Nội san

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ HIỆN VẬT TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

18 Tháng Năm 2022

Trương Thị Hải Phượng

Học viên K11 Quản lý văn hóa

            Từ chiến thắng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào năm 1954, hoạt động bảo tồn các di tích, di sản văn hóa ngày càng được Đảng, nhà nước ta quan tâm, chú ý hơn. Cũng trong thời gian này, một số bảo tàng quốc gia đã được thành lập có tên như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (1958), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (1959), Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1959), Bảo tàng khu tự trị Việt Bắc (1960) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức được thành lập năm 1966.

  1. Giới thiệu về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

            Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bao gồm hai cơ sở: Cơ sở I nằm tại số nhà 66 đường Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, trung tâm Thành phố Hà Nội với tổng diện tích là 4.737m2 trong đó diện tích trưng bày chiếm trên 3.000m; Với cơ sở II tọa lạc tại số 97 phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội có diện tích gần 5.000m2  - một không gian lớn, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, được sử dụng để bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Năm 1962, Nhà nước giao cho Bộ Văn hóa ngội nhà số 66, phố Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội do người Pháp xây dựng từ những năm 30 để sửa sang thành bảo tàng. Trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1966, đội ngũ cán bộ Viện Nghiên cứu Mỹ thuật Mỹ nghệ (tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) với sự hướng dẫn, định hướng của cố họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã tập trung nghiên cứu, xây dựng nội dung trưng bày đồng thời cải tạo kiến trúc tòa nhà cổ của Pháp sao cho phù hợp với yêu cầu trưng bày đặc thù của các tác phẩm mỹ thuật.

Với quá trình bốn năm dành cho công tác chuẩn bị tích cực về nhiều mặt, ngày 24/6/1966 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được chính thức khánh thành mở cửa tiếp đón khách tham quan. Toàn bộ khuôn viên bảo tàng có diện tích khoảng 4200m2 cùng diện tích trưng bày là 1.200m2.

Theo Nghị định số 84/VH-NĐ của Bộ Văn hóa, ban hành năm 1972, Viện Bảo tàng Mỹ nghệ đổi tên thành Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cũng kể từ đây, bảo tàng đã diễn ra liên tục nhiều trưng bày, triển lãm với quy mô rộng lớn, song song đó, bảo tàng cũng cử cán bộ đi nhiều địa diểm sưu tầm khai quật về cho Bảo tàng nhiều bộ sưu tập có giá trị to lớn. Cùng với việc bổ sung về nội dung trưng bày – một hoạt động tối quan trọng của bảo tàng thì nâng cấp cơ sở vật chất của Bảo tàng cũng là một hoạt động cấp thiết. Vì thế, một ngôi nhà ba tầng đã được xây dựng thêm sau năm 1972. Tiếp đến, các công trình phụ trợ cũng được bổ sung, tu bổ như: thiết kế lại hệ thống hàng rào xung quanh, cổng chính, vườn hoa, trạm biến thế điện, hệ thống bảo quản, hệ thống phòng, chữa cháy…nhằm hỗ trợ trực tiếp cho công tác vận hành của bảo tàng.

Vào ngày 24/3/1995, đánh dấu một niềm vinh dự lớn khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được xếp hạng là bảo tàng Quốc gia hạng I.

Khoảng thời gian năm 1997-1999, với việc thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, diện mạo khu trưng bày đã được mở rộng diện tích lên 4.737 m2 với diện tích trưng bày trên 3.000 m2. Kho bảo quản được di chuyển về cơ sở 2 tại Hoàng Cầu - Đống Đa - Hà Nội với diện tích khuôn viên gần 5.000m2 được sử dụng để bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật và tổ chức các hội thảo khoa học quy mô trong nước và quốc tế.

Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ gần 20.000 hiện vật, đa dạng về thể loại, phong phú về chất liệu, trong đó tranh giấy có số lượng hiện vật lớn nhất, bao gồm hiện vật ở các thể loại: tranh dân gian, tranh khắc, tranh in, chì, phấn màu, tranh màu nước, tranh bột màu,… Hệ thống trưng bày thường xuyên được sắp xếp theo trình tự thời gian, theo chuyên đề, chất liệu, loại hình. Thông qua đó, bảo tàng giúp khách tham quan nhìn nhận, hiểu một cách khái quát quá trình manh nha phát triển nghệ thuật cho đến khi đạt được một số dấu ấn nhất định Mỹ thuật Việt Nam – một nền nghệ thuật giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Không chỉ vậy, nơi đây còn là không gian hội tụ khá đầy đủ các tác phẩm sáng giá của các tác giả danh tiếng đại diện cho hội họa và điêu khắc Việt Nam thế kỷ XX. Cùng với hệ thống trưng bày thường xuyên, bảo tàng còn là địa điểm tổ chức các triển lãm chuyên đề nhằm giúp khán giả và giới yêu nghệ thuật có cái nhìn toàn cảnh về mỹ thuật trong nước và quốc tế. Bảo tàng MTVN đang trên đà trở thành một địa chỉ thu hút đông đảo các đối tượng tham quan như: học sinh, sinh viên, người lao động, trí thức… đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu từ đó góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ, tự hào về bản sắc văn hóa, nghệ thuật của dân tộc; Đó cũng là một hình thức bảo tồn và phát huy các giá trị của hiện vật trưng bày ngày càng tồn tại bền vững với thời gian của bảo tàng.

