Tin tức

DẠY HỌC ĐÀN PHÍM ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNGNGOẠI KHÓA TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ TÂN TRIỀU, HUYỆN THANH TRÌ, HÀ NỘI

11 Tháng Giêng 2022

Học viên: Bùi Văn Đạt

Lớp: K11 LL&PPDH Âm nhạc

Mục đích phát triển toàn diện con người Việt Nam được cụ thể hóa qua Thông tư số 04/2014- BGDĐT do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2014: vềviệcquản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa (gọi là ngoại khóa) là căn cứ pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều trường phổ thông tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, trong đó nổi bật 2 nội dung chủ đạo: rèn luyện thể chất; nâng cao nhận thức, tinh thần, phát huy nội lực, trí tuệ đội ngũ kế cận.

Thực hiện chủ trương của Bộ giáo dục và Đào tạo, trường Trung học Cơ sở Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội tiến hành tổ chức hoạt động ngoại khóa: Thể dục thể thao, vẽ tranh, ca hát, nhảy múa, nhạc cụ. Qua giờ học âm nhạc chính khóa, tôi nhận thấy nhiều học sinh yêu thích học đàn, được sự đồng ý của Ban giám hiệu, năm học 2014- 2015 lớp đàn phím điện tử hình thành, bổ sung hình thức hoạt động âm nhạc ngoại khóa mới. Trải qua 7 năm (2014- 2021) tổ chức lớp (sau này là Câu lạc bộ) đàn phím điện tử ngoại khóa, Giáo viên nhận thấy cần cải tiến, bổ sung phương pháp, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dạy học trước những biến đổi xã hội do đại dịch Covid- 19 gây ra. Từ dạy học trực tiếp (offline) đến trực tuyến (online) đòi hỏi thày trò thích ứng nhanh, cố gắng duy trì Câu lạc bộ đàn phím điện tử, đem lại niềm tin, động lực học tập cho học sinh khi phải ở nhà suốt thời gian dài giãn cách. Dưới đây là những biện pháp nâng cao dạy học của Câu lạc bộ được tôi tổng kết nhằm hạn chế nhược điểm, phát huy ưu điểm, tiếp tục duy trì hoạt động dạy học đàn phím điện tử ngoại khóa trong tình hình mới trong hoạt động ngoại khóa tại trường Trung học Cơ Sở Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội

  1. Vài nét về dạy học đàn phím điện tử tại Trường Trung học Cơ Sở Tân Triều

Qua khảo sát, tìm hiểu thực tế cách đây trên 50 năm (1970) trường phổ thông liên cấp Tiểu học và Trung học Cơ Sở Tân Triều được xây dựng trên địa bàn làng Triều Khúc (trước đây thuộc ngoại thành Hà Nội), một làng cổ có nhiều ngành nghề tiểu thủ công truyền thống, đến nay người dân Triều Khúc vẫn lưu giữ 31 nghề truyền thống. Từ năm học 1999- 2000 trường cấp I, II Tân Triều nhận quyết định của phòng GDĐT huyện Thanh Trì tách thành 2 trường: Tiểu học Tân Triều và Trung học Cơ Sở Tân Triều. Trường Trung học Cơ Sở Tân Triều được đầu tư xây dựng mới gồm 3 tầng, tổng số 30 lớp, khung cảnh rộng rãi, khang trang.

