Nghiên cứu lý luận

Đưa âm nhạc Chèo vào hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu, thành phố Ninh Bình

16 Tháng Mười Một 2021

Đưa âm nhạc Chèo vào hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu, thành phố Ninh Bình

Phạm Tuấn Linh

Học viên K11 – LL&PPDHAN

         Trong nền văn hoá của dân tộc Việt Nam, Chèo là loại hình nghệ thuật đã được hình thành, phát triển từ rất sớm. Và cũng là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ và các loại hình nghệ thuật dân gian khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.  Nói đến nghệ thuật Chèo, chúng ta không thể không nhắc đến âm nhạc. Vai trò của âm nhạc trong Chèo bao gồm sự kết hợp giữa hai yếu tố đàn và hát, tạo nên nét đặc trưng riêng cho nghệ thuật Chèo truyền thống.

          Đưa âm nhạc Chèo vào hoạt động ngoại khóa trong trường phổ thông nói chung, học sinh tại trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu nói riêng là một biện pháp thiết thực để truyền bá và giáo dục lòng yêu mến, tự hào với những di sản văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa quê hương. Đó là tiêu chí hướng con người tới giáo dục toàn diện, hướng các em tới cái đẹp, cái chân - thiện - mỹ, góp phần phát triển nhân cách, qua đó trang bị cho các em học sinh hành trang vững bước và thời kỳ hội nhập, phát triển và đổi mới của đất nước. Việc tiếp cận âm nhạc Chèo giúp học sinh phát triển toàn diện và phát huy năng lực cảm thụ âm nhạc, làm cho đời sống tinh thần các em thêm phong phú, lành mạnh, tạo điều kiện để các em bộc lộ và phát triển năng khiếu, góp phần phát triển toàn diện và hài hòa về tính cách cho các em.

1. Thực trạng hoạt động ngoại khóa âm nhạc cho học sinh tại trường THCS Trương Hán Siêu

          Trường Trung học cơ sở  Trương Hán Siêu nằm trên địa bàn phường Thanh Bình thuộc thành phố Ninh Bình, tiền thân là phân hiệu Năng khiếu của trường THCS Lý Tự Trọng – Thị xã Ninh Bình. Thời gian qua, trường đã quan tâm đến hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho học sinh trong Trường. Các chương trình ngoại khóa thường hướng tới các ngày lễ lớn, được tổ chức định kỳ như: ngày lễ 20/11; khai giảng năm học mới; kết thúc năm học… Các chương trình ngoại khóa thường hoạt động dưới dạng luyện tập chương trình biểu diễn hay giao lưu văn nghệ theo chủ điểm. Hình thức sinh hoạt ngoại khóa đã thu hút sự chú ý, tham gia của học sinh. Với những hoạt động âm nhạc phong phú, đa dạng như tổ chức trò chơi, thi hát, thi tìm hiểu âm nhạc, biểu diễn hát múa....nhiều học sinh đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc trong các hoạt động, nhiều giọng ca có triển vọng được phát hiện và có hướng bồi dưỡng kịp thời, về cơ bản các buổi ngoại khóa âm nhạc tại trường đã được tổ chức khá thành công. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại khóa âm nhạc này là ca khúc thiếu nhi mới, đôi khi có lựa chọn một số bài dân ca trong chương trình dạy học chính khóa. Việc lựa chọn hát Chèo hầu như không được chú trọng đưa vào các hoạt động này.

2. Một số biện pháp đưa âm nhạc Chèo vào hoạt động ngoại khóa cho học sinh

* Tổ chức dàn dựng, biểu diễn hát Chèo có kết hợp với Trống đế và Mõ

          Trong hoạt động ngoại khóa âm nhạc trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu tổ chức cho học sinh biểu diễn nhạc cụ và hát Chèo, là hoạt động âm nhạc ngoại khóa được học sinh yêu thích và hưởng ứng. Tạo sân chơi có ý nghĩa, vừa học nhưng lại là chơi, và chơi nhưng mà học. Hoạt động này tạo điều kiện cho việc phát hiện, khám phá, giao lưu, kích thích sự ham hiểu biết. Vừa khuyến khích sự say mê yêu thích, đồng thời để phát hiện tài năng rồi hướng nghiệp cho học sinh.

