Nội san

Nâng cao chất lượng bài học Hình họa chuyên ngành Thiết kế Thời trang qua nghiên cứu tác phẩm của danh họa Thế giới

06 Tháng Mười Hai 2021

ThS. Trương Tuấn Anh

Giảng viên Khoa Thiết kế Thời trang và Công nghệ may

Xã hội ngày nay phát triển, nhu cầu mặc đẹp và xu hướng hiện đại đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống, ngành Thiết kế Thời trang hiển nhiên được coi là một biểu tượng thời thượng. Tuy rằng trang phục đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng lịch sử thiết kế thời trang chỉ chính thức có mặt gần đây, và có một tầm ảnh hưởng to lớn đến nhiều mặt của xã hội.

Với thời đại bùng nổ các phương tiện khoa học kĩ thuật, truyền thông, cái đẹp được tôn vinh và quan tâm hơn bao giờ hết. Ngành thiết kế thời trang ngày càng phát triển. Nó trở thành một ngành công nghiệp mỗi ngày một lớn mạnh, sản xuất nhiều mẫu mã phong phú đa dạng. Các hãng thời trang danh tiếng thế giới như  Hermès, Chanel, Guci, Louis Vuitton, Ralph lauren, D&G, Dior, Armani ... ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng của mình. Những sản phẩm nổi tiếng đó là mơ ước hầu hết của tất cả mọi người. Yếu tố quan trọng trong ngành thiết kế thời trang hiện đại là đòi hỏi sự mới lạ, đẹp về thẩm mỹ, độc đáo về phong cách, vừa có tính kế thừa, vừa phát huy các yếu tố mới.

Thiết kế thời trang là ngành gắn liền với nền công nghiệp làm đẹp gồm ba lĩnh vực chính: trang phục, phụ kiện, trang sức. Các sản phẩm thời trang ra đời luôn đi theo xu hướng thẩm mỹ của xã hội giúp làm đẹp cho con người, cho cuộc sống với cả hai hướng: Trình diễn nghệ thuật (trang phục biểu diễn) và hướng ứng dụng thực tế (trang phục thường ngày). Người làm thiết kế thời trang cần phải sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu và đón đầu các xu hướng  Mốt (mode).

Thời trang luôn gắn liền với cuộc sống, trong đào tạo chuyên ngành Thiết kế Thời trang luôn hướng đến những sản phẩm phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi. Xã hội phát triển, cuộc sống hiện đại hơn nên các xu hướng thiết kế cũng có nhiều thay đổi, phong phú về thể loại, đa dạng về ngôn ngữ.

Vậy nâng cao chất lượng dạy và học luôn là vấn đề cấp thiết được đặt lên hàng đầu của các cơ sở đào tạo. Các ngành mỹ thuật ứng dụng nói chung thiết kế thời trang nói riêng đang được đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW. Với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ như hiện nay Trường, Khoa Thiết kế Thời trang và Công nghệ may đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, tuy nhiên để đáp ứng được nhu cầu của xã hội ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao. Việc nâng cao chất lượng đào tạo lại bức thiết hơn lúc nào hết. Bởi kết quả đào tạo ngành Thiết kế thời trang sẽ phản ảnh chất lượng đào tạo có phù hợp với xu thế hướng tới hội nhập quốc tế.

Trong chương trình đào tạo ngành Thiết kế thời trang của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, môn Hình họa thuộc khối kiến thức chuyên ngành cơ bản. Khi nghiên cứu Hình họa có nhiều chất liệu để vẽ như: chì, màu nước, mực tàu, phấn màu… và cũng có nhiều cách vẽ cơ thể con người như vẽ Hình họa nghiên cứu, vẽ ký họa, vẽ trực họa…

Con người là đối tượng trung thành của các nhà sáng tạo nghệ thuật khi họ luôn lấy con người làm thước đo thẩm mỹ khi đi tìm cái đẹp. Vì vậy, nghiên cứu sâu về cơ thể con người, vẽ lại khối hình, màu sắc, đặc điểm cấu trúc cơ thể con người là mục tiêu của người học tập nghệ thuật. Vẽ hình họa và kỹ năng xử lý chất liệu tốt sẽ giúp người học sáng tạo những bài tập sáng tác chuyên ngành Thiết kế thời trang chủ động hơn, tinh tế hơn trong cách nhìn, vững vàng hơn khi xây dựng tổng thể thiết kế. Ngoài ra khi xây dựng ý tưởng thiết kế, sinh viên có cơ sở để thể hiện hình, đặc điểm và tình cảm tốt hơn nếu ta vững về hình khối, cấu trúc.

