Sự kiện

Trịnh Thị Kim Ngọc. Con người và văn hóa nhìn từ lý thuyết về các đợt sóng văn minh

03 Tháng Mười Một 2013

Có thể tiếp cận với những vấn đề của con người và văn hoá từ nhiều góc độ. Từ cách tiếp cận phân tích các “đợt sóng” xã hội, Alvin Toffler đã hình dung lịch sử phát triển các nền văn minh như một sự nối tiếp nhau liên tục của các lớp sóng và cùng với nó là sự vận động của con người và văn hoá như những thành tố quan trọng tạo nên chỉnh thể xã hội loài người, với những nét thăng trầm và không ngừng thay đổi.

Trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Đợt sóng thứ ba, Alvin Toffler đã ẩn dụ các đợt sóng để chỉ các nền văn minh loài người, chúng không ngừng xô đẩy, va chạm, ảnh hưởng qua lại, thách thức và phủ nhận lẫn nhau - tượng trưng cho sự tồn tại và phát triển xã hội. Trên thực tế, khi nền kinh tế thay đổi, cũng thường kéo theo sự biến đổi của các yếu tố tâm lý, văn hoá, của những quan niệm truyền thống và thậm chí cả thể chế xã hội.

Trong phân tích các đợt sóng văn minh, Alvin Toffler không chỉ chú ý đến mặt sóng, mà đặc biệt quan tâm đến những quãng ngắt, những thời điểm gián đoạn của sự phát triển, để rồi lại có những sáng tạo mới điều chỉnh xã hội. Nhìn về "bộ mặt thế giới" với những biến đổi cực kỳ mạnh mẽ và phức tạp. Bên cạnh những thành tựu kỳ diệu, những bước tiến phi thường của trí tuệ loài người về khoa học, kỹ thuật và công nghệ v.v.., thì đồng thời cũng là những biểu hiện xuống cấp về nguồn năng lượng và môi trường sinh thái toàn cầu, về mối quan hệ của các thành viên gia đình và xã hội, về lòng tin vào con người dường như cũng bị giảm sút v.v..

Alvin Toffler coi các nền văn minh như một chỉnh thể được kết hợp, thay thế lẫn nhau của 4 yếu tố: kỹ quyển(khoa học kỹ thuật), thông tin quyển (công nghệ thông tin), xã quyển (văn hoá) và tâm quyển (niềm tin). Trong tương quan trên, ông đã nhìn thấy những nghịch lý xã hội ngày một gay gắt hơn: bên cạnh sự phát triển của kỹ quyển và thông tin quyển đang được ứng dụng rộng rãi trên mọi lĩnh vực, là sự xuống cấp của xã quyển, khi gia đình hạt nhân tan vỡ, lối sống đơn thân và ly thân xuất hiện ngày càng cao như một xu thế của xã hội. Chiến tranh vẫn tiếp diễn giữa nhiều quốc gia, giữa các dân tộc và tôn giáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thể chế chính trị. Trong bối cảnh đó tâm quyển cũng bị thay đổi dẫn đến sự phát triển của tự do tín ngưỡng ở mức khó kiểm soát, nhiều giá trị nhân văn truyền thống bị xâm thực, thậm chí ở đâu đó xuất hiện dấu hiệu suy thoái.

Theo Alvin Toffler, lịch sử nhân loại được hình dung trôi theo ba đợt sóng lớn - là ba nền văn minh kế tiếp nhau: nền văn minh nông nghiệp, nền văn minh công nghiệp và nền văn minh hậu công nghiệp. Cho tới nay, loài người đã trải qua hai đợt sóng lớn: Đợt sóng Thứ nhất là sự ra đời của nông nghiệp cùng với nó là nền văn minh nông nghiệp - bước ngoặt thứ nhất trong sự phát triển của xã hội loài người. Đợt sóng thứ hai là sự ra đời của công nghiệp hoá cùng với nó là nền văn minh công nghiệp. Hiện nay, đợt sóng thứ ba đang xuất hiện cùng với nền văn minh hậu công nghiệp. Ở đó, loài người đang chứng kiến sự hội nhập rộng rãi và phát triển của công nghệ thông tin, với những thành tựu vĩ đại của công nghệ sinh học (di truyền học), vật liệu mới..... Song đợt sóng thứ ba đang đồng thời là một thách thức lớn đối với xã hội loài người.

