Nội san

ỨNG DỤNG HOẠ TIẾT RỒNG THỜI LÝ VÀO TRANG TRÍ TRANG PHỤC ÁO DÀI TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

10 Tháng Mười Hai 2021

Lê Thị Lan

Giảng viên Khoa Thiết kế Thời trang & Công nghệ may

 

Áo dài truyền thống Việt Nam được coi là biểu tượng văn hoá bởi vẻ đẹp tinh tế, thướt tha, thể hiện được nét hào hoa và khí chất của dân tộc Việt. Mặc dù chưa có một văn bản cụ thể nào công nhận áo dài là quốc phục nhưng hình ảnh ấy đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt, vượt ra một trang phục thông thường. Được mặc áo dài trong mỗi dịp trọng đại là niềm hạnh phúc lớn của mỗi người. Dù ở lứa tuổi nào, hình dáng ra sao thì khi vận trang phục áo dài đều toát lên vẻ đẹp thướt tha, duyên dáng cho người mặc.

Áo dài trong hoàn cảnh nào cũng luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca, nhạc hoạ, điện ảnh, các cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước. Nói tới trang phục truyền thống của một số nước trên thế giới thì áo dài đại diện cho trang phục truyền thống Việt Nam, Nhật Bản có Kimono, Thái Lan có Borompiman, Lào có Lào Sing hay phaa sin, Trung Quốc Áo Sườn xám, Hàn Quốc là Hanbok… Áo dài Việt thanh thoát, toát nên vẻ đẹp kín đáo nhưng không kém phần gợi cảm. Ta càng thêm yêu và trân quý vẻ đẹp thuần Việt này, với mong muốn được điểm tô, trang trí những tinh hoa văn hoá từ ngàn xưa lên trang phục, để áo dài Việt ngày càng khẳng định tên tuổi là hình ảnh trang phục đẹp nhất của quốc gia.

Áo dài Việt ngày càng hoàn thiện và thể hiện được nét đẹp văn hoá. Ngày nay đã có rất nhiều NTK nổi tiếng chọn áo dài làm đề mục cho sự phát triển sự nghiệp của mình, vượt ra ngoài bản thân để tạo nên dấu ấn dân tộc. Một số  NTK tiêu biểu như Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Sỹ Hoàng, đặc biệt NTK Minh Hạnh: nhiều năm đạt giải trong các cuộc thi thời trang thế giới, đưa tà áo dài vươn xa để bè bạn khắp năm Châu được thưởng thức và chiêm ngưỡng vẻ đẹp trang phục Việt. NTK Minh Hạnh đã khéo léo lựa chọn những hoạ tiết vốn cổ dân tộc vào trang trí sử dụng các kỹ thuật thêu, đính, vẽ và và nhiều chất liệu khác làm cho vẻ đẹp của tà áo dài bình dị trở nên trang trọng và quý phái, khẳng định ngày càng có tên tuổi rõ nét trên bản đồ thời trang Thế giới. Thấy được tầm quan trọng vẻ đẹp áo dài Việt, cùng với sự tìm tòi về những hoa văn hoạ tiết vốn cổ trong sử sách thì việc kết hợp hoạ tiết rồng thời Lý trang trí cho áo dài sẽ tôn thêm vẻ đẹp gấp bội phần. Bố cục hoạ tiết rồng  uốn lượn theo nhịp hình sin lên xuống phù hợp để trang trí và tôn thêm vẻ đẹp thanh thoát.

