Nội san

Phát triển hoạt động giáo dục âm nhạc ngoại khóa tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy

04 Tháng Giêng 2022

                                                                Nguyễn Đình Quyền

Học viên K11 – LL&PPDHAN

 

Trường dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trường phổ thông đa cấp (từ Tiểu học tới Trung học phổ thông), nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhà trường có truyền thống chất lượng, khá chú trọng và quan tâm tới giáo dục âm nhạc cho học sinh (HS), trong đó có cả học sinh cấp THPT. Hoạt động giáo dục âm nhạc ngoại khóa (HĐGDANNK) đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng, yêu cầu cũng như định hướng nghề nghiệp cho học sinh yêu thích âm nhạc. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì phần lớn các HĐGDANNK ở Trường vừa chưa toàn diện, liên tục, vừa thiếu chiều sâu. Vì vậy, cần nghiên cứu để khắc phục những mặt còn hạn chế, tiếp tục phát huy tiềm năng sẵn có của Trường để phát triển HĐGDANNK.

   Năm học 2019 - 2020, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có tổng số 49 lớp, trong đó số học sinh THPT là 1503 em (nam là 833, nữ là 728). Các phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động ANNK, dạy học âm nhạc tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm được trang bị tương đối tốt, khá đầy đủ. Số đàn piano có 13 cái, guitar có 20 cái, kèn đồng có 10 cái, violin có 10 cái, flute có 6 cái, recorder có 30 cái, đàn organ có 3 cái, trống jazz có 2 bộ, đàn tranh có 10 cái, đàn nguyệt có 10 cái, đàn bầu có 10 cái, đàn nhị có 15 cái, đàn T’rưng có 4 cái, trống dân tộc có 24 cái, đàn tam thập lục có 3 cái, sáo trúc có 4 cái. Ngoài ra trường còn có loa máy vi tính, giá nhạc, chân mic… Các GV dạy học âm nhạc tại CLB âm nhạc gồm 08 GV cơ hữu (07 GV đều tốt nghiệp tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương: 01 thạc sĩ tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, 06 GV tốt nghiệp ĐHSP âm nhạc; 01 GV tốt nghiệp ĐH đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và 02 GV thỉnh giảng.

Đối với vấn đề hoạt động âm nhạc ngoại khóa, qua khảo sát điều tra các khối lớp 10, lớp 11 và lớp 12 với tổng số 300 em (mỗi khối 100), chúng tôi thấy phần lớn các em học sinh của trường rất thích, mong muốn được tham gia các hoạt động âm nhạc ngoại khóa, trong đó tập trung cao vào: Câu lạc bộ âm nhạc (98, 33%), Tổ chức giao lưu âm nhạc với các ca sĩ, nhạc sĩ (99,67%); hấp ở: Tổ chức các cuộc thi âm nhạc (45.33%) và Nghiên cứu, hiểu biết về âm nhạc (48.67%).

Từ sở thích như vậy, 300 HS cũng đã có ý kiến về việc Nhà trường nên tổ chức các hoạt động như: Tổ chức giao lưu âm nhạc với các ca sĩ, nhạc sĩ (100%), Tổ chức tham quan, dã ngoại gắn với âm nhạc (97,33%), Câu lạc bộ âm nhạc (93,67%); thấp ở: Tổ chức các cuộc thi âm nhạc (40,33%) và Nghiên cứu, hiểu biết về âm nhạc (44,33%). Các em thường có nhu cầu cao thưởng thức các loại hình văn hóa, nghệ thuật đương đại; có hào hứng, phấn khích cao độ khi được trực tiếp tham gia và thưởng thức âm nhạc, vũ điệu, phim ảnh… có tính chất sôi động thì luôn cuốn hút đặc biệt với các em. Các loại hình âm nhạc truyền thống ít được các em ưa chuộng, thưởng thức, thậm chí tỏ ra thờ ơ, không quan tâm.

