Nội san

VẬN DỤNG NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG NGƯỜI Ê ĐÊ Ở TÂY NGUYÊN VÀO DẠY - HỌC MĨ THUẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY NGUYÊN

24 Tháng Ba 2022

Nguyễn xuân Tuyến

Học viên  K6 LL&PPDH bộ môn Mỹ thuật

Ngày nay khi đời sống con người ngày càng được nâng cao, càng hiện đại đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, khi con người đang bị chi phối nhiều bởi khoa học kỹ thuật hiện đại mà dần quên đi những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cha ông mình, trong đó có các thế hệ trẻ như học sinh, sinh viên... Quá trình sinh sống, làm việc, được tìm hiểu và cảm nhân vẻ đẹp, giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Ê đê cũng như thấy được những khó khăn của họ trong việc gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

Là một giảng viên giảng day Mĩ thuật cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục Mầm non tại Trường Đại học (ĐH) Tây Nguyên, tác giả thấy có rất nhiều cách như: giới thiêu nghệ thuật truyền thống đó qua các buổi triển lãm, các buổi nói chuyện chuyên đề, ứng dụng vào trang trí các đồ vật, vật dụng trong đời sống sinh hoạt của con người. Trong đó việc vận dụng nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống người Ê đê vào dạy họcMĩ thuật cho sinh viên ngành giáo dục mầm non Trường Đại học Tây Nguyên sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học cho sinh viên, đồng thời là giải pháp hiệu quả trong việc giáo dục ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống đó của đồng bào người Ê đê ở Tây Nguyên.

1. Lựa chọn thủ pháp và ngôn ngữ Mĩ thuật phù hợp vận dụng vào từng bài học

Để việc vận dụng vào bài học đạt hiệu quả cao giảng viên và sinh viên phải nghiên cứu, tìm hiểu kĩ về nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Ê đê, hiểu biết sâu sắc về cách sắp xếp hoa văn trong quá trình sử dụng phải biết chắt lọc nét đặc trưng, tinh túy nhất và phù hợp với nội dung bài học, không nên sao chép một cách máy móc, và vận dụng vào việc giảng dạy một cách linh hoạt sáng tạo Đồng thời phải nắm rõ nội dung, mục tiêu của bài học từ đó mới lựa chọn được những thủ pháp và ngôn ngữ MT phù hợp với từng bài học. Các tiêu chí lựa chọn như: hình thức, bố cục, màu sắc, mô-típ hoa văn, cách tạo hình.

Bố cục 

Trong Mĩ thuật, bố cục là sự sắp xếp các hình tượng nghệ thuật tạo nên sự hài hòa cân đối, cân bằng, độc đáo. Cụ thể ta có thể học tập và đưa những nét độc đáo về lối thể hiện bố cục trên trang phục truyền thống của người Ê đê vào giảng dạy.  

Nghiên cứu về hoa văn trang trí trên trang phục của người Ê đê ở Tây Nguyên, ta thấy có nhiều dạng bố cục rất độc đáo được sáng tạo và lưu giữ qua nhiều thế hệ như: nguyên tắc đối xứng, nhắc lại trên diện rộng. Đây là lối bố cục mà ta thường gặp trong trang trí đường diềm. Ngoài ra, dạng bố cục cũng mang nét đặc trưng đó là bố cục chia ô, với lối bố cục này, các hoa văn cơ bản gồm hình mũi tên, hình chữ V, hình lá, hình ngọn cây dương xỉ, hình thoi được sắp xếp theo những ô hình vuông hoặc hình thoi. Những nét hoa văn được bố cục thành ô hoặc dải đối xứng qua trục ngang, trục dọc, hình chữ nhật ... có thể một hoa văn được tạo nên bởi nhiều hoa văn kết hợp với nhau..

