Nội san

HƯỚNG DẪN TẬP LUYỆN TẬP TÁC PHẨM PIANO TẠI TRUNG TÂM NGHỆ THUẬT MUSIC WAVE

11 Tháng Năm 2022

 

NGUYỄN THỊ NGỌC TUYẾT

K14-  Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc 

 

Trung tâm Nghệ thuật Music wave tại thành phố Thái Nguyên, hàng năm thường mở lớp học piano cho học sinh (HS) từ 7 đến 10 tuổi. Trong dạy học âm nhạc, giáo viên (GV) thường dùng một số phương pháp: dùng lời, trình bày tác phẩm, sử dụng phương tiện dạy học, hướng dẫn thực hành luyện tập. Mỗi phương pháp có cách thức tiến hành riêng, nhưng đều nhằm đến mục đích là nâng cao chất lượng dạy học piano tại Trung Tâm. Kết quả đào tạo trong những năm qua, nhìn chung về cơ bản đã đạt được mục đích mà Trung tâm đề ra. Tuy nhiên, với riêng phương pháp Hướng dẫn thực hành, luyện tập, có GV vẫn còn dạy theo kiểu truyền tay, truyền ngón mà chưa có những sáng tạo để giúp HS phát huy được năng lực của bản thân trong quá trình học tập. Chính vì lý do đó, trong bài viết này, chúng tôi sẽ chú trọng và đề xuất đổi mới các bước tiến hành trong phương pháp Hướng dẫn thực hành luyện tập tác phẩm, để góp phần nâng cao chất lượng dạy học piano cho HS tại Trung tâm Nghệ thuật Music wave.

1. Các bước thực hiên trong phương pháp Hướng dẫn thực hành luyện tập tác phẩm

1.1. Giáo viên thực hiện bài mẫu

Trước khi vào học, GV phải thực hiện mẫu cả bài cho HS nghe. Đây là bước vô cùng quan trọng, đòi hỏi GV phải thực hiện nghiêm túc, bởi thông qua đó, HS bước đầu sẽ cảm nhận được nhiều vấn đề như: tư thế ngồi, các cử động của cánh tay, bàn tay, ngón tay, cách thức biểu hiện tình cảm cũng như tính chất âm nhạc của bài. Sau khi thực hiện bài mẫu, GV sẽ hướng dẫn cho HS tìm hiểu các yêu cầu cụ thể và những vấn đề lý thuyết âm nhạc liên quan đến bài học.

 

Ví dụ 1:

                                         ĐỘI KÈN TÍ HON

[Trích 3, tr. 6]

                                                     Sáng tác: PHAN HUỲNH ĐIỂU

                                                   Biên soạn: NGUYẾN THỊ NGỌC TUYẾT

Chẳng hạn với bài Đội kèn tý hon như trên, sẽ gợi mở cho HS thông qua phát vấn đề: bài viết ở loại nhịp nào, giọng gì, giai điệu được thể hiện ở bè tay trái hay tay phải? Tốc độ, cường độ ra sao? Tính chất âm nhạc vui hay buồn? Bài sử dụng các kỹ thuật gì?... Sau những câu trả lời của HS đúng hoặc chưa đúng, GV sẽ động viên bằng cách khen ngợi và bổ sung thêm những ý chưa đúng rồi tiếp tục thực hiện bài mẫu lần cuối, để giúp các em cảm nhận rõ hơn và tạo ra sự hứng khởi cho HS ở những bước tiếp theo. 

1.2. Vỡ bài

Không nên hiểu đơn thuần vỡ bài chỉ là việc tập kỹ hai tay, sau đó ghép vào với nhau là đạt yêu cầu. Muốn hoàn thành bài một cách nhanh chóng và để HS có bước tiến xa hơn trong quá trình học tập, ngoài việc nghe GV thực hiện mẫu như trên, bước tiếp theo cho HS xướng âm, điều này trước đây trong quá trình dạy học ở Trung tâm Nghệ thuật Music Wave chưa được quan tâm. Xướng âm là bước quan trọng, bởi những ngày đầu HS chưa có phản xạ nhanh, thì việc này sẽ giúp các em chú ý, ưu tiên đến các ngón của hai bàn tay nhiều hơn, đồng thời cũng là cơ sở để HS có khả năng thị tấu sau này. Có hai dạng bài cơ bản viết cho piano dành cho lứa tuổi thiếu nhi là: bài được chuyển sọan từ những ca khúc quen thuộc và bài viết riêng cho piano. Với bài là các ca khúc hát quen thuộc, HS đã được học ở bậc mầm non hoặc học trong chương trình âm nhạc phổ thông, thì chỉ cần đọc qua giai điệu để lấy cảm xúc, thời gian còn lại sẽ dành nhiều sự quan tâm đến bè đệm. Các bài viết cho piano thì nên có những biện pháp hướng dẫn cho HS đọc xướng âm sao cho linh hoạt. Thực tế cho thấy, do tính chất âm nhạc cũng như nhu cầu cần rèn luyện kỹ thuật, mà có bài những nốt ở bè tay phải hay tay trái cao quá, hoặc thấp quá với tầm giọng của HS, khi đó không nên yêu cầu các em đọc đúng cao độ như vị trí nốt đã ghi. 

