Tin tức – Sự kiện

Bộ GDĐT vẫn quản lý khâu đề thi, điểm sàn

26 Tháng Giêng 2013
Ngày 22/1, Bộ GDĐT tổ chức hội nghị  trực tuyến về công tác thi, tuyển sinh đại học – cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2013 qua các điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

 

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga trả lời các nhà báo. Ảnh: VGP/Từ Lương

 

Tăng quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường

Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG  Hà Nội, Luật Giáo dục ĐH mới có nhấn mạnh đến việc khẳng định một số quyền của các trường ĐH, trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD năm 2013 cũng  đề cập đến vấn đề quyền của các trường ĐH, trong đó có quyền xác định chỉ tiêu và tự chủ phương thức tuyển sinh. Ông Sơn cho rằng, kế hoạch thay đổi  trong tuyển sinh ĐH cần nhanh hơn, thích hợp hơn và phương án “3 chung”, điểm sàn không còn phù hợp với quyền của các trường trong Luật Giáo dục ĐH.

Về quyền tự chủ tuyển sinh, PGS.TS Phạm Lê Hoà- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho rằng việc Bộ GDĐT có phương án đầu tiên cho 10 trường được tự chủ tuyển sinh là rất phù hợp và kịp thời, giúp các trường nghệ thuật lấy lại niềm tin về chất lượng.

Từ trước tới nay giáo dục nghệ thuật đều được đánh giá mang tính đặc thù cao nhưng trong nhiều năm vừa rồi ngành này chưa nhận được sự ứng xử đặc thù. Ngay năm nay Bộ GD&ĐT và Bộ VHTTDL đã có bước tiến lớn khi trao quyền tự chủ phương thức tuyển sinh cho một số trường. Nhưng vừa qua một số báo đưa tin các trường nghệ thuật bỏ thi môn Văn là không đúng.

Theo ông Phạm Lê Hòa, nhà trường rất coi trọng môn Văn và xét tuyển khá khắt khe môn học này đối với các thí sinh, chỉ khác là hình thức tuyển mà thôi. Giáo dục nghệ thuật nếu văn không tốt thì không làm được gì cả. Trường đã đưa ra 3 giải pháp cho vấn đề này, đó là lấy điểm trung bình chung môn Văn của 3 cấp học phổ thông hoặc lấy điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn hoặc lấy điểm thi ĐH môn Văn mà thí sinh thi bất cứ ở trường nào. Phương án của trường đang chờ Bộ cho ý kiến.

Không tăng chỉ tiêu đào tạo chính quy

Trả lời báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khẳng định, Quy hoạch nguồn nhân lực đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tài liệu căn bản để cho các trường, các cơ sở giáo dục và Bộ làm căn cứ định hướng  đào tạo các ngành nghề cho phù hợp.

Bộ đang tiến hành  điều chỉnh lại mạng lưới các trường ĐH-CĐ cho phù hợp với quy hoạch nhân lực và đồng thời để việc điều phối mở ngành, đồng thời khuyến cáo các trường về những ngành nhân lực đang dư thừa, khuyến khích mở những ngành xã hội đang cần.

 

Cả nước hiện có gần 1.000 cơ sở đào tạo ngành kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh với số sinh viên đang theo học những ngành này chiếm khoảng 1/3 tổng số sinh viên cả nước.

Theo công bố của Viện Nhân lực tài chính ngân hàng, trong vòng 4 năm tới, sẽ có khoảng 13.000  sinh viên tài chính ngân hàng không xin được việc làm.

 Theo PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, đối với những trường trực thuộc Bộ, năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo ĐH-CĐ chính quy, đồng thời điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chi tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật. Đặc biệt, việc giảm dần chỉ tiêu sư phạm do tình trạng thừa giáo viên hiện nay và sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu. 

 

Năm 2013, Bộ GDĐT cũng tạm dừng cấp phép mở mới đối với các ngành Tài chính - Ngân hàng bởi số lượng trường đào tạo các ngành này rất lớn, vượt quá nhiều lần so với nhu cầu thực của nền kinh tế. 

Ông Bùi Văn Ga cho biết, về công tác tuyển sinh, từ nay đến 2015, Bộ GDĐT vẫn quản lý khâu đề thi và điểm sàn. Thời gian tuyển, số lần tuyển sinh do các trường hoàn toàn chủ động theo đúng Luật Giáo dục.

Năm 2013 có điểm mới là 10 trường văn hóa nghệ thuật được tự chủ tuyển sinh, được ra đề các môn năng khiếu còn môn Văn xét kết quả học tập 3 năm phổ thông và kết quả thi tốt nghiệp. Đây là bước đầu tiên thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường theo luật giáo dục. Trường nào muốn tuyển sinh riêng phải có đề án, thể hiện rõ năng lực của mình với nguyên tắc chung là không làm phát sinh tiêu cực như học thêm dạy thêm, không tăng gánh nặng cho xã hội, đảm bảo tính nghiêm túc, sự giám sát của xã hội. Trường nào đủ điều kiện thì sẽ được tự chủ tuyển sinh. Từ 2 năm nay, Bộ cũng khuyến khích các trường trọng điểm tự tổ chức tuyển sinh nhưng cho đến nay, chưa có trường nào đăng ký.

Theo baodientu.chinhphu.vn