Hình họa và Thiết kế thời trang có mối quan hệ mật thiết với nhau trong học tập và sáng tác nghệ thuật. Chính vì vậy trong chương trình đào tạo ngành Thiết kế thời trang luôn có giờ học môn hình họa, việc học hình họa trong chương trình đào tạo là môn học bắt buộc. Môn hình họa có vai trò quan trọng trong học tập và sáng tác Mỹ thuật nói chung và trong chuyên ngành Thiết kế thời trang nói riêng. Đào tạo ngành Thiết kế Thời trang Hình họa chuyên ngành 2 là học phần nâng cao rèn về kỹ năng vẽ phấn màu và màu nước qua việc nghiên cứu cơ thể người.

Nghiên cứu tìm hiểu về tác phẩm vẽ trên chất liệu màu nước và phấn màu của các họa sĩ thế giới cho thấy có thể khai thác về màu sắc, trạng thái, kỹ thuật chất liệu ứng dụng thực tiễn giảng dạy các nội dung trong học phần Hình họa chuyên ngành 2.  

Với mục tiêu đào tạo những hoạ sĩ thiết kế thời trang, Khoa Thiết kế Thời trang và Công nghệ may cung cấp những kiến thức, kĩ năng cơ bản về Trang trí, Hình họa mà bất cứ người học nghệ thuật nào, nếu đã là nghệ thuật thị giác thì đều tuân theo những qui luật chung của nghệ thuật thị giác. Dù ở trình độ nào, ngành học Mĩ thuật ứng dụng nào cũng phải có thì người hoạ sĩ thiết kế thời trang cần được trang bị những kiến thức, kĩ năng về hình họa nâng cao mang tính đặc thù để thiết kế trang phục, diễn họa trang phục, phụ trang cũng như các nhu cầu về mặc cho mọi đối tượng.

Do đặc thù của chuyên ngành Thời trang, các bài học cũng có những yêu cầu khác nhau về tạo hình, về chất liệu thể hiện, kĩ thuật, về hình thức trình bày của mỗi bài học. Vì thế, nội dung chương trình, phương pháp, dạy-học, cách tổ chức dạy-học và cách đánh giá kết quả học tập học phần luôn được thay đổi, bổ sung cho phù hợp theo nhu cầu đổi mới nâng cao chất lượng dạy học.

Hình họa chuyên ngành 2 nhằm giúp cho sinh viên thấy được vẻ đẹp của cơ thể con người được nghiên cứu bằng chất liệu màu nước và phấn màu. Màu nước và phấn màu là phương tiện hỗ trợ về hình thức khi nghiên cứu cơ thể con người… Màu nước là một chất liệu dùng trong hội họa, đồng thời là một kỹ thuật vẽ phổ biến trong thiết kế Thời trang. Màu nước được làm từ bột màu hòa tan vào nước tạo ra một dung dịch có màu sắc, thường được vẽ trên giấy, ngoài ra còn có giấy cói, nhựa, giấy da, vải và gỗ. Màu nước được chế tạo từ những màu bột khô loại mịn nhất, nghiền đều với các chất kết dính và hoàn chỉnh dưới dạng keo sền sệt đựng trong ống thiếc mềm hoặc dưới dạng bánh khô (thỏi vuông, tròn).

Những thuộc tính cơ bản của màu nước là tính trong suốt và nhẹ nhàng, cũng như tính thuần khiết và tính cường độ của các chất màu. Những thuộc tính ấy là do các lớp màu mỏng luôn được đặt lên giấy và vì thế các lớp màu đó trở nên trong suốt đối với những tia sáng xuyên qua. Màu nước là chất liệu tiện dụng cho họa sĩ, nhà thiết kế cũng như với sinh viên. Màu được hoà tan trong nước và hoà tan vào nhau tạo sắc độ chuyển đổi tinh tế, từ đậm nhất đến độ nhạt nhất và lan ra nền giấy để trống nên khi vẽ màu nước ta nên chú ý một số điểm như:

- Tranh vẽ màu nước thì độ sáng của tranh chính là trắng của nền giấy là độ sáng mạnh nhất được dùng để diễn tả đậm nhạt.

