Tin tức

Ứng dụng vẻ đẹp hoa văn trên trang phục dân tộc Thái vào dạy học bài trang trí của môn Mĩ Thuật ở cấp tiểu học.

11 Tháng Giêng 2022

Nguyễn Thị Kim Ngân

                                                         K7- LL và PP dạy học bộ môn Mĩ thuật

Hiện nay, việc kế thừa, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống là một vấn đề quan trọng và cấp bách được toàn xã hội chú trọng. Việt Nam là nơi cư trú từ lâu đời của 54 dân tộc anh em, bởi vậy có kho tàng giá trị văn hóa của các dân tộc vô cùng đa dạng, phong phú. Đây là những tài sản vô giá mà chúng ta có thể khai thác, vận dụng trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong những hoạt động giáo dục. Việc ứng dụng những giá trị tạo hình của hoa văn trên trang phục đồng bào dân tộc Thái trong dạy học phân môn trang trí ở bậc tiểu học cũng nằm trong hướng tiếp cận này.

1. Định hướng trong việc đưa giá trị tạo hình và văn hóa trên trang phục của đồng bào dân tộc Thái vào dạy bài trang trí ở bậc Tiểu học

Điểm mới khác với dạy học truyền thống là đưa ra định hướng trong việc đưa giá trị tạo hình và văn hóa trên trang phục của đồng bào dân tộc.

Các họa tiết, hoa văn trên trang phục của các dân tộc không đơn thuần chỉ mang tính thẩm mĩ mà còn gắn liền với những giá trị văn hóa, mang đặc trưng bản sắc của dân tộc. Bởi vậy, việc nghiên cứu, phân tích các giá trị văn hóa ẩn giấu qua trang phục dân tộc là rất quan trọng. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một bởi lối sống vật chất. Do đó, nội dung giáo dục trong nhà trường phải làm tốt nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các môn học. Mĩ thuật là một môn học như vậy. Việc khai thác các yếu tố thẩm mĩ trong đời sống đồng bào luôn gắn liền với yếu tố văn hóa. Trang phục các dân tộc là khía cạnh mà môn học Mĩ thuật có thể khai thác. Khai thác giá trị thẩm mĩ gắn liền với yếu tố văn hóa thông qua các mẩu chuyện, truyền thuyết dân tộc sẽ tạo ra cảm hứng, thu hút học sinh quan tâm hơn đối với môn học và từ đó, học sinh hiểu biết hơn về đời sống tinh thần của đồng bào.

Khai thác giá trị thẩm mĩ gắn liền với yếu tố văn hóa thông qua các mẩu chuyện, truyền thuyết dân tộc sẽ tạo ra cảm hứng, thu hút học sinh quan tâm hơn đối với môn học và từ đó, học sinh hiểu biết hơn về đời sống tinh thần của đồng bào. Khi đó, cả một nền văn hóa tộc người được hình thành qua biết bao thế hệ như hiển hiện trước mắt học sinh.

Thiếu nữ Thái đen                                  Phụ nữ Thái Trắng

Nguồn: tác giả

2. Một số cách thức khai thác vẻ đẹp hoa văn trên trang phục người Thái vào dạy học bài trang trí ở Tiểu học

Tính mới của cách khai thác này là học sinh được trải nghiệm vẻ đẹp tạo hình và giá trị văn hóa của hoa văn trên trang phục đồng bào Thái của địa phương.

Một là khai thác yếu tố trang trí của hoa văn trên trang phục của đồng bào dân tộc Thái

Bố cục hoa văn

Hoa văn trên trang phục đồng bào dân tộc Thái thường có bố cục thành dải ngang và dải dọc, kết hợp với một hoa văn có kích thước lớn ở trung tâm đồ án. Mỗi dải hoa văn thường có bố cục ở giữa là họa tiết hoa văn thêu chủ đạo khổ lớn. Phía rìa các dải là hoa văn thêu có tiết diện nhỏ hẹp bề ngang.