1.Nội dung và hình thức hoạt động âm nhạc ngoại khóa cho học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm

Qua thống kê về thì phần lớn các hoạt động ngoại khóa của Trường đều có kết hợp, lồng ghép với hoạt động âm nhạc. Học sinh được tham gia nhiều hoạt động văn hóa do Nhà trường tổ chức với nhiều phong trào, cuộc thi như: cuộc thi viết báo về “Người bạn tốt - Tấm gương học tập đáng khâm phục”, tham gia Giao lưu và tặng quà Lữ đoàn 679 Vùng 1 Hải quân (Hải Phòng) cùng Quận đoàn Cầu Giấy; tham gia chương trình “Giờ Trái đất 2016” và cuộc thi “Biểu diễn nghệ thuật dưới ánh nến”... Tổ chức Hội thi “Học sinh Tài năng - thanh lịch”; kết hợp với Khối Song ngữ tổ chức chương trình Noel 2019 - Chào năm mới 2019 “White Christmas”, vòng chung kết cuộc thi “Nguyễn Bỉnh Khiêm Got Talent” với nhiều nội dung đặc sắc. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa gắn với nội dung học tập như chuyên đề “Sân khấu hóa văn học dân gian” dành cho học sinh khối 10 và khối 11…Các em học sinh được giáo viên âm nhạc dạy thêm hát tập thể với những bài hát qui định của Đoàn, bài hát truyền thống của Trường, các bài hát theo chủ đề những ngày lễ lớn trong năm. Vào các giờ sinh hoạt cuối tuần, các em cũng được giáo viên âm nhạc lồng ghép vào chương trình phần âm nhạc bằng cách cho các em thi hát giữa các lớp, các khối, có đánh giá cho điểm thi đua xếp loại trong toàn trường nhằm khích lệ động viên phong trào hoạt động đội của các lớp. Có thể thấy, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm rất có tiềm năng cho việc phát triển HĐGDANNK.

CLB âm nhạc được Nhà trường tổ chức dạy học theo hinh thức CLB vào chiều thứ bảy. Việc giáo dục của CLB tương đối bài bản, có chương trình của môn học. Việc dạy nhạc cụ của CLB gồm: piano, drum, guitar, violon. Các em được tổ chức học vào chiều thứ bảy với thời lượng 4 tiết/buổi, trong đó có 2 tiết được học về xướng âm và các vấn đề về lý thuyết âm nhạc (lý thuyết âm nhạc cơ bản, hòa âm, hình thức…), còn 2 tiết sau được học thực hành thanh nhạc/nhạc cụ tự chọn (piano/drum/guitar...). Điều đặc biệt trong việc tổ chức dạy học âm nhạc của Nhà trường là 02 tiết học thực hành sau thì các em đều được học thanh nhạc, sau đó các em mới học nhạc cụ mà mình ưa thích lựa chọn. Cuối mỗi kỳ học, ngoài độc tấu HS còn luyện tập tác phẩm trình diễn hợp xướng, ban nhạc.

Nhìn vào HĐGDANNK theo hình thức CLB chiều thứ bảy có phần giống mô hình hoạt động dạy học âm nhạc tại các nhà văn hóa ở Hà Nội. Các em được trang bị khá đầy đủ kiến thức âm nhạc cơ bản cũng như được học cả hát và đàn. Thời lượng học tập của các em gấp đôi so với Chương trình giáo dục âm nhạc cấp THPT vừa mới được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018. Hiện nay, Nhà trường đã có được Câu lạc bộ nghệ thuật (NBK MUSIC CLUB), bao gồm 02 đội: Music Team (Đội âm nhạc) và Dance Team (Đội vũ đạo). Tuy vậy, số lượng HS tham gia CLB chưa cao, HS nữ tham gia CLB nhiều hơn học sinh nam. Số lượng học sinh tham gia chủ yếu ở lớp 10 và lớp 11. Tiêu chí tuyển chọn thành viên của CLB là có khả năng âm nhạc (hát hoặc chơi nhạc cụ), người tham gia hoàn toàn tự nguyện, nhiệt tình và ham thích ca hát, ham thích âm nhạc. Hoạt động của CLB linh hoạt; mỗi tuần CLB họp một lần để thống nhất các hoạt động hoặc tập luyện các tiết mục yêu thích. Khi chuẩn bị có giao lưu, biểu diễn thì câu lạc bộ tổ chức tập luyện thường xuyên hơn. Việc tập luyện chủ yếu là các thành viên tự tìm hiểu về bài hát, chơi đàn,… trên mạng rồi truyền dạy cho nhau.