1.1. Con người và văn hoá trong đợt sóng văn minh thứ nhất

Trước khi Đợt sóng thứ nhất xuất hiện, con người sống thành nhóm nhỏ, sinh sống bằng săn bắt, hái lượm, đánh cá và chăn nuôi. Khoảng 8.000 năm trước CN, làng mạc bắt đầu hình thành và ở đó được tổ chức mọi hoạt động đời sống. Ruộng đất là cơ sở kinh tế đã trở thành yếu tố nền tảng quy định cả lối sống văn hoá, cấu trúc gia đình và thể chế chính trị. Lúc đó, gia đình được coi là đơn vị sản xuất chủ yếu bao gồm nhiều thế hệ của lực lượng lao động với sự phân công lao động hết sức giản đơn. Nền kinh tế phân quyền và mỗi đơn vị sản xuất tự tạo ra sản phẩm của mình theo nhu cầu riêng. Khi một số đẳng cấp đã được xác định rõ thì họ lại sử dụng quyền lực một cách cứng nhắc, độc đoán. Trên toàn cầu, mặc dù điểm xuất phát của trình độ văn minh của mỗi khu vực, mỗi quốc gia đều không giống nhau, nhưng những điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá về cơ bản đều được cắm rễ từ đất đai.

Mỗi nền văn minh đều có nguyên tắc và luật lệ riêng, điều tiết mọi hoạt động đời sống của hàng tỷ người, ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển chung của xã hội toàn cầu. Sự thay đổi từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội: từ chính trị, văn hoá, đến tinh thần, nhân cách của con người. Khi phân tích ảnh hưởng của nền văn minh nông nghiệp đối với nền văn minh công nghiệp, A.Toffler đã nhấn mạnh đến sự phân tách của sản xuất và tiêu dùng, sản xuất và trao đổi, từ đó con người - lực lượng sản xuất và đồng thời cũng là chủ thể tiêu dùng của xã hội cũng bị phân biệt thành con người sản xuất và con người tiêu dùng.

Việc chia tách giữa sản xuất và tiêu dùng gây ra sự xung đột lớn và sâu sắc giữa mục đích của người sản xuất (kể cả người lao động và người quản lý) vì để có một chế độ lương bổng, lợi nhuận và phúc lợi cao hơn, một bên, là nhu cầu ngược lại của người tiêu dùng, đó là sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hạ, mẫu mã đẹp, tiện lợi. Trong sự phận tách này, một mặt, lực lượng sản xuất được chuyên môn hoá và phân định rõ mục đích tạo ra của cải vật chất cho xã hội của từng thành phần kinh tế, khiến mọi thành viên xã hội phụ thuộc chặt chẽ với nhau hơn. Nhưng mặt khác, nó đã tạo ra một cơ chế sản xuất chạy theo lợi nhuận thặng dư, quan tâm đến số lượng nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm. Từ đó, cũng đồng thời xuất hiện một lớp người ham muốn vật chất và thực dụng, dẫn tới nhiều mối quan hệ như: quan hệ cá nhân, gia đình, cộng đồng, tình bạn, tình yêu v.v... đều bị thực dụng hoá, có chiều hướng xuống cấp dưới ảnh hưởng của lợi ích cá nhân.

1.2. Con người và văn hoá trong đợt sóng văn minh thứ hai

Ở rất nhiều quốc gia, sự xung đột quyền lực của đợt sóng thứ nhất và đợt sóng thứ hai nổ ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng và những biến động chính trị. Theo Al.Toffler, điều kiện tiên quyết của mọi nền văn minh là năng lượng và nền văn minh thứ hai dùng năng lượng chủ yếu là than đá và dầu khí để sản xuất, đây là những nguyên liệu không thể khôi phục được, lại phải khai thác tập trung và có giới hạn. Trên cơ sở năng lượng đó, đợt sóng thứ hai đã đẩy mạnh công nghệ lên một trình độ cao, tạo ra những máy điện cơ khổng lồ, đặc biệt là sản xuất ra những máy công cụ tạo thành hoạt động dây truyền, một loạt những ngành công nghiệp ra đời: công nghiệp than, dệt, đường sắt, cơ khí ô tô, nhôm, công nghiệp hoá chất, thiết bị... Cạnh đó là các đô thị đồ sộ xuất hiện. Các trung tâm công nghiệp sản xuất ra hàng loạt những sản phẩm giống nhau, họ không hề nghĩ rằng, sản phẩm của họ sẽ mất giá trị nếu như không quan tâm đến phương thức phân phối và việc nghiên cứu thị trường. Sự ra đời của sản xuất hàng loạt đã làm thay đổi cả phương thức sản xuất và tiêu thụ. Công nghệ của đợt sóng thứ hai đòi hỏi những tư bản lớn liên kết với nhau hình thành cả những công ty trách nhiệm hữu hạn đồ sộ.