Chú trọng chất lượng dạy học, trường Trung học Cơ Sở Tân Triều tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan chặt chẽ các môn chính khóa. Mặc dù từ đầu năm 2020 đại dịch Covid- 19 xuất hiện tại thủ đô, gây nhiều khó khăn trong tổ chức dạy học, nhưng bằng tinh thần quyết tâm, linh hoạt, trường Trung học Cơ Sở Tân Triểu chấp hành chỉ thị UBND thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm chỉnh 5K, tổ chức giãn cách xã hội theo quy định bộ Y tế, chủ động chuyển đổi hình thức dạy học tập trung (offline) sang trực tuyến (online), đảm bảo dạy tốt, học tốt. Trường Trung học Cơ Sở Tân Triều luôn nhận thức phải nâng cao, đa dạng hóa sinh hoạt tinh thần: vẽ, ca hát, múa. Đây là điểm sáng được Ban giám hiệu duy trì, phát huy qua thành tích học sinh đạt nhiều giải cao mỹ thuật trước đây, do đó mở lớp đàn phím điện tử ngoại khóa là cố gắng, nỗ lực chung của tập thể giáo viên âm nhạc, từ khi hình thành đến năm học 2021- 2022 môn đàn phím điện tử trải qua 3 hình thức: lớp, Câu lạc bộ, phòng học trực tuyến (online).Lớp đàn bắt đầu từ năm 2014, ngoài số lượng đàn của trường, các gia đình chủ động trang bị đàn tại nhà cho con em học tập, hoàn thiện bản thân. Giai đoạn này tổ chức lớp gặp một số khó khăn, nhưng bằng quyết tâm, tập thể âm nhạc cố gắng vượt qua. Lớp đàn phím điện tử song hành với ca hát, nhảy múa tạo nên phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi, được học sinh toàn trường hưởng ứng, quan tâm, theo dõi. Chuyển sang hình thức Câu lạc bộ (năm học 2017- 2018), nhiều HS biết trường tổ chức dạy học đàn phím điện tử nên hưởng ứng tích cực, tham gia đông. Về phương pháp vận hành, Câu lạc bộ có nhiều lợi thế hơn lớp đàn. Thứ nhất, Câu lạc bộ đàn phím điện tử liên kết chặt chẽ với nhóm ca hát, Câu lạc bộ nhảy múa, chủ động xây dựng tiết mục văn nghệ tham gia nhiều hoạt động chung của trường. Với khả năng đệm hát, đàn phím điện tử trở thành nhạc cụ chính trong sinh hoạt ngoại khóa, phát động phong trào, tổ chức lễ kỷ niệm Đội, Đoàn, ngày hiến chương nhà giáo (20/11). Thứ hai, đàn phím điện tử là công cụ tạo âm thanh sống động, phù hợp tuổi học sinhTrung học Cơ Sở khi trường tổ chức dã ngoại, thăm di tích, cảnh quan lịch sử tại các địa phương. Thứ 3, đàn phím điện tử tập luyện cho cán bộ, giáo viên tham gia liên hoan văn nghệ, hội diễn do phòng Giáo Dục huyện Thanh Trì phát động. Thứ tư, học sinh học đàn phím điện tử trong Câu lạc bộ được gia đình khuyến khích, động viên, qua tập luyện các em biết phát huy tính chủ động, tăng cường bản lĩnh trước đám đông, có khả năng tập trung sức lực học nhiều môn khác nhau.

Khi đại dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, để duy trì Câu lạc bộ đàn phím điện tử, giáo viên, học sinh chuyển đổi trạng thái sang trực tuyến. Những khó khăn xuất hiện khi toàn bộ phương pháp trực tiếp, tại chỗ trở thành cách dạy học gián tiếp qua phần mềm Zoom. Để khắc phục, thày đánh mẫu trên đàn, trò nhìn và làm theo hướng dẫn, tăng cường thời gian luyện tập. Trên thực tế, dạy học đàn trực tuyến chưa có tiền lệ ở Việt Nam, do đó ban đầu gặp trở ngại, vấp váp, tuy vậy bằng sự cố gắng, kiên trì, đến kỳ I năm học 2021- 2022 hình thức trực tuyến là giải pháp trong kế hoạch của trường Trung học Cơ Sở Tân Triều và Câu lạc bộ đàn phím điện tử.