Dàn hợp xướng của Nhà trường nằm trong Đội âm nhạc, có hoạt động nhưng chỉ theo thời vụ, có chương trình thì tham gia. Các HS tham gia Dàn hợp xướng khoảng 40 - 50 em, được lựa chọn từ các lớp trong CLB âm nhạc và CLB nghệ thuật của Trường. Nhà trường có 02 ban nhạc gồm: ban nhạc của CLB nghệ thuật và ban nhạc của CLB âm nhạc. Biên chế ban nhạc của CLB âm nhạc do được học nên có đầy đủ và phong phú hơn hơn về số lượng nhạc. Còn biên chế của ban nhạc CLB nghệ thuật chỉ có một vài nhạc cụ chính (piano, cajon, guitar), chơi theo phong cách acoustic nên cũng dễ dàng tự tập luyện. CLB đã tham gia một số chương trình biểu diễn như: Live show LIBEN tại Phố đi bộ, Hội diễn Văn Nghệ quần chúng quận Cầu Giấy 2019, Ngày hội tuổi trẻ (Vinh Danh học sinh giỏi năm học 2019 - 2020), quay MV “ Heal the world”, Liên hoan nghệ thuật “Sáng mãi niềm tin theo Đảng”, Cuộc thi hợp xướng Chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập trường NUAE…Nhìn vào các hoạt động của Đội âm nhạc là phong phú, đa dạng, xuất hiện ở nhiều nơi trong trường đến ngoài trường, cuộc thi nghệ thuật do quận tổ chức đến liên hoan, cuộc thi mang cấp thành phố, giao lưu nghệ thuật trong nước đến nước ngoài.

Giáo viên âm nhạc đã đề xuất được kế hoạch hoạt động chung về HĐGDANNK cũng như xác định được kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tổ chức và bồi dưỡng, huấn luyện cho HS nâng cao năng lực âm nhạc. Tuy nhiên, nội dung hoạt động, phương pháp huấn luyện còn chưa chú trọng đến kỹ thuật cơ bản chơi nhạc, tính hệ thống bài bản… nên dẫn đến HS thiếu nền tảng cơ bản, gặp khó khăn, hạn chế trong việc thể hiện âm nhạc khi tham gia trình diễn.

Giao lưu và biểu diễn âm nhạc là một mặt nổi trội, góp phần cho sự nghiệp giáo dục chung của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các hoạt động giao lưu thường niên tại Trường: giao lưu Văn nghệ chào mừng các ngày lễ: Hội xuân đầu năm, Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Ngày Noel và chào đón năm mới 23/12 - “White Christmas”, giao lưu văn nghệ trong cuộc thi “Nguyễn Bỉnh Khiêm Got Talent” cũng như các hoạt động giao lưu với 3-5 đơn vị, cơ quan trong và ngoài nước.

Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm là cơ sở có tiềm năng và điều kiện để phát triển các HĐGDAN. Khả năng âm nhạc của HS đáp ứng đủ các yếu tố cần thiết cho việc phát triển các hoạt động GDAN nói chung và hoạt động biểu diễn, giao lưu âm nhạc.

Về nội dung chương trình dạy học âm nhạc của Nhà trường là điều kiện tốt để đáp ứng các HĐGDAN. Đội ngũ giáo viên dạy học âm nhạc được đào tạo bài bản về sư phạm âm nhạc, có trình độ chuyên sâu, có thể đáp ứng được mục tiêu của HĐGDANNK. Tuy nhiên, phương pháp tổ chức, chuẩn bị cho sự phát triển mang tính bền vững, linh hoạt, đáp ứng được sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp cho HS còn là thách thức không nhỏ đối với giáo viên âm nhạc của Trường, cần phải có chiến lược bồi dưỡng thì mới có thể phát huy được đến mức tối ưu cho các HĐGANNK của Nhà trường.

