Nội san

Ứng dụng các phương pháp Design cơ bản vào thiết kế trang phục nhằm nâng cao kỹ năng thực hành sáng tạo cho sinh viên ngành Công nghệ May

29 Tháng Mười Một 2021

                                                           ThS. Nguyễn Hải Hà

                                                               Khoa Thiết kế Thời trang và Công nghệ may

 

Hiện nay, trong thời đại mà Design trở thành yếu tố để so sánh cuối cùng và là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong thị trường cạnh tranh của ngành dệt may, thì việc đào tạo các sinh viên thiết kế ngành Công nghệ May có được một trình độ chuyên môn tốt dựa trên nền tảng có lượng kiến thức các bộ môn khoa học chuyên ngành sâu, kỹ năng thực hành thành thạo là rất cần thiết và cấp bách.

"Phương pháp luận sáng tạo" (Creativity Methodologies) là bộ môn khoa học có mục đích xây dựng và trang bị cho mọi người hệ thống các phương pháp, các kỹ năng thực hành tiên tiến về suy nghĩ để giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách sáng tạo, về lâu dài, tiến tới điều khiển được tư duy. "Phương pháp luận sáng tạo" là phần ứng dụng của khoa học rộng lớn hơn, mới hình thành và phát triển trong thời gian gần đây: khoa học sáng tạo (Creatology). Học phần Nhập môn Design là học phần cơ sở thuộc ngành Công nghệ may của khoa Thiết kế Thời trang và Công nghệ May, nó đưa ra những khái niệm cơ bản, cơ sở phương pháp luận về Design và các phương pháp Design cơ bản... giúp cho người học nắm được các kiến thức và áp dụng các phương pháp luận sáng tạo trong quá trình học tập. Để từ đó, người học xây dựng được nền tảng kiến thức, có kỹ năng tư duy logic, phân tích, và phương pháp tốt trong hoạt động sáng tác thiết kế chuyên ngành. Bên cạnh đó, khối kiến thức trong học phần cũng là cơ sở lý luận giúp người học có khả năng tổng hợp, áp dụng vào việc học tập các học phần khác trong ngành Công nghệ May, làm phương tiện nghiên cứu, học tập và sáng tạo đạt hiệu quả cao. Theo cuốn sách “Cơ sở phương pháp luận Design” của tác giả Lê Huy Văn, do NXB Mỹ Thuật phát hành có viết:

“… Design là tổ chức, là lập trình, là phác thảo, là thiết kế tạo dáng, hoặc bài trí, có nghĩa là lập trật tự. Trong lĩnh vực sản xuất hàng loạt người ta gọi là Design công nghiệp…” [ Tr.47.1]

Như vậy, chúng ta có thể hiểu Design là ngành thiết kế tạo mẫu, tạo dáng cho sản phẩm công nghiệp, thiết kế môi trường sống hay thế giới đồ vật. Mở rộng ra chúng ta thấy, Design là một thuật ngữ xuất hiện trong rất nhiều ngữ cảnh với các lĩnh vực thiết kế: thiết kế Đồ họa (graphic design), thiết kế nội thất (interior design), thiết kế thời trang (fashion design), tạo dáng công nghiệp (industrial design)…Danh từ Design có xuất xứ từ chữ Disegno của tiếng Latinh, có từ thời Phục hưng có  nghĩa là phác thảo, thuật vẽ, thiết kế, bản vẽ và là cơ sở của mọi nghệ thuật thị giác, công việc của sự sáng tạo. Thời đó thuật ngữ này thường ám chỉ công việc sáng tạo của các họa sĩ vẽ tranh, tạc tượng …và hơn nữa đó vẫn chưa phải là một nghề chuyên nghiệp hoàn toàn (full-time professional) mà gắn kết như một thuộc tính của họa sĩ,  nhà điêu khắc hay các nghệ nhân. Thế kỉ XVI ở Anh đã mở rộng khái niệm Design là phác thảo, thiết kế và lập kế hoạch cho sản phẩm công nghiệp. Ở Việt Nam có nghĩa là "mỹ thuật công nghiệp", "thiết kế tạo dáng công nghiệp" hay "mỹ thuật ứng dụng".

