Sự kiện

Chuyện kể của một Thứ trưởng: Quan hay Hề?

28 Tháng Tư 2013
Sinh thời, tác giả Tào Mạt vẫn thường nói: "Đã làm Hề thì đừng làm Quan, đã làm Quan thì đừng làm Hề".
Tôi rất tâm đắc với câu nói đó, nhưng khổ nỗi, tự tôi lại không thể thực hiện được.
GS. Đình Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin

GS. Đình Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin

Số là quãng cuối năm 1983 tôi đang là hiệu trưởng Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, nghe lao xao là tôi sẽ bị rút lên Bộ. Tôi rất phân vân.
Ở trường thì ngoài nhiệm vụ quản lý chung, tôi vẫn còn được giảng dậy, trực tiếp làm nghề. Nếu về Bộ sẽ phải làm nhiệm vụ quản lý, phải cơ động khắp nước. Thời gian đâu mà làm nghề trực tiếp nữa?!
 
Từ khi nghe tin đồn, mỗi khi Bộ triệu tập họp, tôi đều cử anh Cao Hữu Đỉnh hiệu phó đi thay. Bụng nghĩ thầm, khi lên đó nếu mình tươi tỉnh thì mọi người lại tưởng mình ham thích địa vị, nếu bình thường thì chắc cũng có người nghĩ là mình giả vờ.
Nhưng rồi ít lâu sau Bộ cũng mời đích danh tôi lên gặp. Anh Văn Phác đưa xem quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng và hỏi tôi có ý kiến gì không. Tôi còn biết nói gì nữa. Tôi bảo anh, tôi không thích vì dễ mất nghề, nhưng trên đã quyết, là đảng viên tôi phải chấp hành và đã chấp hành thì tôi sẽ xin làm hết sức trách nhiệm.
Trở về, lòng nặng ưu tư. Sẽ phải lãnh đạo khối nghệ thuật trong cả nước mà nghệ thuật gắn liền với chính trị tư tưởng, có gì không chuẩn dễ bị quy kết, hay như mọi người thường nói đùa là dễ vỡ nồi cơm lắm.
Mà tôi cũng đã có lần suýt bị vỡ nồi cơm thật. Đó là lần tôi dựng vở Bạch đàn liễu của Xuân Trình vào những năm trước giải phóng miền Nam.
Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ về lão Quyền, phó chủ tịch kiêm công an xã. Anh này tham lam, muốn cậy quyền chiếm hai cây bạch đàn của một gia đình nông dân. Đồng thời cũng muốn ép ông gả con gái cho con trai mình trong khi cô đã có người yêu tại ngũ...
Vở tuy nhỏ, chuyện tuy đơn giản, nhưng thời đó là một vở đầu tiên phê phán tệ tham nhũng và nạn cửa quyền, tuy đối tượng phê phán cũng chỉ là một cán bộ cấp cơ sở, hai cây bạch đàn cũng chỉ là một loại gỗ tạp.
Nhưng tôi cũng đã cẩn thận, không dùng phương pháp tả thực mà sử dụng thủ pháp gián cách. Thay màn hậu thông thường bằng một màn vòng cung thể hiện một trang báo lớn với những tin tức tích cực trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Cảnh trí nhà bác nông đân, nơi diễn ra những sự kiện tiêu cực trong kịch chỉ là một điểm nhỏ, lọt thỏm trong cái đại cảnh tích cực mà thôi. Và để đột xuất ý tưởng phê phán, tôi đã dùng thủ pháp bóng lão Quyền, từ nhỏ rồi to dần, đã trùm lên bóng của đôi thanh niên, và sử dụng chiếc cầu bập bênh trong cuộc đối thoại giữa lão Quyền và bác nông dân để ám thị một ý niệm: sở dĩ có kẻ ngồi được trên cao là do có người cam tâm ngồi dưới thấp...
Vở diễn đã gây chú ý và tức thì xuất hiện câu vè: Đình Quang Tiến sĩ tài ba, Dựng “Bạch đàn liễu” chửi cha chính quyền.
Khổ thân tôi! Phê phán một cán bộ xã cửa quyền và tham nhũng, với tính cách là một cá nhân, sao lại biến thành cả chính quyền được?
Vở diễn bị đùn đẩy hết cấp này lên cấp nọ, sửa đi sửa lại... duyệt lên duyệt xuống nhiều lần. Chúng tôi phải đổi tên ông Quyền thành ông Quyết, không ngờ lại trùng tên một cán bộ cao cấp của Bộ công an. Tuy chẳng nghe bên công an có ý kiến gì nhưng chúng tôi cũng chủ động đổi thành một tên khác...
Cuối cùng Bộ Văn hóa phải mới đồng chí Trường Chinh, Tố Hữu và nhiều cán bộ xuống xem.
Đồng chí Trường Chinh đã có buổi làm việc riêng với chúng tôi, chỉ đề nghị, nếu có thể, bổ sung thêm đôi nét về cuộc đấu tranh nội bộ trong chi bộ xã để yếu tố tích cực nổi hơn lên chút nữa.
Anh Tố Hữu khi xem xong ở lại trao đổi với tôi cũng chỉ đề nghị nên giật sớm nút kịch, đừng cho căng quá, vì hiện còn bao chiến sĩ ở tiền phương, đừng để hậu phương làm cho họ không yên tâm chiến đấu.
Vở diễn được ra mắt rộng rãi được vài chục buổi thì lại có ý kiến đất nước còn bị chia cắt, không nên để miền Nam hiểu lầm về tình hình miền Bắc, thế là vở diễn bị xếp lại luôn.
Một chuyện nữa cũng khiến tôi nhớ mãi. Đó là cuộc Hội thảo về sân khấu Cải lương do Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức tại Sài Gòn sau ngày thống nhất.
Lúc đó có một bài báo phê phán Cải lương một cách phiến diện đã gây phản ứng cho nhiều cán bộ. Nghe nói anh em trong đó đã sao lại và gửi đi khắp nơi.
Thấy tình hình hơi căng, anh Dương Ngọc Đức Tổng thư ký Hội nhất thiết mời tôi vào để theo dõi và tổng kết hội thảo. Tôi đã từng giảng dậy, quen nói trước đông người, nhưng chưa bao giờ lại hồi hộp như lần đó.
Tôi nghĩ anh em miền Nam tính tình thẳng thắn, bộc trực, tuy đôi khi hơi cảm tính nên vừa nói vừa cẩn thận theo dõi phản ứng của người nghe.
Hội trường im phăng phắc, có cảm tưởng một con muỗi bay cũng nghe thấy. Đa số đều chăm chú nghe và ghi ghi chép chép. Tôi thầm nghĩ: nếu mình lỡ lời là phiền đây, nhất là trong bối cảnh Nam Bắc vừa mới thống nhất.
Nhưng do thái độ chân thành, khách quan và cách nhìn khoa học nên đã được hội thảo hoan nghênh. Sau bữa tiệc liên hoan bế mạc, tôi còn được một số anh em lãnh đạo địa phương giữ lại nhậu tiếp cùng "lực lượng tồn kho".
 
