Nội san

NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ - GIẢI PHÁP GÓP PHẦN HOÀN THIỆN CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC III

18 Tháng Năm 2022

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Học viên K10 Quản lý văn hóa

Đạo đức công vụ (ĐĐCV) là yêu cầu khách quan đối với mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị nói chung và đối với Học viện Chính trị khu vực III nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ của từng tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) thực sự có phẩm chất, năng lực. Trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu càng phải trở thành hình mẫu tiêu biểu về xây dựng văn hóa công sở.

Học viện Chính trị khu vực III là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong thời gian qua, Học viện Chính trị khu vực III đã quan tâm xây dựng văn hóa công sở (VHCS) gắn liền với xây dựng văn hóa trường Đảng. Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của đời sống chính trị xã hội, trường Đảng thực sự đã có những nét văn hóa riêng tạo nên bản sắc “văn hóa trường Đảng”. Hiện nay, xây dựng văn hóa trường Đảng tại Học viện Chính trị khu vực III là một yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm xây dựng và phát triển môi trường công sở lành mạnh, chuyên nghiệp, giàu tính đảng và nhân văn. Xây dựng VHCS trong Trường Đảng nói chung và VHCS tại HVCTKV III nói riêng là hành động thiết thực nhằm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đối với mỗi người CBCC, đạo đức là nền tảng để quyết định mọi vấn đề có liên quan đến chất lượng thực thi công vụ. Vì thế, xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn ĐĐCV là yêu cầu cấp thiết trong tất cả các thời kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn xã hội có nhiều biến đổi nhanh, mạnh mẽ như hiện nay.

Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước nói riêng, đội ngũ CBCC đóng một vai trò hết sức quan trọng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; rằng “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước,không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Ngườicách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.”1 Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ CBCC “vừa hồng, vừa chuyên”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước”. Để đội ngũ CB, CC phát huy được vai trò, vị trí của mình thì yếu tố tiên quyết đội ngũ này phải có phẩm chất, năng lực, bao gồm cả kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Vì vậy, cần phải có những giải pháp xây dựng đội ngũ CB, CC đủ đức đủ tầm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Xuất phát từ những hạn chế, bất cập về  ĐĐCV của đội ngũ CB, CC hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc nâng cao đạo đức công vụ như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ngày 16/01/2012 về: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ngày 30/10/2016 về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.

Học viện Chính trị khu vực III là trường Đảng, là trung tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Vì vậy, ĐĐCV tại Học viện Chính trị khu vực III chính là đạo đức nhà giáo gắn liền với đạo đức cách mạng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,  phong cách Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc. Bản thân mỗi cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị khu vực III cần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt và kiên định về bản chất, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Chính trị khu vực III luôn quan tâm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đạt được những kết quả  khá rõ nét: Việc học tập đã tác động đến từng hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học cũng như việc rèn luyện đạo đức, lối sống của mỗi CBCC.

Trong công tác xây dựng Văn hóa trường Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, Học viện Chính trị khu vực III đã thu được nhiều kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.CBCC Học viện đã nỗ lực thực hiện quy trình quản lý chuẩn, nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới nội dung, tìm tòi phương pháp giảng dạy tích cực, gắn lý luận với thực tiễn đất nước, địa phương, khu vực để đáp ứng yêu cầu mở 119 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 11.277 học viên là cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý cấp huyện, ban, ngành của các tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với nhiều chương trình, hệ đào tạo khác nhau. Như: đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị - hành chính, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát; dân vận; đào tạo cao học... Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Học tập suốt đời, học để làm cán bộ, học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” đượcCBCC hưởng ứng tích cực, sôi nổi. Trong 5 năm đã có hàng ngàn lượt người đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, riêng cán bộ đi làm nghiên cứu sinh và cao học trong và ngoài nước trên 70 đồng chí, trong đó 3 đồng chí đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 33 đồng chí bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, 5 đồng chí được Nhà nước phong tặng học hàm phó giáo sư. Chất lượng nghiên cứu khoa học, gắn lý luận với giải quyết nhiệm vụ chính trị ở địa phương, khu vực cũng là điểm sáng trong hoạt động thi đua của cán bộ Học viện, với 99 đề tài khoa học từ cấp nhà nước đến cơ sở, 55 hội thảo khoa học, 16 đầu sách cùng trên 1.000 bài viết đăng trên các tạp chí khoa học quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,hiện nay vẫn còn một số CBCC trong Học viện Chính trị khu vực III chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, làm việc thiếu tích cực, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có vài đơn vị khoa, phòng, ban còn buông lỏng; ý thức trách nhiệm với công việc được giao chưa cao, còn sao nhãng với công việc, ít đầu tư công sức cho nhiệm vụ được giao, thiếu nhiệt tình trong công việc, tâm lý làm cho có làm, làm cho xong việc; năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác; một số CBCC chưa nhận thức rõ phải làm thế nào để có những hành vi, ứng xử văn minh, lịch sự nơi công sở. Cá biệt có một số ít công chức đến công sở gặp đồng nghiệp, gặp lãnh đạo nhưng không chào hỏi nhau; với đồng nghiệp thì còn xảy ra ganh ghét, đố kị, nói xấu hạ uy tín của nhau, không tôn trọng nhau…