Mô típ hoa văn

Trên trang phục dân tộc Thái có hai loại mô típ hoa văn là mô típ hoa văn tả thực và mô típ hoa văn cách điệu. Có thể nói hoa văn tả thực là người ta bê nguyên xi dáng hình của động thực vật vào, miêu tả nó một cách tỉ mỉ, đầy đủ. Hoa văn cách điệu lại đối lập hay ngược lại với hoa văn tả thực. Loại này động thực vật được cách điệu hay hình học hoá, bị chi phối bởi kỹ thuật dệt đan ở mức độ cao thấp khác nhau. Nhưng có điểm chung là người ta lược bỏ bớt những chi tiết nhỏ, bộ phận phụ của động thực vật, chỉ giữ lại những bộ phận cơ bản đặc trưng nhất và thể hiện dưới dạng mô hình tượng trưng, khái quát hoá cao. Động thực vật được tạo nên bởi các đường gấp khúc, các hình học xếp lại. Hoa văn được cách điệu chứng tỏ tư duy trìu tượng và sự khái quát hoá hình dạng động thực vật của người Thái khá cao.

Màu sắc hoa văn

Để khai thác yếu tố màu sắc hoa văn trên trang phục, nội dung đề tài tập trung nghiên cứu màu sắc trên hai loại trang phục tiêu biểu của dân tộc Thái là khăn Piêu và váy của phụ nữ Thái.

Hai là khai thác vẻ đẹp tạo hình và giá trị văn hóa của hoa văn trên trang phục đồng bào Thái vào dạy phân môn trang trí ở bậc Tiểu học

Với đối tượng học sinh tiểu học, những nhận thức về mĩ thuật mới ở giai đoạn đầu, sự hiểu biết còn hạn chế những nội dung khai thác chỉ nên tập trung vào bài dạy về trang trí cơ bản. Một số nội dung có thể khai thác gồm:

Khai thác về hình mảng

Trên cơ sở cách bố cục, bài trí hoa văn trên trang phục dân tộc Thái, giáo viên giới thiệu cho học sinh về cách bố trí hình mảng trong bài tập trang trí.

- Bố cục: Phân bố mảng chính phụ rõ ràng, cân đối, rõ trọng tâm.

- Hình mảng cần có sự đa dạng về kích thước và hình thể.

- Có sự bố trí mảng đặc và mảng rỗng phù hợp. Mảng đặc ở đây là mảng có họa tiết, và mảng rỗng đó chính là mảng không có họa tiết (mảng nền). Sự linh hoạt giữa mảng đặc và mảng rỗng tạo điểm nghỉ mắt cho người xem, làm tập trung, rõ hơn chủ đề và ý đồ trang trí. Tùy vào hình dạng lựa chọn, có thể gợi ý học sinh sử dụng các hoa văn để trang trí hình mảng cho phù hợp.

Khai thác về bố cục

Thông qua bố cục của các họa tiết, hoa văn trên trang phục dân tộc

Thái, giáo viên giới thiệu cho học sinh nắm rõ hai nguyên tắc cơ bản trong trang trí gồm tương phản và cân đối.

Tương phản là nguyên tắc luôn được sử dụng nhằm tạo sự đa dạng và phong phú trong nghệ thuật tạo hình. Có mảng to thì phải có mảng nhỏ, có sáng thì cần có tối, có nét cong phải có nét thẳng, nét xiên, nét gấp khúc... Đối với màu sắc thì trong gam nóng làm chủ đạo nhưng vẫn không thể thiếu sự xuất hiện của gam lạnh. Và ngược lại gam lạnh là chủ đạo song không thể thiếu gam nóng. Sự tương phản bổ trợ cho nhau, làm tôn nhau lên, giống như sự hài hòa của vũ trụ là phải hòa hợp âm dương vậy.

Nguyên tắc cân đối là một nguyên tắc quan trọng trong trang trí, bởi sự hài hòa, hợp lí, cân đối luôn định hình cái đẹp. Sự cân đối có nghĩa là các mảng, các họa tiết, các độ đậm nhạt và màu sắc phải được bố trí cân bằng, thuận mắt cho người xem. Một bài trang trí đẹp phải đảm bảo yếu tố đó.

3. Quy trình khai thác vẻ đẹp tạo hình hoa văn trên trang phục người Thái vào dạy học trang trí

Bước 1: Tìm hiểu về giá trị văn hóa của hoa văn trên trang phục.

Để thực hiện bước này tốt, giáo viên cần tìm hiểu các thông tin về giá trị văn hóa của hoa văn thông qua sách báo hoặc trực tiếp đến các bản, làng dân tộc Thái để hỏi những người lớn tuổi, nghệ nhân. Thông qua ý nghĩa của họa tiết hoa văn trên trang phục người Thái, qua các bài dạy nâng cao nhận thức cho HS về giá trị nghệ thuật dân tộc, sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc, HS hiểu và biết trân trọng những giá trị văn hóa nghệ thuật ấy.

