Tin tức – Sự kiện

Hợp xướng Việt Nam ghi dấu ấn trên hành trình hội nhập

09 Tháng Giêng 2013

Dàn hợp xướng Trường đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư tại Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ hai.  
 
Trong không khí se lạnh của Thủ đô Hà Nội những ngày cuối năm, thầy và trò Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương tổ chức gặp mặt, tổng kết rút kinh nghiệm và chúc mừng những thành quả đáng ghi nhận do dàn hợp xướng của nhà trường tham gia Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ hai vừa diễn ra tại TP Huế.

 

Bằng tình yêu, sự đam mê, nhiệt huyết và tinh thần đoàn kết, 70 thành viên trong dàn hợp xướng của trường, bao gồm 52 sinh viên, năm giảng viên, hai đệm đàn và một chỉ huy trưởng đã đem đến cái nhìn đáng nể phục cho hợp xướng Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Ba Huy chương vàng cao nhất ở cả ba nội dung thi: hợp xướng nữ, hợp xướng hỗn hợp nam - nữ, hợp xướng nam và Giải đặc biệt dành cho chỉ huy xử lý xuất sắc nhất tác phẩm "Ru con mùa đông" (tác giả Ðặng Hữu Phúc) là minh chứng hùng hồn cho nỗ lực luyện tập miệt mài suốt bốn tháng liên tục trước đó của thầy và trò Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Hiệu trưởng nhà trường, PGS, TSKH Phạm Lê Hòa, đồng thời cũng là Trưởng đoàn hợp xướng cho biết: "Nếu như ở Liên hoan hợp xướng 2011, đoàn hợp xướng nhà trường chỉ ghi dấu với một giải nhất ở nội dung hỗn hợp nam - nữ thì trong Hội thi hợp xướng năm nay, những kết quả đáng tự hào của toàn đoàn đã thể hiện bước nhảy vọt trong chất lượng sinh viên, chất lượng đào tạo hợp xướng của trường cũng như đánh dấu sự phát triển vượt bậc của hợp xướng Việt Nam".

Hợp xướng vốn là sản phẩm của ngôn ngữ âm nhạc phương Tây, nhưng khi được "Việt Nam hóa" qua sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam, được thể hiện bởi những ca sĩ Việt Nam lại hoàn toàn mang hồn vía và tinh thần văn hóa Việt. Trên sân khấu của Hội thi hợp xướng quốc tế lần này, bên cạnh những tác phẩm quốc tế kinh điển, đoàn hợp xướng của Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương còn giới thiệu đến bạn bè thế giới những tác phẩm hợp xướng mang đậm âm hưởng dân ca Việt Nam như: Trống cơm, Ngẫu hứng sông Hồng, Lý ngựa ô, Ru con mùa đông... Chính hợp xướng đã phá tan mọi khoảng cách về ngôn ngữ giữa 17 đoàn thi đến từ tám quốc gia trên thế giới, trở thành sứ giả kết nối những trái tim đồng điệu cùng khám phá và trao đổi bản sắc văn hóa từng dân tộc. Nhạc sĩ, Ths Ðặng Châu Anh, giám khảo Việt Nam duy nhất của hội thi nhận định: So với những lần Liên hoan hợp xướng trước, số lượng các đoàn thi năm nay ít hơn nhưng vượt trội hơn hẳn về chất lượng, thành tích thấp nhất cũng là Huy chương bạc, hội đồng giám khảo cũng tập hợp những người rất có uy tín và kinh nghiệm về hợp xướng. Vì thế, bên cạnh cơ hội được giao lưu, học tập, đoàn thi hợp xướng của Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh cao trên hành trình tự khẳng định mình. Tuy nhiên, với những thành tích đáng ghi nhận mà đoàn hợp xướng Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương giành được, hợp xướng Việt Nam đã thể hiện thực lực, bản lĩnh vượt trội, khẳng định vị thế tích cực hơn trong nhìn nhận của bạn bè quốc tế.

Trên hành trình tìm kiếm và vươn tới một nền âm nhạc chuyên nghiệp, hy vọng những thành tích hôm nay mà hợp xướng Việt Nam đã gặt hái tại Hội thi sẽ là bước đệm tích cực để đưa hợp xướng Việt Nam nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung sánh vai với những nền âm nhạc chuyên nghiệp thế giới. Ðúng như giảng viên, nhạc sĩ, Ths Vinh Hưng, Chỉ huy đoàn hợp xướng Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương đã nhận định: Thế mạnh riêng của đoàn hợp xướng Việt Nam thể hiện qua hội thi là điều dễ dàng nhận thấy mà ngay cả những thành viên Hội đồng Giám khảo và Tổ chức Liên minh văn hóa toàn cầu Interkultur-đơn vị tổ chức hợp xướng uy tín nhất thế giới cũng phải thừa nhận. Chúng ta có thể tự tin nói rằng: Hợp xướng Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập và khẳng định chỗ đứng trong nền hợp xướng quốc.

 

                                                                                                                             Theo nhandan.org.vn