Nền văn minh công nghiệp đã tạo ra một lực lượng sản xuất như những “những cỗ máy liên hoàn” được trang bị chuyên môn hoá đến tàn bạo, dẫn đến việc con người phát triển thiếu toàn diện: một số cơ quan chức năng như cơ bắp, ngón tay bấm nút v.v.. được phát triển mạnh, trong khi đó những cơ quan khác lại trở nên thiếu nhạy cảm hơn.

Nền văn minh công nghiệp lấy nhà máy làm trung tâm, mọi thiết chế xã hội, các sinh hoạt của con người phải lấy đó làm mô hình chuẩn. Gia đình hạt nhân được cô đặc đến mức tối thiểu chỉ còn bố mẹ và con cái, linh hoạt và dễ cơ động trong việc đáp ứng yêu cầu về nhân lực: “Khi đợt sóng thứ hai bắt đầu tràn qua..... các gia đình đều cảm thấy cái stress của sự thay đổi: Trong mỗi hộ, sự va chạm của các bước sóng xung đột, những đợt tiến công vào quyền gia trưởng, đã biến đổi các quan hệ giữa con cái và bố mẹ, các khái niệm mới về sở hưũ. Vì sản xuất kinh doanh chuyển từ ruộng đất sang nhà máy, nên gia đình không cùng làm việc như mộtt đơn vị nữa...các chức năng them chốt của gia đình bị chia nhỏ thành những thể chế mới, chuyên môn hoá....Cơ cấu gia đình cũng bắt đầu thay đổi, bị các cuộc di cư vào thành phố và cùng các cuộc bão táp kinh tế đánh đổ, các gia đình mất dần những họ hàng không mong muốn, trở nên nhỏ hơn, cơ động hơn và thích hợp hơn với những nhu cầu của bầu khí quyển công nghệ. Cái gọi là gia đình hạt nhân gồm bố mẹ, một vài đứa con không gây phiền nhiễu trở thành mô hình hiện đại, tiêu chuẩn được xã hội tán thành[3].

Như vậy, sự thay đổi của kỹ thuật và công nghệ, kéo theo cả hệ thống giáo dục và an sinh xã hội, khi mà cha mẹ cũng không còn có thời gian chăm sóc con trẻ và đẩy trách nhiệm nhiều hơn cho nhà trường theo kiểu đại chúng; gia đình và trường học như vậy đã biến các thế hệ thanh niên thành lực lượng lao động tập thể theo kiểu nền công nghiệp điện cơ và dây chuyền; người già trong gia đình cũng thiếu sự chăm sóc của con cái, họ chỉ còn biết chấp nhận với những hoạt động của các nhà an dưỡng công ích.

Trong nền văn minh thứ hai này, A.Toffler đã đề cập đến cái mà ông gọi là những mã số của nền văn minh công nghiệp tức là “một loạt các qui tắc chỉ đạo toàn bộ hoạt động đời sống hình dung như một kiểu “design lặp đi lặp lại”. Các qui tắc đó phát triển một cách tự nhiên và được A.Toffler tổng hợp lại như sau:

- Tiêu chuẩn hoá được áp dụng không chỉ trong từng khâu sản xuất, từng phân xưởng, mà trong toàn bộ dây truyền và công ty;

- Chuyên môn hoá trên cơ sở đồng bộ và toàn bộ, công nhân chỉ biết làm một việc như một cái máy đơn điệu;

- Đồng bộ hoá được coi là sự phối hợp nhịp nhàng với nhau do sự tách rời ngày càng rộng lớn giữa sản xuất và tiêu dùng bắt buộc con người trong nền văn minh công nghiệp phải thay đổi cả cách xử lý thời gian và kinh phí. Con người phải vận hành theo nhịp độ của máy móc, chặt chẽ, tinh vi và chính xác hơn;

