Tin tức – Sự kiện

Mười sự kiện văn hóa năm 2012

02 Tháng Giêng 2013

Biểu diễn nghệ thuật trong lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Phú Thọ.  
 

1- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức  công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6-12 tại Kỳ họp lần thứ bảy, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO với số phiếu tuyệt đối 24/24.

 

Ðây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng mang tầm quốc tế, thể hiện những đánh giá cao của thế giới về lịch sử, văn hóa và đời sống tâm linh hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thực hiện trong một không gian rộng lớn với nhiều tập quán, nghi lễ thờ cúng, hội diễn dân gian đặc sắc, cho thấy tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh cộng đồng, bản sắc độc đáo và sự thống nhất trong đa dạng văn hóa ở Việt Nam.

 2- Bộ Mộc bản của chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) cũng được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 5-2012. Ðây là bộ mộc bản cổ nhất tại ở nước ta có giá trị tư liệu vô cùng quý giá, giúp tìm hiểu và nghiên cứu về dòng thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng của Việt Nam. Bộ Mộc bản này có 34 đầu sách, trong đó có chín đầu sách lớn với 3.050 bản khắc gỗ, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt là hai trang sách khắc ngược (âm bản) bằng chữ Hán và chữ Nôm, nội dung chứa đựng các kiến thức về y học, văn học và sách kinh Phật do các Tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại và có cả sách kinh nguồn gốc từ các nước, được các Ðức Tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam.

3- Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật lần thứ tư và Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật lần thứ ba cùng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) và Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ bảy - năm 2012 đã được tổ chức trao tặng long trọng tại Nhà hát TP Hà Nội với sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Ðợt trao tặng lần này, có 12 cụm tác phẩm, công trình và cụm công trình văn hóa - nghệ thuật  được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và 129 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình và cụm công trình văn hóa - nghệ thuật được nhận Giải thưởng Nhà nước, 74 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND và 356 nghệ sĩ được nhận danh hiệu NSƯT. Ðây là những phần thưởng cao quý của Ðảng, Nhà nước dành cho các tác phẩm văn học - nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài trong đời sống xã hội và những văn nghệ sĩ có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp, tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến với văn học - nghệ thuật nước nhà, được đồng nghiệp và nhân dân yêu mến.

 4- Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Ðại đoàn kết, TP Plây Cu, tỉnh Gia Lai được hoàn thành vào dịp cuối năm 2012. Ðây là tượng đài Bác Hồ bằng đồng lớn nhất Việt Nam, lần đầu được sử dụng công nghệ hiện đại là phương pháp ép thủy lực từ đồng tấm nguyên chất, đạt chất lượng cao về kỹ thuật và thẩm mỹ. Công trình thể hiện tình cảm sâu đậm của Bác Hồ với đồng bào Tây Nguyên và của  đồng bào Tây Nguyên với Bác Hồ. Năm qua, trong lĩnh vực mỹ thuật, nổi bật còn có công trình Cờ Tổ quốc Việt Nam bằng chất liệu gốm với kích thước kỷ lục 12,4 m x 25 m, rộng 310 m2 được ghép từ 310 nghìn viên gốm mosaic cỡ 3 x 3 cm, do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và các cộng sự thực hiện, được hoàn thành vào tháng 6. Bên cạnh đó, có triển lãm Nét vẽ tri ân của nữ họa sĩ 62 tuổi Ðặng Ái Việt, trưng bày 863 tác phẩm chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do bà thực hiện trong hành trình đi khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước.

 5- Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra ngày 2-2 tại TP Hạ Long, với sự tham gia của các nhà thơ đại biểu đến từ 24 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tinh thần "Vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển". Một sự kiện văn học quốc tế nổi bật khác diễn ra tại Việt Nam trong năm là lễ trao Giải thưởng văn học sông Mê Công lần thứ tư tại Hội nghị Nhà văn ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia vào ngày 11-9 tại TP Ðà Nẵng. Mỗi nước có năm nhà văn được nhận giải thưởng. Ðây là giải thưởng thể hiện giá trị tốt đẹp của truyền thống đoàn kết, góp phần xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác của ba nước anh em trên bán đảo Ðông Dương. Trong hoạt động của đời sống văn học nước nhà còn có chương trình trình diễn thơ và văn xuôi của nhà thơ Vi Thùy Linh "Bay cùng ViLi" cũng thu hút sự quan tâm của dư luận.    

