Tin tức – Sự kiện

Thi và tuyển sinh năm 2013: Nhiều cải tiến chưa được ủng hộ

26 Tháng Giêng 2013
Một số cải tiến của kỳ thi năm 2012 đang được đề xuất áp dụng như cũ trong năm 2013 như không kéo dài thời hạn tuyển sinh, giữ điểm xét tuyển đợt sau cao hơn đợt trước. Bên cạnh đó, chủ trương cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng thu phát sóng cũng không nhận được sự ủng hộ của các trường.

 


Điều chỉnh một số thay đổi trong tuyển sinh năm 2013

Kéo dài thời hạn tuyển sinh không hiệu quả

Ngày 22-1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chủ trì cuộc họp bàn của 63 Sở GD-ĐT và toàn bộ trường ĐH, CĐ tại 6 đầu cầu trên cả nước về công tác thi và tuyển sinh năm 2013. Theo ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, không cần thiết phải kéo dài thời hạn tuyển sinh đến 31-11 như năm ngoái vì cho rằng điều này không giúp các trường tuyển đủ chỉ tiêu, đồng thời ảnh hưởng tới tiến độ triển khai năm học. Bên cạnh đó, hầu hết các trường đều cho rằng cần khôi phục lại quy định điểm xét tuyển đợt sau bằng hoặc cao hơn đợt trước để tránh ảo và gây tình trạng rút hồ sơ nộp vào trường hạ điểm như năm 2012. 

Theo ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, để tránh một số hạn chế trong mùa tuyển sinh ĐH năm 2012, dự kiến kỳ thi này sẽ được thay đổi ở một số khâu. Tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20-8-2013. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30-10-2013.

Đưa thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi?

Một trong những điểm mới được Bộ GD-ĐT đưa ra năm nay để bàn luận là nên hay không cho thí sinh mang các thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không có chức năng phát, truyền thông tin vào phòng thi. Điều này đều khiến các trường lúng túng. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng cho rằng nếu thí sinh mang vào sẽ gây rối phòng thi, khó kiểm soát được. “Trường tôi đã đề nghị cho mở camera để theo dõi thay vì cho thí sinh mang thiết bị vào phòng thi” – ông Nghị đề xuất.

Trước nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ, đây không phải là sáng kiến của Bộ GD-ĐT mà là vấn đề thực tiễn phát sinh. Dù không được phép thí sinh vẫn mang vào, ghi hình, phát tán, gây hệ quả nghiêm trọng. Đây không phải  là vẽ đường cho hươu chạy mà là đối diện với vấn đề phát sinh mà không được xử lý. Việc cho phép ghi hình đồng thời sẽ quản lý được vấn đề này để đảm bảo công bằng trong thi cử và uy tín của ngành, Bộ trưởng khẳng định: “Trên hết,  quy định này sẽ là sự kiểm soát vô hình, buộc tất cả lực lượng tham gia kỳ thi phải nghiêm túc”.

Trao quyền chủ động nhưng chưa ai nhận

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt Đề án tuyển sinh riêng thí điểm cho 10 trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật. Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Phạm Lê Hòa cho biết, trường đề nghị 3 phương án tuyển sinh điểm Văn: căn cứ điểm trung bình 3 năm học THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi môn Văn kỳ thi ĐH ở bất kỳ trường nào. Với việc chỉ cần xét tuyển thay vì phải tổ chức thi môn Văn, các trường khối nghệ thuật cho rằng Bộ GD-ĐT đã đi đúng chủ trương trao quyền đặc thù cho những cơ sở đào tạo đặc thù. 

Trước sự ủng hộ của các trường trong việc Bộ GD-ĐT giao cho 10 trường thí điểm tự chủ tuyển sinh khối năng khiếu kỳ tuyển sinh 2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết theo Luật Giáo dục đại học, các trường sẽ tự chủ tuyển sinh. “ Tôi xin thông báo công khai tất cả các trường có quyền làm việc này. Các trường cứ lập phương án, nếu đảm bảo điều kiện chúng tôi sẽ phê duyệt để triển khai chứ không có chuyện tháo khoán, làm hỗn loạn công tác tuyển sinh. Ngay với các trường ngoài công lập, Bộ cũng đã trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập, trường nào đủ điều kiện Bộ sẽ phê duyệt. Hiện 2 ĐHQG vẫn xin hoãn chưa triển khai được dù đã được giao tự chủ 3 năm nay” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

 

 

                                                                                                                                                                                  Theo baomoi.com