- Sự tích tụ cũng là một mã số đáng quan tâm trước hết đó là năng lượng, là sự tập trung dân cư từ nông thôn ra các đô thị khổng lồ;

- Cực đại hoá được tính đến khi nền kinh tế tách biệt giữa sản xuất với tiêu dùng tạo ra trong xã hội tâm lý thích quy mô đồ sộ. Ở tất cả các nước có nền văn minh công nghiệp này, người ta thường khoe những toà nhà chọc trời, những đường phố phố to rộng và đông dân, những nhà máy khổng lồ.v.v.. và tự hào với những thành quả đó;

- Tập trung hoá công nghiệp hoá thúc đẩy sự tập trung cao độ trong nền kinh tế đòi hỏi chế độ chính trị cũng phải chặt chẽ hơn, đẩy mạnh quyền lực cũng như độc quyền về tiếng nói quyết định, đặc biệt ở cấp trung ương.

Nói tóm lại, với cuộc cách mạng công nghiệp, đợt sóng thứ hai đã thiết kế xã hội theo mô hình nhà máy, sản xuất hàng loạt, sản xuất để tiêu thụ. Giáo dục, thông tin đều theo hướng đại chúng hoá; con người trong xã hội trở nên quy lát, tôn trọng kỷ luật lao động hơn.. Đợt sóng thứ hai đã thị trường hoá thế giới, không một quốc gia hoặc nền văn minh nào có thể khép kín số phận của mình khi thị trường truyền bá niềm tin với động cơ kinh tế là những động lực chính của cuộc sống con người. Nó nuôi dưỡng quan điểm cuộc sống là các hợp đồng: “Hợp đồng sinh - dưỡng”, “Hợp đồng hôn nhân”, “Hợp đồng giáo dục”, “Hợp đồng xã hội”.v.v..

1.3. Đợt sóng văn minh thứ ba

Theo A.Toffler, thế giới hiện nay ngày càng thể hiện rõ hơn sự hiện diện của một làn sóng mới được gọi là đợt sóng thứ ba. Song sự thay thế này cũng sẽ lại trải qua những đấu tranh quyết liệt, thậm chí còn gay gắt hơn khi làn sóng văn minh thứ hai thay thế cho làn sóng văn minh thứ nhất.

Nền văn minh của đợt sóng thứ hai đã đưa nhân loại tiến đến một bước phát triển cao nhưng mặt khác cũng đang tạo ra những khủng hoảng mới mang tính toàn cầu: môi trường sinh thái bị đe doạ, ô nhiễm đại dương và không khí, tầng ozon bị phá thủng, nguồn năng lượng lấy từ lòng đất ngày càng cạn kiệt, bệnh AIDS đã trở thành hiểm họa của loài người v.v... Về chính trị: phong trào đòi ly khai, chiến tranh tôn giáo sắc tộc ngày càng sâu sắc. Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn. Tâm lý con người bị ức chế, gia đình tan vỡ, tệ nạn xã hội tràn lan, tỷ lệ người không tìm thấy lẽ sống gia tăng v.v....

Tất cả các hiện tượng xã hội nêu trên thoạt nhìn có vẻ phức tạp, nhưng theo A.Toffler, tất cả đều có chung một nguồn gốc khi nền văn minh công nghiệp đã đi vào giai đoạn bế tắc. Khi nền sản xuất dựa trên cơ sở điện cơ khí không còn phù hợp, nó đòi hỏi một sự chuyển giao công nghệ mới của nền văn minh hậu công nghiệp và kéo theo đó là hàng loạt những thay đổi khác: “Đợt sóng thứ ba mang cùng với nó một lối sống mới thực sự dựa vào các nguồn năng lượng đa dạng đổi mới được vào những phương pháp sản xuất sẽ làm cho hầu hết các đường lối tập hợp xí nghiệp trở nên lỗi thời: vào những gia đình mới phi hạt nhân; vào một thể chế mới có thể nói là ngôi nhà điện tử” và vào những trường học và những công ty của tương lai đã thay đổi triệt để. Nền văn minh viết một bộ luật mới về hành vi chúng ta và đưa chúng ta vượt qua sự tiêu chuẩn hoá, sự đồng bộ hoá và sự tập trung hoá, vượt qua sự tập trung năng lượng tiền tệ và quyền lực[4].

