Nội san

Dạy âm nhạc cho trẻ tăng động tại trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia

15 Tháng Sáu 2022

Dạy âm nhạc cho trẻ tăng động tại

trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia

               Nguyễn Thị Thu Trang

              Học viên K13 Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

Trong các phương thức tiếp cận để tạo nên các môi trường giáo dục tạo cho trẻ cảm giác gần gũi, dễ gần, thân thiện, hòa đồng và dễ dàng biểu đạt cảm xúc qua ngôn ngữ, giọng hát và các vận động cơ thể nhẹ nhàng, chúng ta không thể không nói đến vấn đề Giáo dục thông âm nhạc. Việc khai thác và sử dụng các hình tượng âm nhạc, các bài hát,... không chỉ đơn thuần ở khía cạnh nội dung, mà còn là phương tiện hữu hiệu để thu hút sự tập trung chú ý, giúp giảm thiểu hoặc phân tán các hành vi tăng động của trẻ. Vì âm nhạc có sức mạnh kì diệu trong việc làm dịu sự hưng phấn của trẻ mắc chứng tăng động, đồng thời cũng tạo nên những xung động trong dẫn truyền các ống thấn kinh của não bộ. Do đó, Âm nhạc đã được các nhà trường, trung tâm, trong đó có Trung tâm giáo dục đặc biệt Quốc gia đưa vào các nội dung giáo dục, kết hợp với các nội dung và lĩnh vực giáo dục khác để khắc phục và hỗ trợ trẻ em tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, thực tế việc dạy học âm nhạc cho trẻ tăng động giảm chú ý trong các trung tâm giáo dục đặc biệt cũng còn nhiều khó khăn và hạn chế nhất định.

Thực tế việc Dạy âm nhạc cho trẻ tăng động

 Hiện nay, một số trung tâm sử dụng phương pháp giáo dục và trị liệu cá nhân để áp dụng với trẻ tăng động. Đây là tiền đề quan trọng để trẻ tham gia những hoạt động âm nhạc theo nhóm. Lúc này, giáo viên có thể tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với đặc điểm khiếm khuyết riêng biệt của từng trường hợp, từ đó giúp bé làm quen với giai điệu, bài hát.

Với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, tất cả các trẻ đều được đo mức độ rối loạn giảm chú ý - tăng động (ADHD) nên việc phân loại mức độ cần can thiệp cho nhiều thuận lợi và dễ dàng cho giáo viên. Và đây cũng là cơ sở quan trọng để  các giáo viên thiết kế các kế hoạch bài dạy âm nhạc trên cơ sở những đặc điểm của mỗi học sinh trong những lộ trình can thiệp nhất định.

Song trong điều kiện hiện nay ở Trung tâm giáo dục đặt biệt Quốc gia, đội ngũ giáo viên ngành giáo dục đặc biệt được đào tạo chuyên sâu về âm nhạc còn hạn chế.  Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc chỉ là một học phần trong chương trình đào tạo giáo viên. Do đó, năng lực chuyên môn về âm nhạc của giáo viên còn ít nhiều có sự hạn chế. Vì thế hầu như các giáo viên không có khả năng chuyên sâu để có triển khai các hoạt động dạy học và giáo dục âm nhạc hấp dẫn và tạo hứng thú cho học sinh trong các tiết học âm nhạc. Nhất là các hoạt động liên quan tới cảm thụ và thể hiện âm nhạc, nghe nhạc kết hợp gõ đệm theo nhịp hay các hình tiết tấu bằng vỗ tay hay các nhạc cụ gõ đơn giản.

Vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào để các giáo viên thiết kế các hoạt động âm nhạc đến được với từng em một cách phù hợp nhất? Và cũng làm sao để âm nhạc trở thành một trong những phương pháp trị liệu tốt nhất nhằm giảm hoạt động nghịch ngợm thái quá và không kiểm soát được hành vi của trẻ tăng động giảm chú ý?