Cứ nhớ lại hai sự kiện kể trên đã thấy mệt, giờ lại phải chịu trách nhiệm với đủ loại hình nghệ thuật của cả nước, trong đó có miền Nam là mảnh đất mình chưa thật am hiểu thì không biết sẽ chèo chống sao đây.
May tôi cũng có ít nhiều thuận lợi là trước đây đã từng lãnh đạo Trường, Viện, Nhà hát và là thường vụ Hội nên quen biết rộng và anh em cũng có phần nể.
Nhiều đêm nằm tự hỏi, mình đã hoạt động nghệ thuật mấy chục năm, đã có những gì thuận lợi, đã gặp những gì khó khăn... cần biết, để khi mình phụ trách có thể tránh được những khó khăn vất vả không cần thiết cho anh chị em.
Nhìn chung lãnh đạo đều thiện tâm, muốn xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật tốt đẹp, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, tuy vẫn đòi hỏi chính trị và nghệ thuật, nội dung và hình thức phải chuẩn xác và hoàn thiện như nhau, nhưng trong thực tế vẫn thiên về chính trị, nhẹ nghệ thuật, coi trọng nội dung xem nhẹ hình thức.
Ai cũng biết cuộc sống là đa dạng và như Brecht nói: kẻ xuyên tạc có thể nói dối bằng nhiều cách thì tại sao chúng ta, những người nói thật, lại chỉ có một cách. Nhưng ở nước ta, ngoài phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa thì mọi phương pháp khác hầu như đều bị coi là không chuẩn, cần phải loại bỏ.
Cuộc sống nào mà chẳng có mặt tốt và mặt xấu, tiến bộ và lạc hậu. Vì hoàn cảnh kháng chiến, ta đã lấy ca ngợi cổ võ là chính, lấy xây hơn chống... tuy đúng, nhưng đã bị tuyệt đối hóa, vì không chống nên xây đôi khi cũng thành gượng gạo và không thuyết phục. Và chống một hiện tượng nhỏ của một cá nhân đôi khi cũng bị khái quát hóa thành như bôi đen, chống lại cả chế độ v.v...
Trong cách quản lý, tuy vẫn nói là lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách nhưng trong thực tế không phải mọi thành viên của tập thể đều có hiểu biết chuyên môn cụ thể đó nên thường lưỡng lự. Cá nhân phụ trách thấy thế cũng không dám quyết. Công việc bị treo lơ lửng, ách tắc không biết gõ cửa nào... đúng sai không biết trách ai...
Chưa kể hoàn cảnh đất nước ta luôn ở vào một hoàn cảnh rất tế nhị, phải luôn giữ tình đoàn kết, đôi khi cũng ảnh hưởng đến hoạt động nghệ thuật dù chúng chẳng liên quan gì tới chính trị tư tưởng cả v.v... và v.v...
Tôi tự động viên, mình vốn dĩ chỉ biết hành nghề chứ có ai dạy mình quản lý đâu. Thôi thì đành vừa làm vừa học vậy.
 