* Xây dựng các cuộc thi với chủ đề âm nhạc Chèo

          Trong hoạt động ngoại khóa âm nhạc, giáo viên phụ trách chuyên môn đóng vai trò chủ đạo, hướng dẫn, định hướng học sinh phát huy lòng đam mê, năng khiếu, năng lực sáng tạo của mình bên cạnh đó khuyến khích tinh thần làm việc theo nhóm. Hoạt động này chỉ có thể tạo hứng thú say mê cho các em khi có sự tranh đua, thi giữa các lớp, các nhóm nhưng giáo viên phụ trách cần phải khéo léo trong việc đánh giá, cần tạo không khí thi đua lành mạnh tránh sự đố kị trong tập thể học sinh. Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức nội dung sinh hoạt ngoại khóa thi đặt lời mới, sẽ kích thích sự sáng tạo ở các em học sinh. Bởi khi đặt lời mới cho Hát Chèo, chính là chúng ta đang hướng các em vào việc yêu quý, trân trọng và bảo tồn nền văn hóa truyền thống. Dựa trên phần lời các em đã đặt, các em sẽ vận dụng được tất cả những gì mình đã biết, thể hiện sự sáng tạo cũng như khả năng kết hợp những động tác khi biểu diễn. Từ lời nói, động tác diễn, cách hát phải được luyện tập kỹ lưỡng, nhuần nhuyễn. Để thực hiện được nội dung này, cần có sự chuẩn bị của Ban tổ chức về cơ sở vật chất, trang phục, đạo cụ…Vì thế, chủ đề hát cần được thông báo sớm để học sinh có sự chuẩn bị chu đáo.

* Tổ chức dã ngoại, tìm hiểu và gặp gỡ nghệ nhân, nghệ sĩ Chèo

          Nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan dã ngoại học tập, dã ngoại thực hành, dã ngoại hướng nghiệp, dã ngoại vui chơi với hoạt động đội – nhóm giúp các em có cơ hội để tiếp xúc với thực tế, khám phá về môi trường tự nhiên, rèn luyện các kĩ năng: xử lý tình huống, kĩ năng giao tiếp, làm việc tập thể, kĩ năng quản lý thời gian… Giúp các em được trải nghiệm những chuyến vui chơi, thư giãn đầy bổ ích và thiết thực.

* Thành lập câu lạc bộ dạy hát Chèo

          Ở một trường phổ thông muốn phát triển năng lực âm nhạc của học sinh, cần phải có tổ chức câu lạc bộ để học sinh được thỏa sức học tập, trao đổi và thể hiện khả năng, năng lực âm nhạc của bản thân. Phong trào âm nhạc ca hát trong nhà trường cần thiết phải xây dựng được câu lạc bộ. Do vậy, người giáo viên nên thực hiện tuần tự theo các bước như sau:

          - Bước 1, Phát động và khuyến khích học sinh tham gia, không nên tuyển chọn quá khắt khe khả năng âm nhạc hoặc đòi hỏi một năng lực đặc biệt nào của học sinh, bởi đây là nơi khơi nguồn cảm hứng, là nơi vừa học tập, vừa trao đổi, vui chơi, giải trí được thể hiện chứng kiến của bản thân học sinh. Nếu khắt khe chỉ tuyển chọn những em có năng khiếu vừa thể hiện sự cực đoan, thiếu thực tiễn, vừa làm nhụt ý chí cũng như nguồn cảm hứng sáng tạo của học sinh.

