Nội san

Vai trò của dạy học xướng âm với học sinh năng khiếu tại Trung tâm âm nhạc Piano Corner Thanh Hoá

04 Tháng Giêng 2022

Lê Ngọc Khoa

Học viên Lớp K10 Lý luận và PPDH Âm nhạc

 

Trung tâm Âm nhạc Piano Corner là một trong những trung tâm âm nhạc có uy tín trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Chức năng và nhiệm vụ của trung tâm là đào tạo các bộ môn năng khiếu như piano, guitar, thanh nhạc, cảm thụ âm nhạc, lí thuyết âm nhạc cơ bản, xướng âm…Do tính đặc thù của Trung tâm Âm nhạc Piano Corner là: đào tạo không mang tính đại trà, mà chất lượng được ưu tiên hàng đầu, do vậy học sinh vào học tại Trung tâm, đa phần là những em có năng khiếu âm nhạc.

Học sinh năng khiếu âm nhạc là những em có năng lực đặc biệt về âm nhạc. Để xác định được học sinh (HS) nào có năng khiếu về âm nhạc, thì không nên quá thiên về cảm tính, mà cần có những tiêu chí đánh giá cụ thể. Tại Trung tâm Âm nhạc Piano Corner Thanh Hóa, để chọn ra một lớp năng khiếu, chúng tôi đã dựa vào một phần trên cơ sở của đề tài do Trần Thu Hà chủ biên (1999 - 2000) với tên Những tiêu chí xác định năng khiếu âm nhạc để tuyển chọn học sinh cho các cơ sở đào tạo âm nhạc trên phạm vi toàn quốc.Trong đề tài, những tiêu chí xác định năng khiếu chủ yếu là để tuyển chọn HS vào học các trường âm nhạc chuyên nghiệp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn vận dụng được một số tiêu chí để xác định năng khiếu để tuyển chọn học sinh như kiểm tra thính giác âm nhạc, tiết tấu, nhịp điệu, trí nhớ âm nhạc, cảm xúc âm nhạc, nhưng ở mức độ đơn giản hơn để phù hợp với việc đào tạo ở trung tâm.

Xướng âm là một trong những môn học có vai trò khá quan trọng mang tính là tiền đề, nền tảng để HS năng khiếu phát triển trong các lĩnh vực của âm nhạc như: chơi nhạc cụ, hát, cảm thụ âm nhạc…Bên cạnh đó xướng âm được xem là một môn học rất bổ ích với HS học âm nhạc, bởi vì khả năng ghi nhớ và học hỏi ở độ tuổi là rất nhanh. Việc ghi nhớ cao độ âm thanh của các nốt nhạc, nếu được rèn luyện sẽ hình thành trong các em một thói quen, một khả năng cũng giống học cách đọc chữ.Thông qua môn học xướng âm, các em sẽ biết nhìn bản nhạc để đọc được giai điệu khi không có phương tiện hỗ trợ bên cạnh.

1. Rèn luyện khả năng phản xạ và trí nhớ cho học sinh

Xướng âm có đòi hỏi nhất định về năng khiếu, tai nghe và giọng hát... của HS. Qua việc học xướng âm, HS năng khiếu được rèn luyện được kỹ năng ghi nhớ cao độ, trường độ, tiết tấu của nốt nhạc và những ký hiệu quy định trong bản nhạc. Qua việc tự vỡ bài hay đọc bài trên lớp, sẽ tạo cho các em những phản xạ nhất định, và phản xạ đó ngày càng được cải thiện và trở nên nhanh nhạy hơn. Khi đã hình thành được khả năng phản xạ trước các bài xướng âm, khi tiếp xúc với các tác phẩm dù ở lĩnh vực thanh nhạc hay khí nhạc, ở hình thức có cấu trúc đơn giản hay phức tạp, thì các em không ngại và có thể xử lý được. Hiểu theo cách khác, học tốt môn xướng âm sẽ đem lại cho HS năng khiếu một khả năng phản xạ linh hoạt, khi có phản xạ thì sẽ bổ trợ tốt cho việc học hát, học đàn, học múa, khả năng nghe, ghi nhớ âm thanh và hình thành khả năng tư duy âm nhạc... của các em.