Buổi họp đầu tiên với lãnh đạo Bộ, tôi xin anh Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng cho được tìm hiểu công việc một thời gian rồi sẽ chính thức nhận việc. Anh Hiếu gạt phăng, lệnh cứ vừa làm vừa tìm hiểu.
Tôi sực nhớ ngay đến câu của Tào Mạt. Đành tự răn mình phải làm sao để có thể làm Quan trong Hề, làm Hề trong Quan.
Tôi đề nghị cho tôi được tập trung vào công việc chỉ đạo nghệ thuật, còn chuyện tài chính và tổ chức, dù thuộc khối nghệ thuật, tôi chỉ tư vấn mà không trực tiếp. Anh Hiếu đồng ý.
Thế là một núi việc ập đến ngay không kịp thở. Năm 84 là năm kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và năm 85 là năm chẵn, kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám, hàng loạt Hội diễn nghệ thuật sẽ phải triển khai.
 
Trước tiên là phải chuẩn bị hai chương trình: một kịch, một ca múa nhạc tổng hợp. Ca múa nhạc có phần thuận lợi hơn vì vốn sẵn có nhiều.
Nhà hát kịch nói TƯ bắt tay dựng Bài ca Điện Biên của Tất Đạt do Doãn Hoàng Giang đạo diễn khá quy mô hoành tráng.
Dịp lễ kỷ niệm chúng tôi cho ca múa nhạc và kịch diễn kế tiếp nhau một đợt. Đêm Bài ca Điện Biên tôi rất ngạc nhiên không thấy anh Võ Nguyên Giáp đến dự. Kết thúc vở diễn có câu: "Báo cáo đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Chiến dịch Điên Biên đã hoàn toàn thắng lợi" thì diễn viên lại chỉ nói: Báo cáo Bộ Tư lệnh mà không có tên đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Một mặt tôi cho điều tra ngay vì sao vé không tới tay Đại tướng và vì sao diễn viên tự tiện bỏ tên Đại tướng trong câu báo cáo cuối cùng.
Và theo thói quen tôi ra cửa Nhà hát để xem thái độ của khán giả đối với vở diễn thế nào. Thấy tôi, mấy sĩ quan còn nán đứng lại trên thềm Nhà hát, bèn cố nói to cho tôi nghe thấy: Đúng là một lũ hèn, lịch sử là lịch sử chứ cái lối đâu lại chỉ báo cáo bộ tư lệnh, bộ tư lệnh là ai mới được chứ?!
Nghe mà nhục, tôi vội lỉnh vào trong Nhà hát. Sáng hôm sau tôi cử ngay chị Bích Châu trực tiếp mang giấy mời đến cho Đại tướng và thẩm tra vì sao diễn viên tự động bỏ mất mấy từ cuối. Họ cho biết, do có ý kiến từ trên xuống bảo nên bỏ cái mũ phớt đi là vừa, cụ thể là ai bảo? Họ không được biết.
Tôi tức tốc lên báo cáo anh Hiếu. Anh Hiếu cũng ngạc nhiên. Tôi đề nghị cứ cho tôi giữ lại đúng nguyên văn câu kết, có gì tôi xin chịu trách nhiệm vì tôi mới là người trực tiếp chỉ đạo. Anh Hiếu suy nghĩ một lát rồi đồng ý.
Hôm Anh Giáp đi xem, thấy anh Giáp ngồi ở dưới hàng đầu khán giả, thay vì nói vào máy điện thoại diễn viên đã hướng thẳng phía anh mà báo cáo.
Thế là tất cả người xem cũng đều đứng lên và hướng về phía anh vỗ tay không dứt. Kết thúc, tất cả diễn viên lao xuống mời anh Giáp lên sân khấu thành một cuộc quây quần vô cùng cảm động. Thế là lịch sử đã ủng hộ tôi.
Sau đó tôi không nghe có động tĩnh gì.
 