Về hoạt động âm nhạc ngoại khóa đã phát huy được thế mạnh của Nhà trường, tạo được hiệu ứng mang tính tích cực đối với hoạt động âm nhạc trong và ngoài trường, trong giao lưu âm nhạc với một số cơ sở giáo dục nước ngoài. Tuy nhiên HĐANNK còn mang tính thời vụ; kỹ năng thể hiện âm nhạc của HS còn thiếu ổn định, nhiều tiết mục biểu diễn chưa đáp ứng được chất lượng nghệ thuật chưa gây được sự hứng thú, xúc động cho HS.

2.Cải tiến kế hoạch hoạt động giáo dục âm nhạc ngoại khóa của Nhà trường

Nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục âm nhạc ngoại khóa ở trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trước tiên bắt đầu từ cải tiến kế hoạch hoạt động giáo dục âm nhạc. Giáo viên âm nhạc cần phải chủ động trong việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cho HĐGDANNK hiệu quả, bổ ích, phù hợp để thu hút sự chú ý và nhiều học sinh tham gia cũng như thuyết phục được Nhà trường. Việc xây dựng kế hoạch HĐGDANNK có thể bám sát các chủ điểm giáo dục theo tháng của Nhà trường. Để thực hiện tốt kế hoạch chung, giáo viên cần phải có kế hoạch và biết lập kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng hình thức hoạt động. Công việc này không chỉ tạo cho HĐGDANNK của Trường đi vào nề nếp mà còn giúp các giáo viên âm nhạc hoàn toàn chủ động trong công tác thực hiện, điều hành.

Âm nhạc là một môn về nghệ thuật trình diễn. Các HĐGDANNK là điều kiện tốt để các em phát triển những năng lực quan trọng như khả năng diễn đạt cảm xúc, khả năng thể hiện sự mạch lạc trong trình diễn, sự tự tin trước công chúng. Như vậy cần phải thông qua các công đoạn hướng dẫn, luyện tập, trong đó, người giáo viên âm nhạc phải trang bị kỹ thuật âm nhạc cho HS, gồm hai loại: kỹ thuật thể hiệnkỹ thuật vận dụng vào âm nhạc thực tế. Do đó, việc trang bị kỹ thuật chơi nhạc cho HS không chỉ là phương tiện thể hiện âm nhạc mà nó còn là khía cạnh hấp dẫn người nghe. Việc hướng dẫn, huấn luyện cho HS Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trình diễn âm nhạc cần có những yêu cầu riêng về phát triển kỹ thuật đàn/hát. Tiếp theo cần rèn luyện cho HS kỹ năng thể hiện âm nhạc, chú trọng rèn luyện về cao độ, tiết tấu, sắc thái và duy trì tốc độ được chuẩn xác. Việc phát triển kỹ năng thể hiện âm nhạc đòi hỏi GV cần phải vận dụng nhiều phương pháp như: phương pháp trình bày tác phẩm, làm mẫu để học sinh quan sát, phương pháp hướng dẫn thực hành luyện tập để học sinh lặp đi lặp lại, điều chỉnh đạt được kết quả.

Hiện nay công nghệ âm nhạc được sử dụng phổ biến trên thế giới. GV cần lựa chọn phần mềm âm nhạc thích hợp để giúp cho HS tự luyện tập tiết tấu, không chỉ để giúp cho HS tự luyện tập cá nhân mà còn thách thức cho việc nâng cao kỹ năng thể hiện âm nhạc để HS nỗ lực, kiên trì đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó cũng cần rèn luyện cho HS Kỹ năng phối hợp trong trình diễn âm nhạc, kỹ năng trình diễn ban nhạc. Qua đó, các kiến thức, kỹ năng được tiếp thu ở trên lớp có cơ hội được áp dụng, củng cố, mở rộng thêm trên thực tế, đồng thời có tác dụng nâng cao hứng thú học tập âm nhạc trên lớp, thông qua cách thức tổ chức HĐGDANNK.