  1. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

2.1. Các hoạt động bảo tồn

Trong góc độ bảo tồn di sản văn hóa của bảo tàng là những hiện vật bảo tàng nói chung và hiện vật trưng bày nói riêng gồm có các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản chúng nhằm hạn chế tối đa những hiện tượng hư hỏng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiện vật của bảo tàng.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mang tính đặc thù riêng của một bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật nên trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật trưng bày có sự tác động mạnh và có tính quyết định đến hoạt động chuyên môn của Bảo tàng như: Sưu tầm - mua hiện vật - tác phẩm mỹ thuật, tu bổ, phục chế, bảo quản tác phẩm, trưng bày, giới thiệu...đòi hỏi sự kết hợp giữa các chức năng bảo tàng và tư duy sáng tạo, trình độ thẩm mỹ, chuyên môn kỹ thuật cao của những nhà quản lý và một cơ chế kinh tế đặc thù đối với các hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng.

Để tăng cường công tác bảo tồn, bảo quản các tác phẩm đang trưng bày, bảo tàng đã triển khai các hoạt động nhằm kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trên hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng. Cụ thể là, hàng năm bảo tàng đã tiến hành khảo sát các tác phẩm đang trưng bày, triển khai vệ sinh bảo dưỡng định kì cho các tác phẩm nghệ thuật trưng bày, thực hiện tu sửa, phục chế những tác phẩm hư hỏng nặng và nghiên cứu thực hiện bảo quản phòng ngừa cho toàn bộ hiện vật trong các kho bảo quản. Trong 15 năm (tính từ năm 2005- tháng 8/2020), trung tâm Tu sửa tác phẩm mỹ thuật của bảo tàng đã tu sửa, bảo quản được 2208 hiện vật, trực tiếp góp phần gìn giữ, tăng tuổi thọ của và tiết kiệm kinh phí cho nhà nước trong khi chúng ta chưa có đủ điều kiện kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện.

2.2. Các hoạt động phát huy

Phát huy giá trị hiện vật trưng bày tại bảo tàng không chỉ là giáo dục tuyên truyền đến công chúng, khách tham quan, mà còn kéo gần hơn những giá trị di sản văn hóa đó lan tỏa sâu rộng trong xã hội, để mỗi cá nhân biết trân quý những giá trị đó ý thức sâu sắc hơn về những tác phẩm nghệ thuật mang hồn dân tộc, thông qua đó, khẳng định niềm tự hào dân tộc.

Thực hiện các hoạt động phát huy giá trị hiện vật trưng bày tại bảo tàng do phòng Trưng bày – giáo dục chịu trách nhiệm.Trưng bày bảo tàng là đặc trưng của mỗi một bảo tàng, là cầu nối giữa bảo tàng và công chúng, khách tham quan bảo tàng. Vì thế mở rộng, nâng cao chất lượng trưng bày thường xuyên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Theo thời gian, cơ sở vật chất, công tác bảo tàng của bảo tàng mỹ thuật Việt Nam ngày càng được đổi mới và vị thế của bảo tàng ngày một nâng cao trong xã hội. Ban đầu, nội dung trưng bày thường xuyên của bảo tàng chỉ có 5 chủ đề chính, đến nay, từ diện tích 1000m2đã tăng lên gấp 3 lần so với lúc ban đầu và đang trưng bày gần 4000 tác phẩm nghệ thuật khác nhau rất đa dạng và sinh động hấp dẫn với 6 chủ đề khác nhau cùng các sưu tập tiêu biểu của bảo tàng để thu hút và phục vụ khách tham quan trong, ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu và thưởng thức những giá trị văn hóa nghệ thuật của bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.Có thể nói, hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng đã được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng, giải pháp trưng bày mang tính khoa học, hợp lý, chú thích rõ ràng và hệ thống ánh sáng khá hiện đại. Bên cạnh đó, những cuộc trưng bày chuyên đề và triển lãm lưu động của Bảo tàng mang những ý nghĩa đặc biệt, giúp cho cộng đồng người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam đồng thời tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam được giao lưu học hỏi và tiếp cận với nền văn hóa nước ngoài, nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

  1. Kết luận

Trải qua hơn 55 năm hoạt động và phát triển, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, cơ bản minh chứng được dòng chảy nghệ thuật hiện hữu trong lịch sử hình thành và phát triển của nền mỹ thuậtViệt Nam: Mỹ thuật Cổ đại; Mỹ thuật Dân gian; Mỹ thuật Trang trí ứng dụng truyền thống; Mỹ thuật Cận – hiện đại; Mỹ thuật đương đại. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với đội ngũ lãnh đạo nhiệt huyết và tâm sức của các thế hệ cán bộ Bảo tàng, bảo tàng mỹ thuật Việt Nam đã từng bước khẳng định “thương hiệu” của một thiết chế văn hóa quốc gia, nơi tụ hội những tác phẩm của các danh họa hàng đầu của Việt Nam.

Trong những năm tiếp theo, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, với sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, viên chức hôm nay, những trang mới đầy màu sắc rực rỡ sẽ được viết tiếp trong cuốn sử của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

TÀI LỆU THAM KHẢO

 

  1. Kỉ yếu 40 năm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2006), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
  2. Kỉ yếu 50 năm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2016), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. 
  3. Nguyễn Thị Huệ (2002), Nghiên cứu nguồn sử liệu hiện vật bảo tàng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Huệ (2005), Lịch sử sự nghiệp bảo tồn bảo tàng Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  5. Vương Hoằng Quân (2008), Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc, Cục Di sản Văn hóa dịch và xuất bản.