Tác giả đã được tiếp cận với trẻ tăng động từ năm 2018, việc dạy và học trẻ tăng động mỗi ngày đã giúp bản thân trau dồi, trang bị được một số kĩ năng, và rút ra được kinh nghiệm cơ bản trong việc dạy học âm nhạc để cùng các giáo viên chuyên biệt xây dựng các kế hoạch dạy học, các kịch bản can thiệp, thậm chí đến từng bài, từng tiết học và cũng cần linh hoạt điều chỉnh ngay trong khi có các tình huống sư phạm hoặc các tình huống phát sinh khác. Ngoài ra, quá trình can thiệp và hỗ trợ trẻ ADHD cần kiên trì, cần thời gian và sự nỗ lực của giáo viên để triển khai được các hoạt động dạy học có sự tương tác tích cực nhất giữa thầy và trò. Song cũng không thể thiếu sự đồng lòng, chung tay của các bậc cha mẹ và người thân của trẻ mới phát huy được hiệu quả của hoạt động giáo dục cho trẻ ADHD. Bởi ngoài thời gian ở lớp, ở trường với khoảng thời gian có hạn, thì việc duy trì, hỗ trợ của cha mẹ và người thân trong khoảng thời gian còn lại của HS ở gia đình để kết hợp với giáo viên ở các trung tâm cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy lộ trình hỗ trợ hay hòa nhập và cũng dần để giúp trẻ dần có kĩ năng và thích ứng dần dần với cuộc sống. Nhất là, việc thông qua các hoạt động giáo dục âm nhạc với cách tiếp cận nội dung và hình thức linh hoạt, đa dạng trong khoảng thời gian trẻ ở nhà.

 Thực tế, với trẻ đặc biệt, việc dạy và học âm nhạc thực sự khó khăn hơn trẻ phát triển bình thường rất nhiều. Vậy nên, các giáo viên cần rất kiên trì, tìm tòi học hỏi sáng tạo mỗi ngày, cập nhật mọi phương pháp, cách dạy để truyền đạt, mang đến những kiến thức dễ hiểu và phù hợp với đối tượng học sinh mình đang dạy. Giáo viên cần thấu hiểu về mức độ bệnh của trẻ, cần đồng cảm với những hạn chế, thiệt thòi của các em; để từ đó xây dựng các kịch bản dạy học, đưa ra các yêu cầu phù hợp với từng bước trong lộ trình hỗ trợ trẻ bằng liệu pháp âm nhạc. Trong khi tiếp xúc và quan sát trẻ, giáo viên sẽ tùy theo mức độ tăng động của mỗi trẻ để có thể lựa chọn nội dung hát, với các trẻ hạn chế về ngôn ngữ (lỗi phát âm hoặc vốn từ còn nghèo) để thiết kế các hoạt động tương tác cặp đôi giữa giáo viên với trẻ. Hay vói các trẻ có mức độ tăng động cao như liên tục thích chạy nhảy, giáo viên cần sử dụng hình thức nghe nhạc kết hợp đu đưa nhẹ nhàng hoặc cũng có thể kết hợp nghe nhạc và vẽ tranh,..Ngoài ra, giáo viên cũng có thể thiết các trò chơi âm nhạc kết hợp với nhạc cụ gõ, sắm vai các nhân vật để phân tán sự tăng động của trẻ, VD sau:

Trò chơi Sắm vai: “Những con vật ngộ nghĩnh “

Mục đích: rèn luyện khả năng tập trung chú ý và biểu cảm khi thể hiện hình tượng các con vật theo nhịp điệu âm nhạc

GV có thể lựa chọn bài hát : “Con lợn éc” sáng tác của Nguyễn Hà Hải

Thông qua các hình tượng âm nhạc xuất hiện trong bài hát, GV thiết kế thành các trò chơi kiểu phân vai cho các nhóm HS. Khi nhóm hát đến câu hát miêu tả con vật nào thì nhóm HS còn lại sẽ mô phỏng lại động tác/ hành động của con vật đó,..

Hoặc với một số bài nghe nhạc như: Gà trống, mèo con và cún con, con chim vành khuyên…

Giáo viên hướng dẫn các em tập trung lắng nghe và thể hiện cảm xúc qua nét mặt, điệu bộ, cử chỉ hay đung đưa người nhẹ nhàng theo nhịp điệu âm nhạc. Nếu khả năng của các em tốt hơn,  giáo viên có thể hướng dẫn các em thực hành vỗ tay hoặc gõ đệm theo nhịp hoặc tiết tấu đơn giản.

Ở một giai đoạn trẻ đã có những kiến thức và kĩ năng ở mức độ tương đối chủ động, giáo viên có thể thiết kế các hoạt động cặp đôi với hai học sinh hoặc nhóm nhỏ để các em cùng tham gia và hòa đồng với các bạn. Tuy nhiên, cũng tùy theo mức độ của trẻ mà giáo viên có thể hỗ trợ hoặc cùng chơi ở một vài lần  khi bắt đầu để các em có thể nhìn theo và thực hiện...

