Tin tức – Sự kiện

Buổi hòa nhạc sau nửa thế kỷ

13 Tháng Giêng 2013

Một sáng cuối năm, hai cụ ông quá tuổi xưa nay hiếm, rất nổi tiếng ở Hải Phòng từ những năm 70 thế kỷ trước, rủ nhau ra dải công viên trung tâm thành phố.

 

 

Cách đó 3 tuần, hai cụ đã ký vào lá thư gửi lên lãnh đạo Hải Phòng đề nghị tổ chức những buổi hòa nhạc tại vườn hoa Nhà Kèn cũ- nơi hơn 50 năm trước đã là tụ điểm sinh hoạt văn hóa của người thành phố.

Đón hai cụ ở Nhà Kèn là một thanh niên 33 tuổi-, anh Nguyễn Ngọc Quang- GĐ Cty truyền thông EG, Cty con của Cty CP điện tử tin học viễn thông Hải Phòng.

Nhà sử học của địa phương - ông Ngô Đăng Lợi - nói rằng: Đầu thế kỷ trước, người Pháp đã xây dựng ở Việt Nam 2 cái nhà kèn: Một ở vườn hoa Chí Linh (Hà  Nội), một ở cạnh Nhà  hát Lớn TP.Hải Phòng. Nhà Kèn Hải Phòng có 8 mái lợp tôn dày, không  có tường bao, xung quanh là vườn cỏ nhỏ tạo thành không gian êm ả, thanh bình. Ban đầu, Nhà Kèn là nơi lính Pháp thổi kèn vào chiều thứ bảy và sáng chủ nhật hằng tuần. Sau này, chính quyền thuộc địa đã tổ chức các sự kiện văn hóa tại đây, quy tụ được nhiều tên tuổi của nền tân nhạc Việt Nam như những nhạc sĩ thuộc nhóm Đồng Vọng: Lê Thương, Văn Cao, Hoàng Quý...

Đầu năm 1956, không hiểu tại sao chính quyền ra lệnh dỡ bỏ Nhà Kèn, âm nhạc cũng phải bỏ đi. 30 năm sau, lãnh đạo thành phố Hải Phòng thời ấy- ông Đoàn Duy Thành- quyết định Nhà Kèn được xây dựng lại nguyên mẫu ở vị trí mới – vườn hoa Nguyễn Du. Cái “xác” đã được phục sinh, nhưng  cái “hồn” của Nhà Kèn - âm nhạc - vẫn bị thất lạc. Nhà Kèn thành nơi nghỉ chân của những người vô gia cư. Và vườn hoa đặt ngôi Nhà Kèn với người Hải Phòng trở thành vườn hoa Nhà Kèn. 

Những người đưa nhạc về lại Nhà Kèn 

Trong cuộc tìm lại giá trị lịch sử văn hóa, người dân Hải Phòng như 2 cụ ông Vân Nam và Quản Đức Khiêm nói trên và cả người viết bài này nhiều lần đề nghị các nhà lãnh đạo thành phố phục hồi lại tiếng chuông của đồng hồ Ba Chuông và âm nhạc trong Nhà Kèn – những điểm nhấn văn hóa sang trọng của một thành phố lớn. Đến nay, đồng hồ Ba Chuông đã ngân nga, thế nhưng âm nhạc ở Nhà Kèn vẫn tắt lịm. Trong bối cảnh nền kinh tế Hải Phòng đã thấm mệt, ý tưởng đưa âm nhạc về Nhà Kèn tỏ ra vô vọng như là tìm thấy con voi trong chiếc lồng gà. Cho đến lúc hai ông Quang xuất hiện.

Cty CP điện tử tin học viễn thông Hải Phòng có ông Trịnh Quang (Quang “lớn”)- chủ tịch và anh Quang “bé”- người chúng ta nhắc ở trên. Một lần rảnh rỗi hiếm hoi ngồi quán càphê đối diện vườn hoa Nguyễn Du, Quang “lớn” - một doanh nhân đứng ngoài sự quyến rũ của thời trang, ẩm thực và tin vào số phận - ngậm ngùi nói với Quang “bé”: “Cậu có biết không, ngày xưa Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn đã từng chơi nhạc ở cái Nhà Kèn kia đấy”. 

Mặc dù tình cảm là thứ không thể đo được như chiều dài của con đường hay chiều cao của tòa nhà, nhưng sự luyến tiếc của ông Quang “lớn” đã trở thành nỗi ám ảnh của anh Quang “bé”, để rồi từ đó Quang “bé” nuôi dưỡng khát vọng thực hiện dự án khôi phục hoạt động âm nhạc Nhà Kèn. 

Khác với thói quen của khá nhiều doanh nghiệp trẻ, Quang “bé” không ồn ào như các cơn bão biển vẫn đổ vào Hải Phòng. Bên cạnh công ty mẹ trợ giúp tiền và lực để chấp nhận những thách thức, Quang còn có niềm đam mê. Chẳng có ngày nào anh không học một cái gì. Quang học làm báo, làm phim, học nhạc, học luật, học võ... Câu nói anh thích nhất là: “Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

Theo lời mời gọi của Quang, 25 nhạc công chơi kèn của các đoàn nghệ thuật ở Hải Phòng: Hải quân, Quân khu 3, Ca múa thành phố đã tập hợp lại trong mọt CLB kèn, nhạc trưởng là Nguyễn Văn Tươm - một người từng học ở Nhạc viện Tchaikovsky. Những ngày đầu tiên, niềm vui sáng tạo nghệ thuật ngập tràn trong mỗi nhạc công, nhưng Quang “bé” vẫn không yên. 