A.Toffler đã phân tích các đặc trưng của nền văn minh hậu công nghiệp bắt đầu trên các mặt công nghệ xã hội và tâm lý cá nhân. Xuất phát từ việc nền công nghiệp mới dựa trên cơ sở nguồn năng lượng có thể tái sinh, sẽ vừa hạn chế được nguồn năng lượng và vừa hạn chế được mức độ ô nhiễm môi trường. Điện tử và máy tính ngày càng đem lại những biến đổi lớn về diện mạo của nền kinh tế với những ngành sản xuất hiện đại: Công nghiệp nghiên cứu và khai thác đại dương triển vọng, công nghệ gen với những thành quả của di truyền học đã cho phép loài người bước vào ngưỡng cửa của lĩnh vực chế tạo ra “vật liệu sống”. Từ lĩnh vực y học - phòng, chữa bệnh hay cải thiện giống nòi, cho đến lĩnh vực sản xuất lương thực, hay các hợp chất nâng cao chất lượng cuộc sống, công nghệ di truyền cũng đã đem lại những kết quả đặc sắc.

Trong đợt sóng thứ ba một vấn đề nổi trội là phi đại chúng hoá. Với nền văn minh công nghiệp của đợt sóng thứ hai, mục tiêu phấn đấu là sản xuất hàng loạt để bán, còn trong làn sóng thứ ba sản xuất thay đổi theo hướng “nhỏ trong lớn” để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ từng người, từng nhóm người với mục tiêu cụ thể trong xã hội. Việc sản xuất và tiêu thụ dần dần khắc phục được hiện tượng phân tách, sản xuất linh hoạt và năng động hơn khi vừa để dùng vừa để bán. Việc sản xuất trước đây chỉ trong nhà máy, nay có thể chuyển về từng gia đình trong “ngôi nhà điện tử” của mình, bởi nó không yêu cầu 100% lực lượng sản xuất phải có mặt tại công xưởng, mà ở một số nước phát triển như Mỹ, Nhật, nhiều cơ sở sản xuất lớn đã cho phép từ 35-50% nhân công làm việc tại “ngôi nhà điện tử” của mình. Khi đó toàn bộ hoạt động của cuộc sống, từ cấu trúc của gia đình, quy trình nuôi dưỡng giáo dục trẻ, sự hình thành cá tính của trẻ em, mạng lưới xã hội, cộng đồng.... tới toàn bộ hệ thống sở hữu - quyền lực cũng sẽ thay đổi theo.

Nhiều khái niệm trước đây đã được làn sóng thứ hai công nhận và thực hiện, nay lại cần tiếp tục xem xét. Ví dụ như, thời gian, không gian dường như giờ đây đã mất đi tính tuyệt đối mà chỉ còn là tương đối; hiệu suất, hiệu quả cũng được nhìn nhận lại: tới nay các nhà kinh tế học chỉ so sánh sự khác nhau trong việc sản xuất cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ, họ ít khi so sánh hiệu suất nó trong khu vực B (sản xuất để bán) đối với hiệu suất tiêu sản nó trong khu vực A (sản xuất để tự tiêu). Ngay những khái niệm như “thu nhập”, “phúc lợi”, “nghèo khổ” hoặc “thất nghiệp” cũng phải xem xét cho phù hợp khi cuộc sống xã hội thay đổi theo đợt sóng thứ ba.

Khi nói về cuộc “siêu đấu tranh” cho một nền văn minh mới trong tương lai, Alvin Toffler đã nêu rõ: Một nền văn minh mới đang xuất hiện trong cuộc sống chúng ta... Nền văn minh mới ấy mang đến cũng với nó những phong cách gia đình mới; những cách làm việc, yêu đương và sống biến đổi; một nền kinh tế mới; và vượt lên trên tất cả những điều này, nó còn mang đến một ý thức đã thay đổi. Hôm nay, những mảng của nền văn minh mới ấy vẫn đang tồn tại. Có hàng triệu người đã chuyển cuộc sống của họ theo nhịp điệu của ngày mai. Còn những người khác, khiếp sợ đang tháo chạy tuyệt vọng và đang cố khôi phục lại cái thế giới đã sinh ra họ đang chết dần [5]”.

