Tin tức – Sự kiện

Về “môn học bị coi thường nhất”..

27 Tháng Tám 2012
... Đó là môn sử và đó cũng lại là lời khẳng định của vị thầy dạy sử, người đứng đầu hội nghề nghiệp của giới sử học đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức một cuộc hội thảo quốc gia bàn về “việc dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” tại Đà Nẵng tuần vừa qua.

Về “môn học bị coi thường nhất”...

Đầu thế kỷ XX học sinh đã học sử bằng cách tiếp cận di sản (Tháp Chàm).

Sự việc cùng nỗi bức xúc về hiện trạng này không mới. Đã hơn một thập kỷ nay các cuộc điều tra xã hội học, dư luận báo chí, kết quả các cuộc thi môn sử từ phổ thông đến đại học... đã khiến cho nhiều người phải thốt lên cái câu bình phẩm kinh điển “Biết rồi, khổ lắm...”. Rồi cũng có nhiều cuộc hội thảo riêng lẻ đã được tổ chức. Nhưng hội thảo lần này là tầm mức quốc gia và lần đầu tiên Bộ quản lý nhà nước đứng ra tổ chức với một cử toạ rộng rãi là các thầy cô giáo dạy học và nghiên cứu về sử học của cả nước.

Đương nhiên, những nội dung không mới nhưng được sắp xếp lại một cách có hệ thống để xem đâu là nguyên do thực sự, để trả lời câu hỏi phải làm gì để khắc phục “thảm trạng” đó? Cũng có một đôi lời “tố khổ” về thân phận môn sử và thầy dạy sử khiến cho trò chán sử, sợ sử. Nhưng cái căn bản là trong hệ thống giá trị xã hội thì tri thức lịch sử hẳn bị coi là xa xỉ hay vô tích sự với các bạn trẻ đang lo lắng trong việc hướng nghiệp và phải lựa chọn việc đầu tư thời gian sao cho hữu ích nhất đối với tương lai của chính mình. Chúng cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày và tuổi ngồi trên ghế nhà trường cũng giới hạn như xưa do vậy đặt lên bàn cân của sự thiết thực thì bao giờ tin học, ngoại ngữ... cũng nặng hơn lịch sử là cái đương nhiên.

Thủ khoa thi học sinh giỏi sử phổ thông toàn quốc năm nay trong ngày nhận giải được tổ chức trang trọng ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã bộc bạch: “...Em luôn tâm niệm học lịch sử không chỉ là học để có kiến thức thuần tuý mà là một phần quan trọng trong “học làm người”, làm người Việt Nam, làm một người dân của đất nước ngàn năm văn hiến. Không chỉ có vậy, bộ môn lịch sử còn giúp em hiểu hơn về thế giới ngay từ buổi khai thiên lập địa, trải qua quá trình dài lâu, con người mới được sống cuộc sống văn minh hiện đại như ngày nay...”. Em cũng nói đến lý do vì sao các bạn trẻ không ham thích học sử: “Cuộc sống hiện đại với sự phát triển đến chóng mặt của khoa học kỹ thuật đã khiến nhiều bạn ngại học lịch sử vì cho rằng đây là một môn về lý thuyết, nặng về sự kiện...” và: “Mỗi người có một lựa chọn, con đường mình sắp đi theo sở thích và khả năng của mình”.

Ai cũng biết, ngành giáo dục ưu ái mở rộng cửa cho các bạn học sinh giỏi được vào thẳng đại học nếu lựa chọn môn đoạt giải của mình. Chưa rõ tất cả các bạn trúng giải năm nay (6 giải Nhất, 31 giải Nhì, 90 giải Ba) có bao nhiêu em theo học ngành sử, chỉ biết Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội mới tiếp nhận được 24 em trong số đó đăng ký theo học ngành sử của trường... Còn riêng bạn thủ khoa như lời nói trước, rốt cục lịch sử vẫn không được coi là “con đường lựa chọn theo sở thích và khả năng của mình”. Chẳng thể trách được!

Có lần tôi gặp và trao đổi với ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, để chia sẻ nỗi bức xúc, tôi có nói rằng thực ra vấn nạn về dạy và học sử ở giới trẻ không chỉ ở nước ta, ở nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến cũng có tình trạng tương tự. Đến khi ông bộ trưởng diễn giải ý đó quá thô mộc coi như sự bình thường nên bị dư luận phản ứng quyết liệt. Vì nỗi bức xúc ấy không chỉ giới hạn trong học đường mà còn diễn ra ngay ngoài xã hội. Từ việc các di sản lịch sử bị xâm hại, những giá trị đạo đức truyền thống bị băng hoại, sự thưởng phạt thiếu công minh đến hiện tượng nhiều người có công còn bị đối xử bất công... Soi vào tấm gương lịch sử mọi cái trở nên méo mó. 