Việc phát triển hoạt động CLB cần được xây dựng kế hoạch bài bản, thông qua việc theo học lớp nghệ thuật âm nhạc chiều thứ bảy của Trường, tập trung chủ yếu vào phát triển các loại hình biểu diễn âm nhạc như hợp xướng, nhóm nhạc và trang bị kiến thức, kỹ năng thông qua các lớp âm nhạc tổng hợp. Để thể hiện được những nội dung chuẩn bị thì cần xây dựng chương trình trình diễn âm nhạc phù hợp với HS. Theo chúng tôi, khả năng biểu diễn âm nhạc của HS trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ yếu là ca nhạc, trong đó hát vẫn đóng vai trò chủ đạo, ban nhạc chủ yếu đệm cho hát, ít có khả năng hòa tấu. Do đó, việc đảm bảo nội dung chương trình cần gắn với sự lựa chọn các bài hát có chất lượng nghệ thuật với các phong cách âm nhạc khác nhau, trong đó ý nghĩa của lời ca của mỗi bài hát là yếu tố kết nối quan trọng đối với chủ đề chương trình.

Để trình diễn thành công thì diễn tập có vai trò quan trọng. Việc lập kế hoạch toàn bộ lịch trình diễn tập từ buổi diễn tập đầu tiên đến buổi trình diễn là không thể thiếu cho toàn bộ HĐGDANNK này. Một biện pháp hết sức quan trọng trong việc sắp xếp lịch trình diễn tập được hiệu quả là cần phải được sự ủng hộ, hợp tác của các GV bộ môn khác và các bộ phận nhân viên của Nhà trường.

Ngoài ra, học sinh cũng cần được tham gia các hoạt động trải nghiệm âm nhạc, tập trung vào các cuộc thi âm nhạc và tham quan thực tế.

Để nhằm kiểm chứng tính khả thi, hiệu quả của những biện pháp cơ bản về rèn luyện kỹ năng trình diễn cho HS trong việc phát triển HĐGDANNK tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi đã tổ chức thực nghiệm sư phạm, bằng cách lựa chọn 50 HS thuộc lớp nghệ thuật âm nhạc và CLB âm nhạc của Trường. Các em đều học từ cấp Trung học cơ sở của Trường và liên cấp lên cấp Trung học phổ thông, cho nên có trình độ âm nhạc tương đương, và phần lớn đều tham gia đội hợp xướng của Trường. Nội dung thực nghiệm HĐGDANNK thông qua tổ chức trình diễn âm nhạc với chủ đề “Tri ân thầy cô”, chào mừng Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020. Chương trình với thời lượng từ 25 đến 30 phút, gồm 5 tiết mục có ban nhạc hòa tấu đệm hát gồm: Hợp xướng: Cánh diều mơ ước; Đơn ca: Cô giáo về bản; Song ca nam nữ: Bước chân mùa thu; Tam ca nữ: Ngày nhà giáo và Tốp ca nam nữ : Thắp lên điều kỳ diệu. Thời gian thực nghiệm triển khai trong 03 tuần (từ ngày 3/10/2021 đến ngày 20/11/2021); được xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể từ các buổi luyện tập, tổng duyệt đến buổi trình diễn.

Để chuẩn bị cho chương trình đạt kết quả tốt, chúng tôi đã tổ chức tập họp toàn bộ GV âm nhạc tham gia trao đổi, thống nhất triển khai; tiến hành phân công từng GV phụ trách diễn tập cho HS từng tiết mục. Tiết mục hợp xướng Cánh diều ước mơ được triển khai bài bản, thường xuyên tập trong các buổi diễn tập. GV đã đưa các tiêu chí cần đạt khi thể hiện tác phẩm. Do các em đã được thuộc bài từ Lớp âm nhạc chiều thứ bảy, nên GV đã tập trung giải quyết những kỹ năng cần thể hiện cho từng bè và tất cả dàn hợp xướng: âm chuẩn, tiết tấu (đảo phách, nghịch phách, ngân dài…), tốc độ, xử lý cân bằng âm lượng các bè, sắc thái, các tình tiết biểu cảm khác: xử lý lời ca ở một số từ có nguyên âm đôi, ba không thuận lợi cho cộng minh (ưa, iêu…), thống nhất chỗ lấy hơi... GV đã chú ý chỉnh sửa, uốn nắn kịp thời, chú trọng trong việc trau chuốt xử lý hòa âm, phức điệu, biểu cảm sắc thái, nghệ thuật diễn xuất biểu cảm tạo cao điểm cho từng câu hát và cao trào của bài. …

