việc chất lượng ngành sư phạm được cải thiện trong tương lai gần một vài năm tới hiện cũng vẫn còn rất... “mông lung”!    

 

Nhóm PV

Theo laodong.com.vn