Tuy nhiên những bài xướng âm, các nhà biên soạn chủ yếu chọn những bài có tính chất âm nhạc trong sáng, có giai điệu hay, do đó phần nào cũng tạo cho HS một sự phấn chấn nhất định. Chính điều đó sẽ kích thích sự năng động của những tế bào có chức năng truyền dẫn các xung điện, đó là noron đơn vị cơ bản cấu thành hệ thống thần kinh và được coi là phần quan trọng nhất của não bộ. Khi não bộ phát triển, sẽ làm tăng cường khả năng nhận thức cho HS. Với sự trầm bổng của giai điệu âm nhạc, cùng với những sắc thái biểu cảm khi đọc... chinh phục được bài đọc, sẽ tạo cho các em một sự tự tin, thích thú, và ngay lúc đó cảm xúc thẩm mỹ sẽ xuất hiện, điều đó có tác động tới sự hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc.

Học xướng âm giúp HS năng khiếu hiểu rõ hơn kiến thức lý thuyết âm nhạc cơ bản: biết tên các nốt nhạc, vị trí nốt trên khuông nhạc...; rèn luyện kỹ năng đọc đúng cao độ, trường độ của bản nhạc… Qua việc học môn xướng âm, học sinh sẽ hình thành năng lực về âm nhạc: biết nhìn bản nhạc, đọc thành thạo tên nốt nhạc, nâng dần khả năng đọc chính xác trường độ, cao độ của bản nhạc/tác phẩm. Yêu cầu của học xướng âm không chỉ là đọc đúng cao độ, trường độ mà có thể còn biết đọc sao cho có nhạc cảm. Đọc chính xác cao độ, trường độ đã tạo ra sự cảm thụ của vẻ đẹp trong đó. HS nào có khả năng âm nhạc tồi thì tự em đó cảm nhận được bản thân mình thể hiện một bài hát một bài đọc nhạc không hay hoặc ít nhất là không thể hấp dẫn.

Học xướng âm ngoài việc giúp cho HS rèn luyện khả năng phản xạ và trí nhớ, khả năng cảm thụ âm nhạc... thì còn tạo cho các em một sự tự tin nhất định trong hoạt động âm nhạc nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Từ việc biết đọc nhạc, biết nhìn bản nhạc HS sẽ thể hiện tốt hơn những chỉ định ghi trên bản nhạc như: ngắt câu, cường độ mạnh - nhẹ, tốc độ nhanh - chậm; thể hiện theo tính chất, sắc thái vui, buồn, trữ tình, êm dịu... của giai điệu. Đây cũng là một cách học mang tính trực quan, vì thế mà hiệu quả sẽ tốt hơn nếu GV biết vận dụng phương pháp dạy hợp lý. Ở mức độ đơn giản nhất, các em biết cảm nhận được âm thanh cao hay thấp, ngắn hay dài... Ở mức độ cao hơn, các em cảm nhận được sự chính xác của âm thanh, sự chuyển động của tiết tấu có đều đặn hay không, đó cũng chính là con đường của nhận thức và hình thành năng lực cảm thụ âm nhạc cho các em. Khi biết đọc xướng âm, HS sẽ biết hát, biết đàn chính xác và có những sáng tạo khi thể hiện một tác phẩm âm nhạc.

2. Vai trò của môn Xướng âm 

Môn xướng âm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bổ trợ cho HS năng khiếu, là cơ sở áp dụng vào học các môn học khác. Như trên đã trình bày, học xướng âm làm cho hệ thần kinh của HS được kích hoạt và phát triển, do đó mà các em trở nên linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và trong học tập. Đó cũng có thể là tiền đề để HS dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận với các môn học khác ngoài âm nhạc. Thực tế không một học nào có thể đứng một cách độc lập, mà nó phải có sự liên đới nhất định với các môn học khác. Sự xử lý tiết tấu trong bài xướng âm cũng phần nào có tác động tích cực đến các em trong quá trình học các môn tự nhiện như: toán, lý, hóa, sinh... Hay, có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tốt các môn học thuộc lĩnh vực khoa học và xã hội nhân văn, đặc biệt là môn văn học.

Đối với các môn học thuộc lĩnh vực âm nhạc, nếu HS không được học xướng âm thì rất khó để học tốt các môn học khác như thanh nhạc, nhạc cụ, cảm thụ âm nhạc, phân tích tác phẩm… Đặc biệt đối với các môn học nhạc cụ (piano, electric keyboard - đàn phím điện tử,violin, guitar…),học xướng âm giúpcác emxử lý tốt phần cao độ, trường độ, tiết tấu, sắc thái của bản nhạc.Thực tế cho thấy rằng, để có thể chơi đàn được, các em phải có những kiến thức tối thiểu về lý thuyết âm nhạc, về xướng âm. Các em phải đọc được tên nốt nhạc và triển khai chúng trên đàn và cũng cần khả năng nghe nhạc để phát hiện ra những chỗ sai để kịp thời sửa chữa trong quá trình tập luyện.