Sau quá trình tiến hành tổ chức thực nghiệm triển khai, chúng tôi khảo sát ý kiến từ phía tập thể GV, HS và thu được kết quả sau:

Về phía GV: Thông qua quan sát hoạt động trải nghiệm âm nhạc của HS trên sân khấu, 100% giáo viên đều cho rằng HS trình diễn rất thăng hoa. Các em mạnh dạn, tự tin thể hiện kỹ năng chơi nhạc, biểu cảm tốt, có chất lượng nghệ thuật, khác nhiều so với cách trình diễn chương trình Khai giảng vào tháng 9. Nhóm hợp xướng hát rất hòa hợp, giọng vang, phối hợp giao lưu, biểu cảm gây xúc động khán giả. Ban nhạc chơi “ăn ý”, trong biểu lộ cảm xúc, biết nghe, đón và cùng nhau phối hợp sáng tạo khi đệm cho hát. Về phía HS: 100% HS tham gia chương trình cho rằng cảm thấy rất hấp dẫn, rất hứng thú nếu tiếp tục được tham gia các chương trình. Sau 03 tuần thực nghiệm chương trình “Tri ân thầy cô”, chúng tôi nhận thấy những biện pháp phát triển HĐGDANNK được áp dụng vào thực nghiệm là phù hợp, có tính khả thi đối với trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Như vậy, biện pháp cơ bản nhằm phát triển HĐGDANNK cho trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm là cần phải cải tiến kế hoạch hoạt động giáo dục âm nhạc ngoại khóa của Nhà trường. Quá trình thực nghiệm biện pháp tổ chức trình diễn âm nhạc trước công chúng đã phần nào phản ánh kết quả của nghiên cứu.

Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đề tài, tác giả  thấy rằng, nhìn chung Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã và đang có những hoạt động nghệ thuật nói chung và đối với hoạt động âm nhạc nói riêng rất thiết thực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng vẫn còn những hạn chế về phương pháp tổ chức, chuẩn bị cho sự phát triển mang tính bền vững, linh hoạt. Vì vậy, việc định hướng mục đích, mục tiêu cụ thể cũng như những yêu cầu cơ bản là hết sức cần thiết cho việc phát triển HĐGDANNK tại trường THPT Nguyễn Binh Khiêm. Để hiện thực hóa những định hướng, yêu cầu đó thì sự đề ra những biện pháp mang tính cơ bản như cải tiến kế hoạch hoạt động giáo dục âm nhạc ngoại khóa của Nhà trường. Để gây hứng thú, niềm say mê âm nhạc cho HS thì rèn luyện cho HS kỹ năng trình diễn âm nhạc để các em có cơ hội hợp tác cùng bạn bè trình diễn, thể hiện “tài năng của bản thân” là hết sức cần thiết. HĐGDANNK là thông qua việc tổ chức cho các em trình diễn âm nhạc trước công chúng là một trong những biện pháp giúp các em có những trải nghiệm tuyệt vời với cuộc sống; thông qua cuộc thi âm nhạc, thăm quan thực tiễn là điều kiện để các em được tiếp xúc, giao lưu, học hỏi và mở rộng hiểu biết phục vụ cho công việc và cuộc sống của các em sau này. Tuy vậy, cần phải có thêm thời gian hơn nữa để kiểm nghiệm thêm. Những biện pháp phát triển HĐGDANNK trình bày trong bài viết mang tính tóm tắt định hướng, có ý nghĩa và cần thiết với tình hình thực tiễn của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Hoàng Mai Anh (2017), Hoạt động ngoại khóa nâng cao chuyên môn cho sinh viên ngành sư phm âm nhạc. Đề tài nghiên cứu khoa học- Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

  2. Nguyễn Ngọc Bảo (1995), Phát triển tính tích cực, tính tự lực của học sinnh trong quá trình dạy học, Nxb Hà Nội.

  3. Phạm Minh Hạc (1996), Phát triển giáo dục, phát triển con người phục vụ xã hội phát triển kinh tế, Nxb Khoa học, Hà Nội.

  4. Hồ Mộ La (2007), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

  5. Hà Nhật Thăng (2002), Thực hành tổ chức hoạt động giáo dục, Nxb Giáo dục, Hà Nội.