          - Bước 2, Xây dựng nội dung chuyên môn và quy chế hoạt động của câu lạc bộ. Đây là khâu quan trọng bởi câu lạc bộ muốn hoạt động tốt cần phải có nội dung tổng thể, chi tiết về kiến thức (ca hát, nhảy, múa, dàn dựng, biểu diễn...), cách thức tổ chức, và mô hình hoạt động như thế nào? Quy định cụ thể về thời gian, đại điểm, lịch trình, phương pháp và thử pháp triển khai các hoạt động. Sao cho câu lạc bộ luôn tồn tại và phát triển phù hợp với khả năng, năng lực của cá nhân hoặc nhóm học sinh. Ví dụ như thành lập câu lạc bộ chèo thì không nhất thiết các em đều phải biết hát chèo hoặcdiễn chèo, mà trước hết là học sinh tự nguyện, ham hiểu biết, khám phá, trải nghiệm về chèo là được. Từ đó, giáo viên có thể xây dựng nội dung học hát, học múa, học diễn, hoặc thảo thuận, đánh giá, làm khán giả chèo...

          - Bước 3, tổ chức triển khai các hoạt động theo những nội dung và quy chế đã được tập thể thảo luận thông qua, sao cho những nội dung và cách thức tổ chức phải đa dạng, phong phú, truyền được cảm hứng đến học sinh và kích thích sự sáng tạo, thích khám phá tìm hiểu những điều mới lạ, và cả những gì tốt đẹp mang giá trị truyền thống của văn hóa địa ở phương.

          - Bước 4, Cố gắng có những tổng kết, đánh giá để chỉ ra những mặt tích cực, còn tồn tại và phát huy phát triển cả nội dung và hình thức rộng hơn, sâu sắc hơn; Đồng thời tìm nguồn để có được cơ sở vật chất tối thiểu cho hoạt động câu lạc bộ phát triển.

KẾT LUẬN

          Âm nhạc Chèo hiện nay đã có những đổi thay nhất định, ngoài các làn điệu hát Chèo lời cổ thì người dân đã đặt lời mới theo một số làn điệu hát Chèo để phù hợp với cuộc sống hiện tại của người dân. Âm nhạc Chèo ngày nay có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Ninh Bình, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương, là sợi dây gắn kết mọi người trong cộng đồng với nhau, làm phong phú thêm đời sống, thúc đẩy con người sáng tạo văn hóa, giáo dục người dân về truyền thống, lòng tự hào dân tộc.

          Để giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc thì âm nhạc có ưu thế đặc biệt, nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Hơn nữa, trong thời đại bùng nổ của Công nghệ thông tin, các chương trình văn hóa, giải trí đang ngập tràn trên Internet, trên sóng phát thanh truyền hình khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng đang bị lấn át và có nguy cơ mai một nếu không có định hướng phát triển phù hợp.

          Vì vậy việc đưa âm nhạc Chèo vào hoạt động ngoại khóa cho học sinh của trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu, thành phố Ninh Bình nói riêng, các trường phổ thông khác nói chung là việc làm có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết, rất có ý nghĩa, góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật chèo trong cuộc sống hiện đại.

          Trước những biến chuyển của xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, việc giao lưu sẽ diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Thế hệ trẻ, trong đó có thế hệ học sinh Trung học cơ sở đang có xu hướng thích âm nhạc ngoại, không quan tâm đến âm nhạc dân tộc. Việc đưa âm nhạc Chèo vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc nhằm làm rõ giá trị độc đáo, đặc sắc để giáo dục thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh, đúng đắn, từ đó học sinh yêu mến, trân trọng, phổ biến, phát huy là việc làm có ý nghĩa lớn góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 

                                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Đức Hạnh (1964), Ca hát trong Chèo. Ban nghiên cứu nghệ thuật Chèo, Hà Nội.
  2. Hà Thị Hoa (2008), Nghệ thuật Chèo trong đời sống dân cư ở Thái Bình, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
  3. Đặng Vũ Hoạt (1997), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trường THCS, Nxb Giáo dục.
  4. Hoàng Kiều (2001), Tìm hiểu các làn điệu Chèo cổ, Nxb Sân khấu – Nhà hát Chèo VN, Hà Nội.

Phạm Lê Hòa (chủ biên 2009), Đề án hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở. Dự án Giáo dục trung học cơ sở II, Bộ giáo dục và Đào tạo