Bản chất lãng mạn nhưng lại thực tế, anh thuộc loại người đặt chiếc kéo ở đầu giường để khi cần là có thể cắt bỏ giấc mơ. Quang biết duy trì những buổi biểu diễn đều đặn vào sáng chủ nhật hằng tuần dài qua năm tháng, dù mưa hay nắng, dù có người nghe hay không, hoàn toàn không dễ như con chuột túi (kangaroo) nhảy qua hàng rào  vườn rau. Anh quyết định gắn chặt họ vào Nhà Kèn bằng những hợp đồng lao động, mỗi buổi tập, buổi biểu diễn đều có tiền. CLB Kèn sẽ trở thành giàn nhạc kèn mang thương hiệu của Cty EG với kinh phí 1 tỉ đồng mỗi năm.

Giám đốc “đời” 2012 của Sở VHTTDL Hải Phòng là Đoàn Duy Linh - con trai ông Đoàn Duy Thành - một người chiếm được tình yêu của dân Hải Phòng. Khác với nhiều người thấy cái mới là lẩn như nước lẩn vào cát, ông Linh nhạy cảm và biết đánh giá tình hình. Ý tưởng đưa âm  nhạc về Nhà Kèn được ông cảm nhận rất nhanh giá trị của nó.

Ông có khả năng rất đáng trân trọng đối với nhà lãnh đạo ngày nay - khả năng lắng nghe người khác! Ông đến tận nơi xem dàn nhạc kèn diễn tập. Thế là sáng ngày 22.12.2012 - một ngày sau “ngày tận thế” theo lời đồn đoán - dàn nhạc kèn mang thương hiệu EG đã ra mắt người Hải Phòng tại Nhà Kèn sau 70 năm âm nhạc rời khỏi nơi này.

Như một giấc mơ 

Buổi sáng hôm ấy, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng - đến Nhà Kèn với một bó hoa sắc màu rực rỡ. Đi sớm hơn ông Nam nhiều là các cụ đã nghỉ hưu, có người đã từng chứng kiến bà Thái Thanh - chị vợ nhạc sĩ Phạm Duy - hát ở Nhà Kèn những năm 1950. Các cụ mặc đẹp, có cụ diện bộ đồ “vét” mới may. Có cụ kể những kỷ niệm ngày xưa sôi nổi làm nước bọt cứ “hạ cánh” nhẹ xuống mặt tôi. 

Đang giữa mùa đông, vườn hoa Nhà Kèn vắng vẻ, không có nhiều người biết đến sự kiện hôm nay. Các nhạc công rất phấn khích, cả hai Quang cũng hồi hộp. Phần khó nhất của sáng tạo là biến ý tưởng thành thực tế đã hoàn thành, họ chờ thành quả. 


Sau 50 năm, tiếng kèn lại vang lên dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Văn Tươm. Ảnh: H.L.Q

Khi những âm thanh hùng tráng của bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” được dàn nhạc kèn tấu lên và được khu ếch đại qua hệ thống khuếch âm chuyên nghiệp, cả khu vườn hoa Nhà Kèn rùng mình. Người từ trong nhà đổ xô ra đường. Đằng sau các khung cửa sổ trên cao là những gương mặt tò mò, háo hức. Vài bà mẹ trẻ dắt con te tái chạy vào vườn hoa. Những chiếc xe máy đang đi dừng lại bên hè, một cậu bé ngồi trên yên được bố cầm tay đánh nhịp theo nhạc. 

Hai anh chàng bán hàng rong khắp người đầy những chìa khóa, bàn chải đánh răng... đứng nhìn như bị thôi miên vào cánh tay người nhạc trưởng. Anh lái taxi đỗ xe bên đường để khách ra ngoài chụp ảnh. Bà A đang đi khiêu vũ ở CLB Hoa  Phượng- phục trang sặc sỡ như một cái bánh gato sinh nhật- dừng chân lắng nghe một hồi rồi nói: “Cái nhạc này nhảy được đấy”.

Chương trình của dàn nhạc kèn hôm nay có các bài ca cách mạng và những nhạc phẩm nước ngoài quen thuộc. Anh Phạm Bạch Đàn - người chấp bút cho dự án Nhà Kèn - nói rằng, sẽ có thêm các tác phẩm kinh điển nhẹ nhàng, vui vẻ như valse của J.Strauss, Tango Argentina... phục vụ quảng đại quần chúng, đúng tính chất một tụ điểm văn hóa ngoài trời. 

Khi buổi biểu diễn kết thúc, tôi bắt gặp cụ HT- 50 năm trước thổi kèn cho ban nhạc “Bồ Câu Trắng”- vẫn ngồi lại trên ghế đá công viên. Một vẻ tĩnh lặng run rẩy thấm vào các ngóc ngách tâm hồn cụ. Cụ hỏi: “Tuần nào cũng sẽ thổi kèn ở đây có phải không ông? Biết để tôi còn ra”. Trong quán bia “Anh Bạn Béo”,  cậu K vung vẩy cánh tay có hình xăm rồng: “Hay quá đi chứ! Giữa lúc thất nghiệp thế này, tiếng kèn nó làm tao thấy đời vẫn đẹp sao!”. 

Một doanh nghiệp như EG, mặc dù xác định tổ chức hoạt động âm nhạc Nhà Kèn là một cách làm thương hiệu ''sang trọng'', thế nhưng, cái ví nào  cũng có đáy của nó. Người dân Hải Phòng mong muốn lãnh đạo thành phố cố giữ hoạt động Nhà Kèn, bởi nó sẽ là một điểm đến độc đáo của thành phố. Nuôi Nhà Kèn chắc chắn rẻ hơn nuôi đội bóng đá Hải Phòng nhiều...
                                                                                                                              Theo laodong.com.vn