Nói tới nhà Lý là nói tới thời kỳ lịch sử vô cùng vẻ vang của dân tộc ta, nhiều dấu mốc quan trọng, với những quyết định thay đổi lớn và tầm nhìn mang tính thời đại. Năm 1010 Lý Côn g Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La rồi đặt tên là Thăng Long và thủ đô của nước ta đã tồn tại hơn 1000 năm cho tới ngày nay. Tháng 10 năm 1054 sau khi Lý Thái Tông lên ngôi đã đặt Quốc hiệu nước ta là Đại Việt. Phật giáo phát triển, các vị vua đều theo đạo phật, lấy đạo phật là kim chỉ nam cho sự phát triển đạo đức con người. Tạo được một giai đoạn dài thịnh trị, nhân dân ta được sống trong cảnh thanh bình, ấm no. Mở trường đại học đầu tiên là Văn Miếu (1070) và Quốc Tử Giám (1076), tổ chức khoa thi đầu tiên năm 1075 để chọn hiền tài ra giúp nước… Năm 1225 nhà Lý đã chuyển giao quyền cai trị đất nước cho nhà Trần, từ vua Lý Chiêu Hoàng sang cho Vua Trần Cảnh là một sự chuyển giao quyền lực rất đẹp, hợp thời thế. Sự chuyển giao quyền lực này đã không để cho ngoại bang có cơ hội xâm lược Đại Việt khi triều đại Nhà Lý đã suy tàn, không để xảy ra nội chiến tranh giành quyền lực, nhân dân đỡ khổ cực, lầm than... Bên cạnh những đóng góp về mặt lịch sử, triều đại nhà Lý còn để lại một kho tàng văn hoá nghệ thuật vô cùng to lớn, tiêu biểu là hoạ tiết rồng. Rồng thời Lý đẹp ở tạo hình và tính thống nhất trong cả một thời đại. Ứng dụng hoạ tiết rồng thời Lý vào trang trí trang phục áo dài truyền thống làm tăng thêm vẻ đẹp sức mạnh dân tộc Việt, thể hiện ở khía cạnh thẩm mỹ, văn hoá và truyền thống hào hoa của dân tộc ngàn năm văn hiến. Tà áo dài xưa nay đã khẳng định vẻ đẹp trong tâm hồn mỗi người dân Việt, tà áo thướt tha của những thiếu nữ tuổi đôi mươi cắp sách tới trường, tà áo dài của các bà các mẹ trong mỗi dịp tết đến xuân về, các hội hè đình quán, hay trong các buổi tiếp khách ở nơi công cộng, tiếp đón bạn bè các nước trên thế giới. Hình ảnh các nhà lãnh đạo của các cường quốc trên thế giới mặc trang phục áo dài Việt Nam ở Hội nghị Apec-14 năm 2006 được may bằng chất liệu tơ tằm với hoạ tiết hoa sen xuất hiện ở phiên bế mạc, thể hiện sự trân trọng và mến yêu vẻ đẹp trang phục này dành cho dân tộc Việt Nam, hay hình ảnh của các nữ tiếp viên hàng không mặc áo dài duyên dáng trên những chuyến bay trong và ngoài nước. Hình ảnh áo dài thướt tha, thanh thoát đã tạo nên vẻ đẹp duyên dáng Việt.

                                         

 Thuỳ Tiên mặc trang phục áo dài truyền thống tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoà Bình thế giới năm 2021

Những năm gần đây Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới tích cực tổ chức, tham gia các cuộc thi hoa hậu trong nước và trên Thế giới, Hoa hậu cũng có rất nhiều giải khác nhau nhưng ở giải nào thì các thí sinh Việt cũng có phần trình diễn trang phục áo dài truyền thống đại diện cho sắc đẹp Việt Nam. Áo dài của Việt Nam thật vinh dự và ấn tượng, dù chuyển tải thông điệp gì vẫn toát nên vẻ đẹp tinh tế vốn có. Trước đó có rất nhiều đại diện sắc đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi sắc đẹp thế giới, mặc dù không có nhiều giải cao nhưng tựu trung hình ảnh nhan sắc Việt luôn để lại một ấn tượng thiện cảm trong phần trình diễn trang phục áo dài dân tộc.

 Trong các cuộc thi hoa hậu Việt Nam thường niên, các NTK trang phục luôn coi trọng phần thiết kế trang phục áo dài, coi trang phục là dấu ấn ghi điểm để các thí sinh toả sáng trên sân khấu. Việc thiết kế áo dài dân tộc và chọn lựa hoạ tiết trang trí  cũng như chất liệu đòi hỏi NTK phải có lòng yêu nghề sâu sắc, tôn trọng giá trị nghệ thuật dân tộc, vận dụng những giá trị ấy lên tác phẩm của mình. Đôi khi khai thác vẻ đẹp tạo hình của trang phục, lấy hoạ tiết trang trí làm điểm nhất ở một vị trí nhỏ hay tổng thể diện tích lớn, toát lên được ý tưởng cần chuyển tải.

Để tạo ra một tác phẩm áo dài ấn tượng đòi hỏi phải có tình yêu giá trị truyền thống, óc sáng tạo, tinh thần làm việc tập trung, cầu kỳ tỉ mỉ thì tác phẩm áo đài mới mang lại giá trị khác biệt nhưng vẫn giữ được tinh thần truyền thống đẹp của dân tộc.