- Tạo sự chủ động và ngẫu nhiên trong quá trình vẽ do nước và mực chảy loang, hoen nhoè. Vì thế khi vẽ màu nước đòi hỏi người vẽ phải có kỹ thuật xử lý thuần thục của chất liệu màu nước.

- Trong tranh vẽ màu nước có thể kết hợp màu nước với một số chất liệu khác như phấn màu, bút sắt…cũng tạo được hiệu quả đáng kể trong thể loại kí họa.

- Sử dụng loại giấy để vẽ màu nước có độ xốp, có độ thấm nước vừa phải, thấm đều…để vẽ.

- Vẽ màu nước nên dùng các loại bút lông mềm, loại bút tròn to, mập, đượm nước, dùng để đi mảng và hoà nước. Loại bút đầu tròn nhỏ, thanh và nhọn để đi nét

- Có thể quét nhẹ một lớp nước mỏng đều trên mặt giấy... sau đó vẽ trực tiếp màu nọ bên cạnh màu kia. Vẽ màu nhạt trước, đậm sau, thuận lợi cho việc điều chỉnh đậm nhạt, đẩy sâu không gian của kí họa.

Phấn màu là loại họa phẩm được nén thành từng thỏi, người vẽ trực tiếp cầm thỏi phấn để vẽ trên giấy, vải, gỗ… Vẽ phấn màu có sự giản tiện, nhẹ nhàng hơn các chất liệu khác. Tranh phấn màu vừa mềm mại nhu hòa, vừa rực rỡ tươi tắn, ánh sắc của nó có đặc điểm riêng so với chất liệu khác. Do vậy phấn màu được sử dụng khá phổ biến.

Có thể chia phấn màu làm 4 loại sau:

Phấn màu mềm: Thường được làm thành từng thỏi hình trụ. Phấn có chất lượng tốt là loại có màu tươi sáng, dễ bám giấy, có độ mềm dẻo, khi vẽ dễ tạo ra sự chuyển sắc êm dịu.

Phấn màu cứng: Được làm thành thỏi hình hộp chữ nhật, có độ cứng vì pha nhiều chất kết dính, có ít màu hơn loại mềm. Phấn cứng thường để vẽ phác hình hoặc để tỉa những nét thanh mảnh.

Bút phấn màu: Có lõi là phấn, vỏ là gỗ, dùng để vẽ phác thảo hoặc để tỉa các nét chi tiết, bút có thuận lợi là khi dùng màu không bị dây vào tay.

Phấn màu dầu: Là loại phấn có pha dầu thông, tinh chất gần với sáp, hiệu quả vẽ gần với chất sơn dầu.

Hai chất liệu trên trong Hội họa được các họa sỹ sử dụng rộng rãi như một loại chất liệu dùng cho sáng tác. Đề tài nghiên cứu hình vẽ cơ thể con người của các họa sĩ nổi tiếng như: Pierre-Auguste Renoir; Edgar Degas…v.v

Khi nhắc tới tranh phấn màu không thể không nhắc tới tranh vẽ về con người của Edgar Degas. Trong giới chuyên môn khi nhắc đến kỹ thuật thể hiện Ấn tượng có họa sĩ Monet qua các bức tranh Phong cảnh còn Vẽ về con người thì Degas là một điển hình.

            Trong tranh Degas hình tượng người Phụ nữ mang dáng dấp riêng khác hẳn với chân dung các phụ nữ của các họa sĩ khác. Phụ nữ trong tranh ông không hiện rõ khuôn mặt đầy đủ chi tiết, không quá trau chuốt về hình thức nhưng các hoạt động đã nói lên họ là những người sống có tâm hồn. Ông sáng tác được 700 bức họa phấn màu (Pastel) mặc dù trước đó ông chuyển sang vẽ chất liệu phấn màu thay cho chất liệu sơn dầu vì quá nghèo túng tuy nhiên ông lại tìm thấy niềm đam mê với chất liệu này.