Từ thực tế giảng dạy tạiTrung tâm Âm nhạc Piano Corner Thanh Hoá, trước khi chơi đàn, GV thường hướng dẫn cho HStìm hiểu bài (về các dấu hóa, ký hiệu, sắc thái…), sau đó dạy các em xướng âm giai điệu (bài đơn giản) những bản nhạc chuẩn bị tập. Việc xướng âm đúng cao độ, tiết tấu và sắc thái của bản nhạc giúp HS hiểu bài sâu, vỡ bài nhanh đồng thời giúp các emchú ý thể hiện đúng tính chất của bản nhạc ngay lúc học đàn. Đọc xướng âm đối với các môn học nhạc cụ luôn có tầm quan trọng,do đó phải đòi hỏi những kỹ năng đọc, nghe nhạc cao hơn khi học các môn âm nhạc khác. Phải xác định rằng, đây là môn học khó, do đótrong quá trình dạy học tại Trung tâm,GV không nên nóng vội hoặc đốt cháy giai đoạn, mà cần hướng dẫn cho HS tiếp cận dần dần từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp như trong các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.

Qua thời gian trực tiếp giảng dạy, tôi phát hiện ra rằng, nếu HS học kém về xướng âm, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập và rèn luyện các môn học âm nhạc khác. Tất nhiên, những kỹ năng trong đọc nhạc còn phụ thuộc vào kiến thức về nhạc lý, về sự nhận biết cao độ của đôi tai, về cảm nhận về giai điệu, lời của bài hát và phụ thuộc vào chất giọng của mỗi HS.

Riêng với môn thanh nhạc, có thể nhận thấy rõ hơn vai trò quan trọng của môn xướng âm. Trong giờ học hát, người thầy luôn quan tâm tới khả năng đọc nốt nhạc của HS. Một ca khúc bao giờ cũng gồm hai yếu tố chủ yếu là nhạc và lời,việc học tốt xướng âm giúp HS có thể tự vỡ một bài hát mà không cần đến hỗ trợ của các loại nhạc cụ. Sau khi luyện thanh GV thường giao bản nhạc và ấn định giọng phù hợp với chất giọng của mỗi HS. Tiếp đó, GV hướng dẫn học sinh xướng âm đúng cao độ, tiết tấu và sắc thái của bản nhạc rồi mới ghép lời ca và sau cùng là chỉnh kỹ thuật thanh nhạc. Việc đọc xướng âm trước khi hát, giúp các em hiểu được ý đồ của tác giả, qua đó thể hiện đúng được tinh thần của bài hát.

3. Kết Luận

Xướng âm là một trong những môn quan trọng thuộc về lĩnh vực âm nhạc, mà âm nhạc luôn được coi là một trong những phương tiện hữu hiệu để giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn con người, đặc biệt là đối với lứa tuổi còn trẻ. Xướng âm là môn học không dễ, nhưng nếu các em chịu khó học tập, thì tất yếu kết quả học tập ngày một tốt hơn. Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của xướng âm, đội ngũ GV tại trung tâm luôn có ý thức thay đổi tư duy, tìm hiểu, xây dựng những phương pháp, giải pháp mới góp phần thúc đẩy tinh thần học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy môn xướng âm cho HS năng khiếu tại Trung tâm Âm nhạc Piano Corner Thanh Hóa.

                                             Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Văn Cường, Bernd Meier (2012), Lý luận dạy học hiện đại, Một số vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, Trường Đại học Potsdam - Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
  2. Trần Thu Hà (chủ nhiệm đề tài cấp bộ, 1999-2000),Những tiêu chí xác định năng khiếu âm nhạc để tuyển chọn học sinh cho các cơ sở đào tạo âm nhạc trên phạm vi toàn quốc, Bộ Văn hóa - Thông tin. Hà Nội.
  3. Hồ Thị Bảo Hoa (2021) Rèn luyện kỹ năng thẩm âm - tiết tấu cho học sinh tại các trung tâm âm  nhạc thành phố Hải Phòng, luận văn tốt nghiệp thạc sĩ trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  4. Phạm Thị Hòa (2006), Giáo dục âm nhạc, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
  5. Hoàng Long, Hoàng Lân (2010) Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.