Thời đó, hàng tuần dưới Phát hành phim thường có buổi duyệt phim mới. Thỉnh thoảng anh Hiếu cũng xuống xem. Một lần, Đại sứ Triều Tiên đột xuất xin gặp tôi. Anh Hiếu không thấy tôi bèn bảo thay phim khác xem giải trí thôi, vì người chịu trách nhiệm duyệt không có mặt thì duyệt gì.
Cũng đôi lần cùng đi xem, theo phép, tôi mời anh cho ý kiến. Anh bảo tôi mới là người chịu trách nhiệm, cứ phát biểu trước, có gì anh bổ sung sau, không thì thôi. Thái độ anh Hiếu đã làm cho tôi thêm tự tin và có ý thức trách nhiệm và chủ động hơn đối với công việc của mình.
Việc chuẩn bị cho các hoạt động nghệ thuật trong năm 85 cũng là một dịp thử thách lớn. Tôi đã cùng các Vụ - Cục thống nhất quyết định: các loại hình nghệ thuật cùng tổ chức hội diễn, liên hoan, triển lãm trong cùng một năm mà không rải ra các năm như trước vì 85 là năm Tứ tuần Đại khánh.
Như thế cũng đủ bề bộn. Không ngờ theo yêu cầu của nước bạn, chính phủ lại quyết định tổ chức thêm Những ngày Văn hóa VN ở Liên Xô và Mông Cổ.
Hàng chục đầu việc, gồm bao nhiêu loại hình, làm sao mà ôm xuể.
Tôi tự nghĩ: loại hình nào cũng giá trị và quan trọng như nhau nhưng cứ khách quan mà nói thì ca múa nhạc, mỹ thuật tuy có khán giả đông đảo nhưng người hiểu sâu về nó thì không nhiều. Do không có hoặc ít ngôn từ nên mối quan hệ với chính trị tư tưởng đối với số đông người xem cũng không rõ rệt. Ngược lại, nội dung chính trị tư tưởng ở sân khấu và điện ảnh là rõ rệt nhất
Ngoài ra, theo kế hoạch mà tôi đã thống nhất với Vụ Sân khấu, sẽ có một đợt tại thành phố Hồ Chí Minh, có thể coi là một cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa nền nghệ thuật sân khấu hai miền, không thể xem thường được.
Còn những ngày Văn hóa VN tại Liên Xô và Mông Cổ tuy quan trọng nhưng không quá khó vì đây chỉ là một cuộc giao lưu. Vấn đề chỉ là ở cách cấu tạo chương trình và lựa chọn tiết mục mà phần nhiều là trong vốn đã có.
Tôi đã cùng anh Tô Hải, Vụ trưởng Vụ Sân khấu, tập trung sự chỉ đạo nhiều hơn cho việc chuẩn bị các đợt Hội diễn sân khấu và nhất là đợt tại thành phố HCM.
Thời gian đó, tôi có cảm giác: nhu cầu đổi mới mọi mặt của đời sống xã hội cho phù hợp với bối cảnh hòa bình và thống nhất đất nước ngày càng rõ rệt, nên trong chỉ đạo, tôi mạnh dạn đỡ tay cho các tác phẩm sân khấu có cách nhìn mới hơn hoặc có những cách thể hiện nghệ thuật mới hơn.
Nhớ nhất là đối với Tam bộ khúc chèo của anh Tào Mạt, Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ, Nhân danh công lý của Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm, Mùa hè ở biển của Xuân Trình... Yếu tố tích cực trong những tác phẩm này đã được khắc họa trong quá trình đấu tranh chống lại những tiêu cực mà không còn là những bài ca ngợi xuôi chiều như thường thấy ở giai đoạn trước đó.
Chống quan liêu tham nhũng trong Nguyên phi Ỷ Lan, bài học khiêm tốn cho người cầm quyền, tinh thần thẳng thắn và thanh cao trong Lý Nhân Tông kế nghiệp và hình tượng Hề hoạn, tinh thần đổỉ mới trong quản lý sản xuất và trách nhiệm cá nhân trong Tôi và chúng ta, mâu thuẫn nhận thức và cách sống giữa các thế hệ trong Mùa hè ở biển. Sự bình đẳng trước pháp luật và chống tham nhũng cửa quyền trongNhân danh công lý tuy có đồng vọng trong khán giả nhưng không phải không có những phản ứng chống lại trong một số cán bộ còn mang nặng nếp nghĩ bảo thủ.
Tôi đã sử dụng thẩm quyền và kiên quyết ủng hộ những vở diễn dù là do địa phương trực tiếp quản lý và có sự đánh giá, nhận thức khác với mình.
Nhớ nhất là trong việc quyết định cho dựng Nhân danh công lý. Chỉ là phê phán một cán bộ xã trong Bạch đàn liễu trước kia mà còn bị đặt vè thì nay là vợ gia đình một ngài bộ trưởng thì liệu sẽ dẫn mình tới đâu?!