Trong suốt quá trình trị liệu cho trẻ thông qua các hoạt động với âm nhạc, giáo viên cần khen ngợi, động viên và khích lệ trẻ để giúp các em dần tự tin, mạnh dạn và tích cực thể hiện các nội dung, các yêu cầu của bài học âm nhạc mà giáo viên đưa ra. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần chia sẻ để cha mẹ các em cùng phối hợp với giáo viên trong suốt quá trình. Giáo viên có thể chuyển các nội dung và yêu cầu chung nhất của mỗi bài học để cha mẹ học sinh nắm được và cùng phối hợp với giáo viên. Có thể gợi ý hoặc hướng dẫn che mẹ học sinh cùng tương tác với trẻ khi ở nhà.

Định kì hay đột xuất, giáo viên có thể đề nghị cha mẹ học sinh cùng tham gia tiết học (quan sát trực tiếp hoặc qua camera) để nắm được các yêu cầu của bài học, nắm được mức độ thực hiện hay sự tiến bộ của con mình để phối hợp cùng giáo viên.

Trên đây là một số đề xuất cho việc dạy học âm nhạc, cùng một số phương pháp đề ra cho việc dạy học âm nhạc được rút ra từ thực tế dạy học âm nhạc mà tác giả đã tìm hiểu và phân tích. Với sự kì diệu và bay bổng của âm thanh âm nhạc, Giáo dục âm nhạc cho trẻ tăng động sẽ đem đến cho trẻ những bài học, những hoạt động thu hút, tạo môi trường nhân ái và thân thiện giúp các em dần kiềm chế sự tăng động và hòa đồng trong môi trường tương tác với giáo viên và các bạn.

Tài liệu tham khảo

1.Võ Thị Minh Chí (2003), Phương pháp phát hiện tượng rối nhiễu hành vi tăng động giảm chú ý ở học sinh THCS trong độ tuổi từ 11 đến 18, Đề tài cấp bộ, mã số B2001-49-12.

2. Nguyễn Văn Chí (2017), Biện pháp can thiệp giáo dục hành vi tăng động giảm chú ý cho học sinh tự kỉ tiểu học, chuyên ngành giáo dục đặc biệt, luận văn thạc sĩ giáo dục.

3. Phạm Thị Minh Hậu(2015), Biện pháp quản lí hành vi tăng động của trẻ rối loạn phổ tự kỉ 5-6 tuổi trong lớp mầm non hòa nhập, Luận văn thạc sĩ giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

4. Mai Thị Ánh Nguyệt (2019), Dạy âm nhạc cho trẻ tăng động giảm chú ý tại trung tâm Sunshine Music, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

5. Nguyễn Thị Qúy (2017), Nhận thức và hành vi tìm kiếm trợ giúp của cha mẹ cho trẻ có biểu hiện tăng động giảm chú ý ở tuổi Tiểu Học, Luận văn thạc sĩ Tâm lí học, Trường đại học Giáo dục.

6. Nguyễn Thị Quý, Thành Ngọc Minh, Nguyễn Thị Hồng Thúy, Nguyễn Phương Hồng Ngọc (2019), Đặc điểm trí tuệ của trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý tại Bệnh viện nhi trung ương, Đề tài nghiên cứu.

Một số một hoạt động giáo dục âm nhạc cho trẻ tăng động giảm chú ý ở Trung tâm giáo dục đặc biệt Quốc gia do tác giả và các giáo viên ở trung tâm giáo dục đặc biệt Quốc gia thực hiện.

Hình ảnh học sinh các lớp Thiên thần 1 và thiên thần 2 đang nhảy bài Tai đầu chân

Nguồn ảnh: Thầy Nguyễn Văn Được giáo viên hỗ trợ lớp TT2)

 Hình ảnh học sinh lớp TT2 đang nghe giai điệu đoan tên bài hát

Nguồn ảnh:Thầy Nguyễn Văn Được giáo viên hỗ trợ lớp TT2) 

Hình ảnh lớp thiên thần 1 đang học kí hiệu nốt nhạc bằng màu sắc

Nguồn ảnh: thầy Nguyễn Văn Được giáo viên hỗ trợ lớp TT2)