            Học phần Nhập môn Design của ngành  Công nghệ May khoa Thiết kế Thời trang và Công nghệ May, trường Đại học SPNTTW đưa đến cho sinh viên lượng kiến thức về một số phương pháp Design cơ bản như: Phương pháp phân tích hình thái, phương pháp đối tượng tiêu điểm, phương pháp bảng câu hỏi kiểm tra, phương pháp Xinetic...mỗi phương pháp luận sáng tạo nêu trên đều đòi hỏi sinh viên phải nắm vững kiến thức lý thuyết, vận dụng sáng tạo, áp dụng vào từng bài tập thực hành thiết kế trang phục cụ thể. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về hai phương pháp sau:

  1.  Phương pháp phân tích hình thái

 Phương pháp phân tích hình thái do F. Zwicky - nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Thụy Sĩ đưa ra năm 1942. Trên thực tế, nguyên tắc của phương pháp này được nhà truyền giáo Tây Ban Nha Raimund Lulh (1235 - 1315) lần đầu tiên trình bày trong tác phẩm "Nghệ thuật vĩ đại" R. Lulh cho rằng, có thể ký hiệu tượng trưng các khái niệm đã biết, sau đó thiết lập các tổ hợp những ký hiệu này, từ đó trên ra những khái niệm mới hay nói cách khác, tìm ra những kiến thức mới. Mục đích của phương pháp phân tích hình thái là đưa ra và nghiên cứu tất cả các phương án một cách hệ thống về nguyên tắc, bằng việc phân đối tượng thành từng phần, đa dạng hóa chúng rồi kết hợp trở lại nhằm bao quát được những phương án bất ngờ, độc đáo mà chúng có thể bị bỏ quên trong phương pháp thử và sai. F. Zwicky đề nghị thực hiện phân tích hình thái theo các bước sau:

Bước 1. Phát biểu bài toán một cách chính xác

Bước 2. Xác định các bộ phận - chức năng (thông số) của đối tượng.

Bước 3. Kể ra tất cả các hình thái có thể có của các bộ phận chức năng (thông số), liệt kê ở bước 2 

Bước 4. Lập công thức hình thái của đối tượng

Bước 5. Phân tích, đánh giá những phương án thu được ở bước 4 và lựa chọn những lời giải tốt nhất.

Phương pháp phân tích hình thái giúp cho sinh viên sử dụng có hiệu quả nhất khi giải các bài toán thiết kế mang tính chất chung, như thiết kế kết cấu các máy móc, mẫu mã hàng hóa, quần áo, trò chơi, quảng cáo, kiến trúc, tìm kiếm những lời giải mới về tổ chức, bố cục, xếp đặt. Nói chung, phương pháp phân tích hình thái mạnh đối với bài toán có các lời giải đa dạng.

2. Phương pháp đối tượng tiêu điểm

Phương pháp đối tượng tiêu điểm là một phương pháp luận giúp cho việc sáng tạo ở dạng ban đầu (phương pháp catalog), được giáo sư Kunze (Berlin) đề xuất năm 1926 và sau đó được Nhà bác học Mỹ Charle Vaiting hoàn thiện vào năm 1930. Bản chất của phương pháp đối tượng tiêu điểm là nó  dựa trên việc chuyển những đặc tính của các đối tượng ngẫu nhiên sang đối tượng cần hoàn thiện và khi đó đối tượng cần hoàn thiện như được đứng ở tiêu điểm của sự dịch chuyển. Phương pháp phát ý tưởng nhờ việc chuyển giao những đấu hiệu, tính chất, chức năng... (gọi chung là các dấu hiệu) của những đối tượng thu thập một cách tình cờ (ngẫu nhiên) cho đối tượng cần phải cải tiến (đôi tượng tiêu điểm hay prototype) có tên gọi là phương pháp đối tượng tiêu điểm. Phương pháp này được giáo sư trường đại học tổng hợp Berhn F. Kunze đưa ra dưới dạng ban đầu với tên gọi phương pháp danh mục (catalogue) năm 1926. Vào những năm 50, phương pháp được nhà bác học Mỹ C. Waiting hoàn thiện thêm. Phương pháp đối tượng tiêu điểm gồm các bước sau:

Bước 1 : Chọn đối tượng tiêu điểm.