                                                Học sinh sưu tầm khăn Piêu và mặc trang phục Thái

Nguồn: tác giả

Bước 2 - Lựa chọn hoa văn để trang trí.

Trong trang trí việc lựa chọn và sắp xếp hoa văn rất quan trọng, quyết định toàn bộ vẻ đẹp của sản phẩm.

Ở bước này giáo viên sẽ đưa ra một số mẫu hoa văn trên trang phục dân tộc Thái thông qua các hình ảnh trang phục, tranh vẽ, mẫu vật,... Mỗi học sinh sẽ tự lựa chọn cho mình kiểu hoa văn mà mình yêu thích. Sau đó, học sinh sẽ phác họa lại hoa văn đó. Tiếp theo, học sinh chủ động lựa chọn hình thức, bố cục để trang trí như: hình vuông, hình thoi, hình chữ nhật, hình tròn hay đường diềm,.... Đồng thời, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tìm hiểu tính cách điệu, ý nghĩa văn hóa của hoa văn.

Giáo viên, Học sinh lựa chọn hoa văn để  trang trí

Nguồn: tác giả

Bước 3 - Sử dụng hoa văn để trang trí

Sau khi đã lựa chọn và phác họa hoa văn mà mình yêu thích, học sinh sẽ vận dụng hoa văn trên trang phục của đồng bào Thái vào trang trí đồ vật, từ đó học sinh sẽ thấy được ý nghĩa của môn học, tạo ra thói quen vận dụng những điều đã học ở môn mĩ thuật trong sáng tạo của bản thân liên quan đến các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, tùy theo mẫu hoa văn đã lựa chọn chép ở tiết trước, học sinh sẽ sử dụng hoa văn này vào trang trí một đồ vật (theo sự lựa chọn của học sinh) cho phù hợp. Giáo viên chỉ cần hướng dẫn học sinh lựa chọn cách trang trí sao cho thuận mắt. Ví dụ đối với đồ vật chỉ có một diện như khung tranh thì nên đặt hoa văn như một điểm nhấn, tạo sự hấp dẫn cho người xem. Nếu trang trí một đồ vật đa diện như cốc, chén thì có thể hướng dẫn học sinh trang trí theo bố cục đường diềm để thuận tiện quan sát ở nhiều hướng.

Mục tiêu của bước này là giúp học sinh có khả năng vận dụng những điều đã học trong việc làm đẹp những đồ vật xung quanh mình, hay có thể hiểu “học để dùng” chứ không còn “học để biết”. Bước này khá quan trọng trong hình thành tư duy ứng dụng, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của môn học thực hành như mĩ thuật.

Trang trí đồ vật

Trang trí trang phục

Kết luận

Trong kho tàng văn hóa dân tộc nói chung và nghệ thuật nói riêng, việc khai thác những giá trị truyền thống của dân tộc trong nghệ thuật trang trí vô cùng phong phú, đa dạng, bởi đó là sự tích lũy những giá trị văn hóa tinh thần hàng ngàn đời nay. Qua nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng, sự độc đáo trong thể hiện trên trang phục, tôi nhận thấy có rất nhiều điều có thể đưa vào dạy học, từ yếu tố tạo hình đến giá trị văn hóa. Điều này không chỉ làm tăng thêm sự hấp dẫn của bài học mà còn góp phần cần thiết trong việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của tộc người, trước bối cảnh cuộc sống hiện đại với các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, làm biến đổi đi những giá trị được tích lũy qua bao thế hệ.

Sự kết hợp giữa văn hóa dân tộc và giáo dục đã và đang là hướng đi cần khai thác. Trong phạm vi của đề tài này đã chứng minh một điều nếu chúng ta có cách làm đúng thì thông qua việc dạy học môn mỹ thuật cho học sinh bậc tiểu học, việc lồng ghép những giá trị văn hóa của tộc người sẽ làm cho bài giảng được thêm phong phú, cũng như tăng thêm sự hiểu biết về giá trị văn hóa tộc người. Điều này tạo nên cảm hứng cho việc sáng tạo, ứng dụng những kiến thức của nhà trường vào trong cuộc sống.