Có thể thấy, cách xây dựng bố cục trên trang phục Người Ê đê vô cùng đa dạng, các nghệ nhân có thể xây dựng bố cục theo dạng đơn lẻ, hay kết hợp nhiều dạng bố cục với nhau tạo nên sự phong phú, đa dạng và có giá trị về mặt nghệ thuật. Đây chính là điểm mà sinh viên có thể học tập và vận dụng.         

Màu sắc

Màu sắc chủ đạo trên trang phục của người Ê đê là Đỏ, Xanh, Vàng, Trắng, Đen. Trên váy, chăn người phụ nữ Ê đê thường được sử dụng họa tiết màu đỏ,  màu đỏ trên nền màu đen. Màu đỏ giữ vai trò chủ đạo, các màu khác luôn làm nhiệm vụ phụ trợ hoặc dùng để tách các chi tiết, hoa văn.

Bảng màu trên trang phục của người Ê đê không nhiều như bảng màu của các dân tộc miền núi phía bắc nhưng trang phục của người Ê đê vẫn gây cho người xem cảm giác đa sắc màu. Vì vậy việc vận  dụng  bảng màu đó vào  trong các bài tập trang trí cũng là một yếu tố tạo nét riêng cho bài tập Trang trí.

Môtip hoa văn 

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Ê đê chủ yếu là các dạng hoa văn sáng tạo, giản lược,cách điệu với nhiều hình thức bố trí, sắp xếp hoa văn mang tính sáng tạo thể hiện trình độ thẩm mỹ và tài năng của người phụ nữ Ê đê trong việc sáng tạo nên các  hình thức trang trí mang nét đặc trưng nhất nhưng không mất đi tính chân thực của đối tượng, phản ánh lại một cách chính xác, sinh động, chân thật nhất cuộc sống, văn hoá, tín ngưỡng… và môi trường thiên nhiên nơi họ sinh sống, từ các hình ảnh phản ánh về thế giới quan với cách tạo hình phong phú, tư duy sáng tạo, năng lực thẩm mĩ, phong cách riêng so với các dân tộc anh em khác trên địa bàn cư trú.  

Tạo hình 

Đi sâu về phong cách tạo hình hoa văn trang trí trang phục dân tộc Ê đê, ta thấy nổi bật lên và chiếm đa số là cách thức xây dựng các mô-típ hoa văn trang trí dạng hình học cô đọng được nâng lên thành biểu tượng giàu xúc cảm. Chỉ với những dạng hình hình học (hình tam giác, hình vuông, hình quả trám…), người Ê đê với cảm xúc, tư duy thẩm mĩ, trình độ sáng tạo đã tái hiện lại thế giới quan qua các hình thức trang trí bằng ngôn ngữ tạo hình của họ một cách dễ hiểu và chân thực nhất. 

Trong nghệ thuật trang trí trên trang phục người Ê đê ta thấy các họa tiết trang trí được sắp xếp theo nhiều hình thức khác nhau, khi thì riêng lẻ khi lại kết hợp nhiều nhóm họa tiết để tạo sự liên kết (hoa văn hay cụm hoa văn) nhằm biểu đạt ý nghĩa của hình tượng, hình ảnh trang trí mà tác giả muốn tạo nên, bởi các hoa văn khi được sắp xếp khác nhau sẽ mang những ý nghĩa khác nhau, nó là một trong những nguyên tắc trang trí của người người Ê đê. Là cơ sở để ta nghiên cứu vận dụng vào giảng dạy cho sinh viên trong các học phần Mĩ thuật đặc biệt là học phần Mĩ thuật cơ bản trong chương trình đào tạo ngành Giáo dục Mầm non.