Ách tắc trong Mùa hè ở biển ở Nam Định do bản thân nghệ thuật thì ít mà do mâu thuẫn về quan niện chính trị giữa hai nhóm cán bộ địa phương thì nhiều. Giải quyết không chính xác có thể sẽ dẫn tới khó khăn cho tình hình đoàn kết địa phương.
Tôi đã phải lao xuống tận nơi xem kỹ, làm việc với nhóm sáng tạo suốt đêm và nhẫn nại thuyết phục Tỉnh ủy, Ủy ban.
Các vở Tôi và chúng ta, Nhân chứng và lịch sử, Mùa hè ở biển, Đỉnh cao mơ ước tham gia Hội diễn tại thành phố HCM đã được báo chí địa phương mệnh danh là những chiếc xe tăng văn hóa vào giải phóng Sài Gòn.
Cùng với những vở Nhân danh công lý, Hà Mi của tôi liền sau đó và cho tới thời kỳ đất nước vấp phải cuộc khủng hoảng kinh tế, sân khấu miền Bắc đã tỏ rõ được tính ưu việt của mình.
Cả giới văn học nghệ thuật thời kỳ này cũng đã thừa nhận là sân khấu đã đi những bước tiên phong trong việc đổi mới tư duy sáng tạo.
Ở ngành nhạc tôi đã đề nghị anh Hiếu cho được thành lập thêm Dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội và thành phố HCM vì tôi nghĩ một nền âm nhạc mà chỉ có ca khúc thì không thể gọi là một nền âm nhạc phát triển.
Lúc đó Dàn nhạc giao hưởng ở nhà hát Nhạc Vũ kịch, vốn đã từng có hoạt động độc lập giờ phải tập trung phục vụ cho nhạc kịch và vũ kịch là chủ yếu. Dàn nhạc của Học viện âm nhạc đa số là các giảng viên bận giảng dậy cũng không thể hoạt động thường xuyên được.
Buổi phổ biến quyết định thành lập thêm dàn nhạc mới, thật buồn cười, chỉ có có 5 nhạc công! Tôi đã thay mặt Bộ giao nhiệm vụ cho anh Đỗ Dũng và Phú Quang lo xây dựng và hàng năm khẩn trương dành biên chế bổ sung dần cho họ.
Dàn nhạc chuyên giao hưởng hiện nay đã ra đời trong hoàn cảnh như thế, từ chỗ phải phối hợp với nhạc viện rồi độc lập hoạt động dần.
Đối với dàn nhạc thành phố HCM, do anh Tạ Bôn khởi xướng, tôi vận động thêm Quỹ Văn hóa Thụy Điển Việt Nam giúp đỡ một phần trong bước đầu hình thành.
Và để cho khí nhạc có điều kiện phát triển, chúng tôi cũng đã phát động cuộc thi sáng tác khí nhạc đầu tiên trong giới nhạc sĩ chúng ta.
Tôi cũng đã cùng anh Phạm Đình Sáu, Vụ trưởng vụ Nhạc Múa, chính thức đưa thêm loại hình nhạc nhẹ vào chương trình thi của Hội diễn ca múa nhạc vì đó là một trào lưu không thể thiếu trong sinh hoạt của tầng lớp thanh niên. Thuở đó, ngoài Bắc mới chỉ xuất hiện Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung... chưa thể so sánh với Cẩm Vân, Ngọc Anh... nhưng chúng tôi vững tin nó sẽ phát triển vì ca sĩ phía Bắc được học tập thanh nhạc một cách cơ bản hơn.
Trong triển lãm hội họa lúc đó cũng đã xuất hiện một số tác phẩm siêu thực, ấn tượng và lập thể... khiến một số anh phụ trách triển lãm phân vân.
Trong cuộc trao đổi với các bậc thầy hội họa như anh Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị hay họa sĩ trẻ như Vũ Giáng Hương, Trần Khánh Chương v.v... tôi đã thú thực là mình không am hiểu lắm về hội họa, nhưng thiển nghĩ, ngoài giá trị của việc mô tả đối tượng cụ thể thì bản thân màu sắc đường nét và hình khối cũng có những hiệu quả thẩm mỹ và giá trị nhất định của chúng. Nếu trong văn học một từ như: bâng khuâng, hay một câu như: đời là thế... hoặc khi nghe một nét nhạc, một giai điệu nào đó, cũng khó khẳng định như đinh đóng cột là từ đó, câu đó, nét nhạc đó nói cái gì và chắc mỗi người có thể hiểu một cách, tùy theo trình độ thụ cảm và thẩm âm của mình.
Có lẽ giới nghệ thuật chúng ta cũng nên dành một phần tự do cho cảm thụ phong phú của người thưởng lãm.
Tôi không khẳng định ý kiến của mình có được mọi người tán thành hay không nhưng qua cuộc triển lãm đã không có ý kiến gì mâu thuẫn xẩy ra.
 