            Pierre-Auguste Renoir (25 tháng 2 năm 1841 - 3 tháng 12 năm 1919) là một họa sĩ người Pháp, một nhân vật tiên phong trong sự phát triển của phong cách Trường phái ấn tượng. Ông là một họa sĩ luôn đề cao vẻ đẹp, đặc biệt là về vẻ đẹp cơ thể của nữ giới. "Renoir là hiện thân cuối cùng của truyền thống chuyển tiếp từ Rubens tới Watteau". Ông bắt đầu khám phá chất liệu phấn màu từ thập niên 1870. Ông thường xuyên trưng bày các tác phẩm phấn màu của mình. Ông thường sử dụng màu sắc trung tính để vẽ những người thân thiết, vì chất iệu phấn màu cho phép ông vẽ nhanh những khoảnh khắc, hay cảm xúc bất chợt đến rồi đi của họ.

Những bài học rút ra từ nghiên cứu ứng dụng vào giảng dạy cho sinh viên ngành Thiết kế Thời trang:

Một là nắm vững cấu trúc cơ thể, tỷ lệ cơ thể nam và nữ, khối cơ, những đường cong, đường thẳng trên cơ thể

Hai là cách phân chia mảng, hình, khối trên cơ thể xác định chính xác, phân vùng nóng lạnh theo hệ thống đậm nhạt theo vị trí ánh sáng chiếu lên đối tượng khách quan.  

Ba là tìm hòa sắc chung của mẫu, đối với cả 2 chất liệu là màu nước và phấn màu đều lên đậm nhạt theo mảng lớn, từng lớp mỏng.

Màu nước bút lông lấy màu nhạt, loãng bôi lớp mỏng trên giấy còn phấn màu vẽ bằng cách xoa trực tiếp thỏi phấn lên giấy. Sau đó dùng ngón tay di hoặc xoa, chủ yếu để chất phấn bám được vào bề mặt giấy hoặc vẽ tạo nét như đánh chì lớp này vẽ trên cùng khi hoàn thành bài vẽ.

Bốn là chú ý về màu da thực tế, quan sát màu ở từng bộ phận.

Ví dụ: thông thường phần tay chân và mặt thường có da đậm màu thiên hướng sắc nóng do quá trình lao động lộ dưới ánh nắng, phần thân và đùi, cẳng chân thường sáng hơn và thiên về sắc lạnh do được che chắn. Các vùng da bao bọc khu vực xương thái dương, sống mũi, quai xanh, bánh chè, mắt cá cũng thường ngả sang sắc lạnh.

Kết quả nghiên cứu của đề tài, cũng góp phần khẳng định việc khai thác và phát huy giá trị tạo hình các tác phẩm Hội họa Thế giới là hướng đi đúng đắn, giúp sinh viên  mở rộng kiến thức, phát huy tính sáng tạo. Trong thời đại hội nhập hiện nay, thời đại của kỷ nguyên số những kỹ thuật vẽ và chất liệu truyền thống dần bị mai một thay vào đó là những kỹ thuật vẽ cơ thể người qua các phần mềm đồ họa.

Bởi vậy, nhiệm vụ của những con người thời đại mới, phải biết giữ gìn và phát triển những tinh  hoa thế giới.

Thời trang cũng không nằm ngoài vòng phát triển ấy. Đó cũng là những trăn trở của các nhà giáo đào tạo nghệ thuật để phù hợp với cuộc sống hiện đại, song bên cạnh đó phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tinh hoa nhân loại. Vì thế quá trình dạy học là quá trình đào tạo và tự đào tạo, người giáo viên luôn trau dồi, tìm hiểu để dạy tốt hơn. Sinh viên ngoài kiến thức được cung cấp ở chương trình học còn tự học, tự nghiên cứu để hiểu hơn về lĩnh vực, ngành đang theo học.

                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đặng Bích Ngân (Chủ biên) (2002), Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục.
  2. Huỳnh Phạm Phương Trang (2007), “Bí quyết vẽ mầu nước”, Nxb Mỹ thuật
  3. Tạ Phương Thảo, Nguyễn Lăng Bình (2001), Kí họa và Bố cục, Nxb Giáo dục.
  4. Nguồn https://www.google.com/
  5. Nguồn jamesmurphyart.com
  6. Internet