2.Những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử trong hoạt động ngoại khóa

2.1. Các bài kỹ thuật, tiểu phẩm

Cùng số bài hát Trung học Cơ Sở, Giáo viên bổ sung bài kỹ thuật (Etude), tiểu phẩm Piano, đàn phím điện tử từ nhiều nguồn, đặc biệt áp dụng giáo trình Hướng dẫn dạy và học đàn Organ, Phương pháp dạy và học đàn phím điện tửcủa tác giả Xuân Tứ và Tài liệu Keyboard dùng cho năm thứ nhất hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc.

2.1.1. Bài kỹ thuật (Etude)

Thuật ngữ Etude chỉ định loại bài tập trung giải quyết các dạng kỹ thuật phối hợp chuyển động 2 tay. Để diễn tấu nhạc cụ nhuần nhuyễn, điêu luyện, bài kỹ thuật là yêu cầu bắt buộc phải học, luyện tập. Trong đào tạo nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, số lượng bài kỹ thuật nhiều, đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ (cho người bắt đầu học) đến khó (và rất khó), ngoài ra Etude còn trở thành tác phẩm độc lập, biểu hiện tài năng âm nhạc của người biểu diễn.

2.2.2. Tiểu phẩm Piano, đàn phím điện tử

Ở mức độ phổ cập, dạy học đàn phím điện tử ngoại khóa trường Trung học Cơ Sở Tân Triều có những chuyển biến tích cực, trong đó học sinh được giao tiểu phẩm Piano, Keyboard, Organ trong nhiều cuốn giáo trình, tài liệu xuất bản ở Việt Nam. Tập luyện, hoàn thành và biểu diễn tác phẩm nói chung, tiểu phẩm nhạc đàn nói riêng luôn chiếm vị trí trọng tâm, giúp học sinh tiếp cận phong cách tác giả từng thời kỳ từ tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn, ấn tượng, hiện đại và đến nay,  đồng thời hiểu rõ âm nhạc Việt Nam qua những sáng tác viết cho đàn Piano, Keyboard độc tấu.

2.2. Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học

Như đã trình bày trong chương 1, lớp đàn phím điện tử ngoại khóa trường Trung học Cơ Sở Tân Triều bắt đầu từ 2014, do mục đích phổ cập âm nhạc nên phương pháp dạy học tập thể, đại trà. Đến năm học 2016- 2017 lớp chuyển sang Câu lạc bộ, công tác tổ chức quy củ, ổn định. Để bổ trợ diễn tấu bài hát Trung học Cơ Sở lưu loát, giáo viên đưa gam, Hanon như biện pháp rèn luyện ngón tay. Qua tổng kết, rút kinh nghiệm, từ năm học 2017- 2018, Giáo viên bổ sung bài kỹ thuật (Etude), tiểu phẩm Piano, đàn phím điện tử, đệm hát nhằm nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử. Đồng thời tiến hành phân loại năng lực, dạy học theo nhóm, cá nhân. Đến năm học 2019- 2020, đại dịch Covid- 19 xảy ra với diễn biến phức tạp, gây tác hại, ảnh hưởng toàn xã hội, Câu lạc bộ đàn phím điện tử chuyển sang phương pháp dạy học trực tuyến từ kỳ II 2020- 2021. Mặc dù đại dịch gây nhiều khó khăn, nhưng thày trò Câu lạc bộ đàn phím điện tử ngoại khóa trường Trung học Cơ Sở Tân Triều cố gắng duy trì dạy học trực tuyến nhằm giải tỏa tinh thần, khích lệ học sinh trong thời gian giãn cách, tạo động lực phấn đấu học tập, ổn định sinh hoạt. Dưới đây là những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử ngoại khóa.