Tại cuộc hội thảo, các tham luận của các thầy cô giáo có thực tiễn với việc dạy và học sử đã nêu lên rất nhiều lý do khiến môn sử bị coi thường. Từ việc không coi đó là môn thi bắt buộc, năm có năm không do vậy việc học và dạy sử cũng năm trọng năm khinh. Đến việc thầy giáo xuất thân từ các trường sư phạm nói chung không coi nghề làm thầy là trọng vì thi tuyển vào đây không mấy người say sưa lựa chọn mà chỉ coi đó là nơi nhiều cơ hội nhập trường vì lẽ tiêu chuẩn tuyển chọn cũng như sau này ra nghề có vị trí rất thấp trong thang bậc giá trị xã hội. Chương trình học cũng như sách giáo khoa dù đã nhiều cố gắng nâng cấp, cải tiến nhưng ngày càng xa rời với những nhu cầu tri thức gắn với thực tiễn mà đầy rẫy những tri thức giáo điều theo nguyên lý “lịch sử như ta muốn chứ không phải lịch sử như vốn có”. Vì tính thiếu thuyết phục mà để tiếp thu những kiến thức ấy thực sự chỉ là sự khổ sai về trí nhớ mà thôi... 

Vậy thì thiên hạ dạy và học lịch sử ra sao? 

Trung Quốc là nước gần ta thì cuộc Cải cách giáo dục của họ cũng đã đi được một chặng đường dài, đã bỏ thi tốt nghiệp phổ thông mà lấy việc học và thi lên mỗi lớp thực hiện nghiêm túc là cơ sở đánh giá chất lượng học sinh. Thi đại học là một cái mốc mà mọi người trẻ Trung Quốc đều coi là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời và cũng được nhà nước tổ chức rất nghiêm túc nhưng đều thực hiện ở ngay địa phương chứ không phải thi ở trường mình có nguyện vọng nhập học. 4 môn thi thì ở cả hai khối khoa học tự nhiên và xã hội đều bắt buộc phải có các môn: ngữ văn, ngoại ngữ và toán học; môn còn lại là một đề thi tổng hợp mà với ngành khoa học xã hội là tích hợp của Lịch sử, Địa lý và Chính trị. Điều đó đòi hỏi học sinh ngay từ cấp phổ thông đã phải học sử nghiêm chỉnh nếu muốn thi vào đại học thuộc các ngành khoa học xã hội nhân văn.

Đương nhiên, môn sử cũng như mọi môn học khác được đặt trong môi trường giáo dục luôn đổi mới nhưng ổn định bền vững trên phương châm của cuộc cải cách được gọi là “5 đột phá” (về tư duy giáo dục, quản lý giáo dục, đào tạo đội ngũ tinh hoa, đầu tư và đột phá về chương trình). Trong chương trình giáo dục lịch sử gắn niềm tự hào về nền văn minh truyền thống Trung Hoa với mục tiêu của công cuộc trỗi dậy. Những mục tiêu này hết sức cụ thể và coi trọng lịch sử địa phương của nước Trung Hoa rộng lớn và những ý đồ chính trị của một nước Trung Hoa đầy tham vọng.

Đã lâu, tại cửa khẩu Trùng Khánh (Cao Bằng) ở biên giới phía Bắc, trước khi hai nước ký kết Hiệp ước biên giới trên đường bộ, tôi vẫn nhìn thấy từ phía bên kia biên giới một đám đông học sinh đeo khăn quàng đỏ vây quanh một thầy giáo chỉ trỏ về phía nước ta. Hỏi bạn sĩ quan biên phòng thì được biết các trường học của họ vùng gần biên giới vẫn đưa học sinh đến sát cửa khẩu Việt Nam để học ngoại khoá về địa lý và lịch sử. Các thầy giảng cho học sinh về biên giới của Trung Hoa vốn không chỉ dừng ở đây...

Mỹ là một quốc gia có lịch sử không dày nhưng có một nền giáo dục tiên tiến. Song việc học sử ở phổ thông cũng có lúc rơi vào trạng thái như Thượng nghị sĩ Mỹ J.D.Conn than phiền: “Kết quả điều tra cho thấy thế hệ trẻ ngày nay thiếu hụt những hiểu biết về lịch sử dân tộc, về các giá trị dân chủ. Chúng ta không đánh giá thấp các trường phổ thông trong công việc dạy và học lịch sử, nhưng chúng ta bắt buộc các nhà giáo dục ở cấp học phổ thông phải tăng cường gấp đôi cố gắng của họ để thế hệ trẻ có được những kiến thức về lịch sử và văn hoá dân tộc”. Một điều tra được công bố trên tờ USA Today (22.8.2008) cho thấy trong 1.200 thanh niên Mỹ ở độ tuổi 17 chỉ có 43% được hỏi có kiến thức về cuộc Nội chiến, 25% trả lời sai thời điểm Colombus phát kiến ra châu Mỹ, 50% không trả lời đúng các tri thức cơ bản... 