Bước 2 : Chọn từ 3 đến 4 đối tượng một cách tình cờ

Bước 3 : Lập danh sách những dấu hiệu của những đối tượng ở bước 2

Bước 4: Kết hợp những dấu hiệu nói trên với đối tượng tiêu điểm.

Bước 5: Phát các ý tưởng dựa trên những kết hợp ở bước 4 bằng sự liên tưởng tự do, không có bất kỳ sự hạn chế nào.

Bước 6: Đánh giá những ý tưởng thu được và lựa chọn những ý tưởng có triển vọng khả thi.

Phương pháp đối tượng tiêu điểm giúp cho sinh viên có được những kết quả tốt trong việc tìm các dạng mới cho những thiết bị đã có. Ngoài ra phương pháp này có thể được sử dụng để rèn luyện trí tưởng tượng cho sinh viên và chọn lọc được những ý tưởng sáng tạo mới.

Thông qua hai phương pháp luận sáng tạo được giới thiệu trên đây, kết hợp với các kiến thức về thiết kế trang phục đã được học ở những học phần khác, sinh viên sẽ chủ động thực hiện được các bài tập thiết kế trang phục với cơ sở lý luận vững vàng. Bên cạnh đó, qúa trình ứng dụng các phương pháp luận sáng tạo vào việc thực hành thiết kế trang phục trong học phần Nhập môn Design, ngành Công nghệ May cũng giúp cho sinh viên có thêm nhiều trải nghiệm thực tế, đưa lý thuyết vào thực tiễn thiết kế sáng tạo một cách khoa học nhất.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh của mạng xã hội, sinh viên được tiếp xúc rất nhiều nguồn tri thức khác nhau của thế giới. Nhưng không vì thế mà những kiến thức mang tính cơ bản bị coi nhẹ. Ông cha ta có câu nói: “Đế rộng, đỉnh cao”. Cơ bản tốt, gốc rễ chắc mới phát triển tốt hoa lá được. Chính vì vậy, giảng dạy về việc ứng dụng các phương pháp luận sáng tạo trong học phần Nhập môn Design cho sinh viên Công nghệ May, trường Đại học SPNTTW là rất cần thiết. Thông qua học phần, sinh viên sẽ chau dồi được nhiều kiến thức tổng hợp và chuyên sâu, phục vụ cho việc vận dụng tư duy khoa học vào thực hành các bài tập. Đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này sẽ là tài liệu cần thiết cho sinh viên ngành Công nghệ May nói riêng và sinh viên ngành Thiết kế Thời trang và Công nghệ May nói chung lĩnh hội và ứng dụng trong quá trình học tập, sáng tạo của các học phần chuyên ngành hiện tại và sau này.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trong nước

  1. Lê Huy Văn (2012). Cơ sở phương pháp luận Design, NXB Mỹ thuật.
  2. Lê Huy Văn – Trần Văn Bình – Lê Quốc Vũ (2019), Lịch sử Design,  NXB Mỹ Thuật.
  3. Đoàn Thị Tình (2000), Trang phục Việt Nam, NXB Mỹ Thuật

Nước ngoài

  1. A.Hueckler ( 1971), Tạo dáng công nghiệp là bộ phận cơ bản của sự phát triển sản xuất hàng hóa, NXB Khoa học, Berlin.
  2. Frick (1982), Phương pháp luận Design, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Halle.
  3. Jeanne - Andrew Kig - Kevin Bennet (2019), Giải quyết vấn đề bằng tư duy thiết kế, 10 câu chuyện thành công, NXB Thế giới do Minh Trâm dịch.
  4. Michael Lewrick – Patrick Link – Larry Leifer (2021), The Design thinking playbook – Thực hành tư duy thiết kế, NXB Công Thương, do Huỳnh Hữu Tài và nhóm Wetransform dịch.
  5.  Tập thể tác giả (1978),  Phương pháp thiết kế sản phẩm, viện nghiên cứu mỹ thuật công nghiệp Liên bang Nga (VNITTE). Mockva.