Đợt sóng văn minh thứ ba với nền kinh tế tri thức cũng kéo theo những biến động không nhỏ đối với cuộc sống con người và tạo nên một kiểu văn hoá tổ chức và hoạt động xã hội hoàn toàn khác, không giống như các “design được lặp đi lặp lại” truớc đây. Biểu hiện rõ nét nhất là ảnh hưởng của "ngôi nhà điện tử" đến hoạt động cộng đồng, tâm lý cá thể, phương thức quản lý lao động, đến môi trường và nhiều vấn đề kinh tế khác, qua một số dẫn chứng sau đây:

- Trước hết là ảnh hưởng đến hoạt động cộng đồng: Ở một số nước phát triển như ở Mỹ, Anh và Nhật, nhiều tư bản trong lĩnh vực công nghệ cao đã bước đầu triển khai phương thức sản xuất cho người lao động làm việc tại các "ngôi nhà điện tử", trong các "cabinet" của mình tại nhà. Với cách làm việc như vậy, trước hết, người lao động sẽ giảm được những di chuyển cơ học bắt buộc, tránh được stress do ồn ào, khoảng cách và ảnh hưởng của ô nhiễm. Những mặt khác, những cơn lốc tinh thần đang nổi lên dữ dội ở nhiều quốc gia phát triển. Một Chủ tịch Ủy ban sức khoẻ tâm thần tại Washington thông báo rằng: khoảng 1/4 tổng số công dân nước Mỹ mắc những hình thức của những stress trầm trọng về xúc cảm và hầu như không có gia đình nào ở nước Mỹ lại không có người mắc một hiện tượng hỗn loạn nào đó về tâm thần[6], thì đó có thể là một giải pháp tốt để giảm thiểu hiện tượng này. Tuy nhiên, do hoạt động cá nhân tăng cường thì những hoạt động cộng đồng lại giảm sút, quan hệ cộng đồng vì thế cũng trở nên thiếu chặt chẽ hơn. Trong khi, yêu cầu của một nền văn minh đang tới là cần phải tạo ra một đời sống cảm xúc hoàn hảo và một bầu khí quyển tâm lý lành mạnh, thoả mãn được cả 3 nhu cầu của cá nhân về: cộng đồng, cấu trúc và ý nghĩa[7], thì những chính những ảnh hưởng của mô hình sản xuất trên đã tạo ra những mâu thuẫn mới trong xã hội cũng như trong bản thân mỗi con người.

- Về tâm lý cá nhân: khi làm việc tại nhà với các hoạt động trí óc, người lao động một mặt, có điều kiện chủ động sắp xếp công việc, tiết kiệm thời gian, độc lập trong tư duy sáng tạo, nhờ đó tăng cường được vai trò và trách nhiệm cá nhân. Mặt khác, khi con người đã quen với một nếp làm việc chủ động và ít có sự phối hợp giữa các đồng nghiệp thì tính kỷ luật lao động cũng đồng thời giảm sút, khác hẳn so với phương thức làm việc của những hoạt động sản xuất dây chuyền trước đây. Và một điều trở nên khủng khiếp hơn là khi con người dừng làm việc, họ sẽ cảm thấy trống trải và rất cô đơn.

- Từ đặc thù công việc dẫn tới phương thức quản lý nhân sự và tổ chức lao động cũng trở nên linh hoạt hơn. Người quản lý sẽ không đánh giá hiệu quả lao động bằng số giờ làm việc mà đánh giá bằng số lượng và chất lượng sản phẩm làm ra. Ngay cả nhà quản lý cũng có thể vẫn tổ chức và điều khiển công việc mọi nơi mọi lúc, không cần tới một sự giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, phương thức hoạt động này chỉ có được hiệu quả cao khi người lao động đạt được một trình độ tự giác cao, có một cấu trúc gia đình và chế độ sinh hoạt đặc thù. Khảo sát một số doanh nghiệp phần mềm Hàn Quốc cho thấy, mặc dù người Hàn Quốc về bản chất là dân tộc có kỷ luật lao động cao, song mặt khác chủ doanh nghiệp vẫn tâm đắc với việc tổ chức hoạt động sản xuất tập trung với mục đích thường trực đáp ứng các nhu cầu cung cấp sản phẩm, với các yêu cầu điều chỉnh thiết kế cũng như đảm bảo bí mật công nghệ.

