Tin hợp tác quốc tế

Báo cáo Tổng kết tham dự liên hoan và Hội thi Hợp xướng Quốc tế lần thứ XIV tại Budapest - Hungary

05 Tháng Tư 2013

Ths. Lê Vinh Hưng

 

Nhận được giấy mời trực tiếp từ Tổ chức Liên minh Văn hóa thế giới (Interkultur) và được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tham dự Liên hoan và Hội thi Hợp xướng Quốc tế tại Budapest - Hungary lần thứ XIV (từ ngày 24/03/2013 đến 28/03/2013). Mục đích của chúng tôi về chuyến đi lần này là khảo sát cách thức tổ chức của Interkultur tại Budapest, họ đã làm gì, làm như thế nào để thu hút được nhiều đoàn hợp xướng đến từ các quốc gia; khảo sát phương thức trình diễn cũng như số lượng các môn thi và cách đánh giá về chất lượng của từng đoàn hợp xướng tham dự… Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu về môi trường văn hóa, không gian văn hóa – nơi nuôi dưỡng nghệ thuật hợp xướng phát triển.

Nghệ thuật hợp xướng đối với các nước châu Âu luôn thân thiện, gần gũi và là món ăn tinh thần được  người dân cũng như thính giả âm nhạc yêu chuộng. Hợp xướng có thế mạnh nổi trội mà ít thể loại âm nhạc khác sánh kịp trong việc thể hiện những tư tưởng/tình cảm của tập thể và là phương tiện âm nhạc để chuyển tải tiếng nói của quần chúng, đặc biệt là trong việc phản ánh bằng âm nhạc đối với những vấn đề lớn lao của xã hội và tình cảm cao đẹp của con người với dân tộc, với thời đại.

Với thế mạnh đó, Tổ chức Liên minh Văn hóa thế giới (Interkultur) đã đề ra mục tiêu đưa con người của tất cả các quốc gia, các nền văn hóa và các ý thức hệ sát lại với nhau, không có biên giới trong các cuộc thi hòa bình và âm nhạc hợp xướng. Cuộc thi hợp xướng quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Budapest vào năm 1988 do Günter Titsch sáng lập, với ý tưởng "xây dựng nhịp cầu nối giữa con người" đã thuyết phục nhiều đoàn nghệ thuật của các quốc gia tham gia sự kiện này. Sự nhiệt tình chia sẻ của người tham gia cho âm nhạc hợp xướng làm cho mọi thành kiến ​​biến mất, chỉ còn trái tim cho tình bạn, đặt nền tảng cho sự vui vẻ, chung sống hòa bình không có phân cách của hệ tư tưởng hoặc giáo lý. Trong vòng một thời gian ngắn, mục tiêu này đã làm cho Interkultur trở thành một địa chỉ hàng đầu cho việc tổ chức các sự kiện lớn về âm nhạc hợp xướng, với quy mô toàn cầu cho tất cả các hình thức trình diễn từ hợp xướng thính phòng (ensembles) đến các dàn hợp xướng lớn, nhỏ kết hợp cùng các nhóm múa dân gian. Có thể nói, đây là tổ chức “Liên hợp quốc về hát hợp xướng” được tạo nên từ các thành viên đến từ hơn 90 quốc gia, với hơn 120.000 đoàn hợp xướng và khoảng 4,8 triệu ca sĩ, đã làm cho mạng lưới âm nhạc hợp xướng của Interkultur thực sự rộng khắp toàn cầu. Tổ chức này có văn phòng đại diện tại nhiều quốc gia và được hỗ trợ bởi Bộ văn hóa, chính quyền thành phố, thị trấn và các tổ chức khác.