Ví dụ 2:

TRANG TRẠI CỦA BÁC TÔM

[Trích 1, tr 25]

                                                                                JOHN THOMPSON’S 1     

Bài Trang trại của bác Tôm, giai điệu đơn giản nhưng lại được luân chuyển giữa hai bè một cách có chu kỳ và cân đối: tiết nhạc thứ nhất, thứ ba ở bè dưới; tiết nhạc thứ hai, thứ tư ở bè trên. Khi học bài này, nên khuyến khích HS tự đọc, chỉ lưu ý với các em là đọc đúng trường độ của nốt nhạc, không cần quan tâm đến cao độ. Dưới đây lại là một trường hợp khác:

Ví dụ 3:

TẬP ĐẾM

[Trích 3, tr 36]

                    Sáng tác: HOÀNG CÔNG SỬ

Biên soạn: NGUYỄN THỊ NGỌC TUYẾT

 

Bài Tập đếm là ca khúc đã quá quen thuộc đối với HS. Bài hát được chuyển sọan cho đàn piano ở mức độ đơn giản, phù hợp với HS những ngày đầu mới theo học. Giai điệu của bài hát chỉ ở bè trên (tay phải, khóa sol), bè dưới (tay trái, khóa fa) là những nốt điểm xuyết đơn giản có tác dụng làm dày thêm âm thanh khi nốt giai điệu đang ngân. Bài này cũng có một số nốt vượt ngoài tầm cữ giọng của HS, ở đây cần hướng dẫn cho HS chú ý đến ô nhịp 2, 4, 6. Bè trên vào nốt ngân thì chuyển ngay xuống đọc hai nốt đen ở dưới (khóa fa) rồi nghỉ một phách, sau đó tiếp tục đọc lên giai điệu ở bè trên (khóa sol). Riêng với ô nhịp thứ tám, thì chỉ đọc nốt giai điệu ở bè trên.

Đọc xướng âm là việc đầu tiên của công đoạn vỡ bài. Khi đã có những nhận thức ban đầu về giai điệu, nhịp điệu, tiết tấu... tiếp đến cho HS vỡ bài thông qua tay phải và tay trái. Những bài học đầu tiên, ở mức độ đơn giản, chưa có bài nào mà các nhạc sĩ viết để yêu cầu người học thực hiện kỹ thuật chéo tay, nên chủ yếu bè giai điệu thường ở tay phải, bè đệm thường ở tay trái. Trong công đoạn này, cho HS tập từng tay, nghĩa là tay phải tập riêng, tay trái tập riêng. Quan sát tư thế ngồi, hai tay khép vào tự nhiên, tránh trường hợp “mọc cánh”, các ngón tay phải khum và bám sát vào bàn phím, nhưng phải có độ linh hoạt nhất định. Hướng dẫn HS luôn chú ý đến trường độ, tiết tấu, nhấn mạnh hơn vào những nốt ở vị trí phách mạnh; về cường độ cũng chỉ nên cho các em tập ở mức độ vừa phải. Những bài mà phần đệm tay trái là các hợp âm hay chùm âm, thì phải biết cách phải động viên HS tập kỹ, không được nóng vội, bởi hai hoặc ba ngón tay cùng lúc bấm xuống phím đàn sao cho âm thanh đều nhau, những ngày đầu là một việc không phải dễ. Đây là những kỹ thuật cơ bản ban đầu cần chú ý, để dần tạo cho HS kỹ năng thể hiện tác phẩm piano sau này. Khi tập từng tay đã ở mức độ tương đối, có thể dùng máy đánh nhịp để hỗ trợ HS giữ ổn định và giữ vững nhịp, tránh tình trạng tăng dần nhịp độ nhan dần lên. Tuy nhiên, chỉ sử dụng máy đánh nhịp trong một vài lần, sau đó phải để cho các em tự điều chỉnh.

1.3. Ghép hai tay và hoàn thiện bài

Khi từng tay đã tập tương đối, thì tiếp tục cho HS ghép hai tay. Ghép hai tay là công việc khó khăn, bởi với những bài mà một bè là giai điệu, một là bè đệm thì việc ghép hai tay đòi hỏi HS phải phân tâm trong sự tập trung cao độ. Thông thường trong cuộc sống hàng ngày thì hoạt động của hai tay thường đồng điệu, hoặc tay này làm, tay kia nghỉ trong khoảng thời gian có thể co dãn. Tuy nhiên, tập luyện piano lại khác, mắt phải quan sát cả hai bè, mỗi tay thực hiện một bè có tính độc lập tương đối, đặc biệt hoạt động của hai tay phải tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định như nhau và có tính bắt buộc. Do phải phân tâm trong sự tập trung cao độ như vậy, muốn HS thực hiện tốt việc ghép hai tay, có lẽ trước đó nên dành ít thời gian để hướng dẫn HS chơi trò chơi bổ trợ, chẳng hạn: một tay đập, một tay xoa; hay một tay vẽ vòng tròn, một tay vẽ hình vuông. Cách thức tổ chức trò chơi như vậy, vừa tạo được sự phấn khích, vừa hỗ trợ cho HS trong việc thực hiện ghép hai tay với bài đang học. 