Giờ nhớ lại, riêng với cá nhân tôi, đó là những ngày vui nhất trong thời gian làm thứ trưởng của mình.
Khi đất nước bước vào đổi mới, chuyển đổi cơ chế kinh tế, thực thi cơ chế thị trường, mở cửa với thế giới... thì đáng tiếc, mặt trận văn hóa đã rơi vào một tình trạng khủng hoảng trầm trọng!
Do không được chuẩn bị đầy đủ về nhận thức và tổ chức, không có biện pháp hữu hiệu và cụ thể gì về văn hóa, nên các thiết chế văn hóa đã lâm vào tình trạng  vô cùng lúng túng.
Khi Nhà nước đề ra ba chương trình kinh tế tôi đã viết ngay bài "Phải chăng ba chương trình kinh tế đã là đủ?" đăng trên báo Nhân Dân và sau đó còn viết một số bài về đặc điểm sản phẩm văn hóa, về tác dụng kinh tế thị trường với văn hóa... nhưng xem ra chẳng có tác dộng gì đến các nhà hoạch định chính sách.
Trải qua nhiều năm bị gò bó trong cơ chế quan liêu bao cấp, nay được mở rộng, hầu như mọi người đều đổ xô vào làm ăn kinh tế để tự cải thiện đời sống.
Mở cửa. Hàng loạt loại hình văn hóa đại chúng ồ ạt nhập vào, lấn sân các loại hình chính thống. Các thiết chế văn hóa phía Nam ít nhiều còn có kinh nghiệm hoạt động trong cơ chế thị trường. Các tổ chức văn hóa phía Bắc nhiều năm như đàn gà công nghiệp, chẳng biết xoay sở ra sao.
Trải qua nhiều năm chiến tranh, giờ con người mệt mỏi, mong được giải trí nhiều hơn là đòi hỏi tính chất giáo dục và thẩm mỹ. Chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa được ban bố nhưng chẳng có biện pháp gì kèm theo v.v...
 