 

 
 


2. Vận dụng hoa văn dân  tộc Ê đê trong các bài học

Để việc vận dụng các hình thức hoa văn trang trí trên trang phục của người Ê đê vào dạy Mĩ thuật cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục Mầm non đạt kết quả tốt, đòi hỏi giảng viên phải có sự hiểu biết sâu sắc về cách sắp xếp hoa văn của người Ê đê, trong quá trình sử dụng phải biết chắt lọc nét đặc trưng, tinh túy nhất và phù hợp với nội dung bài học, không nên sao chép một cách máy móc, và vận dụng vào việc giảng dạy một cách linh hoạt sáng tạo. Tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu và hướng dẫn sinh viên nắm được những nét tinh hoa, tính sáng tạo trong cách sắp xếp bố cục, cách tạo hình trên mô-típ hoa văn truyền thống của người dân tộc Ê đê, từ đó vận dụng một cách linh hoạt vào mỗi bài học cụ thể, vào thực tế cuộc sống và hơn hết là trong giảng dạy sau này, góp phần gìn giữ, bảo vệ và nâng cao giá trị nghệ thuật truyền thống của người Ê đê nói chung và nghệ thuật TT trên trang phục truyền thống của họ nói riêng.  

Để sinh viên có thể vận dụng tốt hoa văn trang trí trên trang phục của người Ê đê vào từng bài học cụ thể tôi sử dụng một số giải pháp sau: 

Hướng dẫn sinh viên tách họa tiết trên trang phục

Text Box:  
Một số hình ảnh tách họa tiết trên trang phục của người Ê đê
[Nguồn: Nguyễn Xuân Tuyến]
Để có được những họa tiết phù hợp vận dụng vào các bài học cụ thể người học phải biết nghiên cứu, tìm hiểu, lựa chọn những mô-típ họa tiết có chứa những hoa văn đẹp có thể vận dụng vào bài học. Giảng viên phải hướng dẫn sinh viên tìm ra các đặc điểm về hình dáng, cấu trúc của họa tiết từ đó dụng các kỹ thuật tách họa tiết để tách rời những họa tiết cần thiết.

Từ những họa tiết được tách hướng dẫn cho các em sinh viên vận dụng vào từng bài học cụ thể. 

Từ những họa tiết trên trang phục dân tộc Ê đê, các em có thể vận dụng vào các bài trang trí cụ thể. 

Khi lựa chọn họa tiết vận dụng vào bài học cần có sự nghiên cứu và vận dụng một cách linh hoạt, có khoa học chứ không phải sao chép một cách máy móc.

Hướng dẫn sinh viên nhận biết và sử dụng màu sắc

Nghiên cứu màu sắc của các họa tiết, hoa văn TT trên trang phục truyền thống của người Ê đê ta thấy có 5 màu cơ bản: Đỏ, Xanh, Vàng, Trắng, Đen. Màu nâu chàm, màu cam có xuất hiện nhưng ít. Để tạo nên 5 sắc màu chủ đạo: đen, đỏ, vàng, xanh, Trắng trên tấm thổ cẩm, người phụ nữ Ê đê đã tìm nguyên liệu tạo màu từ các loại lá rễ cây rừng.

            Từ đó có thể cho sinh viên tham khảo và hướng dẫn cách vận dụng bảng màu trên trang phục truyền thống của người Ê đê vào bài học cụ thể, đạt kết quả cao nhất.

 

 
 

 

 

Hướng dẫn sinh viên xây dựng bố cục một bài cụ thể từ lối sắp xếp bố cục trên trang phục dân tộc

Trong nghệ thuật tạo hình nói chung, Mĩ thuật nói riêng, bố cục là sự sắp xếp hài hòa, hợp lí giữa các mảng (hình tượng nghệ thuật) trong một tổng thể nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị thẩm mĩ.

Từ những họa tiết đã chọn, được tách rời GV hướng dẫn cho sinh viên vận dụng những nét độc đáo về bố cục trên trang phục truyền thống của người Ê đê Kết hợp với các nguyên tắc trong trang trí như: 

Nguyên tắc nhắc lại

Nhắc lại trong trang trí là sử dụng một hay một nhóm họa tiết sắp xếp lặp đi lặp lại nhiều lần trong một khoảng cách đều đặn, nhằm tạo nên nhịp điệu hoặc sắp xếp đối xừng nhau để tạo ra sự cân bằng.