Nâng cao đạo đức công vụ của CBCC là yếu tố cốt lõi để hoàn thiện công tác xây dựng VHCS tại Học viện chính trị khu vực III. Đây vừa là yếu tố cấu thành vừa là yếu tố ảnh hưởng đến năng lực thực thi công vụ của đội ngũ CBCC. Việc hình thành nên các chuẩn mực ĐĐCV của CBCC là rất quan trọng. Trong bối cảnh mới hiện nay, việc nâng cao ĐĐCV của đội ngũ công chức càng trở nên cấp bách, được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng VHCS. Học viện III đã đưa ra một số giải pháp sau nhằm nâng cao ĐĐCV của đội ngũ CBCC.

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục cho đội ngũ CBCC không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ, đồng thời tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác, kiên quyết và kiên trì trong cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, tiêu cực, lối ứng xử thiếu văn hóa.

Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05- CT/TW ngày 15/5/2015 của Bộ Chính gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4- khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện quy chế công vụ, ĐĐCV thông qua hệ thống pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cho từng loại, từng chức danh CBCC. Cụ thể hóa những giá trị đạo đức như cần, kiệm, liêm, chính,… thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi công vụ để mỗi người vận dụng, thực hiện. Xây dựng và hoàn thiện quy chế đánh giá CBCC (quy trình, nội dung đánh giá) theo hướng công khai, dân chủ, lấy sản phẩm làm thước đo chủ yếu.

Thứ tư, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CBCC, cần đánh giá khách quan, công tâm và chính xác năng lực, phẩm chất của mỗi thành viên trong cơ quan và sử dụng đúng năng lực, sở trường của họ, sử dụng đúng người đúng việc.

Thứ năm, có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với CBCC dựa trên nguyên tắc về sự công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và trách nhiệm. Cải cách hệ thống tiền lương, tiền thưởng, tạo động lực thực hiện công vụ là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong cải cách nền hành chính hiện nay và cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ sáu, thường xuyên giáo dục và nêu cao tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyệnĐĐCV thông qua việc giáo dục chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ, văn hóa giao tiếp, đặc biệt chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và các quy phạm đạo đức. Mặt khác, coi việc xử lý nghiêm, kịp thời và công bằng những sai phạm của CBCC có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục CBCC hiện nay.

Thứ bảy, thông qua hoạt động công vụ người CBCC không chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình mà còn phát triển hoàn thiện bản thân. Mọi CBCC đều phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện ĐĐCV, tận tụy chuyên tâm với công việc.

Thứ tám, hoàn thiện cơ chế quản lý CBCC, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử phạt hành vi vi phạm ĐĐCV. Thực hiện công khai hóa quá trình tuyển chọn, sử dụng đánh giá CBCC, đưa các yếu tố về ĐĐCV vào nội dung tuyển dụng và đánh giá kết quả hoạt động. Có quy định rõ, cụ thể các hành vi CBCC được làm hoặc không được làm, công khai các lợi ích của họ, có chế tài xử phạm nghiêm các hành vi vi phạm ĐĐCV, tùy theo mức độ vi phạm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động công vụ để phát huy ưu điểm, chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Tóm lại ĐĐCV là cái gốc, là nhân cách của người CBCC, đảng viên, có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; xây dựng VHCS, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh trong điều kiện cải cách hành chính và xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Theo đó, Học viện Chính trị khu vực III đã quán triệt sâu sắc lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hóa soi dường cho quốc dân đi” để tiếp tục xây dựng văn hóa Trường Đảng, biểu trưng cho “đạo đức, văn minh”, xứng tầm là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên.

 

                                          Tài liệu tham khảo

  1. Hồ Chí Minh toàn tập, (1995), Tập 5. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 253. (Đặt ở phần Tài liệu tham khảo và trình bày như tài liệu tham khảo)
  2. Bộ Chính trị (2016), Chỉ thị số 05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Hoàng Linh Chi (2014), Văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay, Luận văn thạc sỹ Luật Hành chính, Học viện Khoa học Xã hội.
  4. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2013), chuyên đề: Văn hóa và đạo đức công vụ, thuộc chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị
  5. Đỗ Thị Ngọc Lan (2012), Nghiên cứu so sánh quy định về đạo đức công vụ của một số quốc gia và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Phạm Hồng Thái (2005), Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức công vụ, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2005.
  7. Nguyễn Đăng Thành, Đạo đức công vụ, NxB Giáo dục, Hà Nội.