Ghép hai tay, nguyên tắc đầu tiên là: thực hiện ở tộc độ chậm, tập đến đâu chắc đến đó, gặp ô nhịp nào khó thì tập lại từng tay, sau đó mới ghép lại lại với nhau. Không cho HS thực hiện ghép hai tay từ đầu đến cuối bài, mà phải theo chu trình: hết tiết nhạc thứ nhất sang tiết thứ hai, rồi quay lại và tiếp tục theo hình thức cuốn chiếu. Quá trình ghép hai tay vẫn phải chú ý đến vị trí của từng ngón tay sao cho đúng với số được đánh trên nốt nhạc. 

Ví dụ 4: 

ETUDE

[Trích 1, tr. 63]

Ví dụ trên gồm 8 ô nhịp, chia làm 4 tiết nhạc cân đối, tay phải chơi bè giai điệu, tay trái giữ vai trò đệm. Cho HS thực hiện ghép hai tay, bắt đầu từ tiết nhạc đầu tiên đến tiết nhạc thứ hai, rồi quay lại từ đầu cuốn chiếu cho hết 4 tiết nhạc. Riêng với tiết nhạc thứ tư (ô nhịp thứ 7, 8), ở phần tay trái cho HS luyện tập thêm, vì đang đà ổn định khi thực hiện hợp âm ở những tiết nhạc trước, thì đến đây bàn tay phải di chuyển đến một khoảng xa hơn và thế tay cũng khó hơn. Lúc thực hiện ghép hay tay, HS thường bị phân tâm hay nhìn xuống dưới phím đàn, mà quên phần giai điệu, nên dễ bị vấp hoặc ngón tay bấm sai nốt.    

Ghép hai tay từ đầu đến hết bài, khi thấy HS thực hiện ở mức độ tương đối, đến bước cuối cùng là hoàn thiện bài. Trong quá trình tập từng tay và ghép hai tay, HS đã thực hiện một số yêu cầu về tốc độ, kỹ thuật, nhưng vẫn là bước khai vỡ. Hoàn thiện bài là bước làm cho diện mạo của tác phẩm sẽ hiện lên đầy đủ nhất, vì thế nhắc nhở HS phải chú ý hơn về tốc độ, nhịp độ, cường độ, kỹ thuật mà bài yêu cầu. Ở ví dụ trên, yêu cầu HS thực hiện ở tốc độ vừa phải, nhịp độ điều đặn, tiếng đàn ở cả hai bè phải chắc. Đặc biệt, nhắc nhở HS chú ý đến hai kỹ thuật chủ yếu trong bài là legato và staccato. Hai kỹ thuật này xuất hiện liền nhau, nối tiếp nhau trong một tiết nhạc, nghĩa là thực hiện kỹ thuật legato vừa dứt, thì tiếp ngay là kỹ thuậtstaccato. Khi HS nắm được nội dung tinh thần của bài và thể hiện tốt các yêu cầu về kỹ thuật, không vấp, lúc đó bước hoàn thiện bài cơ bản đã hoàn thành.  

2. KẾT LUẬN

Hướng dẫn thực hành luyện tập tác phẩm piano là một trong những phương pháp dùng trong dạy học ở Trung tâm Nghệ thuật Music Wave tại thành phố Thái Nguyên. Phương pháp này gồm các bước vỡ bài, ghép hai tay và hoàn thiện bài. Trong quá trình vỡ bài, chúng tôi kết hợp cho HS đọc xướng âm để bổ trợ về lý thuyết âm nhạc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập từng tay và ghép hai tay với nhau đề hoàn thành tác phẩm. Thực tế cho thấy, những cách thức thực hiện trong phương pháp hướng dẫn thực hành luyện tập tác phẩm, kết hợp với một số phương pháp khác đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc dạy học piano ở Trung tâm Nghệ thuật Music Wave tại thành phố Thái Nguyên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Carl Czerny (1990), Ẻaster Lehrmeister Fur Klavier Zu Zwel Handen Opus 599, Leipzig - London - New York.

2. Tạ Quang Đông (2013), Một số hình thức kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật chơi đàn piano, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

3. Nhiều tác giả (1998), Tuyển tập ca khúc dành cho tuổi mẫu giáo, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4. Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Ngô Nam (1994), Phương pháp dạy học âm nhạc, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.