2.2.1. Phân loại năng lực

Sau 3 năm (2014- 2017) tổ chức lớp đàn phím điện tử ngoại khóa, giáo viên nhận thấy cần phân loại học sinh theo năng lực, trình độ. Đây là biện pháp tiên quyết nâng cao chất lượng dạy học, thay đổi tư duy cả lớp học 1 bài. Căn cứ tình hình học đàn trong Câu lạc bộ, giáo viên nhận thấy một số học sinh bộc lộ năng khiếu chơi đàn, chịu khó luyện tập, phối hợp 2 tay tương đối thuần thục, có khả năng tiến bộ nhanh hơn so với bạn bè. Như đã trình bày trong chương 1, giáo viên phân chia làm 3 nhóm: nhóm 1 đã học từ năm trước; nhóm 2: học sinh khối 7, 8, 9 bắt đầu tham gia; nhóm 3: học sinh khối 6 (từ Tiểu học lên Trung học Cơ Sở) đăng ký học đàn. Cách phân loại theo nhóm giúp Giáo viên tập trung hướng dẫn chi tiết hơn, đồng thời chỉ bảo học sinh các nội dung lý thuyết âm nhạc, xướng âm, mỗi nhóm phát huy tinh thần chủ động luyện tập, hoàn thành bài.

2.2.2. Dạy học theo nhóm

Sau khi phân loại năng lực học sinh vào 3 nhóm, giáo viên tiến hành dạy học theo trình độ. Căn cứ độ tuổi, tâm lý, khả năng tiếp thu, giáo viên đưa ra một số biện pháp dạy theo đặc thù riêng. Với nhóm khối 6 bắt đầu học đàn, giáo viên tập trung hướng dẫn gam, Hanon để học sinh rèn luyện cách bấm phím, sắp xếp 5 ngón tay cùng phương pháp luồn ngón. Khối 7, 8, 9 lần đầu tiếp xúc đàn, Giáo viên có yêu cầu cao hơn so với khối 6 qua khối lượng luyện tập: gam, Hanon kết hợp Etude để học sinh biết cách vận động ngón tay. Với nhóm đã học trước, ngoài gam, Hanon, Etude, giáo viên bắt đầu giao tiểu phẩm Piano, đàn phím điện tử giúp học sinh hiểu phương pháp xử lý sắc thái.

2.2.3. Dạy học theo mô hình 2 Học sinh/nhóm

Những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử được giáo viêntriển khai trong 2 năm học 2017- 2019 đã đem lại hiệu quả tích cực, tuy vậy vẫn tồn tại một số vướng mắc. Cụ thể, sự tiến bộ diễn tấu đàn không đồng đều do từng học sinh có đặc điểm năng lực âm nhạc riêng. Bài giao cho nhóm chưa phát huy khả năng sáng tạo cá nhân. Sang năm học 2019- 2020, giáo viên quyết định áp dụng mô hình dạy đàn phím điện tử của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, mỗi nhóm chỉ 2 học sinh.

2.2.4. Dạy học trực tuyến

Đại dịch Covid- 19 xảy ra, ảnh hưởng sâu sắc đến Câu lạc bộ đàn phím điện tử ngoại khóa trường Trung học Cơ Sở Tân Triều.      

Ban giám hiệu trường Trung học Cơ Sở Tân Triều quyết định sử dụng phần mềm zoom cloud meeting (gọi tắt là zoom) tạo phòng dạy học trực tuyến. Để giải tỏa căng thẳng, lo âu khi học sinh bắt buộc ở trong nhà thời gian dài, ban giám hiệu gợi ý giáo viên tăng cường tương tác với học sinh, xây dựng hoạt động ngoại khóa trực tuyến, động viên tinh thần các em. Đến tháng 3/2021, được sự ủng hộ từ phía gia đình có học sinh học đàn, Câu lạc bộ đàn phím điện tử ngoại khóa tiếp tục triển khai theo hình thức trực tuyến