 6- Kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2012) với hàng loạt hoạt động, trong đó nổi bật là việc tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ ba, chương trình Âm nhạc Việt Nam 55 năm đồng hành cùng dân tộc, liên hoan âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại các địa phương trong cả nước và phục dựng, công diễn vở nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Năm 2012 cũng ghi nhận việc tổ chức thành công các hoạt động âm nhạc kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không (12-1972 - 12-2012). Cuộc thi pi-a-nô quốc tế lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội tháng 9-2012 thu hút đông thí sinh các nước tham gia với giải nhất bảng A thuộc về thí sinh Việt Nam Phan Thiên Bạch Anh. Dàn hợp xướng Ðại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương (Hà Nội) đoạt ba Huy chương vàng tại Liên hoan và hội thi hợp xướng quốc tế tại  TP Huế, Việt Nam lần thứ hai trong tháng 12.

 7- Hoạt động văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các nước, trong đó có các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Bên cạnh tuần văn hóa được tổ chức tại hai nước, còn có chương trình nghệ thuật đặc biệt được tổ chức đồng thời tại hai đầu cầu truyền hình trực tiếp ở Thủ đô hai nước là Cung Văn hóa quốc gia Lào và Nhà hát TP Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cam-pu-chia đã diễn ra Ngày hội giao lưu văn hóa, nghệ thuật các tỉnh biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia với chủ đề "Ðoàn kết - Hữu nghị và Phát triển" có quy mô lớn tại An Giang. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã tổ chức nhiều sự kiện với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật của hai nước nhân Năm hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc 2012.

 8- Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 tổ chức thành công với điểm nhấn là Festival Huế lần thứ bảy-2012 mang chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử", có sự tham gia của hơn 35 đoàn nghệ thuật đến từ 27 quốc gia trên thế giới. Festival Huế 2012 có nhiều sự kiện và lễ hội văn hóa - nghệ thuật, tiêu biểu là lễ tế Nam Giao cầu cho quốc thái dân an; lễ hội áo dài hướng đến hình tượng độc đáo của trang phục Việt Nam với chủ đề "Hoa sen trong hội họa"; đêm phương Ðông trình diễn thời trang; lễ hội trống "Âm vang hào khí" cùng lễ hội cung đình "Thiên hạ thái bình" tại sân khấu nổi trên sông Hương. Bên cạnh các sự kiện này, tỉnh Thừa Thiên-Huế và các tỉnh Bắc Trung Bộ còn tổ chức hơn 30 chương trình hưởng ứng. Thông qua đó thực hiện liên kết, thu hút đầu tư, quảng bá điểm đến, thực hiện xã hội hóa, tạo động lực mới thúc đẩy du lịch vùng từng bước phát triển.

 9- Các triển lãm ảnh nghệ thuật về đề tài biển, đảo và người chiến sĩ hải quân Việt Nam được tổ chức nhiều trong năm. Trong đó có cuộc thi và triển lãm ảnh "Biên giới, biển đảo Việt Nam" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với sự góp mặt của hơn 3.000 tác phẩm của hàng trăm tác giả cả nước và hai cuộc triển lãm cá nhân về Trường Sa của tác giả Vũ Anh Tuấn và Nguyễn Ngọc Sơn thu hút sự quan tâm của dư luận. Các triển lãm đã tạo được dư luận tốt, có ý nghĩa tuyên truyền ý thức khẳng định và bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo quốc gia trong quần chúng nhân dân.

 10- Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 diễn ra tại Trung tâm văn hóa TP Huế với sự tham gia của gần một nghìn nghệ sĩ, diễn viên của 20 đơn vị nghệ thuật kịch nói trong cả nước. Ba vở diễn đoạt Huy chương vàng là Tội ác quyền lực (Công ty cổ phần đầu tư giải trí Phước Sang), Những mặt người thấp thoáng (Nhà hát kịch Hà Nội) và Lũ quét (Nhà hát kịch Quân Ðội). Năm 2012, còn có hai sự kiện quốc tế nổi bật, mang đến sự sôi động cho sân khấu thủ đô là Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ tư với 185 nghệ sĩ, diễn viên của 11 quốc gia cùng năm đoàn trong nước dự thi và Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ ba tại Hà Nội với sự tham gia của 15 đoàn rối của 11 nước và vùng lãnh thổ. Trong tháng 11, Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012   được tổ chức tại Ðồng Nai. Ba vở: Vượt qua tâm bão (Ðoàn Cải lương Ðồng Nai), Cội nguồn (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và Mê cung (Nhà hát Cải lương Việt Nam) đoạt Huy chương vàng.

 

BAN VĂN HÓA - VĂN NGHỆ BÁO NHÂN DÂN (Bình chọn)

Theo nhandan.org.vn