Là một người quản lý, tuy rất băn khoăn lo lắng nhưng chẳng biết xử trí thế nào vì nhiều vấn đề vướng mắc không ở tầm tay của mình giải quyết. Chỉ lo đối phó những vướng mắc khó khăn trước mắt cũng đã vất vả.
Vừa phải chấp hành chủ trương dẹp bớt các đoàn sân khấu tư nhân bầu gánh xong thì lại có chủ trương xã hội hóa, lại phải lo củng cố các đoàn có triển vọng nhưng cũng không lại. Vì kinh tế khó khăn hàng loạt đoàn rã đám.
Ngay tại miền Nam vốn là nôi của cải lương thì cải lương cũng mất khách. Tuồng Chèo truyền thống nói chung ế ẩm. Sân khấu Kịch nói cũng hiếm có vở diễn gây ấn tượng.
Băng hình, đĩa nhạc nhập vào tràn lan. Các hãng phim ì ạch, sản xuất nhỏ giọt. Triển lãm mở ra khá nhiều nhưng dư âm không rõ rệt...
 
Thời gian khó khăn này tôi phải vào công tác phía Nam nhiều nhất. Hàng năm, trước cuộc họp tổng kết công tác văn hóa toàn quốc, Bộ đều phái tôi vào chỉ đạo tổng kết vùng ở miền Trung và phía Nam trước. Tôi cảm thấy rất rõ rệt, khả năng nói chung của giới văn hóa thường khá hơn những điều kiện làm việc mà cơ chế cho phép.
Nhưng thôi! không nói thì chắc mọi người cũng tự thấy rõ...
Tóm lại: Tôi đã may mắn được sống những ngày vui vẻ ở những năm đầu của nhiệm kỳ và đã ít nhiều ưu tư khi rời chiếc ghế thứ trưởng.
Nghe nói ngày xưa trong một cuộc họp nội các Pháp, có một vị thủ tướng đã tuyên bố: ở mỗi ngành hoạt động ông có một bộ trưởng phụ trách, riêng về văn hóa ông có hàng chục bộ trưởng... Ông yêu cầu tất cả các bộ trưởng trong chỉ đạo công việc của bộ mình, ngoài khía cạnh chuyên môn, phải đứng trên quan điểm chung về văn hóa.
Còn ở ta, hình như văn hóa chỉ là nhiệm vụ riêng của Bộ Văn hóa. Và Bộ Văn hóa thì trong mấy năm đã bị thay đổi cơ cấu tổ chức luôn...
Lúc này, dù có nhắm mắt lại cũng phải thừa nhận đất nước đã có sự phát triển nhất định, nhưng là sự phát triển không thăng bằng. Đời sống vật chất đã được nâng cao nhưng đời sống tinh thần thì chưa theo kịp.
Vẫn nghe nói: Văn hóa là động lực và mục tiêu phát triển nhưng những yếu tố tạo nên động lực là những gì, cơ chế vận hành của động lực ra sao?
 