- Về môi trường: khi những di chuyển bắt buộc của người lao động giảm thiểu, trước hết là hệ thống giao thông cũng bớt căng thẳng và do đó môi trường được cải thiện. Hệ thống ngôi nhà điện tử ít nhiều sẽ phân tán nhu cầu năng lượng tập trung, do đó con người sẽ tận dụng được nhiều hơn năng lượng tự nhiên, như mặt trời, gió và các năng lượng khác v.v.. hạn chế việc dùng nhiên liệu gây ô nhiễm lớn cho môi trường.

- Về kinh tế: khi cuộc sống lao động quá bận rộn, con người cũng không thấy nhu cầu di chuyển hay phương tiện đi lại sẽ không phải là vấn đề cần cấp thiết đặt ra. Lao động trí óc không đòi hỏi nguồn năng lượng như sản xuất công nghiệp mà chủ yếu chỉ là điện năng với một công suất không lớn. Trong bối cảnh đó, nhu cầu sản phẩm của một số ngành công nghiệp nặng như khai thác dầu mỏ, sản xuất ô tô có thể giảm hơn, nhưng ngược lại các ngành công nghệ cao như điện tử, viễn thông lại phát triển mạnh, trở thành xương sống của nền kinh tế. Trong một xã hội với phương thức sản xuất như vậy, người lao động khi đã có các thiết bị điện tử có nghĩa là họ đã sở hữu các phương tiện sản xuất, dẫn tới việc quan hệ sản xuất mới ra đời.

Khi cuộc sống của con người được xây dựng trên cơ sở của nền kinh tế phi đại chúng, họ có ý thức ngày càng cao về thời gian, hình thức và hiệu quả công việc, tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần mới trong cuộc sống. Khi ngay cả bản thân gia đình với tư cách là tế bào xã hội cũng có nguy cơ tan vỡ, thì những ràng buộc hôn nhân cũng chỉ được coi như kết bạn đồng hành, với sự chia sẻ thầm kín về tâm sinh lý và cùng hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Trong bối cảnh đó, đạo đức thị trường trở nên chiếm ưu thế dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, nó trở thành tiêu chí phân loại các nhóm người khác nhau trong cộng đồng theo mức độ sở hữu những của cải, vật chất mà họ sở hữu. Ngoài ra, đạo đức tiêu dùng lúc đó sẽ nhìn nhận và đánh giá con người theo những gì họ có hay họ làm ra được.

Khi mọi tầng lớp xã hội tiếp cận với cả vấn đề sản xuất và tiêu dùng đòi hỏi thông tin quảng cáo phải phát triển đến mức đại chúng hoá. Nhờ những phát minh khoa học cùng với những cơ sở sản xuất tạo ra các phương tiên thông tin hiện đại, được cộng hưởng bởi nhu cầu xã hội ngày càng vươn tới cái tốt, cái đẹp, cái rẻ. Tuy nhiên, trong thông tin qua truyền hình và sách báo, thì chỉ có ngôn ngữ của một số quốc gia có nền kinh tế phát triển như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức... sẽ trở nên chiếm ưu thế hơn, trong khi đó nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ của các dân tộc chậm phát triển hơn lại bị rơi vào tình trạng suy thoái, thậm chí có nguy cơ diệt vong.

Nhịp sống thay đổi sẽ ảnh hưởng tới đời sống văn hoá và nghệ thuật. Nền văn hoá tự nó đang bị phi tiêu chuẩn hoá. Con người ngày nay giàu có và được giáo dục hơn cha mẹ của họ, họ đối diện với nhiều khả năng chọn lựa trong cuộc sống hơn nên đơn giản họ từ chối mọi hình thức đại chúng hoá. Nhịp sống mới và cá nhân hoá trong công việc, trong tiêu dùng có thể thực hiện được nhờ những công nghệ điện tử hiện đại. Một số ví dụ rõ nét là: máy vi tính và điện thoại di động giúp các tổ chức và cá nhân thực hiện công việc với thời gian linh hoạt, đầu video cho phép khán giả ghi lại bất kỳ chương trình truyền hình nào và xem lại bất kỳ lúc nào họ muốn v.v...