2.3. Đệm hát

Đàn phím điện tử ở Việt Nam được sử dụng nhiều nhất trong thực tế là đệm hát do cây đàn tích hợp công nghệ số tiên tiến. Trên cơ sở cấu tạo, tính năng hiện đại, đàn phím điện tử thay thế dàn nhạc, ban nhạc, tạo phần đệm sinh động giúp người hát thể hiện chất giọng, lời ca. Do đó, trong Câu lạc bộ đàn phím điện tử ngoại khóa trường Trung học Cơ Sở Tân Triều, dạy đệm hát là biện pháp nâng cao chất lượng được giáo viên quan tâm, hương dẫn chi tiết để HS cùng nhau tạo tiết mục văn nghệ phục vụ sinh hoạt tập thể, tham gia liên hoan, hội diễn trong, ngoài trường. Với định hướng dạy đệm hát Trung học Cơ Sở, giáo viên sử dụng các bài trong chương trình chính khóa, ngoại khóa, học sinh thực hiện cách đệm ở mức độ đơn giản như: dạo đầu ngắn (tối đa 1 câu nhạc), sử dụng hợp âm nguyên vị, hạn chế thể đảo, kết chính cách ngắn, không dùng kết biến cách phức tạp.

Phần học đệm đòi hỏi hiểu biết kiến thức âm nhạc, xướng âm nên giáo viên chỉ hướng dẫn cho nhóm khối 8, 9 là học sinh đã học đàn từ 1 năm trở lên.

3. Kết luận

Thực hiện chủ trương, chính sách phát triển toàn diện con người Việt Nam, các trường phổ thông từ Tiểu học đến Trung học Phổ thông chú trọng xây dựng nhiều hình thức sinh hoạt ngoại khóa nhằm tăng cường vận động thể chất, phát triển trí tuệ qua hoạt động Thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ. Xuất phát từ mục đích phổ cập nghệ thuật âm nhạc ngoài giờ chính khóa, tạo điều kiện học sinh trường Trung học Cơ sở Tân Triều chủ động tham gia học đàn phím điện tử. Trong giai đoạn 2014- 2017, hình thức lớp thu hút nhiều học sinh đăng ký, là cơ sở để giáo viên rút kinh nghiệm, cải tiến, nâng cao chất lượng dạy học. Từ năm học 2017- 2018, mô hình câu lạc bộ đàn phím điện tử ngoại khóa thay tổ chức lớp đã đem lại hiệu quả tích cực.Đến năm học 2019- 2020, giáo viên áp dụng mô hình 2 học sinh/nhóm của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, tạo điều kiện phát triển năng khiếu biểu diễn, đệm hát trên đàn phím điện tử. Khi hoạt động câu lạc bộ đàn phím điện tử đang ổn định thì đại dịch Covid- 19 xuất hiện, gây xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đế hoạt động dạy học của trường Trung học Cơ sở Tân Triều. Từ phương pháp dạy trực tiếp (offline), thày trò chuyển trạng thái sang trực tuyến (online).Tóm lại, lớp (sau này là Câu lạc bộ) đàn phím điện tử ngoại khóa từ năm học 2014- 2015 đến nay đã duy trì, phát triển, là nhân tố tích cực, góp phần vào hoạt động nghệ thuật trường Trung học Cơ sở Tân Triều. Mặc dù đại dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sinh hoạt ngoại khóa, nhưng thày trò Câu lạc bộ đàn phím điện tử vẫn tương tác, tiếp tục hoạt động dạy và học, giúp học sinh tin tưởng, phấn khởi, giữ vững tinh thần học tập.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngọc Anh (2013), Nâng cao chất lượng giảng dạy đàn Electronic Keyboard cho sinh viên ĐHSP Âm nhạc tại Hà Nội, Luận văn cao học Lý luận âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

2. Bộ Giáo dục & Đào tạo, (2014), Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, BGDĐT.

3. Xuân Tứ (2002), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ 1,2 Nxb Âm nhạc - Trường Cao đẳng Nhạc Họa TW, Hà Nội.

4. Xuân Tứ (2007), Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử (tập 1, 2), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5.Phạm Viết Vượng (2007), Giáo dục học, in lần thứ 2, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.