Tường San với trang phục áo dài được trang trí cầu kỳ tại cuộc thi Hoa hậu quốc tế năm 2019

Á Hậu Tường San đại diện cho Việt Nam vinh dự được trao giải trang phục dân tộc đẹp nhất tại cuộc thi Hoa hậu quốc tế năm 2019 Trang phục áo dài mang tên “Rồng chầu mặt trời” được trang trí hoạ tiết cổ đân tộc với những chất liệu cầu kỳ như thêu, đính của NTK Thiện Khánh.

Rồng trong văn hoá truyền thống phương Đông trong đó có Việt Nam được coi là một trong tứ linh đại diện cho uy quyền, thời phong kiến chỉ có vua chúa mới được sử đụng hình ảnh rồng trên trang phục và trang trí trong nhà. Vì vậy mà hình tượng rồng thể hiện cho sự linh thiêng, uy quyền. Sang thời nhà Lý lấy đạo Phật làm kim chỉ nam cho việc phát triển đạo đức con người, vì vậy mà tạo hình rồng cũng có nhiều thay đổi so với rồng của các triều đại khác.

Đạo phật phát triển,  kiến trúc chùa chiền, trường học được chú trọng xây dựng không ngoài mục đích tạo môi trường giáo dục người dân. Ở góc nhìn thẩm mỹ ta thấy được một kho tàng nghệ thuật vô giá mà những nghệ nhân thời kỳ này đã sáng tạo và truyền lại cho hậu thế đó là những bức phù điêu chạm rồng được trang trí trên kiến trúc chùa tháp, trường học và lăng mộ. phát huy giá trị nghệ thuật cùng giá trị đạo đức. Để lưu giữ hình tượng rồng thời lý tới các thế hệ người Việt và thế giới, với chuyên ngành Thiết kế Thời trang thì việc trang trí hoạ tiết này lên áo dài truyền thống còn rất nhiều đất diễn, thể hiện ở lối tạo hình, ý tưởng chất liệu trên nền nghệ thuật cao quý của quốc gia, chọn chiếc áo dài truyền thống là nơi chuyển tải thông điệp, kết nối giữa hiện tại và lịch sử để lưu truyền và phát huy giá trị dân tộc.

Trong TKTT hiện đại, ứng dụng họa tiết vốn cổ nói chung và họa tiết rồng Thời Lý nói riêng là một phần không thể tách rời trong việc hình thành  nên các giá trị thẩm mỹ cho bộ trang phục. Trang trí là một nghệ thuật nhằm tạo nên cái đẹp để làm thỏa mãn thị giác.

Ngày nay áo dài được thời trang hóa với nhiều kiểu dáng mang yếu tố hiện đại, tạo nên nét riêng của tà áo dài dân tộc trong các buổi Festival áo dài, tuần lễ thời trang quốc tế, trên các sân khấu cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam - đất nước - con người ra khắp thế giới. Chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại, áo dài trở thành đồng phục học đường, đồng phục của hàng không Việt Nam, các buổi tiếp đón đoàn ngoại giao, quà tặng các vị nữ nguyên thủ quốc gia, đến các mối quan hệ xã hội, các phong tục tập quán, nghi lễ cưới xin, lễ tết hội hè… Đặc biệt, thông qua trang phục không chỉ bản sắc dân tộc được biểu hiện rõ nét mà còn là tấm gương phản chiếu các giá trị đạo đức, tâm lý, nề nếp sống.

Về mặt kinh tế, áo dài trở thành mặt hàng kinh doanh chính của các NTK tên tuổi như: Sỹ Hoàng, Minh Hạnh, Thủy Nguyễn, Võ Việt Chung … tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng được khách hàng trong nước và thế giới ưa chuộng. Áo dài ngày nay mang phom dáng chọn lọc qua nhiều cuộc cách tân kết hợp với họa tiết vốn cổ  được biến tấu, sáng tạo không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, trân quý các giá trị văn hóa dân tộc, mà còn là mong muốn tiếp nối và kế thừa di sản nghệ thuật của cha ông.

Trong học phần trang trí chuyên ngành 2 với bài Ứng dụng Vốn cổ trên trang phục, thực tế qua hướng dẫn SV vẽ bài thực hành cho thấy ứng dụng họa tiết vốn cổ trên trang phục đạt hiệu quả tốt. Với đề tài Ứng dụng hoạ tiết rồng thời Lý vào trang trí áo dài truyền thống Việt Nam SV sẽ dễ nắm bắt những kiến thức về trang trí. Vì vậy khi vận dụng vào các bài thực tế trên các sản phẩm thời trang sẽ có ý thức trang trí và mang lại hiệu quả thẩm mĩ cao hơn.