Tin tức – Sự kiện

2013: Tăng lệ phí tuyển sinh

26 Tháng Giêng 2013

Rút ngắn thời gian xét tuyển. Thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Siết chặt việc mở ngành...là những nội dung được gút lại tại hội nghị Hội nghị ĐH và công tác thi, tuyển sinh 2013 được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 22/1.

Rút thời gian xét tuyển ĐH

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm 2013 thời gian xét tuyển ĐH,CĐ sẽ kéo dài đến 30/10, thay vì kéo dài đến 30/11 như năm trước. Do đó, năm 2013 mỗi trường được phép xét nhiều đợt và mỗi đợt xét ít nhất là 20 ngày tính từ thông báo xét tuyển.

 

 

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW Phạm Lê Hòa phát biểu ý kiến tại hội nghị.
(Ảnh: Văn Chung)

 

Theo Thứ trưởng Ga năm 2012, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường trong công tác xét tuyển, kéo dài thời gian xét tuyển đến hết 30/11/2012,…đã phát sinh những bất cập.

Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng Trần Hữu Nghị bức xúc: “Việc kéo dài thời gian xét tuyển, điểm NV2 không cần bằng hoặc cao hơn NV1 khiến các trường công lập “vét” hết chỉ tiêu của trường NCL. Nhiều trường khối NCL đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển được SV”.

Thêm đó, Bộ cũng thừa nhận: Việc kéo dài thời gian xét tuyển khiến một số trường còn lúng túng, bị động khi được giao tự chủ. Một số trường thông báo thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển quá ngắn,…đã gây không ít khó khăn và bức xúc cho thí sinh, nhất là thí sinh vùng cao vùng xa.

Việc kéo dài thời hạn xét tuyển và cho một số trường thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ hạ điểm sàn và tổ chức học dự bị cũng gây khó khăn cho các trường trong thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh.

Ý kiến về việc rút thời gian xét tuyển được đông đảo các trường ĐH,CĐ đồng tình.

Siết chặt mở ngành

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, trọng tâm của năm học 2013, là chuyển từ mô hình số lượng sang mô hình chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện, củng cố mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình, đồng thời triển khai mạnh mẽ đổi mới cơ quan quản lý nhà nước.

Liên quan đến việc thẩm định mở ngành, Bộ trưởng khẳng định: Tới đây Bộ sẽ giao cho hội đồng giáo sư ngành thực hiện. Sở dĩ Bộ chưa giao cho các trường vì chưa có sự tin tưởng. Bộ sẽ nắm việc mở ngành mới vì các trường chưa làm chủ thực sự. Hơn thế, Bộ còn có trách nhiệm trong việc cân đối lao động của Nhà nước.

 

 

Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng Trần Hữu Nghị phát biểu ý kiến tại hội nghị.
(Ảnh: Văn Chung)

 

 

 

Về khó khăn tài chính của các trường, Bộ đã đề nghị Bộ Tài chính cho phép nâng mức lệ phí từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng/bộ hồ sơ.

 

 

Đại diện của Học viện Phòng không không quân kiến nghị Bộ khi duyệt mở ngành cho các trường thì có quyết định phê duyệt luôn mã ngành. Trong mỗi văn bản của Bộ hoặc của Nhà nước triển khai, Bộ nên có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng để thống nhất các nội dung đặc thù của quân đội.

Tại đầu cầu Nghệ An, các ý kiến cho rằng việc mở ngành do trường khác thẩm định rất tốn kém. Thậm chí vì lí do cạnh tranh cách trường đưa ra tiêu chuẩn quá cao hay đòi thù lao lớn. Bộ nên cho phép các trường được mời chuyên gia ngoài trường thẩm định để giảm bớt thủ tục hành chính và tránh tốn kém.

Xem lại cách ra đề, tính điểm sàn

Một số ĐH,CĐ về việc áp dụng điểm sàn chung cho các trường là chưa hợp lý, mà nên có điểm sàn theo khu vực, điểm xét tuyển đợt sau phải ngang bằng hoặc cao hơn đợt trước, tránh tình trạng các trường công lập “vét” hết chỉ tiêu của các trường ngoài công lập.

Một số trường văn hóa nghệ thuật đề nghị nên lấy điểm thi môn Văn của thí sinh từ điểm trung bình trong 3 năm học THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn hay điểm thi đại học của thí sinh. Đây sẽ là điểm điều kiện để xét trúng tuyển bên cạnh điểm thi môn năng khiếu của thí sinh.

Tương tự, các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật cũng đề nghị Bộ quy định cụ thể 2 môn thi năng khiếu là môn nào để thí sinh, phụ huynh nắm rõ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận việc xét điểm sàn hiện nay chưa thực sự khiến dư luận và các trường hài lòng. Bộ sẽ nghiên cứu để đưa ra cách tích đơn giản nhất mà ai cũng chấp nhận và giám sát được.

Để đảm bảo dân chủ, cách tính điểm sàn theo Thứ trưởng Ga dựa trên phổ điểm trung bình chung tất cả các môn/khối thi (thấp hơn hoặc bằng mức điểm này).

Ý kiến điểm xét NV1 phải cao hơn NV2, NV3 Bộ sẽ xem xét kĩ lưỡng trước khi có quyết định. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định lại: “Các trường công lập, NCL muốn tự chủ tuyển sinh Bộ luôn khuyến khích. Các trường làm đề án và Bộ sẽ phê duyệt theo quy chế”.

 

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định mùa tuyển sinh 2013 vẫn cho phép mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phát hiện những tiêu cực xảy ra.

 

 

                                                                                                                                                                                              Văn Chung