Lại nhớ câu của Tào Mạt, trong nghĩa vụ làm quan tôi luôn nhớ cái nghiệp làm hề của mình. Quan thì có hạn nhưng Hề lại là nghiệp cả đời.
Sợ nhất là phương thức tư duy của Quan và Hề khác nhau. Không cẩn thận khi rời chiếc ghế quản lý thì có muốn làm Hề lại cũng khó, vì tư duy hình tượng và sáng tạo của mình đã mòn mỏi rồi.
Tôi đã cố kết hợp chức năng Quan và Hề làm một. Hầu như mọi tiết mục sân khấu (vì tôi là Hề sân khấu) mà mình có điều kiện, dù xa hay gần cũng cố tới xem. Các đợt hội diễn ca múa nhạc và sân khấu tôi chưa bao giờ vắng mặt (trừ đợt 85 ở thành phố HCM chuẩn bị xong là tôi lại phải sang chỉ đạo Những ngày Văn hóa VN ở Liên Xô và Mông Cổ).
Đã vào dự Hội diễn là theo dõi từ đầu tới cuối, không bỏ sót một tiết mục nào. Vì mình cũng là Hề nên duyệt với tôi không chỉ là để biết có được hay không mà còn cùng bàn nhau sửa chữa nâng cao thế nào cho đúng về nội dung và có chất lượng về nghệ thuật hơn.
Mỗi một vở diễn là kết quả công sức của cả một tập thể và một khối tiền nên tôi thường nghĩ cách cùng họ làm sao cho tiết mục đứng được. Nhờ đó nên suốt thời gian quản lý tôi chưa bao giờ phải buộc đình chỉ một tiết mục nào.
Kể ra cách làm việc như tôi cũng khá vất vả nhưng chính nhờ đó mà tôi chưa bao giờ xa rời phương thức tư duy hình tượng, xa rời thực tiễn sáng tạo của phong trào. Những lúc kế hoạch không quá khẩn trương tôi cũng đã tranh thủ trực tiếp đạo diễn một số vở như: Huyền Trân công chúa, Lịch sử hãy phán xét, Bệnh sĩ, Hão. Người tốt thành Tứ Xuyên v.v... do vậy mà năm 1994 nghỉ quản lý và 1998 nghỉ hưu tôi không có cảm giác thay đổi cuộc sống rõ rệt và sau nghỉ hưu, khi có thời gian tôi đã dựng Hồ Quý Ly, Nguyễn Trường Tộ và tiếp tục viết các công trình nghiên cứu.
 
Một số bạn nghề có lúc thân mật hỏi: Làm quan bấy nhiêu năm có bổng lộc gì không? Có! Thời buổi khó khăn, mỗi đêm duyệt và ở lại trao đổi thường có vài cốc bia và thuốc lá. Buổi nào muộn thì có thêm bát phở tại rạp hoặc ra quán phở khuya. Năm sắp thôi quản lý, tình hình khá hơn đôi chút thì mỗi tối duyệt có thêm chiếc phong bì đựng năm chục nghìn.
 
Về thu nhập tôi đã thua xa những bạn đạo diễn có nhuận bút làm nghề.
Thấy gia đình tôi ở một căn hộ tập thể 28 thước mà chúng tôi đã thuê được của Nhà đất từ trước, anh Văn Phác đã bổ sung cho tôi được thuê tiếp căn hộ 28 thước cuả anh Vũ Khắc Liên đã ở trước.
Tự ngẫm, mình cũng như người đứng giữa cầu thang, nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống... Và hạnh phúc là sự viên mãn, đầy đủ nhưng mức đầy đủ của hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Tây thì mênh mông... còn tôi chỉ là một chiếc ly nhỏ mà thôi.
 

Theo tapchihavan.vn