Tin tức – Sự kiện

Vĩnh biệt nhạc sĩ Lưu Cầu

13 Tháng Giêng 2013

Chỉ hai ngày sau sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, giới âm nhạc lại nhận thêm một mất mát nữa từ TP.Hồ Chí Minh. Đó là sự ra đi của nhạc sĩ Lưu Cầu vào hồi 1h25 phút ngày 11.1.2013. Ông thọ 84 tuổi.

 

 

Lưu Cầu tên khai sinh là Nguyễn Hoàn Cầu. Ông sinh ngày 30.11.1930 tại Sóc Trăng. Từ những ngày Nam Bộ kháng chiến, Lưu Cầu đã công tác tại Đài Tiếng nói Nam Bộ thời ấy và để lại một ấn tượng âm nhạc qua “Khu rừng miền Đông”. 

Khi tập kết ra Hà Nội, Lưu Cầu vào học Trường Âm Nhạc VN và về công tác tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói VN. Ngay từ những ngày tu nghiệp, Lưu Cầu cũng đã cùng bạn bè tập kết gửi nỗi nhớ thương về miền Nam yêu dấu qua ca khúc “Quê tôi”: “Chiều nay bên bờ hồ Tây tôi cất tiếng ca - Mặt hồ êm đềm bao la - Tiếng hát vang đến quê hương làng nhà - Miền Nam tiếng ai hò ơ man mác dòng kênh - Rẫy khoai bên rừng U Minh - Đây chính nơi quê hương mẹ tôi sinh...”. Ca khúc qua giọng nam cao Quốc Hương đã dào dạt bao năm trên làn sóng phát thanh. Song hành với “Quê tôi”, nhạc sĩ Lưu Cầu còn viết tiểu phẩm khí nhạc cho violon mang tên “Quê hương” cũng đầy ấn tượng qua tiếng đàn mê đắm của nghệ sĩ Phan Phúc.

Hàng ngồi, thứ hai từ trái sang: Nhạc sĩ Lưu Cầu (tư liệu của Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn).

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lưu Cầu bỏng cháy căm hờn với hai hành khúc “Lửa căm thù rực cháy khắp hai miền” và “Miền Nam ơi! Chúng tôi đã sẵn sàng” với một ngôn ngữ âm nhạc khúc chiết. Hai bản hành khúc đã được các ca sĩ Trần Khánh và Trần Thụ viết vào thời đại, giục giã bước chân những người lính vượt Trường Sơn: “Miền Nam kêu gọi ta - Vượt Trường Sơn bay vọng ra - Ôi tiếng quê hương như thúc giục chúng ta...”. 

Chính cuộc chiến đấu đã tạo điều kiện cho Lưu Cầu chuyển đổi ngôn ngữ âm nhạc từ trữ tình sang hào sảng qua một ca khúc khác đặc biệt viết về thanh niên xung phong mang tên “Về đây với đường tàu”: “Bạn thanh niên ta ơi! Tiếng ca cất cao rồi - Mặc cho bom Mỹ rơi - Tiếng cười vẫn tươi...”. Ca khúc qua giọng nữ cao Bích Liên cũng khá đặc biệt, đã ghim sâu vào tâm trí bao người như một giai điệu vượt thời gian.

Ngày Bác Hồ đi xa, một ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ thật sâu sắc mang tên “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”: “Núi kia dù có mòn, sông kia dù có cạn - Thì miền Nam ơi! Miền Nam nhớ mãi ơn Người...” đã được giọng hát Quốc Hương chắp cánh bay mãi trong nhân gian qua bao thế hệ. Viết chắt chia, sống nghiền ngẫm, Lưu Cầu đã đi tới đỉnh cao của mình qua thể loại hợp xướng với “Bài ca đất nước anh hùng” và bản tráng ca “Cửu Long Giang”. 

Ở “Bài ca đất nước anh hùng”, Lưu Cầu đầy suy nghĩ qua giai điệu trầm hùng: “Một ngày đầu thu lịch sử - Ta đứng lên vui mừng đón chào Người - Tổ quốc ơi sao rực rỡ - Xin kính dâng Người cả cuộc đời...”. Trước khi lên cao trào là một nét nhạc chùng lại đầy chất chứa: “Lòng đầy tự hào - Dân tộc ta vinh quang - Điện Biên chiến thắng năm xưa - Xóa tan mây mờ đen tối - Cờ quân giải phóng tung bay trên khắp phố phường miền Nam...”.

Sau ngày thống nhất, Lưu Cầu trở về TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh ca khúc hợp xướng, sau tiểu phẩm violon “Quê hương”, ông còn viết nhạc cho phim tài liệu, phim truyện. Âm nhạc Lưu Cầu để lại một ấn tượng trong lịch sử âm nhạc VN. Ông thật xứng đáng với Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I (2001). Xin thắp một nén tâm nhang để vĩnh biệt ông.
                                                                                                                                   Theo laodong.com.vn