Khi thay đổi cấu trúc của xã hội, gia đình con người cũng cần vận động để thích nghi. Đợt sóng thứ ba không tạo ra một thế hệ con người mới, mà là một lớp người với những tính cách xã hội mới, trong đó có nhiều mẫu người được đa dạng hoá với những tiềm năng phát triển riêng, đặc trưng đối với các nhóm nghề nghiệp và nhu cầu xã hội. Những tính cách của con người trong Đợt sóng thứ ba được hình thành từ sự thôi thúc nội tâm cá nhân dưới ảnh hưởng của nhiều trào lưu xã hội. Họ phải là những người tràn đầy nhiệt huyết và trách nhiệm, với những mục tiêu cuộc sống thiết thực hơn, nhưng cũng là những con người dám đối mặt với rủi ro và biết chấp nhận nó; họ có khả năng xử lý hiệu quả những nhiệm vụ lớn trong sự tổ chức phối hợp nhóm làm việc; họ linh hoạt thích nghi với các tình huống thay đổi và hoà nhập dễ dàng.

Nói như vậy, không phải A.Toffler không thấy hoài nghi rằng: Liệu sự thay đổi của công nghệ và các cuộc nổi dậy của xã hội có phải là sự kết thúc của tình bạn, tình yêu, sự cam kết, tinh thần cộng đồng và sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau hay không?[8] Trước những thách thức của một nền văn minh mới đang tới gần, A.Toffler đã đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng một bầu khí quyển tâm lý lành mạnh với những tính cách xã hội và giá trị cộng đồng mới, đó là: dũng cảm tấn công và nỗ lực giảm thiểu sự cô đơn trong xã hội hiện đại, tăng cường giao tiếp cộng đồng từ xa bằng nhiều hình thức truyền thông, điểu chỉnh sinh kế cho phù hợp với điều kiện mới, tái thiết lại cấu trúc phù hợp của cuộc sống, lành mạnh hoá các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng v.v... với mục tiêu xây dựng một môi trường văn hoá hoà bình và cùng đồng thời phát triển.    

Bằng cách tiếp cận của mình, A.Toffler đã tìm cách cắt nghĩa riêng về bản chất của các giai đoạn phát triển và sự vận động của cuộc sống con người theo quy luật tồn tại của nó. Qua phân tích các mặt sóng xã hội ông đã chỉ ra những tiềm năng hấp dẫn của Đợt sóng thứ ba, chia sẻ cả những băn khoăn và việc tự lý giải:... Đột nhiên chúng ta phát hiện ra rằng bản thân những điều kiện, dù có gây nên những nguy hiểm lớn nhất ngày nay, cũng đồng thời mở ra những tiềm lực mới hấp dẫn. Đợt sóng thứ ba sẽ chỉ cho chúng ta những tiềm lực mới đó[9].

Xét về mặt thế giới quan triết học, quan điểm của tác giả có nhiều điểm khác với chúng ta, cần thiết được tranh luận và làm rõ. Song người bình luận thiết nghĩ, chúng ta có thể cùng A.Toffler hy vọng về những triển vọng của một nền văn minh mới, khi Đợt sóng thứ ba đã thực sự chín muồi, được sáng tạo bởi trí tuệ của những con người lao động thực thụ - xứng đáng được gọi là nền văn minh tri thức hay nền văn minh con người.



[1] Nhà xã hội học và tưong lai học của Mỹ, giáo sư Trường Đại học Cornell, nhà khoa học nổi tiếng của tổ chức mang tên Russell. Ông đã đạt 5 bằng tiến sĩ về các ngành khoa học Xã hội nhân văn như: triết học, văn học và luật học, xã hội học v.v...

[2] Cuốn sách nổi tiếng của Alvin Toffler được Nguyễn Lộc và Phan Ngọc dịch từ nguyên bản tiếng Anh và đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội in và phát hành, năm 1996. Cuốn sách này cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Pháp, Đức Nhật, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Việt Nam v.v... và được đón đọc ở gần 50 quốc gia trên thế giới.

[3] Alvin Toffler. Sđd. Tr. 87.

[4] Alvin Toffler. Sđd. Tr. 60.

[5] Alvin Toffler. Sđd. Tr. 59.

[6] Alvin Toffler. Sđd. Tr. 560.

[7] Alvin Toffler. Sđd. Tr. 562.

[8] Alvin Toffler. Sđd. Tr. 568.

[9] Alvin Toffler. Sđd. Tr. 50.

Theo vanhoahoc.edu.vn