Những con số đó khả quan hơn rất nhiều những thống kê ở ta, nhưng nó đã gây bức xúc trong xã hội và điều đáng nói là hệ thống giáo dục được điều chỉnh ngay. Ở Mỹ, môn lịch sử được coi là cơ bản vì trong những tín chỉ học sinh phổ thông tốt nghiệp bắt buộc phải có là môn sử. Những bất ổn xã hội bao giờ cũng được quy về một trong những lý do là nền tảng văn hoá và lịch sử. Thập kỷ 60 với xung đột màu da, phong trào hippy và chiến tranh Việt Nam đã góp phần làm cho nước Mỹ quan tâm đến những di sản của nó mà coi trọng môn lịch sử hơn. Năm 1980 có hẳn một Trung tâm quốc gia về lịch sử trong các trường phổ thông (National Center for History in the Schools). Còn bước vào thế kỷ XXI đầy bất trắc, như nhà giáo dục kiêm phóng viên BBC News Mike Baker cho rằng: “Sự kiện 11.9 bỗng chốc buộc chúng ta thấy được sự cần thiết phải tăng cường hiểu biết về lịch sử những khu vực khác nhau trên thế giới cũng như phải hiểu biết về lịch sử tôn giáo, lịch sử văn hoá và chính trị, những vấn đề mà trước đây chúng ta đã không chú ý đúng mức. Đây là lúc chúng ta nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của môn lịch sử trong nhà trường”.

Gần gũi với Mỹ là Canada, tại đây môn sử cũng là môn bắt buộc và Chính phủ Liên bang tuy không coi thường môn học này nhưng dư luận xã hội luôn cảnh báo về sự cần thiết của tri thức lịch sử đối với công dân. Ở quốc gia này Luật Nhập cư còn bắt buộc những người muốn có quốc tịch Canada phải trả lời những câu hỏi trắc nghiệm về lịch sử và chính trị... Và cả hai quốc gia Bắc Mỹ này đều coi trọng việc xây dựng “Chuẩn quốc gia môn lịch sử” để hướng dẫn sự thống nhất toàn Liên bang về tác dụng của môn học này phải đảm bảo tính chính xác và thiết thực. Ví như, về cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tham chiến tại Việt Nam, học sinh phải trả lời được ba câu hỏi: Những lý do nào nước Mỹ tham chiến? Vì sao nước Mỹ thua trận? Tác động và hệ luỵ của cuộc chiến đối với nước Mỹ?...

Và ở tất cả các quốc gia này, bên cạnh việc đầu tư cho đội ngũ giáo viên, xây dựng những chuẩn mực cho nội dung và phương pháp giảng dạy lịch sử theo chiều hướng giảm nhẹ việc thuộc lòng và phát huy năng lực tư duy lịch sử, nói cách khác là “vừa học vừa chơi”, thì các phương tiện nghe nhìn và đặc biệt là tin học được khai thác tối đa. Nước nào cũng xây dựng một trang thông tin điện tử (website) mang tính chính thống quốc gia để cung cấp tri thức tham khảo, giao lưu và công cụ cho công việc giảng dạy và học môn sử ở cấp phổ thông cũng như các cấp cao hơn...

Trở lại với Việt Nam, môn sử chưa bao giờ bị coi thường trong nhận thức, nhưng trong thực tế không thể nói khác là nó bị coi thường. Do vậy dù ai cũng nhắc câu mở đầu của “Diễn ca lịch sử Việt Nam” của Bác Hồ, các nhà lãnh đạo nào cũng nhấn mạnh, từ Khoá VIII, Đảng đã có nghị quyết “coi trọng hơn nữa các môn khoa học xã hội và nhân văn, nhất là Tiếng Việt, Lịch sử Dân tộc, Địa lý và Văn hoá Việt Nam...” nhưng thực trạng thì vẫn không những không khắc phục được mà còn nguy cơ tiếp tục sa sút. 

Cuộc Hội thảo quốc gia tiếp tục là một hồi chuông không chỉ cảnh báo mà thúc giục hành động.

(*) Trong bài chúng tôi sử dụng một số tư liệu của các đồng nghiệp tham gia hội thảo.
                                                                                                                                                                                   Theo laodong.com.vn