Tham gia Liên hoan và Hội thi Hợp xướng Quốc tế tại Budapest lần thứ XIV, có hơn 70 đoàn hợp xướng đến từ 22 quốc gia như: Austria, Bosnia-Herzegovina, Belarus, Czech Repulic, Germany, Estonia, Israel, Ireland, Japan, Norway, China, Indonesia, Russia, USA…Ban tổ chức đưa ra  13 môn thi được chia ra theo hình thức trình diễn như: A1 (hợp xướng hỗn hợp – mức độ khó I), A2 (hợp xướng nam -  mức độ khó I), A3 (hợp xướng nam -  mức độ khó I), B1 (hợp xướng hỗn hợp – mức độ khó II), C1 ((hợp xướng hỗn hợp thính phòng…; chia theo phong cách âm nhạc như: Hạng F (hợp xướng dân gian), Hạng P (hợp xướng Pop, Jazz, Gospel)… Ngoài ra, cách trình diễn còn được phân chia theo lứa tuổi như: hợp xướng thiếu nhi (Hạng G1), hợp xướng thanh thiếu một giọng (Hạng G2)…Với cách phân chia các môn thi như vậy, Ban tổ chức đã đưa âm nhạc hợp xướng không chỉ dành cho những dàn hợp xướng chuyên nghiệp tốt nhất trên thế giới, mà họ đang mở cửa cho tất cả các cộng đồng trên toàn thế giới âm nhạc.

Buổi khai mạc diễn ra rất trang trọng, hoành tráng tại Palace of Arts Bela Bartók National Concert Hall. Giao hưởng No.1. của Gyongyosi Levente – người Hungary đã được  Hợp xướng và Dàn nhạc giao Budapest trình diễn rất thành công. Buổi hòa nhạc hữu nghị như là tín hiệu thể hiện tầm vóc của  lễ hội, của cuộc thi, nơi nuôi dưỡng sự tôn trọng lẫn nhau và sự hiểu biết giữa các nền văn hóa, đưa đến chúng ta một chất lượng nghệ thuật mới cho tương lai trong một thế giới âm nhạc đương đại đang phát triển.

 

Hợp xướng và Dàn nhạc Giao hưởng Budapest trong đêm khai mạc

 

Cuộc thi diễn ra trong 03 ngày, các đoàn tham dự đã trình diễn hết sức say sưa, thể hiện tài năng và niềm đam mê đối với âm nhạc hợp xướng. Nhiều đoàn hợp xướng đã mang đến cuộc thi một chương trình với chất lượng nghệ thuật hát bè đỉnh cao, để lại dấu ấn và bản sắc riêng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Dàn hợp xướng Vikár Beslakórus – thành phố Kaposvár (Hungary) dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Ludmány Géza, tham gia 03 môn thi (B1, B2, B3), đã thể hiện trình độ hát acapella điêu luyện, với phong cách trình diễn truyền thống có thể được coi như một trong những thành tựu văn hóa hát bè hợp xướng của châu Âu.

Dàn hợp xướng Indonesia Raksamahiva Camudresu Choir đến từ Thủ đô Jakata – Indonesia, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Amold Apituley, tham gia hạng F đã đem đến cuộc thi một phong cách độc đáo, mang đậm bản sắc của đất nước Indonesia, sự chuyển động tiết tấu đặc trưng kết hợp cùng vũ đạo, với lối hát hòa giọng mang phong cách dân gian, thể hiện sự khác biệt so với cách hát hợp xướng kinh điển.

 

Dàn hợp xướng Indonesia Raksamahiva Camudresu Choir

 

Dàn hợp xướng Greg Is Back E.V. – Uagsburg đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Martin Seiler, tham gia hạng P, trình diễn phong cách Pop, Jazz, Gospel kết hợp với các phương tiện âm thanh điện tử, tạo nên những nét mới của nghệ thuật hợp xướng, mang tính đại chúng cao, làm cho hợp xướng gần gũi hơn với nhịp sống hiện đại, với công chúng thưởng thức, nhất là giới trẻ.

 

Dàn hợp xướng Greg Is Back E.V. – Uagsburg trình diễn phong cách

Pop, Jazz, Gospel

 

Đặc biệt, ở hạng thi G1 (hợp xướng thiếu nhi), nước chủ nhà Hungary có 04 dàn hợp xướng và các dàn hợp xướng đến từ nước Nga, Mỹ, Czech Republic… đã trình diễn các tiết mục vô cùng xuất sắc, có nhiều tác phẩm viết âm vực rộng; cách hát giọng giả thanh trong sáng, sự kết hợp hòa giọng, hỗ trợ, đan xen của các bè giọng đem đến cho người nghe dễ dàng nhận thấy: để biểu diễn được như vậy thì các diễn viên “nhí” phải được trang bị bởi một nền giáo dục âm nhạc tiên tiến. Đối với các nước này, nghệ thuật hợp xướng là phương tiện đóng vai trò lớn lao trong việc phát huy khả năng tiềm tàng to lớn trong giáo dục con người, nhất là hình thành thế giới quan thẩm mỹ, tình cảm thẩm mỹ, năng lực thẩm mỹ.