Nguyên tắc xen kẽ

Xen kẽ là sử dụng những họa tiết khác nhau sắp xếp xen kẽ với nhau nhằm tạo ra sự phong phú về họa tiết, về hình, về màu… tạo ra sự vui mắt tránh sự đơn điệu của hình thức nhắc lại.

Nguyên tắc đối xứng (đăng đối) 

Là hình thức sử dụng các họa tiết, các mảng hình giống nhau bằng nhau về hình, về màu, về đậm nhạt… sắp xếp đối xứng nhau qua một trục, nhiều trục hoặc đối xứng nhau qua tâm.

Nguyên tắc phá thế

Trong trang trí sắp xếp theo hình thức phá thế là sử dụng các họa tiết, hình mảng khác nhau, về hình, về màu, về đậm nhạt… sắp xếp một cách tự nhiên nhằm phá đi sự gò bó, đơn điệu của nguyên tắc đăng đối, xen kẽ hay nhắc lại nhưng vẫn tạo ra sự cân bằng và làm nổi bật được trọng tâm chính phụ trong trang trí.

Nguyên tắc xoay chiều - đảo ngược

Cũng giống như nguyên tắc nhắc lại là sử dụng một hay một nhóm họa tiết sắp xếp lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng các họa tiết được sắp xếp ngược chiều nhau nhằm biến đổi về hình mảng và màu sắc tạo ra sự vui mắt trong trang trí, tránh sự nhàm chán của nguyên tắc nhắc lại cùng chiều. 

Để sắp xếp thành bố cục một bài hoàn chỉnh. 

Từ đó phát huy tính tích cực sáng tạo của sinh viên trong việc đưa họa tiết hoa văn dân tộc ứng dụng vào bài học góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống của nghệ thuật trang trí trên trang phục người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và của người Ê đê tại Đắk Lắk nói riêng.  

Kết luận

Trong kho tàng văn hóa, nghệ thuật dân tộc nói chung và nghệ thuật truyền thống các tộc người ở Tây Nguyên nói riêng, trong đó không thể không nói tới là nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Ê đê, đó là sự tích lũy những giá trị văn hóa tinh thần hàng ngàn đời nay. Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về văn hóa nói chung và nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Ê đê nói riêng, tôi nhận thấy có rất nhiều yếu tố tạo hình có thể vận dụng vào dạy học trong chương trình mĩ thuật cho sinh viên ngành giáo dục Mầm non Trường Đại học Tây Nguyên. Việc vận dụng đó giúp tăng cường hứng thú học tập, nâng cao chất lượng bài học và góp phần cần thiết trong việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của tộc người, cho thế hệ trẻ đặc biệt là học sinh sinh viên.

Việc vận dụng, kết hợp những giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống dân tộc vào nội dung giáo dục trong nhà trường đã và đang là hướng đi mới cần chú trọng khai thác. Thực tế chứng minh rằng việc vận dụng, lồng ghép những giá trị văn hóa của tộc người sẽ làm cho bài giảng thêm phong phú, nâng cao hứng thú học tập cho người học cũng như tăng thêm sự hiểu biết về giá trị văn hóa tộc người. Đó là sự kết hợp vận dung những kiến thức từ cuộc sống vào bài học và ngược lại.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thị Nhung (1998), Trang trí, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Phạm Thị Thu Hương (2019), Một số vấn đề về dạy học Mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.
  3. Trần Tiểu Lâm, Phạm Thị Chỉnh (2007), Mỹ thuật học, Nxb Đại học Sự phạm, Hà Nội.
  4. Nguyễn Quốc Toản, Triệu Khắc Lễ, Nguyễn Lăng Bình (1998), Mĩ thuật và phương pháp dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội
  5. Nguyễn Quốc Toản (2008), Giáo trình phương pháp dạy học Mĩ thuật, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  6. Nguyễn Quốc Toản (2009), Giáo trình Mĩ thuật và phương pháp dạy học Mĩ thuật, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.