 

Dàn hợp xướng Traverse City West Sr. High School Choral-Aries - USA

 

Lẽ dĩ nhiên, âm nhạc hợp xướng không tồn tại một cách tách biệt ở các Nhà hát, các khán phòng nơi diễn ra cuộc thi mà nó còn có mối quan hệ với các loại hình nghệ thuật khác. Để hiểu hơn về sự phát triển âm nhạc hợp xướng ở Budapest, cũng như vai trò xã hội của nó đối với con người thì bao giờ cũng phải đặt nó trong mối quan hệ với văn học, thơ ca, vũ đạo, hội hoạ, điêu khắc... cũng như các hiện tượng xã hội phổ biến như ngôn ngữ, bản sắc dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, chế độ chính trị, trang phục…Chính vì vậy, chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện, cuộc trao đổi, quan sát lối sống, phong cách làm việc… cũng như trực tiếp tham gia các  sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây để tìm hiểu thêm về môi trường văn hóa, không gian văn hóa - nơi mà có sự tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến những hoạt động của nghệ thuật hợp xướng. 

Interkultur đã tổ chức hai lần Liên hoan và Hội thi Hợp xướng Quốc tế tại Việt Nam. Lần thứ I tại Thành phố Hội An -  tỉnh Quảng Nam (tháng 3 năm 2011), lần thứ II tại Thành phố Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế (tháng 10 năm 2012). Trong hai lần tham dự, đoàn hợp xướng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương đã đạt được thành tích: 02 Huy chương Vàng ở Hạng A1 (Hợp xướng hỗn hợp – mức độ khó I), 01 Huy chương Vàng ở Hạng A3 (Hợp xướng nữ – mức độ khó I), 01 Huy chương Vàng ở Hạng C4 (Hợp xướng nam – thính phòng), 01 Giải đặc biệt của Ban Giám khảo trao cho việc thể hiện tác phẩm “Ru con mùa đông” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc.

 

Dàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

tham dự Hội thi Hợp xướng Quốc tế lần II tại Thành phố Huế.

 

Những thành tích trên, đoàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW lần đầu tiên đại diện cho Việt Nam ghi dấu ấn và có tên trong lịch sử của bản đồ hợp xướng thế giới. Với sự đánh giá của Nhà trường và của các bạn thì đó là một điều không đơn giản. Song, chúng tôi cũng hiểu rằng: một trong những điều kiện để đoàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có được thành tích là do sự nỗ lực của tập thể diễn viên, cũng như chúng tôi hiểu rõ ý thức trách nhiệm của mình trong các thi quốc tế. Chính vì vậy, đoàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW không chỉ giành được các Huy chương Vàng, mà còn giành Willner điểm (số đứng đầu Huy chương Vàng) của các hạng dự thi. Mặt khác, có rất nhiều các đơn vị hợp xướng nổi tiếng ở Việt Nam không tham gia như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh… cũng là cơ hội để chúng tôi thể hiện, đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong sự phát triển chung âm nhạc Việt Nam.

Qua chuyến đi khảo sát, chúng tôi có một vài suy nghĩ như sau:

Trong thế kỷ 21 – kỷ nguyên của “thế giới phẳng”, xu thế hội nhập là tất yếu của sự phát triển. Bởi vậy, hội nhập văn hóa trong đó có âm nhạc cũng là xu thế tất yếu. Sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đòi hỏi chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến sự phát triển âm nhạc trong đó có nghệ thuật hợp xướng….Vấn đề toàn cầu hóa đang được bàn đến, cũng như những yêu cầu của thời đại ngày nay không thể từng cá nhân có thể giải quyết được, mà ở đó người ta đề cao vai trò của các nhóm người cộng tác, hợp tác với nhau thì mới có thể giải quyết được… Với những đòi hỏi, yêu cầu của thế giới con người ngày càng phát triển thì nghệ thuật hợp xướng chính là “chiếc nôi” vô cùng quan trọng trong việc phát huy khả năng cảm thụ tinh tế hơn, thông cảm được sâu sắc hơn về cái đẹp trong cuộc sống và trong nghệ thuật âm nhạc. Hợp xướng, bằng cách thức riêng của nó đóng vai trò quan trọng trong liên kết con người với con người, con người với tập thể, con người với dân tộc và con người với thời đại. Trong giao lưu văn hóa quốc tế, mọi người dù khác nhau về tiếng nói đều có thể giao tiếp thân thiện với nhau nhờ đứng chung trong một dàn hợp xướng.

Hàng nghìn năm trước đây các nước châu Âu đã thấy được khả năng khác thường của nghệ thuật hợp xướng. Nghệ thuật hợp xướng có giá trị bao giờ cũng hướng về việc thể hiện lý tưởng đạo đức của thời đại, của nhân dân, của giai cấp, của bản thân người nghệ sĩ. Những nét tinh tế của âm nhạc và lời ca trong tác phẩm hợp xướng  thường là cái tinh tế được chọn lọc, được điển hình hoá và kết tinh cao độ truyền thống yêu nước và nhân văn của cả dân tộc. Một khi những nét tinh tế ấy được ngấm sâu vào tâm hồn của con người thì sẽ trở thành sự tinh tế, mẫu mực trong tư tưởng, tình cảm, đạo đức, phong thái, ứng xử, hành động… những hành trang hết sức cần thiết của con người để bắt kịp với hơi thở của nhịp sống đương đai.

Là những người làm công tác giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng, chúng ta  cần phải có nghĩa vụ phát triển số lượng  thính giả thưởng thức âm nhạc có nghệ thuật cao nói chung và nghệ thuật hợp xướng nói riêng, khán giả “hôm nay” phải được xây dựng ngay từ “hôm qua”. Muốn tăng cường số lượng những khán thính giả đi nghe hợp xướng, giao hưởng, thì từ lúc họ còn là đứa trẻ 6 – 7 tuổi, họ cần phải được biết và yêu thích loại hình nghệ thuật này và đó cũng chính là nguồn cổ vũ, bổ sung sáng tạo cho đội ngũ nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn sau này.

Có thể nhìn nhận khái quát rằng, vấn đề quan trọng bậc nhất của đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay chính là vấn đề thính giả. Dù có những nhạc sĩ, ca sĩ tài ba đến mấy, Nhạc viện có trình độ học thuật âm nhạc cao siêu đến mấy, cũng sẽ ít có giá trị công hiến và kém phát triển nếu công chúng thưởng thức âm nhạc thờ ơ. Cần phải đi sâu vào bồi dưỡng trình độ thính giả, đây là vấn đề nhà nước cần phải đầu tư.

Nghệ thuật hợp xướng là một kho báu vô tận của nhân loại mà những người làm công tác âm nhạc cùng công chúng yêu nhạc chính là người đi tìm và làm giàu thêm kho báu đó. Hiện nay, các nước có nền âm nhạc tiên tiến đều lấy nghệ thuật hợp xướng làm một trong những nền tảng quan trọng hàng đầu để phát triển. Nghệ thuật hợp xướng đã, đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và sẽ tiếp tục nở rộ cùng với quá trình giao lưu, mở cửa, hội nhập quốc tế. Nghệ thuật hợp xướng có vai trò cực kỳ quan trọng đời sống âm nhạc nước ta, cả đối với các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ âm nhạc và đối với tiền đồ phát triển của nền âm nhạc nước nhà. Công việc của chúng ta là phải phát hiện, nuôi dưỡng các nhà soạn nhạc có khả năng viết cho hợp xướng, khích lệ, động viên, giúp đỡ dàn dựng, biểu diễn hợp xướng, đồng thời định hướng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh cho công chúng, đưa công chúng đến với giá trị đích thực của tác phẩm hợp xướng./.